“Toxic relationship” – cụm từ dùng để chỉ những mối quan hệ độc hại mà trong đó người ta đang cảm thấy đau khổ từng ngày. Đó có thể là tổn thất về tinh thần hay cả về thể chất. Dù ở hoàn cảnh nào thì bạn cũng không thể cho phép mình sống trong một mối quan hệ tạo ảnh hướng xấu như thế. Vậy đâu là dấu hiệu để mọi người nhận biết liệu mình có đang trong một mối quan hệ độc hại hay không?
1. Bạn bị đối phương quản lý
Ví dụ cụ thể, như trong tình yêu, nếu bạn bị đối phương kiểm soát việc được gặp ai và không được gặp ai thì đó chính là dấu hiệu lớn nhất của một mối quan hệ toxic. Đối phương luôn tìm cách cô lập bạn với bạn bè, đồng nghiệp, bạn khác giới,.. để tạo cảm giác bạn là của riêng một mình họ. Ngoài ra, những điều tưởng nhỏ như họ gây áp lực lên cách bạn tiêu tiền, có sở thích riêng hay làm công việc mình thích cũng rất nguy hiểm.
Trên thực tế thì hiện nay vẫn có không ít những trường hợp như vậy nên mọi người hãy luôn tỉnh táo chứ đừng tự phụ thuộc vào “partner” của mình nhé!
2. Đối phương luôn khiến bạn cảm thấy tội lỗi
Thay vì đề cập thẳng thắn để hai bên cùng giải quyết thì đối phương tìm cách nói chuyện để bạn luôn thấy mình là người gây ra lỗi lầm. Mẫu câu điển hình như “Nếu em bỏ anh thì anh còn cần cố gắng trong cuộc sống làm gì nữa” hoặc “Tại sao anh cứ hay đi chơi với bạn mà không quan tâm tới em?” đều không giúp cho mối quan hệ tốt lên mà chỉ khiến hai bên phụ thuộc vào nhau sâu hơn. Họ luôn biết cách để bạn cảm thấy bạn là người phải chịu trách nhiệm cho mối quan hệ này, hay thậm chí cho cuộc sống của họ.
3. Đối phương xem nhẹ cảm xúc của bạn
Với Châu nếu một người yêu thương bạn thật lòng thì họ sẽ không bao giờ bỏ mặc bạn mỗi khi bạn khó chịu, tức giận hay buồn bã. Thay vì quan tâm hay hỏi han bạn thì họ lại buông những câu nhằm đổ lỗi cho bạn đang làm quá lên và hãy mau mau tự vượt qua nó.
Khi đó, có lẽ bạn thật sự nên cân nhắc về mối quan hệ này vì ngay cả cảm xúc của bạn mà họ đã không thể thông cảm thì rất khó để họ có thể đồng hành cùng bạn lâu dài.
4. Bạn luôn phải cố gắng làm một người khác khi ở cạnh đối phương
Không chỉ riêng trong tình yêu mà bất cứ mối quan hệ nào cũng vậy, sự cân bằng luôn là điều quan trọng. Nếu bạn cảm thấy phải dè chừng mọi thứ khi đứng trước mặt đối phương và luôn tìm cách làm hài lòng họ, hoặc bạn luôn là người đi xin lỗi trước, thì đó là dấu hiệu khi mối quan hệ đã mất cân bằng giữa hai bên.
Hãy tránh việc đánh mất chính mình khi đối diện với người khác và chỉ tiếp tục mối quan hệ với những ai tôn trọng con người thật của bạn nhé!
5. Đối phương luôn so sánh bạn với người khác
Mỗi chúng ta đều có những giá trị riêng dù tốt hay xấu. Việc bị chính người thân và yêu mình liên tục đi so sánh với người khác là một điều khó chấp nhận. Những câu nói vô tình hoặc cố ý đó đôi khi sẽ là “đòn chí mạng” để kết thúc một mối quan hệ bất cứ lúc nào.
6. Mệt mỏi vì những cuộc cãi vã
Bất đồng quan điểm chắc chắn là không thể thiếu trong các mối quan hệ và đặc biệt là tình yêu. Tuy nhiên tần suất giữa các cuộc cãi vã sẽ cho bạn biết được tình trạng của mối quan hệ. Thậm chí những lần cãi nhau ấy đôi lúc còn tác động một cách tiêu cực tới cuộc sống của bạn hằng ngày, thì chắc chắn có điều gì đó không ổn.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi thì điều bạn cần đó là những phút giây thư giãn bên nhau chứ không phải dấn mình vào những cuộc gây gỗ mệt đừ người kèm theo đó là sự bực tức. Đừng viện cớ này kia, vì cuối cùng thì mối quan hệ nên giúp bạn cảm thấy tốt hơn, chứ không phải là thất vọng kéo dài.
7. Tổn thất về tiền bạc
Tiền bạc vốn luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm của các mối quan hệ. Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại ngày nay thì việc càng rạch ròi bao nhiêu trong tiền bạc thì mối quan hệ đó sẽ càng bền vững bấy nhiêu.
Ngay cả trong tình yêu cũng vậy, bạn đừng ngại chia sẽ cho đối phương biết nếu bạn đang gặp áp lực về tài chính. Đừng cứ mãi im lặng để rồi những cuộc hẹn đắt đỏ hay các món quà giá trị luôn đè nặng lên tâm trí của bạn.