Contents
- 1 Lãnh đạo là gì?
- 2 Khái niệm lãnh đạo trong kinh doanh
- 3 Nhà lãnh đạo là gì mà lại quan trọng như vậy?
- 4 Lãnh đạo có phải do thiên bẩm mà ra?
- 5 Tố chất lãnh đạo là gì?
- 6 Công việc của nhà lãnh đạo là gì?
- 7 Lãnh đạo KHÔNG phải là …
- 8 Ví dụ về lãnh đạo là gì
- 9 Sự khác nhau giữa Lãnh đạo và Quản lý
- 10 Danh ngôn về lãnh đạo
- 11 Kết luận
Lãnh đạo là gì?
“Lãnh đạo là nghệ thuật khiến người khác làm điều gì bạn muốn – đơn giản vì anh ta cũng mong muốn làm điều đó.”
Dwight D. Eisenhower
Lãnh đạo (leadership) là một quá trình ảnh hưởng xã hội, nhằm tối đa hóa nỗ lực của đội nhóm để đạt được mục tiêu đề ra. Đó là nghệ thuật thúc đẩy một nhóm người hành động cùng hướng tới mục tiêu chung. Trong môi trường kinh doanh, điều này có nghĩa là định hướng chiến lược hành động cho người lao động và đồng nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Khi định nghĩa lãnh đạo là gì, chúng ta cần lưu ý các yếu tố chính sau:
- Năng lực lãnh đạo bắt nguồn từ ảnh hưởng xã hội, chứ không phải vị trí hay quyền lực.
- Lãnh đạo cần đến sự hỗ trợ của những người khác – và đó không nhất thiết chỉ là nhân viên cấp dưới.
- Có nhiều trường phái lãnh đạo khác nhau.
- Một yêu cầu tiên quyết của lãnh đạo là đạt được mục tiêu đề ra.
Khả năng lãnh đạo là biết nắm bắt những yếu tố cần thiết để có thể truyền cảm hứng cho người khác. Lãnh đạo hiệu quả xuất phát từ việc truyền đạt hiệu quả ý tưởng cho người khác – theo cách đủ thu hút để họ hành động như bạn mong muốn.
Một nhà lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho người khác hành động, đồng thời giữ vai trò chỉ đạo phương hướng trong quá trình này. Họ phải đủ cá tính để người khác lắng nghe ý kiến của họ – cũng như có kỹ năng tư duy phản biện nhạy bén để nhận biết cách sử dụng tốt nhất các nguồn lực của tổ chức.
Khái niệm lãnh đạo trong kinh doanh
Ở môi trường doanh nghiệp, lãnh đạo là năng lực đặt ra – và đạt được – các mục tiêu thách thức, sẵn sàng hành động nhanh chóng và quyết đoán khi cần thiết, vượt trội so với đối thủ, truyền cảm hứng cho người khác thể hiện toàn bộ năng lực của mình. Những cá nhân có kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ thường sẽ có cơ hội vươn lên các vị trí điều hành như CEO (giám đốc điều hành), COO (Giám đốc vận hành), CFO (Giám đốc tài chính), CHRO (Giám đốc nhân sự), v.v…
Lãnh đạo trong kinh doanh có mối liên hệ mật thiết với quản trị hiệu suất. Do đó, mặc dù bản chất của lãnh đạo không liên quan đến lợi nhuận, nhưng những cấp quản lý được đánh giá là lãnh đạo hiệu quả luôn là những người góp phần gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhà lãnh đạo là gì mà lại quan trọng như vậy?
Lãnh đạo là người đưa ra định hướng cho công ty nói chung và người lao động nói riêng. Nhân viên của bạn cần biết phương hướng mà doanh nghiệp đang hướng tới – cũng như họ cần theo ai để đạt tới đích đến đó. Vai trò của cấp lãnh đạo là chỉ ra cho người lao động cách thực hiện hiệu quả trách nhiệm cá nhân, đồng thời thường xuyên giám sát quá trình hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Trách nhiệm của lãnh đạo là nêu tấm gương tích cực để nhân viên noi theo – bằng cách tỏ ra hào hứng với công việc, khao khát học hỏi những điều mới, sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết trong cả hoạt động cá nhân và đội nhóm.
