Contents
1. Giải mã hiện tượng bí ẩn Mặt Trăng Máu
Chỉ trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Mặt Trăng Máu đã trở thành một thuật ngữ phổ biến. Vậy rốt cuộc Mặt Trăng Máu là hiện tượng gì? Và tại sao nó lại được gọi như vậy?
1.1. Mặt Trăng Máu là gì?
Thuật ngữ “Mặt Trăng Máu” dùng để chỉ “hiện tượng Nguyệt thực toàn phần“. Lúc đó, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ như máu nên còn được gọi là hiện tượng Mặt Trăng Máu (hay Huyết Nguyệt).
1.2. Tại sao Mặt Trăng lại có màu đỏ như máu?
Trước hết, Mặt Trăng không có bất kỳ màu sắc nào cả. Nó tỏa sáng do bề mặt phản xạ lại ánh sáng từ Mặt Trời.
Khi hiện tượng Nguyệt thực toàn phần diễn ra, Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng, trong đó Trái Đất sẽ nằm ở giữa, và che khuất ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng. Về lý thuyết, lúc đó, Mặt Trăng sẽ hoàn toàn tối đen do không có ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số tia sáng từ Mặt Trời vẫn chiếu đến được Mặt Trăng một cách gián tiếp thông qua bầu khí quyển của Trái Đất, và phủ lên hành tinh này những ánh sáng màu đỏ, cam hoặc vàng.
Cụ thể, khi tia sáng Mặt trời đi qua bầu khí quyển của Trái Đất, một số màu trong quang phổ ánh sáng – những màu có bước sóng ngắn như màu xanh lam – bị lọc ra và tán xạ. Các màu có bước sóng dài như cam, đỏ đi xuyên qua bầu khí quyển, và bị khúc xạ tại rìa Trái Đất sẽ chiếu xuống bề mặt Mặt Trăng khiến nó có màu sắc này.
Tùy thuộc vào thành phần của khí quyển mà các màu sắc khác nhau của quang phổ ánh sáng bị lọc ra, nên Mặt Trăng cũng có thể trông như có màu vàng, cam hoặc nâu khi nguyệt thực toàn phần xảy ra.
1.3. Chu kỳ diễn ra hiện tượng Mặt Trăng Máu
Hiện tượng Nguyệt thực toàn phần hay Mặt Trăng Máu không phải là hiện tượng hiếm gặp. Trung bình, nó sẽ xảy ra theo chu kỳ 2,5 năm một lần.
1.4. Hiện tượng đặc biệt: Siêu Mặt Trăng Máu
Bên cạnh hiện tượng Mặt Trăng Máu còn có một hiện tượng đặc biệt hơn, gọi là Siêu Mặt Trăng Máu. Vậy hiện tượng này là gì?
Để hiểu về hiện tượng Siêu Mặt Trăng Máu, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về hiện tượng Siêu Trăng.
Theo nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất theo một quỹ đạo có hình elip. Vì vậy, mỗi tháng, Mặt Trăng sẽ đi qua perigee (điểm gần Trái đất nhất) và apogee (điểm xa Trái đất nhất). Khi Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất, chúng ta sẽ thấy nó lớn hơn bình thường, nên được gọi là Siêu Trăng.
Siêu Trăng và Mặt Trăng Máu là hai hiện tượng riêng biệt, không phải lúc nào cũng xảy ra cùng một lúc. Tuy nhiên, khi chúng xảy ra đồng thời thì chúng ta sẽ có hiện tượng Siêu Mặt Trăng Máu.
Hiện tượng Siêu Mặt Trăng Máu xảy ra gần nhất là vào ngày 26/05/2021. Siêu Mặt Trăng Máu tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 08/10/2033.
2. Khi nào có Mặt Trăng Máu ở Việt Nam trong năm 2022?
Trong năm 2022, hiện tượng Nguyệt thực toàn phần hay Mặt Trăng Máu sẽ xảy ra vào 2 thời điểm là ngày 16/05/2022 và ngày 08/11/2022.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát được hiện tượng này vào ngày 8/11/2022. Và địa điểm quan sát rõ nhất là tại Hà Nội.
