Các biện pháp tu từ là nội dung quan trọng trong chương trình ngữ văn. Nó cũng thường xuyên có mặt trong các bài tập đọc hiểu, xác định những biện pháp tu từ và phân tích tác phẩm văn học… Nếu không học vững bạn sẽ dễ dàng bỏ lỡ những câu “ăn điểm” này. Hãy cùng WElearn tìm hiểu về cách nhận biết các biện pháp tu từ đúng và chính xác nhé
>>>> Xem thêm: Gia sư Ngữ Văn dạy kèm tại nhà cho học sinh
Contents
1. Biện pháp tu từ là gì?
Phép tu từ được hiểu một cách đơn giản là cách sử dụng ngôn từ (từ ngữ, câu văn hay đoạn văn) theo mục đích để tăng tính gợi hình gợi cảm hay tăng giảm mức độ quan trọng của vấn đề cần nói đến.
Mục đích của việc sử dụng phép tu từ trong tiếng Việt là để tăng tính thẩm mỹ, bày tỏ được cảm xúc và nét đặc trưng riêng cho từng sản phẩm.
2. Các biện pháp tu từ
Có rất nhiều các biện pháp tu từ. Tuy nhiên, ở đây WElearn liệt kê ra một số phép thường gặp nhất trong chương trình phổ thông.
2.1. So sánh
Khái niệm: so sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng
Có các kiểu so sánh sau:
- Phân loại theo mức độ
- So sánh ngang bằng: Ví dụ: Tóc đen như gỗ mun
- So sánh không ngang bằng: Những ngôi sao thức ngoài kia, chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
- Phân loại theo đối tượng
- So sánh các đối tượng cùng loại. Ví dụ:“Cô giáo em hiền như cô Tấm”
- So sánh khác loại. Ví dụ: “Anh đi bộ đội sao trên mũ – Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
- So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng và ngược lại. Ví dụ: “Trường Sơn: chí lớn ông cha – Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào”
Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật được nhắc tới, khiến cho câu văn thêm phần sinh động, gây hứng thú với người đọc
Dấu hiệu nhận biết: Có các từ ngữ so sánh: “là”, “như”, “bao nhiêu…bấy nhiêu”. Tuy nhiên, các em nên lưu ý một số trường hợp, từ ngữ so sánh bị ẩn đi.
Ví dụ:
- Trẻ em như búp trên cành
- Người ta là hoa đất
2.2. Nhân hóa
Khái niệm: Là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ,… vốn dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật,…
Phân loại:
- ùng từ gọi con người để gọi tên sự vật, sự việc. Ví dụ: Chị ong nâu, ông mặt trời, bác gà trống, nàng gió,…
- Dùng từ vốn để chỉ hành động, tính chất của con người để nói về sự vật / con vật. Ví dụ: Những sợi cỏ tựa lưng vào nhau, hớn hở đón nắng, gió thì thầm to nhỏ câu chuyện hôm qua mây hờn dỗi mặt trời nên giờ chẳng thấy tăm hơi.
- Trò chuyện với vật như với người. Ví dụ: “Trâu ơi ta bảo trâu này” – (ca dao Việt Nam)
Tác dụng: Làm cho sự vật, đồ vật, cây cối trở nên gần gũi, sinh động, thân thiết với con người hơn
Dấu hiệu nhận biết: Các từ chỉ hoạt động, tên gọi của con người: ngửi, chơi, sà, anh, chị,…
Ví dụ:
- Chị ong nâu nâu nâu nâu/ chị bay đi đâu đi đâu”
- Heo hút cồn mây súng ngửi trời
2.3. Ẩn dụ
Khái niệm: Ẩn dụ là phương thức biểu đạt gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó
Phân loại:
- Ẩn dụ hình thức – Người nói hoặc người viết cố tình giấu đi một phần ý nghĩa trong câu. Ví dụ: “Đầu đường lửa lựu lập lòe đơm bông” (Lửa lựu là ẩn dụ hình ảnh bông hoa cây lựu đỏ như màu lửa)
- Ẩn dụ cách thức – Người nói thể hiện vấn đề bằng nhiều cách, qua đó diễn đạt được hàm ý nào đó. Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” (Quả là ẩn dụ cách thức chỉ “thành quả” lao động, kẻ trồng cây là ẩn dụ chỉ người đã tạo ra thành quả đó.)