Lãnh đạo không chỉ bao hàm việc thiết lập – hoàn thành mục tiêu, hành động và vượt lên đối thủ cạnh tranh, mà còn liên quan đến chặt chẽ đến phong cách ban quản lý và văn hóa trong nội bộ doanh nghiệp.
Lãnh đạo có phải do thiên bẩm mà ra?
Mặc dù có những người bẩm sinh sở hữu khả năng lãnh đạo hơn người, bất kỳ ai cũng có thể học cách trở thành nhà lãnh đạo giỏi – bằng cách học tập cải thiện một số kỹ năng cụ thể.
Lịch sử từng chứng kiến vô số tên tuổi, dù không có kinh nghiệm lãnh đạo trước đây, nhưng đã vượt lên dẫn đầu trong các cuộc khủng hoảng và thuyết phục mọi người đi theo hướng hành động của họ. Nguyên nhân là vì họ sở hữu những đặc điểm và phẩm chất giúp họ gánh vác vai trò lãnh đạo hiệu quả.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng như Jack Welch, Warren Buffett, Bill Gates và Steve Jobs đã đóng vai trò định hình ngành công nghiệp của họ nói riêng và nền kinh tế nói chung – sau đây là một nghiên cứu của Investopedia về cách họ phát triển chiến lược, truyền cảm hứng cho nhân viên đạt tới thành công.
Đọc thêm: 12 nguyên tắc vàng của cấp lãnh đạo xuất chúng
Tố chất lãnh đạo là gì?
Xuất phát điểm của năng lực lãnh đạo là một cá tính mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo chân chính thể hiện các tố chất như: sự trung thực, chính trực, đáng tin cậy và đạo đức. Họ hành động theo đúng như lời nói, và cho thấy ảnh hưởng to lớn của họ lên thành công của người khác.
- Vai trò lãnh đạo đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xuất chúng – bạn phải biết nói chuyện và lắng nghe nhân viên, trả lời các câu hỏi và mối quan tâm, cũng như thể hiện sự đồng cảm (empathy) với họ. Các nhà lãnh đạo sử dụng kỹ năng giao tiếp để đưa công ty phát triển đến những cấp độ thành công mới.
- Nhà lãnh đạo đích thực sẽ nhìn thấy vị trí hiện tại của công ty trên thị trường, những lợi thế/ bất ổn trong tình hình nội bộ, từ đó lập kế hoạch hành động chi tiết từng bước. Họ có thể hình dung những viễn cảnh tương lai, theo sát các xu hướng trong ngành, chấp nhận rủi ro để phát triển doanh nghiệp.
- Nhà lãnh đạo tài năng luôn thể hiện sự lạc quan và truyền năng lượng tích cực cho nhân viên. Họ luôn ủng hộ và quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Khi mọi sự trở nên tồi tệ, họ tìm ra lời giải cho những khó khăn hiện tại, trấn an và truyền cảm hứng cho người lao động. Nhờ họ, nhân viên có thể làm việc cùng nhau một cách sẵn sàng và hiệu quả nhất.
Đọc thêm: 10 phẩm chất quan trọng nhất của nhà lãnh đạo hiện đại
Công việc của nhà lãnh đạo là gì?
Theo mô hình lãnh đạo chuyển đổi (transformational leadership), một nhà lãnh đạo thực thụ là người gánh vác những “trọng trách” sau:
- Xây dựng tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai.
- Thúc đẩy và truyền cảm hứng cho mọi người sẵn sàng theo đuổi tầm nhìn đó.
- Quản lý tiến độ công việc.
