Tự bản thân mình, giai cấp công nhân không thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là khách quan, song để biến khả năng khách quan thành hiện thực thì phải thông qua những nhân tố chủ quan. Trong những nhân tố ấy, việc thành lập Đảng Cộng sản với lý luận tiên phong, trung thành với sự nghiệp, lợi ích giai cấp là nhân tố quyết định đảm bảo cho việc thực hiện sứ mệnh lịch sử thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Contents
Khái niệm Đảng Cộng sản
Đảng Cộng sản là chính đảng của giai cấp công nhân. Nó là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng Cộng sản bao gồm những bộ phận tiên tiến của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Đảng Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của mình.
Như vậy, Đảng Cộng sản mang bản chất giai cấp công nhân, không tách rời với giai cấp công nhân, nhân dân lao động.
Tính tất yếu ra đời Đảng Cộng sản
Đảng Cộng sản ra đời là tất yếu lịch sử của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Bởi vì, khi chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo, giai cấp công nhân chỉ có thể đấu tranh tự phát, đấu tranh vì mục đích kinh tế, vì cơm ăn áo mặc, cải thiện sinh hoạt, chứ không phải đấu tranh với tư cách là một giai cấp nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Chỉ khi nào giai cấp công nhân đạt tới trình độ tự giác bằng việc tiếp thu lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin thì mới đưa cuộc đấu tranh tự phát lên cuộc đấu tranh tự giác, đấu tranh chính trị, đấu tranh với tư cách là một giai cấp để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Muốn vậy, điều kiện quan trọng trước tiên là giai cấp công nhân phải tự xây dựng lên chính đảng chính trị của mình, đó là Đảng Cộng sản..
Quy luật ra đời của Đảng Cộng sản
Sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân dẫn đến sự hình thành chính đảng của giai cấp công nhân. V.I. Lênin chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân.
Nhưng trong mỗi nước, sự kết hợp ấy là sản phẩm của lịch sử lại được thực hiện bằng những con đường đặc biệt, tùy theo điều kiện không gian và thời gian. Ở nhiều nước thuộc địa, nửa thuộc địa thì Đảng Cộng sản ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Đảng Cộng sản ra đời đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của phong trào công nhân từ tự phát lên tự giác, cuộc đấu tranh vì lợi ích kinh tế trong giới hạn của chủ nghĩa tư bản cho phép chuyển sang cuộc đấu tranh chính trị nhằm lật đổ giai cấp tư sản, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Vai trò của Đảng Cộng sản
Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định trước tiên trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Trong lịch sử chưa có giai cấp nào giành được địa vị thống trị, giữ vai trò lãnh đạo xã hội mà không tạo ra được trong hàng ngũ của mình một đảng chính trị, lực lượng tiên phong để lãnh đạo toàn bộ cuộc đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, chừng nào và chỉ khi nào giai cấp công nhân tự tổ chức ra chính đảng của mình để lãnh đạo cuộc đấu tranh thì mới đảm bảo giành được thắng lợi trọn vẹn, hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu không có chính đảng lãnh đạo, giai cấp công nhân chỉ có thể đấu tranh tự phát, đấu tranh vì mục đích kinh tế, chứ không phải là cuộc đấu tranh tự giác, đấu tranh vì mục đích chính trị. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu đảm bảo cho giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Với một Đảng Cộng sản chân chính thì sự lãnh đạo của Đảng chính là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Đảng với giai cấp là thống nhất, nhưng Đảng có trình độ lý luận và tổ chức cao nhất để lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Để làm tròn vai trò đó, Đảng Cộng sản phải là một đảng kiểu mới, một đảng mácxít – lêninnít.
(Tài liệu tham khảo: Lê Thị Kim Phương, Lương Thị Cảnh, Ngô Văn Quý, Đề cương chi tiết Học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học)