Đồ chơi là người bạn đồng hành quan trọng và thân thiết trong mỗi giai đoạn phát triển của con trẻ. Thế nhưng bên cạnh việc mua các sản phẩm có sẵn, chúng ta hoàn toàn có thể tự sáng tạo cho bé nhiều món đồ chơi bổ ích ngay tại nhà. Cụ thể hơn, bài viết sau đây Vinpro sẽ chia sẻ 15 phương pháp tự làm đồ chơi cho trẻ mầm non nhanh chóng, dễ dàng mà ba mẹ không nên bỏ qua.
Contents
- 1 Lợi ích của việc tự làm đồ chơi cho trẻ mầm non
- 1.1 BẠN QUAN TÂM
- 1.2 Top các app giải toán cấp 2 THCS lớp 6, 7, 8, 9 TỐT nhất 2023
- 1.3 “Kỷ Niệm” trong Tiếng Anh là gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt
- 1.4 Giúp bé vui chơi an toàn để ba mẹ yên tâm hơn
- 1.5 Giúp tiết kiệm chi phí mua nhiều đồ chơi cho bé
- 1.6 Hoàn thiện nhân cách của bé, tăng sự gắn bó gia đình
- 1.7 Góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm
- 2 15 cách tự làm đồ chơi cho trẻ mầm non hữu ích
- 2.1 Làm đất sét từ bột mì cho bé 1 tuổi
- 2.2 Làm đồ chơi giúp bé nhận biết màu sắc
- 2.3 Tự làm trống lắc đồ chơi cho bé
- 2.4 Tự làm đồ chơi xếp hình bằng que kem
- 2.5 Tự làm đồ chơi trí nhớ Montessori
- 2.6 Làm khuôn mặt đa cảm xúc gây cười
- 2.7 Làm đồ chơi ném vòng tăng vận động
- 2.8 Tự làm bóng đá bằng vải cho bé
- 2.9 Cách làm thú bông đáng yêu
- 2.10 Tự làm sách vải hỗ trợ học tập cho bé
- 2.11 Làm hộp bi lắc phát triển trí thông minh
- 2.12 Làm máy bay đồ chơi bằng bìa cát tông
- 2.13 Tự làm cầu đi bộ đơn giản cho bé
- 2.14 Tự làm những con rối bóng thú vị
- 2.15 Tự làm đồ chơi mô hình xe ô tô cho bé
- 3 Lưu ý khi làm đồ chơi cho trẻ mầm non tại nhà
Lợi ích của việc tự làm đồ chơi cho trẻ mầm non
Tự làm đồ chơi cho bé là xu hướng được ưa chuộng và áp dụng bởi rất nhiều gia đình. Nguyên nhân phụ thuộc vào các lợi ích cụ thể như sau:
Giúp bé vui chơi an toàn để ba mẹ yên tâm hơn
Hiện nay, nhiều loại đồ chơi bán sẵn vẫn chứa chất hữu cơ TVOC, chất bảo quản, aromatic amine, phthalates… nhập lậu với chất lượng không đảm bảo. Nếu tiếp xúc nhiều có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh và hô hấp, cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.
Khi tự làm đồ chơi tại nhà, chúng ta sẽ tự xác định và lựa chọn được nguyên liệu an toàn, không chứa hóa chất độc hại. Ba mẹ có thể hoàn toàn an tâm khi cho bé vui chơi mà không phải lo lắng gì nhiều về những nguy cơ tiềm ẩn hay những hệ lụy mà con mình có thể gặp phải.
Giúp tiết kiệm chi phí mua nhiều đồ chơi cho bé
Trẻ em thường có tính hiếu kỳ nên mỗi khi có loại đồ chơi nào mới được bày bán, thậm chí chỉ cần vô tình thấy đồ chơi bắt mắt, các bé đều năn nỉ, vòi vĩnh bố mẹ mua cho. Không ít gia đình mỗi năm phải bỏ ra mấy triệu, hay cả chục triệu để mua cho bé những loại đồ chơi lạ mắt, độc đáo.