- Huấn luyện và xây dựng đội nhóm hoạt động hiệu quả hơn.
1. Xây dựng tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai
Trong kinh doanh, tầm nhìn (vision) là một mô tả thực tế, thuyết phục và hấp dẫn về tương lai. Tầm nhìn cung cấp định hướng, giúp bạn xác định các ưu tiên và đặt ra tiêu chuẩn đánh giá tiến độ.
Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo cần tập trung vào điểm mạnh của tổ chức, sử dụng các công cụ như Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter, Phân tích PEST, Phân tích USP (Unique Selling Point), SWOT, v.v… để đánh giá tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Bạn cần nghĩ về xu hướng phát triển của ngành, cũng như động thái của đối thủ cạnh tranh – từ đó lên chiến lược đổi mới, định hình doanh nghiệp trên thị trường trong tương lai.
Lãnh đạo đòi hỏi sự chủ động – bạn phải có tư duy giải quyết vấn đề, nhìn về phía trước, và không bao giờ thỏa mãn với hiện tại.
Một khi đã xác định tầm nhìn, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là phải khiến cho tầm nhìn đó trở nên hấp dẫn và thuyết phục. Bạn phải khiến mọi người có thể “nhìn thấy”, cảm nhận, hiểu và đón nhận sứ mệnh đó. Các nhà lãnh đạo tài năng biết cách “vẽ ra” một bức tranh phong phú về tương lai sẽ như thế nào – khi tầm nhìn của họ đã được hiện thực hóa. Họ có thể kể những câu chuyện “đong đầy” cảm hứng, cũng như giải thích tầm nhìn của họ theo những cách mà mọi người đều có thể hình dung ra được. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa năng lực phân tích và niềm đam mê với các giá trị doanh nghiệp, mong muốn tạo ra điều gì đó thực sự có ý nghĩa đối với nhân viên của bạn.
Đọc thêm: Lãnh đạo theo tình huống (Situational Leadership) – Nghệ thuật quản lý linh hoạt
2. Tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người
Một tầm nhìn hấp dẫn là nền tảng của năng lực lãnh đạo quản lý- nhưng chính khả năng động viên, truyền cảm hứng mới thực sự giúp bạn hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Ví dụ: Khi bắt đầu một dự án mới, bạn có thể sẽ dành rất nhiều tâm huyết cho nó – hệ quả là bạn dễ dàng giành được sự ủng hộ từ ban đầu. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiệt huyết đó bắt đầu phai mờ dần, đặc biệt nếu đội nhóm/ tổ chức trải qua một số thay đổi đáng kể trong cách làm việc. Ở cương vị lãnh đạo, bạn sẽ phải nhận ra điều này và làm việc chăm chỉ để kết nối tầm nhìn của nhân viên với nhu cầu, mục tiêu và nguyện vọng cá nhân của họ.
Một trong những phương thức hữu hiệu nhất thường được vận dụng là Lý thuyết kỳ vọng. Lý thuyết này giúp các nhà lãnh đạo nối kết hai kỳ vọng khác nhau với nhau:
- Kỳ vọng rằng làm việc chăm chỉ sẽ dẫn đến kết quả tốt.
- Kỳ vọng rằng kết quả tốt dẫn đến phần thưởng hoặc những lợi ích hấp dẫn khác.
Điều này sẽ thúc đẩy mọi người làm việc chăm chỉ và phối hợp với nhau để đạt được thành công, bởi vì họ mong đợi được hưởng thành quả do công sức bỏ ra.
Các cách tiếp cận khác bao gồm điều chỉnh lại tầm nhìn về những lợi ích mà khách hàng sẽ được hưởng – đồng thời tận dụng thường xuyên cơ hội để truyền đi thông điệp về tầm nhìn một cách hấp dẫn và lôi cuốn.
