Nét đẹp trang phục của đồng bào Chăm H’roi Nét khác biệt trong trang phục của phụ nữ Dao Tiền
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, dân tộc Thái có số dân chiếm khoảng 35,6% trong số các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trang phục phụ nữ Thái ở Thanh Hoá là một trong những nét đẹp văn hóa, không chỉ thể hiện tập quán, nếp sống, thẩm mỹ và niềm tự hào của người Thái, mà còn là một văn hóa rất đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc ta.
Trang phục người Thái được phân biệt rất rõ trong từng quan hệ như: Trang phục hàng ngày, trang phục trong lao động, trong sinh hoạt, trong lễ hội. Ngoài ra, trang phục người Thái còn được phân biệt giữa người Thái đen, trắng chủ yếu y phục của người phụ nữ. Còn trang phục nam giới người Thái đơn giản – áo cánh ngắn xẻ ngực, quần xẻ đũng.
Phụ nữ Thái Trắng thường mặc áo cánh ngắn mầu sáng, cổ áo hình chữ V váy mầu đen không trang trí hoa văn. Phụ nữ Thái Đen trang phục thường nhật mặc áo khóm (xửa cóm) mầu tối cổ tròn, chui đầu, cài cúc phía vai ; khác với áo phụ nữ Thái Trắng cài cúc bạc tạo hình bướm, ve, ong.. Riêng cách búi tóc của người phụ nữ Thái trắng, Thái đen giống nhau. Chưa chồng thì búi sau gáy, nếu có chồng thì búi trên đỉnh đầu.
Người Thái luôn khuyến khích những người phụ nữ chăm chỉ làm việc, thêu giỏi, dệt đẹp. Họ coi đó là một chuẩn mực đạo đức, là phẩm chất tư cách con người nhất là đối với các cô gái chưa chồng. Với bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ tinh tế người Thái đã tạo nên những loại vải không những đáp ứng nhu cầu mặc mà còn đáp ứng nhu cầu làm đẹp của con người.
Thế nên, từ đời xa xưa, tục ngữ người Thái có câu “Xíp mốt hụ khát choọng, xíp xong hụ tắm húk”, có nghĩa là 11 tuổi biết độn tóc, 12 tuổi biết ngồi khung dệt vải. Câu tục ngữ vẫn gắn liền với bản sắc văn hóa của người Thái từ bao đời nay.
Độc đáo hơn nữa là trang phục của người phụ nữ Thái Thanh Hoá có giá trị thẩm mỹ rất cao. Thể hiện ở nhiều góc độ như nghệ thuật tạo hình và trang trí hoa văn trên trang phục, màu sắc trang phục, nét đẹp trong cốt cách tâm hồn của người làm ra trang phục. Nghệ thuật tạo hình trang phục của họ khá đa dạng và phong phú.
Như: chiếc áo (Xửa cỏm) của phụ nữ Thái trở thành một ấn tượng khá đặc biệt, nó thể hiện những đường nét tự nhiên của cơ thể. Còn chiếc váy (xỉn) tạo nên một phong cách kín đáo và rất thuận tiện, ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
Chiếc váy (xỉn) của phụ nữ Thái còn đẹp lung linh huyền ảo bởi hoa văn trang trí của nó. Khi gọi là váy con rồng (xỉn ngước) thì con rồng đóng vai trò trung tâm bao giờ cũng được thêu trước vì nó sẽ quy định xử lý phần hoa văn phụ. Những con vật đó thêu hệt nhau về kích thước, màu sắc và dàn hàng ngang, nối đuôi nhau chạy hết diện tích chân váy. Bên cạnh hoa văn trung tâm trong phần phụ đồ án hoa văn thường được thêu hoa, lá, cây, cỏ cách điệu với đủ loại màu sắc như hoa đào (boóc đao), cây đa (có bá), hoa bí (boóc ử)… Phần phụ có tác dụng tạo nên tầng nền thứ hai để tôn phần hoa văn chính, nó như nghệ thuật “chạy màu” trong hội hoạ vậy.
Quan sát trang phục phụ nữ Thái, ta có thể nhìn rõ hoa văn được trang trí lên váy thường thêu hai loại mô típ là hoa văn tả thực và hoa văn cách điệu. Có bốn dạng mô típ hoa văn cơ bản được sử dụng là: Hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn đồ vật, hoa văn cách điệu trừu tượng. Hoa văn trang trí trên trang phục thể hiện quan niệm về cái đẹp hài hoà, đó là sự phối hợp màu cơ bản một cách nhuần nhị, tinh thế trong quá trình thêu dệt trang phục ở người Thái.
Nét đẹp văn hóa trong trang phục của người Thái còn được thể hiện qua chiếc khăn piêu. Khăn piêu hoa văn thêu chủ yếu có 3 mô típ là “kút piêu”, “xai peng” và “ta leo”. Mỗi một hoa văn là một biểu tượng của sự sống và tình yêu: “Xai peng” là “dây tình” của đôi lứa; “Kút piêu” là phẩm vật cao quý biếu bề trên; “Ta leo” là vật trừ đuổi tà ma bảo vệ “thần hồn” cho người đội khăn. Đó là ba hiện vật thờ phụng của người Thái được phụ nữ cất giữ trên đầu. Người Thái có quan niệm: Sự sống mỗi con người, được ví như “sợi” bấc của ngọn nến gọi là: “Xái khoắn” bên cạnh dây “xai peng” khi “xái khoắn” đứt là con người chấm dứt sự sống.
Màu sắc được đồng bào Thái ưa thích dùng phổ biến là màu chàm. Màu chàm xen với màu xanh của cây rừng tạo nên sự hài hoà trong màu sắc, thể hiện sự hoà nhập thích nghi của con người với thiên nhiên. Màu chàm mặc khi lao động không bị nhựa cây dây bẩn, nếu bị lấm bẩn cũng dễ giặt sạch.
Có thể nói, trang phục của người Thái là những siêu phẩm. Để tạo ra một bộ trang phục là cả một quá trình rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, sự thông minh, khéo léo của những cô gái Thái. Thế hệ đi sau ngoài việc tiếp thu, bảo lưu những giá trị truyền thống của cha ông, họ còn cải tiến và phát triển thêm những giá trị văn hoá mới. Chị em phụ nữ Thái ở xứ Thanh đã sáng tạo nên những bộ trang phục với kỹ thuật thêu, dệt đạt trình độ rất cao trong nghệ thuật tạo hình, xử lý bố cục và màu sắc. Đặc biệt, mỗi một mô típ hoa văn được đưa vào trang phục thể hiện tín ngưỡng và mang ý nghĩa tâm linh của dân tộc.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân Cầm Bá Huyến chia sẻ: “Trải qua nhiều thế kỷ, nét đẹp văn hóa về trang phục truyền thống dân tộc Thái vẫn luôn được lưu truyền. Để phát triển giá trị văn hóa từ trang phục của đồng bào dân tộc thái trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thường phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trang phục truyền thống của đồng bào người Thái. Tổ chức mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú, khuyến khích công chức, viên chức là người Thái tại các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là mặc trang phục truyền thống người Thái trong các ngày lễ, Tết, liên hoan văn hóa các dân tộc, từ đó gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Thái trên địa bàn”.
Một số hình ảnh về nét đẹp văn hóa độc đáo trong trang phục của người Thái ở Thanh Hóa: