Bài tổng hợp kiến thức văn bản tự sự – đặc điểm và cách viết một bài văn tự sự hay nhất.
Trong chương trình ngữ văn lớp 6, các bạn sẽ được làm quen với văn tự sự. Các bạn hiểu như thế nào về văn tự sự? Nó có những đặc điểm và những yêu cầu gì khi viết một bài văn tự sự. Ngay trong bài viết này các bạn sẽ giải đáp được thắc mắc đó nhé.
I. Văn bản tự sự là gì?
Văn tự sự (văn kể chuyện) là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, hiện tượng. Từ sự việc này đến sự việc kia, từ hiện tượng này đến hiện tượng kia và cuối cùng là kết thúc và ý nghĩa của sự việc, hiện tượng đó.
Bố cục của một bài văn tự sự
Một bài văn tự sự hoàn chỉnh là một bài văn đầy đủ ba phần:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Phần mở bài: giới thiệu về sự việc, hiện tượng, nhân vật mà mình sẽ viết
- Phần thân bài: Nêu diễn biến chi tiết của sự việc, tất cả đều được thể hiện qua nội dung mà người kể muốn biểu đạt.
- Phần kết bài: Kết thúc câu chuyện, ý nghĩa của câu chuyện đó và bài học rút ra nếu có.
Cách viết một bài văn tự sự
Để có một bài văn tự sự hay và đầy đủ thì các bạn phải lưu ý và nên thực hiện theo từng bước như sau:
- Đọc kĩ đề bài đã cho
- Lập dàn ý cho câu chuyện mà mình định kể. Chúng ta phải ghi đầy đủ các ý cần khai thác theo một trình tự để tránh sự rườm rà, lộn xộn trong khi viết.
- Dựa vào những ý đã lập ở dàn ý để viết thành một bài văn chi tiết.
- Đọc lại và sửa lỗi của bài văn.
II. Đặc điểm của văn bản tự sự
Chủ đề
Khi các bạn mới làm quen với văn tự sự thì hầu hết chủ đề sẽ là những câu chuyện đời thường hoặc là tưởng tượng. Khi kể một câu chuyện đời thường các bạn lưu ý phải viết sao cho gần gũi, lời văn diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. Còn đối với truyện tưởng tượng thì các bạn nên có sự sáng tạo trong câu chuyện đó.
Khi bắt đầu viết một bài văn tự sự thì các bạn cần phải hiểu được ý nghĩa của câu chuyện mà mình chuẩn bị viết ra.
Ngôi kể
Các ngôi kể trong văn tự sự sẽ rất đa dạng. Nó là mấu chốt quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện. Tùy vào nội dung của từng câu chuyện mà người kể sẽ sử dụng ngôi khác nhau.
- Ngôi kể thứ nhất: đối với ngôi kể này thì người viết sẽ xưng “ tôi “. Ở ngôi kể này, người viết sẽ hóa thân thành nhân vật “ tôi “ và trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình.
- Ngôi kể thứ ba: Nhằm để cho câu chuyện mang tính khách quan, câu chuyện được mở rộng ở nhiều phạm vi khác nhau, thì người viết sẽ ẩn mình vào đâu đó để làm ngôi kể thứ 3, kể lại câu chuyện mà họ biết được cho mọi người cùng biết.
Kết hợp cả hai ngôi kể lại với nhau: Nhằm khắc họa rõ nét hơn mà vẫn đảm bảo được tính khách quan cho câu chuyện thì trong một số bài văn tự sự chúng ta có thể hóa thân vào ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba.
Nhân vật trong văn tự sự
Nhân vật chính là yếu tố chính quyết định cho nội dung của câu chuyện, họ là linh hồn của câu chuyện và đại diện cho cái cái tốt, cái hay và là tượng đài của chính nghĩa.
Nhân vật phụ là nền tảng và là đòn bẩy giúp cho nhân vật chính được tỏa sáng hơn trong câu chuyện. Thường thì những nhân vật phản diện sẽ đại diện cho những cái xấu xa, tiêu cực trong cuộc sống.
Sự việc trong văn tự sự
Trong một bài văn tự sự, các sự việc được diễn ra theo trình tự một cách rõ ràng và dễ hiểu. Nó diễn ra trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Một sự việc thì bao giờ cũng phải có nguyên nhân, diễn biến và kết quả, chúng ta phải dựa vào đó để viết thành một bài văn tự sự một cách rõ ràng nhất.
Lời văn tự sự
Chủ yếu chúng ta sử dụng các lời văn để kể về các nhân vật, sự việc diễn ra trong câu chuyện đó.
Chúng ta dùng lời văn tự sự để kể thứ tự từng sự việc, việc gì xảy ra trước thì kể trước, việc diễn ra sau thì kể sau.
III. Phương thức biểu đạt trong văn tự sự
Miêu tả
Miêu tả vẻ ngoài của nhân vật: Mỗi nhân vật sẽ có những vẻ ngoài khác nhau, khi miêu tả nhân vật sẽ giúp cho người đọc có thể tưởng tượng ra được nhân vật mà chúng ta muốn kể đến và nó cũng là một phần đoán trước được tính cách của nhân vật.
Miêu tả cảnh vật: Khi sự việc diễn ra thì thường sẽ diễn ra trong một bối cảnh cụ thể, khi chúng ta miêu tả cảnh vật thì sẽ khiến cho người đọc liên tưởng đến sự việc đang diễn ra, tạo cho người đọc cảm giác hứng thú khi đọc, nghe câu chuyện.
Miêu tả nội tâm của nhân vật: Để xây dựng nhân vật một cách sinh động, tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện thì người viết thường sẽ miêu tả nội tâm của nhân vật mà họ muốn kể đến, nó là những tâm tư, tình cảm của mỗi nhân vật.
Chúng ta có thể lựa chọn miêu tả cảm xúc của nhân vật bằng cách miêu tả trực tiếp hoặc gián tiếp.
Biểu cảm trong văn tự sự
Nhằm khiến cho bài văn tự sự trở nên lôi cuốn thì tác giả nên đưa biểu cảm vào trong bài viết. Nó có thể là cảm xúc của nhân vật hoặc cũng chính là cảm xúc của người viết.
Trong văn tự sự, chúng ta cần phải lập luận một cách chặt chẽ, cần thiết đưa ra những dẫn chứng để bày tỏ quan điểm và thuyết phục người đọc về một vấn đề được đề cập trong câu chuyện, nó giúp cho bài văn được sâu sắc và rõ nét hơn.
IV. Yêu cầu khi viết một bài văn tự sự
Khi viết một bài văn tự sự, để đảm bảo tính logic của bài văn chúng ta cần:
- Sắp xếp trình tự xảy ra sự việc một cách hợp lý.
- Bố cục của một bài văn phải rõ ràng và đầy đủ 3 phần.
- Dựa vào đối tượng kể để lựa chọn tình huống, sự việc có ý nghĩa.
Trên đây là tổng hợp những đặc điểm và yêu cầu về một bài văn tự sự, bên cạnh đó mình cũng đã nêu cho các bạn cách làm thế nào để thực hiện được một bài văn tự sự thật tốt. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng tốt nó để có thể viết một bài văn tự sự hoàn chỉnh.