Bên cạnh đó, đồ chơi chính hãng mà chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thì cũng thường có giá cao. Tự làm đồ chơi cho bé tại nhà sẽ hỗ trợ ba mẹ tiết kiệm được một khoản chi phí vì có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có hay tìm mua ở ngoài với hàng sẵn và giá thành không quá đắt đỏ.
Hoàn thiện nhân cách của bé, tăng sự gắn bó gia đình
Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến nhiều ba mẹ như không có nhiều thời gian để cùng con chơi đùa. Tự làm đồ chơi cho bé không chỉ là việc của mỗi ba mẹ mà các bé cũng có thể tham gia góp sức giúp bé được gần gũi bố mẹ nhiều hơn, gắn kết tình cảm gia đình trở nên khăng khít hơn.
Đồng thời, tự làm đồ chơi cũng yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Ba mẹ có thể gợi ý và bày cho trẻ cùng tham gia làm một số công việc đơn giản như: trang trí, cắt dán,… kết hợp với việc dạy cho bé biết quý trọng công sức và thành quả lao động thông qua những việc tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt.
Góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm
Theo nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đưa tin, các nước Anh, Pháp từng mở chiến dịch thu hồi và tiêu hủy hàng loạt loại đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Lý do là vì bên trong chứa nồng độ chất độc gây nguy hiểm không chỉ cho trẻ mà còn tác động ghê gớm tới ô nhiễm môi trường.
Đồ chơi tự làm thường được ưu tiên chất liệu thân thiện, có thể phân hủy một cách dễ dàng như các loại gỗ, giấy… Vì thế nên tại nhiều gia đình, các bậc phụ huynh thường dành thời gian để làm đồ chơi cho trẻ mầm non để cùng bé có những giờ phút thư giãn, dạy bé cách bảo vệ môi trường và góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường thế giới.
15 cách tự làm đồ chơi cho trẻ mầm non hữu ích
Có rất nhiều cách làm đồ chơi cho trẻ mầm non tùy thuộc vào độ tuổi cụ thể và nguyên liệu khác nhau. Sau đây Vinpro sẽ là gợi ý 15 cách làm đơn giản và nhanh chóng nhất để tạo ra những món đồ chơi thú vị, bổ ích cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi cấp mầm non. Ba mẹ có thể lưu lại để tham khảo nhé!
Làm đất sét từ bột mì cho bé 1 tuổi
Đất sét là món đồ chơi giúp bé phát triển thị giác và sự sáng tạo, tăng cường vận động. Ngoài việc mua sẵn ở ngoài, ba mẹ có thể làm đất sét từ bột mì cho bé chơi vừa an toàn lại có thể chế ra nhiều màu hơn cho bé.
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 cốc bột mì
- 1/2 cốc muối
- 1/2 cốc nước
- Phẩm màu hoặc màu tự chế từ nghệ, lá dứa,…
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Trộn đều bột mì và muối lại với nhau rồi thêm nước vào.
- Bước 2: Nhào hỗn hợp bột mị và muối thật kỹ với nước cho đến khi không còn dính tay thì cho phẩm màu vào.
- Bước 3: Cán mỏng bột sau đó sử dụng khuôn cắt thành những hình thù khác nhau.
- Bước 4: Đem sản phẩm hoàn thành đi nướng ở 100 độ C trong khoảng 30′ hoặc phơi nắng cho đến khi khô là được.
Làm đồ chơi giúp bé nhận biết màu sắc
Giai đoạn mầm non, trẻ bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh nhiều hơn và đang phát triển các giác quan một cách toàn diện. Do đó, những món đồ chơi nhận biết màu sắc handmade bằng vải/giấy màu và que kem cũng là gợi ý ba mẹ nên thử cho bé.
