Tài liệu soạn bài Nghĩa của câu do Đọc Tài Liệu biên soạn sẽ giúp em giải đáp các bài tập trong SGK, qua đó cung cấp những nhận thức về hai thành phần nghĩa của câu, rèn luyện kĩ năng phân tích, lĩnh hội nghĩa của câu và kĩ năng đặt câu phù hợp.
Cùng tham khảo…
Nội dung kiến thức cơ bản
I. Hai thành phần nghĩa của câu
– Mỗi câu thường có hai thành phần nghĩa: thành phần nghĩa sự việc và thành phần nghĩa tình thái.
– Các thành phần nghĩa của câu thường có quan hệ gắn bó mật thiết, trừ trường hợp câu chỉ có cấu tạo bằng từ ngữ cảm thán.
II. Nghĩa sự việc
– Nghĩa sự việc của câu là thành phần nghĩa ứng với sự việc mà câu đề cập đến.
– Một số biểu hiện của nghĩa sự việc:
+ Biểu hiện hành động.
+ Biểu hiện trạng thái, tính chất, đặc điểm.
+ Biểu hiện quá trình.
+ Biểu hiện tư thế.
+ Biểu hiện sự tồn tại.
+ Biểu hiện quan hệ.
– Nghĩa sự việc của câu thường được biểu hiện nhờ những thành phần như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, khởi ngữ và một số thành phần phụ khác.
>>> Tham khảo nội dung tiếp theo về nghĩa tình thái trong soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo)
Hướng dẫn soạn bài Nghĩa của câu ngắn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập củng cố và luyện tập soạn bài Nghĩa của câu ngắn nhất trang 6, 7, 8, 9 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Hai thành phần nghĩa của câu
Câu 1 – Trang 6 SGK
– Ở cặp a1 và a2: cả hai câu đều nói đến sự việc Chí Phèo có một thời ao ước có một gia đình nho nhỏ. Nhưng câu a1 đi kèm sự đánh giá chưa chắc chắn về sự việc, còn câu a2 chỉ đề cập đơn thuần đến một sự việc như nó đã xảy ra.
– Ở cặp b1 và b2: cả hai câu đều đề cập đến sự việc người ta cũng bằng lòng, nhưng câu b1 bộc lộ sự tin tưởng cao vào việc xảy ra sự việc, câu b2 bày tỏ sự nhìn nhận và thái độ đánh giá bình thường.
Câu 2 – Trang 6 SGK
Nghĩa sự việc của câu là thành phần nghĩa ứng với sự việc mà câu đề cập đến.
Soạn bài Nghĩa của câu phần Luyện tập
Câu 1 – Trang 9 SGK
Câu 1: Diễn tả hai sự việc chỉ trạng thái (Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo)
Câu 2: Một sự việc – đặc điểm (Thuyền – bé)
Câu 3: Một sự việc – quá trình (Sóng – gợn)
Câu 4: Một sự việc – quá trình (Lá – đưa vèo)
Câu 5: Hai sự việc:
- Trạng thái : (tầng mây – lơ lửng)
- Đặc điểm : (Trời – xanh ngắt)
Câu 6: Hai sự việc
- Đặc điểm : (Ngõ trúc – quanh co)
- Trạng thái : (khách – vắng teo)
Câu 7: Hai sự việc – tư thế (Tựa gối/ buông cần)
Câu 8: Một sự việc – hành động (cá – đớp)
Câu 2 – Trang 9 SGK
Tách nghĩa tình thái và nghĩa sự việc trong các câu là:
a)
– Nghĩa sự việc: Có một ông rể quý như Xuân cũng danh giá nhưng cũng sợ.
– Nghĩa tình thái: Công nhận sự danh giá là có (thực) nhưng chỉ ở phương đó (kể) còn ở phương diện khác thì không.
b)
– Nghĩa sự việc: Hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề.