- Ẩn dụ phẩm chất – thay thế phẩm chất của sự vật hoặc hiện tượng này bằng phẩm chất của sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở tương đồng. Ví dụ: “Người cha mái tóc bạc / đốt lửa cho anh nằm”. (Người cha là ẩn dụ để nói về Bác Hồ, thể hiện ngụ ý về sự ân cần của Bác như người thân và bày tỏ lòng kính yêu với Bác như cha mẹ sinh thành.)
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – từ diễn đạt tính chất, đặc điểm của sự vật được cảm nhận bằng giác quan này nhưng được dùng để miêu tả cảm nhận trên giác quan khác. Ví dụ: Giọng nói cô ấy thật ngọt ngào (Giọng nói được nhận biết qua thính giác (tai) nhưng lại dùng từ miêu tả cảm nhận của vị giác (ngọt ngào) để diễn đạt)
Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
Dấu hiệu nhận biết: Các sự vật dùng để ẩn dụ có nét tương đồng với nhau
Ví dụ: “Người cha mái tóc bạc/ đốt lửa cho anh nằm/ rồi Bác đi dém chăn/ từng người từng người một”
⇒ Người cha, Bác chính là: Hồ Chí Minh
2.4. Hoán dụ
Khái niệm: Là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi
Phân loại:
- Lấy bộ phận chỉ toàn thể. Ví dụ: “Anh ta nhanh chóng bị hạ gục bởi một tay bắn súng cừ khôi”. (Tay bắn súng: Hoán dụ lấy “tay” – bộ phận cơ thể để chỉ toàn bộ 1 con người.)
- Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng. Ví dụ: “Vì sao Trái Đất nặng ân tình / Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh” – thơ Tố Hữu. (Trái Đất là vật chứa đựng dùng để chỉ vật bị chứa đựng chính là dân tộc Việt Nam.)
- Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi tên sự vật. Ví dụ: Mập mờ áo hồng bên hiên lớp / Bối rối mắt xanh trốn má đào. (Áo hồng và má đào đều là dấu hiệu của một cô gái, mắt xanh là dấu hiệu của một chàng trai trẻ bối rối khi đứng trước người mình thích.)
- Lấy cái cụ thể gọi tên cái trừu tượng. Ví dụ: “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – (cao dao Việt Nam). (Một cây và Ba cây là hoán dụ để chỉ số lượng ít và số lượng nhiều.)
Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt
Dấu hiệu nhận biết: Đọc kĩ khái niệm
Ví dụ: “Áo nâu cùng với áo xanh/ Nông thôn cùng với thành thị đứng lên”
⇒ Áo nâu đại diện cho người nông dân của vùng nông thôn, áo xanh đại diện cho giai cấp công nhân của thành thị
2.5. Nói quá
Khái niệm: Là biện pháp tu từ phóng đại quy mô, mức độ, tính chất của sự vật, hiện tượng
Tác dụng: Giúp hiện tượng, sự vật miêu tả được nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm
Dấu hiệu nhận biết: Những từ ngữ cường điệu, khoa trương, phóng đại so với thực tế
Ví dụ: “Lỗ mũi mười tám gánh lông/ chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho”.