Chuẩn bị dụng cụ
- Vải có nhiều màu sắc hoặc giấy màu
- Que kem ăn xong đã phơi khô
- Keo dán mua sẵn ngoài cửa hàng.
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Cắt vải hoặc giấy đã chuẩn bị thành những hình thù khác nhau: hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác,..
- Bước 2: Dán các hình cắt như trên lên những que kem đã phơi khô sạch sẽ.
- Bước 3: Ghi tên các loại màu sắc tương ứng lên trên que kem
- Mỗi lần cho bé chơi, ba mẹ chỉ cần dạy bé nhận biết màu sắc, sau đó hỏi lại, dần dần bé sẽ biết cách phân biệt và ghi nhớ nhanh hơn, tốt hơn.
Tự làm trống lắc đồ chơi cho bé
Trống lắc này là một món đồ chơi vừa quen thuộc vừa dễ làm mà ba mẹ có thể cân nhắc. Tuy hơn ồn một chút nhưng trẻ sẽ phát triển về thính giác, tăng cường vận động tay và thích thú thư giãn.
Chuẩn bị dụng cụ
- Súng bắn keo
- Băng dính nhiều màu sắc
- Hạt gỗ nhiều màu
- 1 Hộp tròn rỗng
- Que gỗ
- Dây len
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Khoan 1 lỗ vào hộp tròn rỗng có sẵn rồi luồn que vào lỗ đó để làm tay cầm của trống.
- Bước 2: Cố định que gỗ đã luồn qua bằng súng bắn keo cho chắc chắn.
- Bước 3: Khoan 2 bên hộp tròn thêm 2 lỗ rồi luồn dây len đã cố định thêm 2 hạt gỗ màu qua.
- Bước 4: Dùng băng dính nhiều màu đã chuẩn bị để trang trí 2 mặt của trống và que trống.
Tự làm đồ chơi xếp hình bằng que kem
Bên cạnh việc làm ra đồ chơi nhận biết màu sắc, que kem còn có thể sử dụng để làm đồ chơi xếp hình thông minh cho bé giúp bé tăng cường trí thông minh, tư duy logic và khả năng ghi nhớ, phản xạ.
Chuẩn bị dụng cụ
- Khoảng 10-15 que kem gỗ
- Giấy có sẵn hoặc vẽ hình ảnh con vật hay bất kỳ hình nào bé yêu thích.
- Keo dán giấy
- Kéo cắt giấy
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Xếp những que kem đã chuẩn bị vào và cố định và cố định chúng lại bằng keo.
- Bước 2: Có thể vẽ hoặc dán hình ảnh các khối hình học, hình ảnh con vật,… có sẵn lên đó.
- Bước 3: Lấy kéo để cắt những que kem ra riêng biệt và đảo vị trí của chúng cho hình vẽ bị rối lên.
- Bước 4: Cho bé chơi bằng cách xếp que kem sao cho được hình ảnh hoàn chỉnh ban đầu.
Tự làm đồ chơi trí nhớ Montessori
Đồ chơi Montessori được các chuyên gia khuyến khích vì lợi ích kích thích được tất cả các giác quan của trẻ. Ba mẹ có thể tự sáng tạo cho trẻ một sản phẩm đơn giản thuộc dòng đồ chơi này ngay tại nhà của mình.
Chuẩn bị dụng cụ
- Gỗ mỏng hoặc bìa các tông chất liệu an toàn
- Vải với nhiều màu khác nhau hoặc có thể thay thế bằng giấy màu, bìa cứng…
- Kéo cắt và bút viết
- Súng bắn keo với vải hoặc keo dán nếu dùng giấy màu
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Chuẩn bị 12 miếng gỗ hoặc cắt 12 hình tròn từ những tấm bìa các tông.
- Bước 2: Cắt các tấm vải (hoặc giấy màu) thành 6 dạng hình học phổ biến hoặc bất cứ hình thù gì ba mẹ muốn bé ghi nhớ. Mỗi hình dạng sẽ cắt 2 bản giống nhau và cùng màu.