Cụ thể, chúng ta có thể quan sát hiện tượng Mặt Trăng Máu rõ nhất trong hơn 1 tiếng đồng hồ, từ 17 giờ 16 phút đến 18 giờ 41 phút.
Không giống như khi quan sát Nhật thực, bạn có thể quan sát Nguyệt thực toàn phần hay Mặt Trăng Máu hoàn toàn bằng mắt thường mà không cần một chiếc kính đặc biệt nào cả. Việc này hoàn toàn an toàn cho mắt vì bạn đang nhìn vào Mặt Trăng (ánh sáng Mặt Trời được phản xạ) chứ không phải nhìn trực tiếp vào ánh sáng Mặt Trời.
Ngoài ra, để quan sát rõ hơn, bạn có thể sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn.
3. Mặt Trăng Máu là điềm gì?
Từ xa xưa, con người đã quan tâm đến sự vận động và biến chuyển của Mặt Trăng, Mặt Trời. Và khi hiện tượng Mặt Trăng Máu diễn ra, người xưa cũng có nhiều cách lý giải khác nhau.
3.1. Truyền thuyết Mặt Trăng Máu trong các nền văn hóa và tôn giáo
Mặt Trăng Máu có ý nghĩa gì? Mỗi nền văn hóa và tôn giáo lại có cách giải thích khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều mang ý nghĩa tiêu cực.
Người Inca cổ đại giải thích hiện tượng này là do một con báo đốm tấn công và ăn thịt Mặt Trăng. Họ tin rằng con báo đốm sau đó sẽ chuyển sự chú ý sang Trái Đất, vì vậy mọi người sẽ hét lên, lắc giáo, bắt chó sủa và hú lên, hy vọng sẽ gây ra đủ tiếng ồn để xua đuổi con báo đốm.
Ở Lưỡng Hà cổ đại, người ta tin rằng “Mặt Trăng Máu” là một sự đe dọa trực tiếp vào nhà vua. Do đó, vào ngày trước khi xảy ra hiện tượng này, họ sẽ đưa vị vua của họ đi ẩn náu và tìm một người khác để thay thế. Sau khi Nguyệt thực qua đi, vị vua đích thực sẽ quay trở lại còn người đóng thế sẽ biến mất một cách bí ẩn.
Còn đối với người Hindu, Nguyệt thực là kết quả của việc quỷ Rahu uống thuốc trường sinh bất tử. Hai vị thần Mặt Trời và Mặt Trăng ngay lập tức chặt đầu Rahu, nhưng do đã được uống thuốc tiên nên đầu của Rahu vẫn bất tử. Để tìm cách trả thù, đầu của Rahu đuổi theo Mặt Trời và Mặt Trăng để nuốt chửng.
Ở Ấn Độ, nhiều người tin rằng nguyệt thực là điềm xấu. Thức ăn và nước uống sẽ được đậy kín trong thời gian này. Ngoài ra, họ cũng thực hiện các nghi lễ tẩy rửa. Đặc biệt, những phụ nữ mang thai được khuyên là không nên ăn và làm các công việc gia đình trong thời gian này để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Còn theo Hồi giáo, Mặt Trời và Mặt Trăng tượng trưng cho sự tôn kính sâu sắc đối với thánh Allah. Vì vậy trong thời gian diễn ra nguyệt thực, những lời cầu nguyện đặc biệt được tụng niệm bao gồm cả Salat-al-khusuf, “lời cầu nguyện về nguyệt thực”. Nó vừa cầu xin sự tha thứ vừa khẳng định lại sự vĩ đại của thánh Allah.
Cơ Đốc giáo thì gắn hiện tượng Nguyệt thực với cơn thịnh nộ của Chúa, và thường liên kết chúng với việc Chúa Giê-su bị đóng đinh.
3.2. Mặt Trăng Máu có phải là điềm ngày tận thế?
Thực ra, thuật ngữ “Mặt Trăng Máu” mới trở nên phổ biến vào năm 2013 sau khi cuốn sách “Bốn Mặt Trăng Máu” của bộ trưởng Cơ đốc giáo John Hagee được phát hành. Trong đó, ông truyền bá niềm tin về Ngày tận thế với sự kiện một chuỗi 4 lần Nguyệt thực toàn phần xảy ra liên tiếp trong hai năm 2014 – 2015.
