Hỏi:
Tôi đọc kinh Phật được biết nếu làm ác thì bị đọa địa ngục. Nhưng tôi lại nghe rằng địa ngục chỉ là ẩn dụ, biểu tượng cho trạng thái tâm lý khổ não, bức bách… chứ không có thật. Tôi được biết Phật giáo chủ trương vô ngã, vậy theo kinh Địa Tạng, ai sẽ là người thọ hình trong địa ngục. Cũng theo kinh này, đọc tụng kinh Địa Tạng thì cầu gì sẽ được như ý, vậy điều này có trái với luật Nhân quả không?
Lúc nào thì chúng ta bị đọa địa ngục?
Đáp:
Bàn về thế giới, cảnh giới, kinh Phật nói có tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới. Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới của cõi Dục (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) thuộc thế giới Ta bà. Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sanh mà tái sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực của mình. Mỗi cảnh giới mà chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố là vị trí, thân tướng và tâm thức.
Vị trí địa ngục, theo kinh Trường A Hàm: “Nằm giữa núi Đại kim cương thứ nhất và núi Đại kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc”, “Địa ngục ở ngoài núi Thiết Vi” (luận Lập Thế A Tỳ Đàm), “Đại địa ngục ở phía dưới Nam Thiệm Bộ châu, cách 2 vạn do tuần, những địa ngục còn lại nằm chồng lên phía trên hoặc bên cạnh” (luận Câu Xá, luận Đại Tỳ Bà Sa). Ngoài ra, còn có Cô địa ngục và Biên địa ngục nằm ở khắp nơi. Những chúng sanh trong địa ngục có hình tướng xấu xa, kỳ dị và tâm thức luôn đau khổ vì bị hành hạ, đói khát, sợ hãi.
Chúng sanh bị đọa vào địa ngục vì đã tạo nhiều nghiệp ác, tà kiến. Chúng ta nhờ tạo dựng nghiệp nhân làm người, sống giữa cõi người còn những chúng sanh nào tạo nghiệp nhân địa ngục thì sống trong địa ngục. Đây là một sự thật của nhân quả-nghiệp báo, vì thế địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể của chúng sanh, không phải là ẩn dụ hay biểu tượng.
Đành rằng, đứng trên lập trường duyên khởi có thể nói địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là Không, như huyễn hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” có thể nói địa ngục hay Cực lạc là tùy theo trạng thái tâm mình đau khổ hay hạnh phúc nhưng điều ấy chỉ đúng về phần Lý trong quan điểm về cảnh giới mà thôi. Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới bao gồm Lý và Sự rất rõ ràng. Thiên về Lý mà bỏ quên Sự sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước…
Do vậy, có thể nói, đối với bậc giác ngộ, thành tựu tuệ giác Bát nhã thì vạn pháp đều Không, còn đối với chúng sanh nói chung, nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều có.Về vấn đề được trình bày trong kinh Địa Tạng, đúng như bạn đã nhận thức, Phật giáo chủ trương con người năm uẩn này vô ngã, không có linh hồn. Mọi khổ đau sanh tử luân hồi của con người đều bắt nguồn từ chấp thủ và nhận thức sai lầm về tự ngã, cái tôi thuần nhất, bất biến. Vì chấp ngã nên có năng (chúng sanh) và sở (cảnh giới), và do đó, không chỉ thọ hình trong địa ngục mà ngay cả hưởng phước trong các cõi trời cũng nằm trong vòng tương đãi này. Vì thế, thọ hình ở địa ngục là sự chiêu cảm nghiệp báo của những tâm thức có sự chấp thủ nặng nề, tạo nhiều ác nghiệp. Nhân như thế nào thì quả báo như thế ấy. Tuy vậy, theo Phật giáo, dù thọ hình nơi địa ngục hay hưởng phước nơi cõi trời đều không vĩnh hằng mà vận động, thay đổi. Và vòng luân hồi sẽ vô tận, chỉ chấm dứt khi giác ngộ hoàn toàn, thành tựu tuệ giác vô ngã.
Việc kinh Địa Tạng đề cập đến công năng của trì tụng kinh này sẽ được như ý có nghĩa là nếu đọc tụng, thâm nhập nghĩa lý và ứng dụng thực hành trong cuộc sống thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Và như thế, điều này không có gì chống trái với luật Nhân quả. Một trong những đặc điểm của kinh điển Bắc truyền như Pháp Hoa, Địa Tạng v.v… là nhận thức ý nghĩa sâu kín của kinh văn qua những hình ảnh, biểu tượng cụ thể. Do đó, nếu đọc kinh và hiểu theo nghĩa “đen”, chấp chặt vào câu chữ sẽ khó lãnh hội được tinh nghĩa.