- Bước 3: Dán tất cả những hình đã cắt lên miếng gỗ (hoặc miếng bìa các tông) để tạo ra bộ đồ chơi Montessori.
- Bước 4: Lạt úp miếng gỗ lại và cùng con tìm các cặp giống nhau để vui chơi khám phá.
Làm khuôn mặt đa cảm xúc gây cười
Thêm một món đồ chơi cũng có cách làm đơn giản hơn là khuôn mặt đa cảm xúc. Sản phẩm này không có quá nhiều tác dụng về giáo dục tư duy nhưng sẽ góp phần đem lại tiếng cười và tăng thêm nhận thức, hỗ trợ phát triển cảm xúc cho trẻ.
Chuẩn bị dụng cụ
- Bìa cát-tông màu trắng
- Bìa màu các loại
- Kéo cắt giấy
- Ghim giấy loại bẻ được
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Cắt bìa cắt-tông thành các hình khuôn mặt cùng các bộ phận như mắt, mũi, miệng, má… theo hình vẽ mẫu.
- Bước 2: Dán giấy màu lên các bộ phận khác nhau trên gương mặt rồi cố định chúng bằng ghim trên mặt.
- Ghim đó là loại có thể xoay được một cách dễ dàng để ba mẹ tùy ý xoay mắt, mày, mũi… tạo thành những biểu cảm khác nhau gây cười cho trẻ.
Làm đồ chơi ném vòng tăng vận động
Ở độ tuổi mầm non, trẻ không những tò mò, ham khám phá mà còn thích vận động nhiều hơn. Những món đồ chơi vận động như ném vòng do đó chính là ý tưởng ba mẹ không nên bỏ qua.
Chuẩn bị dụng cụ
- Đĩa giấy mua sẵn
- Sơn màu an toàn
- Lõi giấy
- Kéo cắt giấy
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Khoét tròn phần giữa đĩa giấy để tạo ra lỗ có thể xuyên qua lõi giấy dễ dàng.
- Bước 2: Để 1 chiếc đĩa giấy làm trụ và dính lõi giấy đã chuẩn bị lên.
- Bước 3: Cắt đĩa giấy khác thành những vòng tròn giống như vòng ném rồi sơn màu sắc tùy thích để hoàn thành.
Tự làm bóng đá bằng vải cho bé
Bóng vải cũng là 1 món đồ chơi tự làm tại nhà vô cùng quen thuộc và phổ biến mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Sản phẩm này sẽ giúp kích thích thị giác, đồng thời tăng cường vận động và thể chất cho bé.
Chuẩn bị dụng cụ
- Khoảng 6 miếng vải khác nhau, cần tối thiểu 2 màu đối lập để tạo sự nổi bật của của các hình ngũ giác trên bề mặt quả bóng.
- Bìa cứng
- Bông gòn
- Máy khâu mini, kim, chỉ.
- 1 quả chuông nhỏ (nếu có)
- Kéo cắt
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Phác họa hình ngũ giác giống như họa tiết trái banh lên bìa cứng rồi đặt lên vải để cắt.
- Bước 2: Cắt mỗi màu vải thành 2 hình ngũ giác có màu giống nhau với kích thước tùy ý, miễn sao phù hợp tầm tay và lứa tuổi của trẻ.
- Bước 3: May 2 miếng vải ngũ giác khác màu lại với nhau rồi may liền 1 lúc 5 hình ngũ giác xung quanh 1 hình ngũ giác ở giữa để tạo thành nửa quả bóng.
- Bước 4: Úp mặt phải của 2 phần nửa quả bóng vào với nhau theo mặt phải sao cho đỉnh của 1 ngũ giác nửa quả bóng bên này tiếp giáp với đỉnh chung của 2 hình ngũ giác ở nửa quả bóng bên kia.