– Nghĩa tình thái: Thái độ phỏng đoán chưa chắc chắn (có lẽ) và có ý nuối tiếc (mất rồi).
c)
– Nghĩa sự việc: Họ cũng phân vân như mình, mình cũng không biết rõ con gái mình có hư không.
– Nghĩa tình thái: Thái độ phỏng đoán (dễ) ý nhấn mạnh (đến chính ngang mình).
Câu 3 – Trang 9 SGK
Chọn từ “hẳn” vì nói đến một người có nhiều phẩm chất tốt thì không phải là người xấu mang một sắc thái khẳng định, chắc chắn. Phù hợp với phần nghĩa sự việc ấy, chỉ có thể là tình thái từ mang tính khẳng định mạnh mẽ, vì thế nên cần chọn từ hắn.
Hướng dẫn soạn bài Nghĩa của câu chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập củng cố và luyện tập soạn bài Nghĩa của câu trang 6, 7, 8, 9 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Hai thành phần nghĩa của câu
Bài 1 trang 6 SGK Ngữ văn 11 tập 2
So sánh hai câu trong từng cặp câu sau đây và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.
a1) Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ.
(Nam Cao, Chí Phèo)
a2) Có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ.
b1) Nếu tôi nói thì chắc người ta cũng bằng lòng …
(Vũ Trọng Phụng, Số đỏ)
b2) Nếu tôi nói thì người ta cũng bằng lòng…
– Hai câu trong mỗi cặp câu đều đề cập đến cùng một sự việc. Sự việc đó là gì?
– Ngoài nội dung sự việc, anh (chị) thấy:
+ Câu nào thể hiện sự việc nhưng chưa tin tưởng chắc chắn đối với sự việc?
+ Câu nào thể hiện sự phỏng đoán có độ tin cậy cao đối với sự việc?
+ Câu nào thể hiện sự nhìn nhận và đánh giá bình thường của người nói đối với sự việc?
Trả lời:
* Câu a1 với a2:
– Giống: cả hai câu đều đề cập đến cùng một sự việc: Chí Phèo từng có thời “ao ước có một gia đình nhỏ”.
– Khác:
+ Câu a1: kèm theo sự đánh giá chưa chắc chắn về sự việc (từ “hình như”)
+ Câu a2: đề cập đến sự việc như nó đã xảy ra.
* Cặp câu b1 với b2:
– Giống: cùng đề cập đến sự việc: “người ta cũng bằng lòng”.
– Khác:
+ Câu b1: thể hiện sự đánh giá chủ quan của người nói về kết quả sự việc.
+ Câu b2: đơn thuần là đề cập đến sự việc.
Bài 2 trang 6 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Em có nhận xét gì về các thành phần nghĩa của câu?
Trả lời:
– Mỗi câu thường có hai thành phần nghĩa: đề cập đến một sự việc (hoặc một vài sự việc); bày tỏ thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự việc đó. Thành phần nghĩa thứ nhất được gọi là nghĩa sự việc, thành phần nghĩa thứ hai được gọi là nghĩa tình thái.
– Trong mỗi câu, hai thành phần nghĩa trên hòa quyện với nhau và không thể có nghĩa sự việc mà không có nghĩa tình thái. Ngay cả những trường hợp câu không có từ ngữ riêng thể hiện nghĩa tình thái thì nghĩa tình thái vẫn tồn tại trong câu. Đó là tình thái khách quan, trung hòa (như câu a và câu b trên đây). Ngược lại, có những trường hợp câu chỉ có nghĩa tình thái (câu chỉ cấu tạo bằng những từ ngữ cảm thán), ví dụ “Chà! Chà!”.
Soạn bài Nghĩa của câu phần Luyện tập
Bài 1 trang 9 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Hãy phân tích nghĩa sự việc trong từng câu thơ ở bài thơ.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Trả lời:
Phân tích nghĩa sự việc trong từng câu thơ:
– Câu 1: nghĩa sự việc được diễn tả là hai trạng thái (Ao thu lạnh lẽo và nước trong veo).