Khả năng truyền cảm hứng của nhà lãnh đạo sẽ được nâng lên tầm cao mới khi kết hợp với kiến thức chuyên môn uyên thâm. Mọi người ngưỡng mộ và tin tưởng vào những nhà lãnh đạo như vậy – vì họ là chuyên gia trong những gì họ làm. Họ có uy tín và có quyền yêu cầu mọi người lắng nghe và làm theo họ. Điều này giúp bạn dễ dàng hơn nhiều trong việc thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những người dưới quyền.
Các nhà lãnh đạo cũng có thể thúc đẩy và ảnh hưởng đến mọi người thông qua sức hút và sự hấp dẫn tự nhiên của họ – cũng như thông qua các nguồn quyền lực khác như: quyền trả tiền thưởng hoặc giao nhiệm vụ cho mọi người. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tài năng sẽ không dựa quá nhiều vào những loại quyền lực này.
3. Quản lý tiến độ công việc
Đây chính là điểm “giao thoa” giữa lãnh đạo (leadership) và quản lý (management). Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là đảm bảo rằng quản lý quá trình thực hiện những công việc cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn – do chính họ hoặc bởi một người quản lý chuyên môn phụ trách.
Để làm được điều này, mỗi thành viên trong nhóm cần có các mục tiêu hiệu suất liên quan đến tầm nhìn chung của cả nhóm. Bên cạnh đó, cấp lãnh đạo cũng cần biết cách quản lý sự thay đổi hiệu quả – nhằm đảm bảo thực hiện những thay đổi cần thiết, với sự ủng hộ và hỗ trợ của mọi người xung quanh.
Đọc thêm: Cách đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên – 5 lời khuyên cho cấp quản lý
4. Huấn luyện và xây dựng đội nhóm
Phát triển cá nhân và đội nhóm là trách nhiệm quan trọng của các nhà lãnh đạo chuyển đổi. Để làm được điều này, trước tiên, người lãnh đạo phải hiểu được điều gì mang lại động lực cho nhân viên. Sau đó, bạn sẽ cần đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm sở hữu những kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc và đạt được tầm nhìn. Mấu chốt của quá trình này là cung cấp và lắng nghe phản hồi (feedback) thường xuyên, đào tạo (training) và huấn luyện (coaching) để cải thiện hiệu suất cá nhân và đội nhóm.
Lãnh đạo cũng bao gồm việc tìm kiếm tiềm năng lãnh đạo nơi những người khác. Bằng cách phát triển kỹ năng lãnh đạo trong nhóm, bạn sẽ tạo ra một môi trường khuyến khích thành công trong dài hạn. Và đó là thước đo thực sự của năng lực lãnh đạo xuất chúng.
Đọc thêm: Coaching và Training – Có gì khác biệt?
Lãnh đạo KHÔNG phải là …
“Mọi người đều biết lãnh đạo là gì, nhưng rất ít người có thể hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nó. Việc truyền tải một khái niệm thống nhất trong doanh nghiệp là bước quan trọng trong hành trình phát triển các nhà lãnh đạo tương lai, cũng như duy trì sự hòa hợp và tập trung lãnh đạo.”
Jacob Morgan
Theo Kevin Kruse, Giám đốc điều hành của LEADx và là tác giả của tác phẩm ‘Great Leaders Have No Rules’:
- Lãnh đạo không có mối liên hệ với thâm niên hay vị trí trong công ty. Khả năng lãnh đạo không tự động sinh ra khi bạn đạt đến một mức lương nhất định.
- Lãnh đạo không có mối liên hệ với chức vụ. Chỉ vì bạn nằm trong đội ngũ C-level không đồng nghĩa với việc bạn đã trở thành nhà lãnh đạo.
