9 bài văn mẫu Viết đoạn văn kể về ngày hội
MẹoPhương pháp làm văn kể chuyện lớp 4,5
* Hướng dẫn viết bài:
– Tìm hiểu đề: Đề yêu cầu kể về một ngày hội, vì vậy em có rất nhiều lựa chọn khác nhau: lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lễ hội đền Trần, lễ hội đua thuyền,…– Nội dung đoạn văn cần đảm bảo những nội dung:+ Tên lễ hội+ Thời gian, địa điểm tổ chức+ Những hoạt động đặc sắc của lễ hội+ Cảm nghĩ của em về lễ hội.
I. Dàn ý Viết đoạn văn kể về ngày hội (Chuẩn)
* Dàn ý 1:
1. Mở đoạn
Giới thiệu về ngày hội quê em
2. Mở đoạn
– Tên của lễ hội là gì? (Ví dụ: Hội Lim, lễ hội đua thuyền, hội làng,…)- Thời gian tổ chức lễ hội (Đầu tháng Giêng hàng năm, sau Tết nguyên đán,…)- Địa điểm diễn ra lễ hội (Sân đình, sông nước,…)- Các hoạt động diễn ra trong lễ hội: Dâng hương, kéo co, đấu vật, múa rối nước,..- Thái độ của mọi người tham gia lễ hội (Vui mừng, náo nức dự lễ)
3. Kết đoạn
Cảm xúc của em về lễ hội.
* Dàn ý 2:
1. Mở đoạn:
Giới thiệu khái quát về ngày hội ở quê hương em (tên lễ hội)
2. Thân đoạn:
– Thời gian diễn ra lễ hội (bắt đầu vào ngày nào hay kéo dài trong bao nhiêu ngày)- Địa điểm tổ chức ngày hội (lễ hội được tổ chức ở đâu?)- Không khí của ngày hội: rộn ràng, vui tươi, náo nhiệt, hân hoan- Những hoạt động đặc sắc của lễ hội (ví dụ như múa rối nước, chọi trâu, hát quan họ…)- Thành phần tham gia lễ hội: tất cả mọi người
3. Kết đoạn:
Nêu cảm nhận của em về ngày hội ở quê hương
II. Bài văn mẫu Viết đoạn văn kể về ngày hội
1. Viết đoạn văn kể về ngày hội quê em: Hội Lim (Chuẩn)
Vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân Bắc Ninh quê em lại náo nức tổ chức hội Lim- Lễ hội truyền thống của địa phương em. Vào ngày hội, mọi người đều diện lên mình những bộ trang phục đẹp để đi hội. Hội Lim có rất nhiều trò chơi dân gian thú vị như: Kéo co, chọi gà, đấu cờ, đấu vật. Một hoạt động văn hóa khác được tổ chức ở hội Lim được đông đảo mọi người yêu thích, đó là hát quan họ. Tại bờ sông, các liền anh, liền chị hát đối đáp trên thuyền thu hút đông đảo khán giả thưởng thức. Trong những ngày tổ chức lễ hội, không chỉ có người dân ở địa phương em mà còn rất nhiều du khách từ những địa phương khác cũng về đây trẩy hội. Hội Lim là một ngày hội truyền thống, một nét đẹp văn hóa mà bất cứ người nào sinh sống trên quê hương Bắc Ninh đều cảm thấy yêu thích và tự hào.
-HẾT BÀI 1-
Viết đoạn văn kể về ngày hội là một nội dung thú vị trong chương trình Tiếng Việt 3. Ngoài ra, các em có thể tham khảo Viết đoạn văn kể về những trò vui trong ngày hội cùng với phần Viết đoạn văn kể về đêm Trung thu để học tốt Tiếng Việt lớp 3 hơn.
2. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội Mừng lúa mới (Chuẩn)
Ở mỗi vùng quê đều có những lễ hội gắn với văn hóa và phong tục của con người nơi đó. Tây Nguyên quê em cũng có những lễ hội như vậy, một trong số đó có thể kể đến Lễ hội Mừng lúa mới. Lễ hội được tổ chức sau dịp tết Nguyên đán để ăn mừng lúa mới, làm lễ tạ ơn đối với Giàng đã ban cho người dân một mùa màng bội thu. Lễ hội mừng lúa mới gồm 2 phần, phần lễ sẽ được già làng tổ chức, mọi người sẽ tìm ra một khu ruộng màu mỡ để già làng làm lễ cúng thần La Pôm. Phần hội thì rộn ràng, náo nhiệt hơn. Mọi người sẽ cùng nhau nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa, cùng hát hò, ăn uống. Sau khi dự lễ hội về, mọi người sẽ về nhà và tự tổ chức lễ cúng riêng tại nhà để cầu mong những điều tốt đẹp.
3. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Hội làng (Chuẩn)
Đã thành thông lệ, vào đầu tháng Giêng hàng năm, người dân làng em sẽ cùng nhau tổ chức Hội thành hoàng làng. Lễ hội được bắt đầu bằng lễ dâng hương lên thành hoàng làng với những lễ vật long trọng, người chủ trì nghi thức dâng hương là những cụ già có uy tín trong làng. Cùng với phần lễ, hội làng quê em còn tổ chức các cuộc thi kéo co, thi nấu cơm, làm bánh giày. Lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia, không chỉ là những người cao tuổi mà ngay cả những bạn trẻ cũng đều náo nức đi dự hội. Ngày hội làng còn là ngày hội sum họp bởi dù ai đi đâu ở đâu thì đến ngày hội đều trở về cùng gia đình dự lễ. Em thấy hội làng quê mình thật ý nghĩa, không chỉ thể hiện sự biết ơn đối với thành hoàng làng mà mọi người còn cùng nhau vui chơi, sum họp, quây quần.
4. Viết đoạn văn kể về ngày hội quê em: Kể về ngày hội làng
Mừng Đảng, mừng Xuân, hội làng quê em tổ chức vào đầu tháng Giêng, ngay tại sân đình. Trước ngày diễn ra lễ hội, cổng đình được trang trí với cờ phướn treo đu màu sắc, rực rỡ và vui mắt. Biểu ngữ Mừng Đảng, Mừng Xuân treo cao ngay cổng chào đón mọi người đến đình xem hội. Mọi người ăn mặc lịch sự, quần áo mới trang trọng, các bà, các chị diện áo mới còn thơm phức mùi vải sợi. Hội làng được khai mạc bằng lễ dâng hương cúng tổ tiên, thành hoàng thật long trọng. Sau lễ dâng hương là hội thi kéo co của các đội trong làng. Trên quãng sân rộng, sau hồi trống dài nổi lên, các đội kéo co gò lưng kéo sợi dây về phía mình. Theo nhịp trống, người xem hội hò reo cổ vũ thật hào hứng, sôi nổi. Em thật vui và yêu thích xem hội kéo co. Hội làng gắn kết tình yêu quê hương. Em thấy yêu quê mình tha thiết.
5. Viết đoạn văn kể về ngày hội quê em: Lễ hội đua thuyền (Chuẩn)
Quê hương em là nơi được gọi với cái tên đầy thơ mộng – thành phố hoa phượng đỏ, đó chính là Hải Phòng. Em sinh ra và lớn lên ở đây đã 8 năm rồi, và bắt đầu từ 5 tuổi em đã được đi xem ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền ở quê hương em đã có lịch sử rất lâu đời. Hàng năm, cứ vào tháng giêng, là các huyện bắt đầu mùa lễ hội đua thuyền trên sông. Lễ hội đua truyền rồng trên sông vừa gợi nhớ đến những chiến công oanh liệt lừng lẫy của cha ông ta ngày xưa, vừa mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vào ngày hội đua thuyền, mọi người tập trung rất đông ở hai bên bờ sông, mang theo rất nhiều loa kèn, chai, trống đi để reo hò cổ vũ. Tâm điểm của lễ hội chính là những đội thuyền trên sông toàn là trai tráng khỏe mạnh lực lưỡng và chèo thuyền giỏi. Mỗi đội thuyền gồm 9-11 người làm nhiệm vụ chèo thuyền, còn có thêm người cầm cờ, trống và hò những câu như “Dô ta này, cố lấy giải này, dô ta nào!”. Khi tiếng còi khai cuộc vang lên, những chiếc thuyền phóng như bay trên mặt nước, không khí trên sông đầy kịch tích và hai bên sông vô cùng náo nhiệt. Ban đầu họ xuất phát cùng nhau nhưng dần dần có đội về đích trước, có đội về sau, dù thắng hay thua họ đều ôm nhau cười nói rất vui vẻ. Lễ hội đua thuyền đã trở thành một hoạt động văn hóa, thể thao vô cùng ý nghĩa với dân làng. Nhờ có những lễ hội như vậy mới có thể gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa cho thế hệ sau.
6. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội đua thuyền
Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nôi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua. Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.