– Câu 2: nghĩa sự việc được diễn tả là đặc điểm của chiếc thuyền (chiếc thuyền – bé tẻo teo).
– Câu 3 và 4: nghĩa sự việc lại được diễn tả như một quá trình (sóng – gợn; lá – đưa vèo).
– Câu 5: nghĩa sự việc gồm một quá trình (tầng mây – lơ lửng) và một đặc điểm (trời – xanh ngắt).
– Câu 6: nghĩa sự việc gồm một đặc điểm (ngõ trúc – quanh co) và một trạng thái (khách – vắng teo).
– Câu 7: nghĩa sự việc diễn tả các tư thế (tựa gối, buông cần).
– Câu 8: nghĩa sự việc diễn tả một hành động (cá – đớp).
Bài 2 trang 9 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Tách nghĩa sự việc và nghĩa tình thái trong những câu sau:
a) Có một ông rể quý như Xuân kể cũng danh giá thực, nhưng cũng đáng sợ lắm.
(Vũ Trọng Phụng – Số đỏ)
b) Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi.
(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)
c) Dễ họ cũng phân vân như mình, vì đến chính ngay mình, mình cũng không biết rõ con gái mình hư hỏng hay không!
(Vũ Trọng Phụng – Số đỏ)
Trả lời:
a)
– Nghĩa sự việc: nói về nhân vật tên Xuân (Xuân tóc đỏ)
– Nghĩa tình thái: sự công nhận sự danh giá là có thực, nhưng chỉ thực ở một phương diện nào đó, còn ở phương diện khác thì đều là đáng sợ.
b)
– Nghĩa sự việc: cai ngục nghĩ về việc chọn nghề của mình và thầy thơ lại.
– Nghĩa tình thái: thể hiện một phỏng đoán chỉ mới là khả năng, chứ chưa hoàn toàn chắc chắn về việc chọn nhầm nghề.
c) Câu này có hai sự việc và hai tình thái:
– Sự việc 1: Họ cũng phân vân như mình => Thái độ phỏng đoán, chưa chắc chắn (từ “dễ” = “có lẽ”…)
– Sự việc 2: Mình cũng không biết rõ con gái mình có hư hay không.
=> Nhấn mạnh bằng ba từ tình thái (“đến ngay chính mình”).
Bài 3 trang 9 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Chọn từ ngữ thích hợp nhất có thể điền vào chỗ trống để câu sau thể hiện đúng hai thành phần: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái.
Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài,… không phải là kẻ xấu hay là vô tình.
(Theo Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)
Trả lời:
Để chọn được từ thích hợp với phần để trống trong câu: ”Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài,… không phải là kẻ xấu hay là vô tình”, cần chú ý đến sự phù hợp với phần nghĩa sự việc: nói đến một người có nhiều phẩm chất tốt (biết kính mến khí phách, biết tiếc, biết trọng người có tài) thì không phải là người xấu. Phù hợp với phần nghĩa sự việc ấy, chỉ có thể là tình thái từ mang tính khẳng định mạnh mẽ, vì thế nên cần chọn từ hẳn.
Soạn bài Nghĩa của câu lớp 11 nâng cao
Đọc tài liệu sưu tầm và chia sẻ thêm với các em học sinh lớp 11 bài soạn Nghĩa của câu chương trình nâng cao, để các em tham khảo, mở rộng thêm kiến thức và thực hành.