- Bước 5: Nhét nhiều bông vào và xoay đều vào bên trong để tạo ra quả bóng căng đều đẹp, có thể gắn thêm chuông nhỏ để tạo ra những âm thanh leng keng vui tai.
Cách làm thú bông đáng yêu
Đồ chơi con vật luôn được các bé yêu thích nên khi làm đồ chơi cho bé, chúng ta chắc chắn không thể bỏ qua thú bông hình động vật. Cụ thể ở đây là gợi ý về cách làm thú bông đơn giản cho bé ngay tại nhà.
Chuẩn bị dụng cụ
- Vải nỉ các màu tương ứng với con vật định làm
- Đôi mắt nhựa khoảng 4mm có thể mua sẵn
- Bông nhồi thú bông.
- Keo dán vải
- Giấy, bút, ghim
- Kim, chỉ thêu, kéo cắt
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Vẽ phác họa các phần tạo nên con vật với bộ phận tai, mũi, thân, đầu… rồi ghim lên các tấm vải tương ứng để cắt theo.
- Bước 2: Sắp xếp các mảnh vải vừa cắt xong theo thứ tự, khâu 2 mặt lại với nhau để tạo thành các bộ phận.
- Bước 3: Khâu thân, khâu tai rồi khâu các bộ phận khác lên đầu và thân của con vật.
- Bước 4: Nhồi bông vào bên trong với độ chặt vừa phải để tạo ra những con vật mũm mĩm, dễ thương.
Tự làm sách vải hỗ trợ học tập cho bé
Bên cạnh việc mua sách vở có sẵn ngoài hàng, ba mẹ hoàn toàn có thể tự tạo ra những cuốn sách bằng vải an toàn và độc đáo để giúp trẻ tăng cường nhận thức, kích thích sự phát triển tư duy ngay từ khi còn nhỏ. Đây được xem là món đồ chơi học tập rất hữu ích dành cho các bạn nhỏ.
Chuẩn bị dụng cụ
- Vải dạ nhiều màu
- Băng dính gai, bông gòn
- Dụng cụ đục lỗ, kéo cắt
- Máy khâu mini hoặc kim chỉ
- Keo sữa, bút chì
- Các phụ kiện trang trí như khuy áo, ruy băng…
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Cắt vải dạ thành hình vuông hoặc hình chữ nhật để làm trang sách với kích thước tùy ý.
- Bước 2: Trang trí thêm các họa tiết nho nhỏ trên mỗi trang sách cho đẹp mắt, chú ý chừa ra khoảng trống ở giữa và một phần bên trái để làm gáy sách.
- Bước 3: Phác họa các hình thù ngộ nghĩnh rồi cắt vải dạ thành hình tương ứng.
- Bước 4: Dùng keo sữa, băng dính gai hoặc kim chỉ để cố định các chi tiết này lên trang sách đã làm bên trên.
- Bước 5: Sử dụng dụng cụ đục lỗ tròn để tạo lỗ trên gáy sách, sau đó dùng vòng inox móc lại với nhau.
Làm hộp bi lắc phát triển trí thông minh
Hộp bi lắc là một món đồ chơi có tính “ganh đua” mang đến rất nhiều niềm vui cho bé dù chơi một mình hay chơi cùng người thân, bạn bè. Nó hỗ trợ tăng cường khả năng phán đoán, suy luận và phản xạ nhanh trí, tinh mắt của bé tốt hơn.
Chuẩn bị dụng cụ
- 1 hộp giấy chắc chắn các góc
- 6 que gỗ (dài khoảng 35cm)
- Giấy gói quà
- 12 cái kẹp gỗ
- Keo màu, keo sữa
- Thước kẻ, dao rọc giấy, kéo, bút vẽ
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Cắt và đo chiều dài, chiều rộng hộp giấy để đảm bảo kích thước gợi ý là 30 x 20cm.
