Trong khi phê phán chủ nghĩa Makhơ có nguồn gốc từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan và nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng lý luận trong vật lý học, V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển triết học Mác. Công lao của ông được ghi nhận bởi một phát hiện nổi tiếng, khi đưa ra quan niệm về vật chất bằng định nghĩa sau: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”.
Quan niệm này của V.I.lênin đã được nhiều học giả mácxít bàn luận và về cơ bản, là đúng đắn, chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế cần phải được làm rõ.
Bài viết của tiến sĩ Phạm Văn Chung, theo tôi, là một phát hiện ra những hạn chế đó, mặc dù phát hiện này mới chỉ là sự cảm nhận.
Vì chưa đạt đến trình độ nhận thức triết học về những hạn chế đó, nên tác giả Phạm Văn Chung đã mắc phải những nhầm lẫn, luẩn quẩn trong việc thể hiện ý tưởng của mình.
Trước hết chúng ta hãy nói một đôi điều về khái niệm.
Khái niệm (phạm trù) là hình thức phản ánh chủ quan, biểu hiện chủ quan tính bản chất của đối tượng. Những tính chất đặc trưng, những thuộc tính cơ bản có tính bản chất của đối tượng được phản ánh, được ghi nhận trực tiếp bởi định nghĩa khái niệm.
Do vậy, có thể nói, định nghĩa khái niệm là nội dung, là bộ mặt của khái niệm, là lời giải thích trực tiếp cho khái niệm. Nhưng nó cũng đồng thời nhằm trực tiếp nói về đối tượng mà khái niệm phản ánh. Dù là khái niệm ấy được con người xây dựng bằng cách nào đi chăng nữa (trực tiếp hay gián tiếp, đường vòng hay đường thẳng) thì nội dung của nó được chỉ ra trong định nghĩa cũng là nhằm trực tiếp nói về đối tượng ấy chứ không bao giờ là một sự gián tiếp như tác giả đã hiểu.
Lấy lại một ví dụ trong toán học mà tác giả đã có ý đưa ra – “Hình thang là một tứ giác có hai cạnh đối song song”.
Ở những loại định nghĩa này, tác giả mới chỉ nhìn thấy khái niệm là sự phản ánh, biểu hiện trực tiếp, nói trực tiếp, nhằm chính diện vào đối tượng trong hiện thực mà không thấy rằng, nội dung ấy còn là lời giải thích cho hình thang với tư cách sản phẩm của quá trình tư duy, quá trình nhận thức. Hai tư cách này của hình thang (cũng như của vật chất) có một sự khác biệt nhau – đó là điều ai cũng biết. Nhưng từ đó, không cho phép chúng ta đánh mất đi tính thống nhất, đồng nhất giữa chúng. Do chỉ nhìn thấy sự khác nhau, sự đối lập không thể vượt qua được, nên tác giả (P.V.C) đã không nhìn thấy được cái một trong cách phát biểu mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.
Có một điều xin được bổ sung. Khi phát biểu về định nghĩa hình thang, người ta không đưa thêm vào cụm từ “một khái niệm toán học dùng để chỉ”. Điều này, theo tôi, chỉ làm cho định nghĩa thêm dài dòng, rối rắm và không cần thiết. Bởi vì hình thang là một vật của trừu tượng toán học, là sản phẩm của tư duy trừu tượng hay là một phức hợp cảm giác, cảm tính, kinh nghiệm là điều không quan trọng đối với họ và đó cũng không phải là nhiệm vụ mà toán học phải quan tâm giải quyết.
Trở lại định nghĩa về vật chất của V.I.Lênin, chúng ta dẫn ra ở đây hai định nghĩa:
– “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác… ” (1).
– “Vật chất là một thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác” (2).
Tác giả (P.V.C) đã có sự phân chia, tách rời các định nghĩa trên thành hai dạng. Theo tác giả, ở định nghĩa dạng (1), V.I.Lênin (chỉ) giải thích trực tiếp, nói trực tiếp về vật chất với tư cách một vật trong tư duy, một trừu tượng triết học. Còn ở định nghĩa dạng (2) mới là sự giải thích trực tiếp, chính diện về vật chất.
Chúng ta thấy rằng, ở định nghĩa dạng (1), nội dung “… dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác …, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác” sẽ là cái gì nếu không phải là những biểu hiện chủ quan, phản ánh chủ quan (trực tiếp, chính diện) thuộc tính cơ bản, tính bản chất của đối tượng vật chất trong hiện thực.