Câu 1: Những từ in đậm trong các câu sau đây biểu thị nghĩa tình thái nào trong các loại nghĩa tình thái đã học:
– Trăm lạy mẹ, con cam chịu tội cùng mẹ. (1)
(Sơn Hậu)
– Nhưng hương ổi thu về vẫn cứ bay sang. (2)
(Nguyễn Phan Hách – Hương ổi)
– Tôi liền gật đầu, chạy vút đi. (3)
(Nguyên Hồng – Mợ Du)
– Tao không thể là người lương thiện nữa. (4)
– Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bungjt hì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi cả nhà cụ bá. (5)
– Trời nắng lắm, nên đường vắng. (6)
(Nam Cao – Chí Phèo)
– Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí nhưng không hể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. (7)
(Nam Cao – Đời thừa)
– Ta sẽ xây một đài vĩ đại để tạ lòng tri kỉ. (8)
(Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô)
Gợi ý:
– Cam: Nghĩa tình thái chỉ sự việc chưa xảy ra.
– Vẫn: Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra.
– Liền: Nghĩa tình thái chỉ sự việc xảy ra đồng thời.
– Không thể: Nghĩa tình thái chỉ khả năng xảy ra của sự việc.
– Có lẽ: Nghĩa tình thái chỉ khả năng xảy ra của sự việc.
– Nên: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
– Không thể không: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
– Sẽ: Nghĩa tình thái chỉ sự việc chưa xảy ra.
Câu 2: Chỉ ra sự khác biệt về nghĩa tình thái giữa các câu (a), giữa các câu (b) và giữa các câu (c) sau đây:
a. Trời mưa mất!
Trời mưa chắc?
b. Xong rồi nhỉ!
Xong rồi mà!
c. Ăn rồi nhỉ!
Ăn đi mà!
Gợi ý:
a. Mất và chắc: Hướng tới sự việc.
Mất → phỏng đoán về nguy cơ chưa chắc chắn xảy ra. Đây còn là sự đánh giá tiêu cực nên không đi với những trường hợp tích cực.
Chắc → phỏng đoán về một sự việc còn nửa tin, nửa nghờ – không hàm ý tiếu cực hay tích cực, có thể đi với cả hai.
b. Nhỉ và mà: Hướng tới sự việc
Nhỉ → phỏng đoán khả năng sự việc xảy ra chưa chắc chắn
Mà → khẳng định một sự việc để đáp lại một thái độ nghi ngại.
c. Nhỉ và mà: Hướng tới người đối thoại.
Nhỉ → Thân mật, tin chắc vào nhận định của mình, có ý chờ sự đồng tình của người nghe về nhận định đó.
Mà → hướng tới người dối thoại, thúc giục.
Câu 3: Cho các sự việc gồm các yếu tố: (1) chủ thể là “bác ấy”; (2) hành động “thưởng”; (3) người được thưởng là “em tôi”; và (4) vật thưởng là “ba cuốn sách”. Hãy viết những câu khác nhau để diễn đạt:
a. Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra.
b. Nghĩa tình thái chỉ sự việc chưa xảy ra.
c. Nghĩa tình thái chỉ khả năng xảy ra của sự việc.
d. Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
đ. Nghĩa tình thái chỉ số lượng vật thưởng là nhiều.
e. Nghĩa tình thái chỉ số lượng vật thưởng là ít.
Gợi ý:
a. Bác ấy đã thưởng cho em tôi ba cuốn sách
b. Bác ấy tính sẽ thưởng cho em tôi ba cuốn sách
c. Hình như bác ấy muốn thưởng cho em tôi ba cuốn sách
d. Bác ấy tính phải thưởng cho em tôi ba cuốn sách
đ. Bác ấy thưởng cho em tôi những ba cuốn sách
e. Bác ấy chỉ thưởng cho em tôi ba cuốn sách
Tổng kết Nghĩa của câu
- Nghĩa của câu bao gồm hai thành phần: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái.
- Nghĩa sự việc là nghĩa ứng với sự việc được đề cập đến trong câu. Nó thường được biểu hiện nhờ các từ ngữ đóng vai trò chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, khởi ngữ và một số thành phần phụ khác.
// Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết bài soạn văn Nghĩa của câu do Đọc Tài Liệu biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Nghĩa của câu này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Nghĩa của câu một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.