2.6. Nói giảm, nói tránh
Khái niệm: Là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển
Tác dụng: Tránh gây cảm giác đau thương, ghê sợ nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự
Dấu hiệu nhận biết: Các từ ngữ diễn đạt tế nhị, tránh nghĩa thông thường của nó:
Ví dụ: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi/ Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời”
⇒ Ở 2 câu thơ này từ “đi” đã được sử dụng thay cho từ “chết” để tránh cảm giác đau thương mất mát cho người dân Việt Nam
2.7. Điệp từ, điệp ngữ
Khái niệm: Là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ
Phân loại
- Điệp ngữ cách quãng:
Ví dụ
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều
(Gửi em, cô gái thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật)
- Điệp ngữ nối tiếp:
Ví dụ
“Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)
- Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng):
Ví dụ
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Tác dụng: Làm tăng cường hiệu quả diễn đạt như nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc, vần điệu cho câu thơ, câu văn.
Dấu hiệu nhận biết: Các từ ngữ được lặp lại nhiều lần trong đoạn văn, thơ
Lưu ý: Phân biệt với lỗi lặp từ
Ví dụ: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” ⇒ Từ “giữ” được nhắc lại 4 lần nhằm nhấn mạnh vai trò của tre trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
2.8. Chơi chữ
Khái niệm: Là biện pháp tu từ sử dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ
Tác dụng: Tạo sắc thái dí dỏm, hài hước, làm câu văn hấp dẫn và thú vị
Ví dụ: “Mênh mông muôn mẫu màu mưa/ mỏi mắt miên man mãi mịt mờ”
2.9. Liệt kê
Khái niệm: Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt các cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
Phân loại
- Phân loại theo cấu tạo:
- Liệt kê theo từng cặp (Ví dụ: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải…)
- Liệt kê không theo từng cặp (Ví dụ: Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau…)
- Phân loại theo ý nghĩa:
- Liệt kê tăng tiến (Ví dụ: Tiếng Việt … của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm…)
- Liệt kê không tăng tiến (Ví dụ: Vào giờ ra chơi, từng nhóm học sinh chơi đá cầu, nhảy dây, đá bóng… rất vui vẻ).
Tác dụng: Diễn tả cụ thể, toàn điện, đầy đủ hoặc để nhấn mạnh nội dung
Ví dụ: “cúc, mai, lan, ly, hồng,… mỗi loài một hương, mỗi loài một sắc”
Lưu ý khi sử dụng biện pháp liệt kê:
- Tất cả các từ liệt kê phải chung một chủ đề hay có 1 nghĩa chung tổng quát nhất định.
- Với phương pháp tăng tiến, cần xác định đúng thứ tự theo vị trí thấp đến cao.
- Giữa các từ cần cách nhau bởi dấu phẩy, chấm phẩy hoặc các từ kết hợp như “ với, và”.
- Biện pháp này xuất hiện nhiều trong văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn… hầu như hiếm khi xuất hiện trong thơ ca.
- Cần phân tích, kiểm tra nếu các từ có liên quan ngữ nghĩa với nhau thì đó là phép liệt kê. Ngược lại có thể là biện pháp tu từ khác.
2.10. Tương phản
Khái niệm: Tương phản là biện pháp tu từ sử dụng từ ngữ đối lập, trái ngược nhau
Tác dụng: Giúp tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ:
Đoạn thơ dưới đây được trích trong bài thơ “Tấm ảnh”
“O du kích nhỏ giương cao sung
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế, to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”
(Tố Hữu)
3. Các biện pháp tu từ cú pháp
3.1. Đảo ngữ
Khái niệm: Đảo ngữ là thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường trong một câu, nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm của đối tượng.
Ví dụ:
Nhớ nước đau lòng/ con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng/ cái gia gia
(Qua đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
3.2. Điệp cấu trúc
Khái niệm: Là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn có cùng kết cấu ngữ pháp nhằm nhấn mạnh về nội dung, tạo sự nhịp nhàng cân đối cho văn bản.
Ví dụ:
- Chúng/ thi hành những luật pháp dã man. Chúng/ lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
- Chúng/ lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng/ thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng/ tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh)
3.3. Chêm xen
Khái niệm: Chêm xen là thêm vào câu một cụm từ không có quan hệ trực tiếp đến quan hệ ngữ pháp trong câu văn, nhưng có mục đích bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấu gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.