- Bước 2: Vẽ các ô vuông nhỏ theo mặt bên chiều dài của hộp giấy với kích thước mỗi ô là 1 x 1 cm và khoảng cách giữa ô thứ nhất với ô thứ 2 là 5cm.
- Bước 3: Vẽ tương tự với mặt bên còn lại của hộp giấy đã cắt bên trên sau đó dùng dao rọc giấy, cắt bỏ các ô vuông nhỏ đã cắt.
- Bước 4: Vẽ ở mặt bên của chiều rộng hộp giấy một hình chữ nhật có kích thước dài x rộng là 12 x 7cm rồi lấy dao rọc giấy rọc bỏ phần vẽ ra và làm tương tự với mặt bên kia.
- Bước 5: Dùng keo sữa để dán các mặt của hộp giấy, sau đó dùng keo màu để quấn đều quanh các que gỗ.
- Bước 6: Từ từ cho từng que gỗ đã dán keo màu vào từng ô vuông nhỏ đã đục rồi dùng kẹp gỗ kẹp lần lượt vào từng que gỗ. Số lượng que gỗ nhiều ít tùy theo nhu cầu.
Làm máy bay đồ chơi bằng bìa cát tông
Máy bay đồ chơi là món đồ chơi cho bé mà ba mẹ có thể tự làm tại nhà bằng cách đơn giản mà rất nhiều gia đình thường áp dụng. Món đồ chơi này đem đến cho bé nhiều trải nghiệm thú vị, đồng thời tăng cường vận động tốt hơn.
Chuẩn bị dụng cụ
- 1 hộp carton có kích thước lớn hơn vóc dáng của bé
- Kéo cắt giấy, băng dính, bút dạ tô màu
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Dùng kéo để cắt bỏ 4 mảnh bìa ở phần nắp hộp rồi dùng bút màu đánh dấu và cắt theo chiều vòng cung tại mép trên của 2 cạnh dài sau khi đã cắt bỏ những mảnh phần nắp hộp.
- Bước 2: Cắt phần bìa cát tông vừa cắt bỏ thành những bộ phận của chiếc máy bay đồ chơi.
- Bước 3: Dùng kéo để tạo 2 khe nhỏ ở 2 bên sườn chiếc máy bay đồ chơi sao cho chúng có chiều rộng bằng chiều rộng phần cánh máy bay đồ chơi đã chuẩn bị.
- Bước 4: Dùng kéo tạo 1 khe ở 1 cạnh của miếng bìa khác rồi ráp miếng bìa có hình đuôi vào khe nhỏ này để làm bộ phận đuôi và dùng keo dán dán chặt.
- Bước 5: Cắt 1 hình tròn nhỏ từ những mảnh bìa vừa cắt đi không sử dụng rồi dùng băng dính dán 2 miếng bìa đối xứng 2 bên của hình tròn nhỏ để làm cánh quạt máy bay. Sau đó dùng băng dính hoặc keo dán dán chặt vào phần đầu của máy bay.
- Bước 6: Ba mẹ có thể dùng bút dạ màu để trang trí thêm cho chiếc máy bay đồ chơi này sinh động hơn.
Tự làm cầu đi bộ đơn giản cho bé
Cầu đi bộ tự chế là sản phẩm giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng sự hiểu biết về hình dạng và màu sắc, đồng thời rèn luyện khả năng vận động rất tốt.
Chuẩn bị dụng cụ
- Giấy màu dày dặn hoặc bìa cát tông
- Bìa cát tông, bút màu (nếu thích);
- Kéo, bút và compa, bút chì, thước kẻ
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Vẽ các hình tùy thích như hình tròn, hình vuông, hình tam giác,…lên giấy màu hoặc bìa cát tông (nên tô màu từng hình).
- Bước 2: Dùng kéo cắt theo đường vẽ bên trên để được những hình theo ý thích.
- Bước 3: Đặt các hình một cách ngẫu nhiên trên sàn nhà và xây dựng các con đường khác nhau để đi đến đích.