- Lãnh đạo không đồng nghĩa với quản lý. Vai trò của nhà quản lý tập trung vào lập kế hoạch, điều phối, tuyển dụng nhân sự, sa thải, v.v…. Đối với lãnh đạo, nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là dẫn dắt con người. (Chi tiết về lãnh đạo và quản lý khác nhau như thế nào xem ở phần phía dưới)
Ví dụ về lãnh đạo là gì
Jack Welch giữ chức vụ giám đốc điều hành (CEO) của General Electric Co. từ 1981-2001. Ông đóng vai trò quan trọng trong 600 thương vụ mua lại ở các thị trường mới nổi, giúp gia tăng giá trị thị trường của GE từ 12 tỷ đô la lên 505 tỷ đô la vào thời điểm nghỉ hưu. Bởi vì thế giới luôn chuyển biến, Welch khẳng định tất cả mọi nhân viên tại GE đều phải đón nhận sự thay đổi. Để tiếp tục phát triển các hoạt động của công ty và tạo ra sản lượng lớn hơn, các nhà quản lý và nhân viên phải liên tục đổi mới bản thân và công việc của họ.
Welch đã thuê những nhà quản lý chia sẻ tầm nhìn với ông về GE, có nguồn năng lượng vô tận và biết khuyến khích nhân viên làm việc. Những người quản lý dưới quyền ông chịu trách nhiệm tạo ra, phát triển và chắt lọc những ý tưởng cho tương lai và tìm cách biến chúng thành hiện thực. Ông cũng nhấn mạnh rằng cấp quản lý cần làm việc sát cánh với nhân viên – để hiểu rõ họ đang làm gì và tại sao lại như vậy.
Nhờ phong cách lãnh đạo của Welch, các nhà quản lý và nhân viên được trao quyền nhiều hơn, sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, sự hài lòng của khách hàng và lợi nhuận cũng từ đó tăng lên đáng kể.
Sự khác nhau giữa Lãnh đạo và Quản lý
“Leaders are people who do the right thing; managers are people who do things right.”
Giáo sư Warren G. Bennis
Khái niệm lãnh đạo (leadership) và quản lý (management) thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng ý nghĩa lại không hề giống nhau. Lãnh đạo đòi hỏi những đặc điểm vượt lên trên nhiệm vụ quản lý – và một trong những đặc điểm đó là năng lực truyền cảm hứng cho người dưới quyền.
Một sự khác biệt khác nữa là các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đổi mới (innovation) lên trên tất cả những điều khác. Trong khi một nhà quản lý tìm cách truyền cảm hứng cho đội nhóm để đạt được mục tiêu mà vẫn tuân theo quy tắc của công ty, thì một nhà lãnh đạo có thể quan tâm hơn đến việc thiết lập và đạt được các mục tiêu “vĩ đại” hơn – ngay cả khi phải trả giá bằng cấu trúc công ty hiện tại. Khi một nhân viên có một ý tưởng mới “táo bạo” về cách giải quyết vấn đề, nhà lãnh đạo tài năng sẽ khuyến khích họ theo đuổi ý tưởng đó.
Các nhà quản lý cấp trung thường sẽ cố gắng bảo tồn các cấu trúc hiện tại hơn. Họ ít có quyền tự do “phá vỡ” các quy tắc để theo đuổi những mục tiêu cao cả. Mặt khác, các nhà lãnh đạo thường hoạt động khá độc lập. Điều đó cho phép họ chịu đựng sự biến động tốt hơn – miễn là họ tin rằng lợi ích cuối cùng xứng đáng để trả giá.
Tuy nhiên, mối quan tâm của nhà lãnh đạo đối với sự đổi mới đôi khi có thể gây ra hậu quả khôn lường. Môi trường làm việc hỗn loạn và áp lực cao sẽ dẫn đến nhiều vấn đề giữa các cá nhân. Khi những vấn đề như vậy phát sinh, người quản lý thường sẽ tìm cách giải quyết nhanh chóng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo đôi khi có thể tập trung đặc biệt vào việc đạt được các mục tiêu cao cả – đến mức họ để mặc mọi vấn đề giữa các cá nhân và phúc lợi của nhân viên.
