Thực tiễn là gì? Thực tiễn có phải là những hoạt động, những việc, những diễn biến mà chúng ta tác động đến, diễn ra xoay quanh cuộc sống chúng ta và hiện hữu để chúng ta nhìn thấy, nắm được và biết đến chúng hay không?
Để hiểu rõ hơn về thực tiễn là gì? bài viết dưới xin trình bày cụ thể một số nội dung xoay quanh vấn đề giúp quý vị có thể hình dung rõ hơn về nội dung này.
Thực tiễn là gì?
Thực tiễn là một trong những phạm trù nền tảng, cơ bản của triết học Mác – Lênin nói chung và của lý luận nhận thức Mácxít nói riêng, đây là một phạm trù đã được nghiên cứu từ rất lâu với nhiều quan điểm khác nhau:
+ Chủ nghĩa duy tâm chỉ hiểu thực tiễn như là hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới của con người, chứ không xem nó là hoạt động vật chất, là hoạt động lịch sử xã hội.
+ Chủ nghĩa duy vật trước Mác, mặc dù đã hiểu thực tiễn là một hành động vật chất của con người nhưng lại xem đó là hoạt động con buôn, đê tiện, bẩn thỉu.
Khắc phục sai lầm, kế thừa và phát triển sáng tạo những quan niệm về thực tiễn của các nhà triết học trước đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra một quan niệm đúng đắn về thực tiễn như sau: “Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử – xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội”.
Nhận thức là gì?
Nhận thức là sự hiểu biết của con người đối với hiện thực khách quan, là quá trình tạo thành tri thức trong bộ óc con người về hiện thực khách quan, bản chất nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng, tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào óc con người trên cơ sở thực tiễn.
Dựa trên cơ sở tình độ xâm nhập vào bản chất của đối tượng, nhận thức được phân chia thành hai cấp độ nhận thức khác nhau về đối tượng, tính chất, chức năng, hình thức và trình tự phản ảnh, đó là nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận.
Trong đó:
-Nhận thức kinh nghiệm là loại nhận thức hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Nhận thức kinh nghiệm hình thành những tri thức kinh nghiệm, bao gồm tri thức kinh nghiệm thông thường và tri thức kinh nghiệm khoa học.
– Nhận thức lý luận là loại nhận thức gián tiếp, trừu tượng và khái quát về bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng. Kết quả của nhận thức lý luận là tri thức lý luận. Tri thức lý luận thể hiện chân lý sâu sắc, chính xác và hệ thống hơn nhận thức kinh nghiệm.
Ví dụ về thực tiễn?
Ví dụ như hoạt động gặt lúa của nông dân sử dụng liềm, máy gặt tác động vào cây lúa để thu hoạch thóc lấy gạo để ăn; hay hoạt động lao động của các công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tác động vào máy móc trên các loại vải, da,.. để tạo ra sản phẩm tiêu dùng như quần áo, giày dép phục vụ đời sống con người…
Ví dụ: Hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, tiến hành Đại hội Đoàn Thanh niên trường học, Hội nghị công đoàn.
Đặc điểm của thực tiễn
Sau khi đã tìm hiểu về thực tiễn là gì chúng tôi xin phân tích một số đặc điểm của thực tiễn:
– Trước hết, hoạt động thực tiễn là hoạt động mà con người sử dụng những công cụ vật chất tác động vào những đối tượng vật chất làm biến đổi chúng theo những mục đích của mình.
– Thực tiễn là hoạt động vật chất có mục đích.
Hoạt dộng thực tiễn là hoạt động bản chất của con người. Nói vậy tức là chỉ có con người mới có hoạt động thực tiễn. Con vật không hoạt động thực tiễn. Chúng chỉ hoạt động theo bản năng nhằm mục đích thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài. Ngược lại, con người hoạt động có mục đích rõ ràng nhằm cải tạo thế giới để thỏa mãn nhu cầu của mình, thích nghi một cách chủ động, tích cực với thế giới và làm chủ thế giới.
Con người không thể thỏa mãn với những gì có sẵn trong tự nhiên. Con người phải tiến hành lao động sản xuất của cải vật chất để nuôi sống mình. Để lao động hiệu quả, con người phải chế tạo và sử dụng công cụ lao động. Như thế, bằng hoạt động thực tiễn, trước hết là lao động sản xuất, con người tạo ra những vật phẩm vốn không có sẵn trong tự nhiên. Không có hoạt động thực tiễn, con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được
+ Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động có mục đích của con người đều là thực tiễn.
+ Hoạt động tư duy, hoạt động nhận thức hay hoạt động nghiên cứu khoa học đều là những hoạt động có mục đích của con người. Tuy nhiên, chúng không phải là hoạt động thực tiễn.Đây là những hoạt động tinh thần, là hoạt động trong hệ thần kinh trung ương của bộ não người chứ không phải diễn ra ngoài thực tế.