Việc V.I.Lênin khẳng định “vật chất là một phạm trù triết học” là xuất phát từ tính lịch sử của vấn đề – điều này thì tác giả hiểu rất rõ.
Ở định nghĩa dạng (2), tác giả cho rằng, đây mới là định nghĩa trực tiếp, rõ ràng về vật chất với tư cách nó là những sự vật vật chất hữu hình, cụ thể trong hiện thực khách quan. Nhưng tác giả đã không thấy ra một điều là, nội dung “thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác” cũng là một sự giải thích trực tiếp cho vật chất được hiểu như là một vật tư duy, một trừu tượng triết học, một khái niệm.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể kết luận rằng, các định nghĩa trên, dù là cách phát biểu khác nhau, nhưng nội dung của chúng, về thực chất, chỉ là một.
Việc phân chia thành hai dạng định nghĩa có thể dẫn đến một hậu quả ngoài ý muốn: người ta có thể ngộ nhận ở định nghĩa (1), vật chất mới là một khái niệm, phạm trù. Còn vật chất là chủ từ trong định nghĩa dạng (2) không phải là một trừu tượng triết học, một phạm trù, mà là vật tồn tại trong hiện thực khách quan. Nhưng đáng tiếc rằng, trong hiện thực khách quan không có cái vật chất như thế tồn tại, mà chỉ có những vật cụ thể, hữu hình tồn tại mà thôi.
2. Về những thuộc tính của vật chất
Ở phần một, chúng ta đã hiểu rằng, khái niệm là một hình thức phản ánh chủ quan những thuộc tính cơ bản, bản chất của đối tượng, sự vật. Nội dung phản ánh này được ghi nhận đầy đủ vào trong định nghĩa. Qua đó, chúng ta nhận biết được đối tượng ấy trong sự khác biệt với những cái khác; hiểu được sự hình thành, những hình thái tồn tại và khuynh hướng phát triển của nó.
Nhưng, sự hiểu biết của khái niệm, những nội dung mà nó vạch ra có “lấp đầy” những thuộc tính cơ bản nhất, bản chất nhất của đối tượng hay không?
Chúng ta biết rằng, để có một bức tranh đầy đủ, hoàn chỉnh (dĩ nhiên còn tương đối) về sự vật trong vận động, biến đổi thì phải cần đến sự tổng hợp của nhiều trừu tượng, nhiều khái niệm về chúng. Điều này giải thích vì sao có những thuộc tính cơ bản của đối tượng không được phản ánh vào trong khái niệm, mà nó lại phản ánh, biểu hiện vào trong những khái niệm khác, những trừu tượng khác được thực hiện bằng những con đường khác nhau của quá trình nhận thức.
Ví dụ, trong toán học, khái niệm hình thang đã chỉ ra hai thuộc tính cơ bản của nó: a) là một tứ giác (lồi); b) hai cạnh đối song song. Nhưng hình thang không chỉ có hai thuộc tính cơ bản đó. Người ta đã chỉ ra được nhiều thuộc tính có tính bản chất khác, như tính chất về góc, đường trung bình, diện tích của nó được phản ánh ở trong các định lý.
Trở lại định nghĩa về vật chất của V.I.Lênin. Có một điều rõ ràng ở định nghĩa này: nó là sự biểu hiện chủ quan hai thuộc tính cơ bản, phổ biến nhất của vật chất.
Thế nhưng, có lẽ, tác giả (P.V.C) đã có một sự nhầm lẫn nào đó giữa định nghĩa của khái niệm với tính chất của đối tượng, nên từ định nghĩa này, tác giả đã đi tới một kết luận chưa đúng: “vật chất có hai thuộc tính căn bản, phổ biến…”.
Chúng ta đã biết, vận động, phát triển, không gian và thời gian cùng nhiều thuộc tính khác đều là những thuộc tính cố hữu của vật chất mà tính căn bản, phổ biến của nó cũng chẳng kém gì hai thuộc tính trên.
Vật chất là vô cùng, vô tận và luôn biến đổi. Việc tác giả khuôn chúng lại chỉ vẻn vẹn có hai phẩm chất thôi là kết quả của một tư duy triết học cứng nhắc. Hậu quả của việc làm này là đã đem lại cho chúng ta một bức tranh quá nghèo nàn về thế giới. Nhưng thực ra, sự tìm tòi, sự nhận thức triết học của chúng ta về nó là một quá trình đầy gian khổ và lâu dài như bản thân sự tồn tại của chúng ta vậy.
(*) Nhân bài viết của TS. Phạm Văn Chung đăng trên Tạp chí Triết học, số 7, 2007, tr. 49 – 57.
(**) Cử nhân triết học.