Phân biệt lãnh đạo và quản lý
Lãnh đạo (Leadership) Quản lý (Management) Biết cách truyền cảm hứng cho mọi người Có thể có/không truyền cảm hứng Nhấn mạnh sự đổi mới Nhấn mạnh tính hợp lý và khả năng kiểm soát Có thể không quan tâm đến việc bảo tồn các cấu trúc hiện tại Tìm cách làm việc trong và duy trì cấu trúc hiện có Thường hoạt động tương đối độc lập Thường đóng vai trò là một liên kết trong chuỗi vận hành của công ty Ít quan tâm đến các vấn đề giữa các cá nhân hơn Có thể quan tâm hơn đến vấn đề giữa các cá nhân
Danh ngôn về lãnh đạo
“Định nghĩa duy nhất về một nhà lãnh đạo là người có những người đi theo.”
Peter Drucker
“Lãnh đạo là khả năng chuyển đổi tầm nhìn thành hiện thực.”
Warren Bennis
“Khi chúng ta nhìn vào thế kỷ tới, các nhà lãnh đạo sẽ là những người trao quyền cho người khác.”
Bill Gates
“Bản chất của lãnh đạo là ảnh hưởng – không hơn không kém.”
John C. Maxwell
“Bạn không phải nắm giữ địa vị gì để có thể làm lãnh đạo.”
Henry Ford
“Đổi mới là điều tạo ra sự khác biệt giữa người lãnh đạo và kẻ phục tùng.”
Steve Jobs
“Lãnh đạo là làm cho người khác trở nên tốt hơn nhờ sự hiện diện của bạn – và đảm bảo tác động đó kéo dài ngay cả khi bạn vắng mặt.”
Sheryl Sandberg
“Nhà lãnh đạo vĩ đại không nhất thiết phải làm được những điều tuyệt vời – đơn giản là anh ta có thể khiến mọi người làm được những điều vĩ đại nhất.”
Ronald Reagan
“Nhiệm vụ của lãnh đạo là đưa mọi người đến được những chân trời mà họ chưa từng tới.”
Henry Kissinger
“Nếu hành động của bạn truyền cảm hứng cho những người khác mơ ước nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm nhiều việc hơn và trở nên tốt đẹp hơn, bạn là nhà lãnh đạo.”
John Quincy Adams
Kết luận
- Lãnh đạo là nghệ thuật thúc đẩy đội nhóm hành động để đạt được mục tiêu chung.
- Các tổ chức thường coi nhân sự cấp trên trong cơ cấu quản lý của họ là lãnh đạo.Để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả trong kinh doanh, bạn phải sở hữu những đặc điểm vượt ra ngoài nhiệm vụ quản lý.
- Kỹ năng lãnh đạo có thể học được – tất cả tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân và chiến lược lãnh đạo của doanh nghiệp.
- Một người có thể vừa là lãnh đạo vừa là quản lý, nhưng hai thuật ngữ này không nhất thiết đồng nghĩa với nhau.
Định nghĩa lãnh đạo là gì có thể rất khó xác định và có ý nghĩa khác nhau đối với từng người. Trong mô hình lãnh đạo chuyển đổi, chức năng của lãnh đạo là đặt ra định hướng, giúp bản thân và những người khác làm điều đúng đắn để hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Để làm được điều này, bạn sẽ cần phải tạo ra một tầm nhìn đầy hấp dẫn, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho người khác đạt được tầm nhìn đó, xây dựng và huấn luyện đội nhóm phát triển.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc nắm được định nghĩa về lãnh đạo là gì và tầm quan trọng của người lãnh đạo trong doanh nghiệp. Nếu bạn đọc quan tâm và muốn tìm hiểu về các chương trình đào tạo lãnh đạo của chúng tôi, vui lòng xem thêm tại đây – hoặc liên hệ với ITD qua số điện thoại 028 3825 8487/ email itdvietnam@vncmd.com.