- Bước 4: Hướng dẫn bé chỉ được đi trên những tờ giấy đó cho đến vạch đích.
Tự làm những con rối bóng thú vị
Rối bóng tự làm tại nhà là một sản phẩm khác được các bé yêu thích vì hình thù đa dạng và cách chơi thú vị. Trẻ có thể thông qua việc chơi con rối bóng để tăng cường vận động, giảm căng thẳng và phát triển trí tưởng tượng của mình.
Chuẩn bị dụng cụ
- Hộp ngũ cốc rỗng
- Giấy A4
- Băng dính
- Giấy bìa màu đen
- Que gỗ nhỏ
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Cạy các mặt nắp của hộp ngũ cốc ra và trải phẳng rồi cắt ra 2 hình chữ nhật lớn trên mỗi mặt của hộp ngũ cốc với kích thước gợi ý là 19 x 28cm.
- Bước 2: Khoét 1 mặt bên trên và dán giấy A4 trắng phủ lên tạo màn hình múa con rối bóng sau đó lắp lại hộp, cắt bỏ nắp hộp thừa.
- Bước 3: Vẽ rồi cắt các hình thù con rối bằng giấy A4 đen và dính vào đầu cây gỗ đã chuẩn bị.
- Bước 4: Trang trí tùy theo ý muốn và để con rối gỗ với màn hình chiếu ở mặt sau 1 bóng đèn chiếu.
Tự làm đồ chơi mô hình xe ô tô cho bé
Đồ chơi ô tô mô hình là sản phẩm hầu như bé nào cũng yêu thích. Sản phẩm này có cách làm đơn giản từ vỏ hộp sữa, dễ dàng tạo ra được nhiều thiết kế sinh động, thỏa mãn khát khao khám phá thế giới xung quanh, nâng cao nhận thức của các bé.
Chuẩn bị dụng cụ
- Nắp chai nhựa
- Ống hút
- Hộp giấy
- Giấy bóng kính
- Giấy đề can
- Băng dính
Hướng dẫn cách làm
- Bước 1: Đục thủng một lỗ nhỏ trên các nắp chai nhựa đã chuẩn bị để làm bánh xe ô tô.
- Bước 2: Gắn que xiên vào rồi cho ống hút sữa vào giữa, sau đó gắn nắp chai vào đầu kia.
- Bước 3: Gắn bánh xe vào chiếc hộp và cắt bỏ phần bên của hộp để làm các cánh cửa sổ cho xe.
- Bước 4: Dùng giấy bóng kính, giấy đề can, băng dính trong để dán trang trí thân xe là hoàn thành.
Lưu ý khi làm đồ chơi cho trẻ mầm non tại nhà
- Khi làm đồ chơi tại nhà cho trẻ mầm non, ba mẹ nên ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu tái chế sạch sẽ và an toàn, không dùng các nguyên vật liệu sắc nhọn dễ vỡ vì có thể gây thương tích cho trẻ.
- Không nên làm những món đồ chơi có kích thước quá nhỏ, trọng lượng quá nặng hoặc có góc cạnh sắc nhọn vì sẽ làm bé bị đau, bị trầy xước, rơi vào người hoặc nuốt phải gây nguy hiểm.
- Nên tìm hiểu và làm những món đồ chơi đơn giản, phù hợp với độ tuổi của trẻ, không nên làm đồ chơi quá khó hay trừu tượng khiến bé chán nản, không có hứng thú để chơi.
Trên đây là chia sẻ về những cách làm đồ chơi cho trẻ mầm non đơn giản và nhanh chóng, đảm bảo an toàn cũng như nhiều lợi ích tốt cho bé. Mong rằng sau khi theo dõi, các bậc phụ huynh đã bỏ túi thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích và áp dụng thực hiện hiệu quả. Nếu vẫn còn vấn đề nào khác, ba mẹ đừng ngại liên hệ để được hỗ trợ ngay nhé!