Hagee cũng lưu ý rằng cả 4 lần đều rơi vào các ngày lễ của người Do Thái, điều này chỉ xảy ra 3 lần trước đây – mỗi lần dường như được đánh dấu bởi những sự kiện tồi tệ.
Rõ ràng niềm tin này đã được thực tế chứng minh là sai lầm nhưng thuật ngữ “Mặt Trăng Máu” vẫn được truyền thông sử dụng thường xuyên và trở thành một từ đồng nghĩa đáng lo ngại cho Nguyệt thực toàn phần.
4. “Mặt Trăng Máu” đã cứu mạng nhà thám hiểm Columbus
Vào năm 1504, trong chuyến đi xuyên Đại Tây Dương lần thứ 4 của mình, Christopher Columbus và đoàn thủy thủ của ông đã bị mắc cạn tại bờ biển phía bắc của Jamaica.
Lúc đầu, những người bản xứ Arawaks rất vui vẻ chào đón và cung cấp thức ăn cho họ để đổi lấy những món đồ lặt vặt. Tuy nhiên, sau đó, họ nhanh chóng mất dần hứng thú với những vị khách lạ mặt. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi một nhóm thủy thủ đoàn của Columbus đánh nhau và giết một số người Arawaks.
Việc cung cấp thực phẩm đã chấm dứt hoàn toàn. Đối mặt với nạn đói (hoặc tệ hơn, một cái chết đau đớn dưới tay của những người bản địa), Columbus cần một cách để tự cứu lấy mình và thủy thủ đoàn. Và ông đã tìm thấy nó trong một niên giám thiên văn của nhà toán học người Đức Regiomontanus.
Regiomontanus – tên thật là Johannes Müller von Königsberg – đã qua đời hơn một phần tư thế kỷ trước đó, nhưng bản tóm tắt dữ liệu thiên văn của ông vẫn là cuốn sách quý giá của các nhà thám hiểm. Nó ghi lại những tính toán chính xác về chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh, cũng như Nhật thực, Nguyệt thực cho đến năm 1506.
Khi Columbus nhận ra rằng sẽ có Nguyệt thực toàn phần vào ngày 29/02/1504, ông biết chính xác mình phải làm gì. Vài ngày trước đó, ông đã hẹn gặp thủ lĩnh của người Arawaks. Columbus nói rằng vì họ từ chối cung cấp thức ăn cho người của ông, nên Chúa của ông rất tức giận, và ông có thể chứng minh điều đó. Chúa sẽ thể hiện sự phẫn nộ lên Mặt Trăng, biến nó thành màu đỏ như máu.
Quả thực mọi chuyện diễn ra sau đó đúng như lời Columbus đã nói. Ba ngày sau, khi trăng tròn mọc lên, nó không phải là một viên ngọc trai óng ánh, mà là một quả cầu đỏ rực.
Những người Arawaks vô cùng hoảng sợ, chạy nhanh đến tàu của Columbus để van nài ông cầu xin Chúa tha thứ cho họ. Columbus miễn cưỡng nhận lời và quay vào cabin của mình để cầu nguyện. Khi ở một mình, ông đã sử dụng chiếc đồng hồ cát của mình để xác định thời gian Nguyệt thực kết thúc.
Hơn một tiếng sau, Columbus quay trở lại và nói với đám đông những người đang đợi rằng ông đã phải rất vất vả để cầu xin Chúa nguôi giận. Và tất nhiên, giờ đây khi Nguyệt thực đã trôi qua, Mặt Trăng từ từ mất đi màu đỏ của máu và trở lại bình thường.
Những người Arawaks vô cùng mừng rỡ và quyết định cung cấp thức ăn trở lại cho Columbus và thủy thủ đoàn. Nhờ vậy họ có thể sống sót trước khi được giải cứu.
Có thể nói Mặt Trăng Máu chỉ đơn giản là Nguyệt thực toàn phần – một hiện tượng thiên văn thú vị. Do đó, chúng ta chỉ cần quan sát và tận hưởng khi nó diễn ra, thay vì gán ghép bất kỳ ý nghĩa cực đoan nào cho nó.