Ví dụ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
(Hương thầm, Phan Thị Thanh Nhàn)
3.4. Câu hỏi tu từ
Khái niệm: Câu hỏi tu từ là sử dụng câu hỏi nhưng không mang mục đích để biết câu trả lời, mà thường khẳng định nội dung được nhắc đến trong câu hỏi.
Ví dụ
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)
3.5. Phép đối
Khái niệm: Phép đối là cách sắp xếp từ ngữ, cụm từ, câu ở vị trí cân xứng nhau, tạo nên hiệu quả giống nhau trái ngược nhau nhằm gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh, hài hòa, diễn đạt nội dung nào đó.
Ví dụ
Từ /Triệu,/ Đinh, /Lý,/ Trần; /bao đời xây nền độc lập
Cùng/ Hán, /Đường,/ Tống, /Nguyên;/ mỗi bên hùng cứ một phương;
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
4. Tại sao hay nhầm lẫn các biện pháp tu từ với nhau
- Ẩn dụ: So sánh ngầm 2 sự vật, hiện tượng có tính chất tương đồng nhau với hiệu quả tạo ra nghĩa bóng so với nghĩa gốc của nó
- Hoán dụ: Lấy một sự vật, hiện tượng ngầm để chỉ cái lớn lao hơn
5. Bài tập ví dụ các biện pháp tu từ
Bài 1: Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng trong câu văn sau:
Trăng bao nhiêu tuổi là trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non
Trả lời: Hai câu thơ trên đã sử dụng biện pháp tu từ Điệp ngữ và Chơi chữ.
Điệp ngữ “Bao nhiêu tuổi” được lặp lại 2 lần với ý muốn nói đến sự bất tận của trăng và núi. Trăng và núi không hề có tuổi tác. trăng luôn sống mãi với núi, luôn xanh tươi.
Ngoài ra biện pháp nghệ thuật Chơi chữ đã dùng cặp từ trái ngữ là ” già” và “non ” chỉ sự vĩnh cửu của trăng và núi.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Trả lời:
Hai câu thơ trên đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa và so sánh.
Biện pháp tu từ so sánh đã được sử dụng trong câu thơ “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” ý muốn nói mặt trời trong lúc hoàng hôn buông xuống có màu đỏ, cảnh hoàng hôn trở nên huy hoàng, tráng lệ.
Biện pháp nhân hoá trong câu ”sóng đã cài then” và “đêm sập cửa”. Giúp thiên nhiên có linh hồn, trở nên gần gũi, vũ trụ giống như một ngôi nhà chung ấm áp.
Bài 2: Tìm hoán dụ dựa vào vật chứa đựng và vật bị chứa đựng
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc đến tên người Hồ Chí Minh.
( Theo chân Bác – Tố Hữu).
Ta dễ dàng nhận ra trái đất là vật chứa đựng bởi nó là từ chỉ ý nghĩa tổng quát, bao trùm lên tất cả. Nó biểu thị cho tất cả con người sống trên mặt đất (vật bị chứa đựng).
Vì thế trái đất ở đây là hình ảnh hoán dụ.
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha.
( Bác ơi – Tố Hữu).
Miền Nam là vật chứa đựng, nó biểu thị cho tất cả con người đang sống ở miền Nam (vật bị chứa đựng). Vì thế miền Nam là hình ảnh hoán dụ.
Như vậy, WElearn gia sư đã giúp bạn tổng hợp lại những kiến thức về các phép tu từ, Cách Nhận Biết Các Biện Pháp Tu Từ Đúng Và Chính Xác. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn nắm vững về các biện pháp tu từ hơn. Chúc bạn thành công nhé!
Xem thêm dàn ý và các bài văn mẫu khác
- Dàn Ý Giải Thích Câu Tục Ngữ Thất Bại Là Mẹ Thành Công Chi Tiết Nhất
- Kể Lại Câu Chuyện Ba Lưỡi Rìu Lớp 4 Hay Nhất
- Dàn Ý Và Bài Văn Tả Cây Bút Mực Lớp 4 Hay Nhất