– Hoạt động thực tiễn còn mang tính lịch sử – xã hội.
Thực tiễn luôn là dạng hoạt động cơ bản và phổ biến của xã hội loài người mặc dù trình độ và các hình thức hoạt động thực tiễn có những thay đổi qua các giai đoạn lịch sử. Hoạt động đó chỉ có thể được tiến hành trong các quan hệ xã hội. Thực tiễn có quá trình vận động và phát triển của nó. Trình độ phát triển của thực tiễn nói lên trình độ chinh phục tự nhiên và làm chủ xã hội của con người
+ Hoạt động thực tiễn ở mỗi thời đại là khác nhau, tùy thuộc tình hình đất nước mà hoạt động thực tiễn lại biểu hiện khác nhau.
+ Do đó, thực tiễn mang tính lịch sử- xã hội cho từng thời đại.
Các hình thức của hoạt động thực tiễn
Thực tiễn biểu hiện rất đa dạng với nhiều hình thức ngày càng phong phú.
Mỗi hình thức hoạt động của thực tiễn có một chức năng khác nhau, không thể thay thế được cho nhau. Nhưng giữa các hình thức ấy lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau
Nhìn chung, hoạt động thực tiễn có ba hình thức cơ bản: Hoạt động sản xuất vật chất; Hoạt động chính trị xã hội và Hoạt động thực nghiệm khoa học.
– Hoạt động sản xuất vật chất
+ Là hình thức hoạt động cơ bản, đầu tiên của thực tiễn.
+ Là hoạt động phổ biến khắp mọi nơi trong cuộc sống, rất dễ nhận diện như hoạt động trồng lúa, hoạt động trồng rau, trồng hoa màu hay các hoạt động dệt vải, sản xuất giày dép, hoạt động sản xuất ô tô, xe máy…
+ Đây cũng là hoạt động mà con người sử dụng những công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên để tạo ra những của cải và các điều kiện thiết yếu nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của mình và xã hội.
– Hoạt động chính trị xã hội
+ Là hoạt động của các tổ chức cộng đồng người khác nhau trong xã hội nhằm cải biến những mối quan hệ xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển.
+ Cụ thể như những hoạt động liên quan đến chính trị xã hội như những hoạt động bỏ phiếu của nhân dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội.; hoạt động bỏ phiếu tán thành sự ra đời, sửa đổi của các bộ Luật, Nghị định .. của các đại biểu; hoạt động tình nguyện giúp đỡ nhân dân vùng núi vùng sâu xa xây dựng đường xá, …
– Thực nghiệm khoa học
+ Là một hình thức đặc biệt của thực tiễn.
+ Đây là hoạt động được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra gần giống, giống hoặc lặp lại những trạng thái của tự nhiên và xã hội nhằm xác định các quy luật biến đổi và phát triển của đối tượng nghiên cứu.
+ Dạng hoạt động thực tiễn này ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Các hoạt động cơ bản của thực tiễn
Phạm trù thực tiễn là một phạm trù triết học được các nhà triết học sớm quan tâm. Tuy nhiên, các trào lưu triết học trước đó không giải quyết chính xác vấn đề thực tiễn. Kế thừa và phát triển sáng tạo những yếu tố hợp lý trong các quan niệm trước đó, Các Mác và Ph.Angwghen đã có quan niệm đúng đắn và khoa học về thực tiễn. Thực tiễn được định nghĩa là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử-xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.
Từ quan điểm nêu trên, thực tiễn có ba nét đặc trưng riêng biệt, đó là:
Thực tiễn là hoạt động khách quan có tính vật chất
Tính vật chất của thực tiễn được thể hiện qua sự tồn tại khách quan bên ngoài ý thức của con người, con người có thể cảm biết được, thực tiễn chịu sự chế ước và chi phối của quy luật khách quan.
Các yếu tố cấu thành thực tiễn bao gồm: con người (chủ thể của thực tiễn), thế giới bên ngoài (đối tượng của thực tiễn), công cụ (phương tiện của thực tiễn),…
Thực tiễn là hoạt động năng động của tự giác
Tức là, thực tiễn là hoạt động có tính sáng tạo của con người nhằm cải tạo thế giới vật chất. Tính mục đích, tính tự chủ, tính sáng tạo của hoạt động thực tiễn biểu thị rõ thực tiễn có tính năng động, tự giác. Tính năng động tự giác không chỉ là đặc điểm của thực tiễn, mà còn là một trong những thước đo trình độ phát triển của thực tiễn.
Thực tiễn là hoạt động lịch sử xã hội
Hoạt động thực tiễn được thực hiện thông qua việc con người sử dụng những công cụ vật chất tác động trực tiếp vào những đối tượng làm cho chúng biến đổi theo những mục đích nhất định. Hoạt động này không ngừng phát triển qua các thời kỳ, do đó thực tiễn luôn là hoạt động mang tính lịch sử – xã hội.
