Theo thống kê đến đầu năm 2022, trên tuyến phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông có 48 cơ sở kinh doanh, trong đó có 38 cơ sở kinh doanh ẩm thực với các món ăn chủ yếu là bánh cuốn, xôi, cơm rang, cháo, phở, lẩu, gà tần… Thời gian qua, tuyến phố đã được quận Hoàn Kiếm cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, dần hình thành tuyến phố ẩm thực, là điểm đến phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các món ăn nhìn chung còn đơn điệu và không giữ được hương vị truyền thống; vệ sinh môi trường trong phố, từng hộ kinh doanh chưa tốt; các biển quảng cáo, quầy hàng phát triển tự phát, không thống nhất về kích cỡ, vị trí treo, đặt không thống nhất gây mất mỹ quan, thiếu biển chỉ dẫn, không nhận diện chung toàn khu, không có định vị rõ ràng…
Do vậy, việc xây dựng Đề án nâng cao chất lượng tuyến phố “Văn hóa ẩm thực” tại phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông là rất cần thiết để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên. Đồng thời, phát huy giá trị, tiềm năng, thế mạnh về văn hóa ẩm thực của tuyến phố, giới thiệu các món ăn ngon, độc đáo, đặc sắc của Phố cổ Hà Nội, góp phần phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của quận Hoàn Kiếm.
Đề án cũng nhằm mục tiêu từng bước hình thành tuyến phố đi bộ ẩm thực không giới hạn thời gian hoạt động (24/7), tạo không gian động lực, tiền đề cho phát triển kinh tế ban đêm toàn diện trên toàn địa bàn quận, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của quận, góp phần khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đề án, thời gian hoạt động của tuyến phố chia làm 2 giai đoạn 1 (từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023): vào các buổi tối trong tuần (mùa hè từ 19h00 đến 6h sáng hôm sau; mùa đông từ 18h00 đến 6h sáng hôm sau).
Giai đoạn 2 (từ tháng 4/2023): Không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần (24/7).
UBND quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai đồng bộ hóa nhận diện thương hiệu; biển bảng; menu; biển hiệu; sơ đồ biển chỉ dẫn, bộ tiêu chí đánh giá…
Đối với kinh doanh ẩm thực, ăn uống phải phải đảm bảo các tiêu chí, quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và thực hiện đầy đủ các quy định về văn minh thương mại và quy định về phòng chống cháy nổ.
Đối với các mặt hàng kinh doanh khác trên tuyến phố phải có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt; không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Bàn ghế, tủ quầy, mái che cần được thực hiện theo mẫu thiết kế, đảm bảo đồng bộ, văn minh, sạch đẹp.
Các hoạt động marketing và quảng bá cũng sẽ được đẩy mạnh với 4 sự kiện lớn Xuân, Hạ, Thu, Đông được tổ chức hằng năm; hoạt động không gian văn hóa ẩm thực sẽ được tổ chức qua các sự kiện food show, sự kiện offline chuyên đề: da handmade; thời trang; trang sức; đồ thủ công mỹ nghệ… workshop chuyên đề; các hoạt động không gian sáng tạo mỹ thuật đương đại cũng sẽ được tổ chức…
Đáng chú ý, tại tuyến phố, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức giới thiệu văn hóa ẩm thực Phố cổ Hà Nội và các hoạt động bổ trợ như trình diễn văn hóa và nghệ thuật; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… theo sơ đồ phân khu.
Riêng khu vực sân khấu trung tâm tại ngã ba phố Tống Duy Tân – ngõ Hàng Bông sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách đến với Tuyến phố ẩm thực.
Cùng với đó, công tác bố trí tiện ích công cộng, tổ chức duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh để thuận tiện cho nhân dân và du khách đến tham quan, mua sắm; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19… sẽ được triển khai đồng thờ, bảo đảm cho tuyến phố hoạt động hiệu quả.