Hoạt động thực tiễn đa dạng với ba hình thức cơ bản đó là họa động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị-xã hội và hoạt động thực nghiệm.
Vai trò thực tiễn đối với nhận thức
Qua việc xác định làm rõ Thực tiễn là gì chúng ta có thể thấy thực tiễn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với nhận thức.
Thứ nhất: Thực tiễn là cơ sở, mục đích, là động lực chủ yếu và trực tiếp của nhận thức
+ Thực tiễn là cơ sở của nhận thức:
Điều này có nghĩa là thực tiễn cung cấp tài liệu cho nhận thức, cho lý luận. Mọi tri thức dù trực tiếp hay gián tiếp đối với người này hay người kia, thế hệ nay hay thế hệ khác, ở trình độ kinh nghiệm hay lý luận, xét đến cùng đều bắt nguồn từ thực tiễn.
Bằng hoạt động thực tiễn, con người tác động vào thế giới, buộc thế giới phải bộc lộ những thuộc tính, những tính quy luật để cho con người nhận thức chúng.
Sở dĩ như vậy, bởi con người quan hệ với hế giới không phải bắt đầu bằng lý luận mà bằng thực tiễn. Chính từ trong quá trình hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới mà nhận thức ở con người được hình thành và phát triển.
Ban đầu, con người thu nhận những tài liệu cảm tính. Sau đó, con người tiến hành so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa… để phản ánh bản chất, quy luật vận động của các sự vật, hiện tượng trong thế giới, từ đó xây dựng thành các khoa học, lý luận.
+ Thực tiễn là mục đích của nhận thức:
Thực tiễn là mục đích của nhận thức vì nhận thức dù về vấn đề khía cạnh hay ở lĩnh vực gì đi chăng nữa thì cũng phải quay về phục vụ thực tiễn. Nhận thức mà không phục vụ thực tiễn thì không phải là “nhận thức” theo đúng nghĩa.
Do vậy, kết quả nhận thức phải hướng dẫn chỉ đạo thực tiễn. Lý luận, khoa học chỉ có ý nghĩa thực sự khi chúng được vận dụng vào thực tiễn, cải tạo thực tiễn.
+ Thực tiễn là động lực chủ yếu và trực tiếp của nhận thức.
Thực tiễn là động lực chủ yếu và trực tiếp của nhận thức là thực tiễn cung cấp năng lượng nhiều nhất, nhanh chóng nhất giúp con người nhận thức ngày càng toàn diện và sâu sắc về thế giới.
Trong quá trình hoạt động thực tiễn làm biến đổi thế giới, con người cũng biến đổi luôn cả bản thân mình, phát triển năng lực thể chất, trí tuệ của mình. Nhờ đó, con người ngày càng đi sâu vào nhận thức thế giới, khám phá những bí mật của thế giới, làm phong phú và sâu sắc tri thức của mình về thế giới.
Thực tiễn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển của nhận thức. Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải có tri thức mới, phải tổng kết kinh nghiệm, khái quát lý luận, nó thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các ngành khoa học. Khoa học ra đời chính vì chúng cần thiết cho hoạt động thực tiễn của con người.
Thứ hai: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý
Theo các nhà kinh điển của triết học Mác – Lênin đã khẳng định: vấn đề tìm hiểu xem tư duy con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận, mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý.
Tất nhiên, nhận thức khoa học có tiêu chuẩn riêng, đó là tiêu chuẩn logic nhưng tiêu chuẩn logic không thể thay thế cho tiêu chuẩn thực tiễn và xét đến cùng nó cũng phụ thuộc vào tiêu chuẩn thực tiễn.
Chúng ta cần phải hiểu thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý một cách biện chứng. Tiêu chuẩn này vừa có tính tuyệt đối, vừa có tính tương đối:
+ Tiêu chuẩn thực tiễn có tính tuyệt đối vì thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan để kiểm nghiệm chân lý. Thực tiễn ở mỗi giai đoạn lịch sử có thể xác nhận được chân lý.
+ Tiêu chuẩn thực tiễn có cả tính tương đối vì thực tiễn không đứng nguyên một chỗ mà luôn biến đổi và phát triển. Thực tiễn là một quá trình và được thực hiện bởi con người nên không tránh khỏi có cả yếu tố chủ quan.
Tiêu chuẩn thực tiễn không cho phép biến những tri thức của con người thành những chân lý tuyệt đích cuối cùng. Trong quá trình phát triển của thực tiễn và nhận thức, những tri thức đạt được trước kia và hiện nay vẫn phải thường xuyên chịu kiểm nghiệm bởi thực tiễn tiếp theo, tiếp tục được thực tiễn bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa và phát triển hoàn thiện hơn.