Xem thêm:1. Viết đoạn văn trình bày ý kiến của em về tình bạn2. Viết một đoạn văn giới thiệu về tổ của em3. Viết đoạn văn miêu tả cảnh sông nước
7. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội đua thuyền
Em sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam, nơi đây có khá nhiều lễ hội nhưng đáng nhớ nhất phải kể đến là lễ hội đua thuyền. Hội đua thuyền được tổ chức vào tháng giêng hàng năm trên dòng sông Hàn, để cầu cho mưa thuận gió hòa, màu màng bội thu, cuộc sống đủ đầy. Sáng sớm tinh mơ ngày diễn ra hội, trưởng lão cùng các đội trưởng đã có mặt để làm lễ, thắp hương trước thuyền, cầu cho lễ hội diễn ra tốt đẹp. Mỗi đội thuyền đua gồm các thanh niên trai tráng khỏe mạnh đến từ mỗi làng, tay đua cùng một đội thì mặc cùng một màu áo để phân biệt với các đội khác. Sau tiếng còi dài báo hiệu, những chiếc thuyền dài được trang hoàng lộng lẫy lập tức rẽ nước phóng đi, trong tiếng hô, tiếng trống và sự chèo lái nhịp nhàng của các tuyển thủ. Xung quanh bờ sông, người xem lẫn du khách đứng chen chúc, hò reo, cổ vũ vô cùng náo nhiệt, cùng những tiếng trò chuyện, bàn tán xôn xao xem đội nào sẽ chiến thắng, Cuối cùng cũng có một đội về đích, dân làng cùng các tay đua trao nhau những cái ôm thắm thiết để mừng chiến thắng, trên gương mặt mọi người lộ ra niềm vui sướng tột cùng. Các đội thua cuộc cũng không vì thế mà buồn lòng, có chăng chỉ là sự nuối tiếc nho nhỏ. Vốn là một hoạt động tự phát, nhưng từ lâu lễ hội đua thuyền đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người dân Đà Nẵng, được chính quyền ủng hộ và phát huy, để thu hút một lượng khách du lịch tìm về với Đà Nẵng.
8. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Giỗ tổ Hùng Vương (Chuẩn)
Em luôn tự hào mình là người con được sinh ra trên mảnh đất của tổ tiên linh thiêng, đó là ở Việt Trì – Phú Thọ. Lễ hội nổi tiếng nhất ở quê hương em cũng chính là lễ hội lớn nhất của cả nước, đó chính là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội được diễn ra trên chính khuôn viên di tích lịch sử Đền Hùng, kéo dài suốt từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Phần lễ được tổ chức vào đúng ngày mùng 10 tháng 3, được cử hành rất long trọng và trang nghiêm, đặc biệt là phần dâng hương của đại diện Nhà nước. Lễ vật không thể thiếu để dâng lên các vua Hùng trong ngày này chính là bánh Chưng, bánh Dày, những chiếc bánh được làm thật to, thật ngon và trang trí cùng rất nhiều hoa quả đẹp mắt. Tất cả bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao của các bậc vua Hùng. Sau phần lễ là phần rước, có rất nhiều lần rước, bao gồm rước thần, rước voi, rước kiệu. Bất cứ ai đến với lễ hội này đều cảm thấy rất ấn tượng và không thể rời mắt với nghi lễ và trang phục áo dài khăn gấm, kiệu sơn son thếp vàng của thời xưa. Bên cạnh phần lễ là phần hội, hội ở đây được tổ chức rất lớn, vì để phục vụ cho mọi người từ mọi miền tổ quốc đổ về. Nào là hội hát xoan, hội hát ca trù và rất nhiều trò chơi thú vị, ý nghĩa trong ngày hội. Em đã đi lễ hội Đền Hùng rất nhiều năm và đi nhiều ngày nhưng vẫn chưa lần nào chơi hết các trò chơi ở lễ hội. Vì lễ hội rất đông người lại phức tạp nên có rất nhiều đội bảo vệ, công an, an ninh ở khắp nơi, đảm bảo cho lễ hội diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành tín ngưỡng ăn sâu trong tâm thức của em cũng như mọi người dân Việt Nam nói chung.
9. Bài văn kể về ngày hội: Giỗ Tổ Hùng Vương
“Dù ai đi ngược về xuôiNhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Mỗi năm vào ngày mùng 10, tháng 3 âm lịch, dòng người khắp cả nước lại cùng nhau đổ về Việt Trì, Phú Thọ để tham gia lễ hội Đền Hùng hay còn gọi là giỗ tổ Hùng Vương, cả nhà em cũng hòa trong không khí đó.
Hội Đền Hùng kéo dài trong bốn ngày từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm, gồm có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được cử hành rất long trọng, đồ cúng gồm có một đầu lợn, một đầu dê và một đầu bò, ngoài ra còn có bánh chưng xanh, xôi nhiều màu và bánh dày. Sau khi các chức sắc, bô lão vào tế lễ thì đến lượt người dân ở tứ phương vào tế lễ để tỏ lòng thành kính, biết ơn với vua Hùng và cầu mong cho mình những điều tốt đẹp. Tiếp theo, vui nhất phải kể đến hội rước kiệu, những chiếc kiệu được sơn son thiếp vàng, người đi rước mang khăn đóng áo dài, hoặc kiểu trang phục của quan lại thời xưa trông thật đặc sắc. Nếu như đám rước kiệu nào chiến thắng trong buổi lễ năm nay thì năm sau sẽ được vinh dự rước kiệu lên đền Thượng tham gia vào phần quốc lễ.
Nhìn từ xa xa, chỉ thấy đoàn người đông như kiến với đủ loại trang phục, màu sắc khác nhau chen chúc đi xem hội, ai nấy đều vui mừng, háo hức. Xung quanh khu vực đền Hùng cắm rất nhiều cờ hội với các màu xanh đỏ, tím, vàng làm cho không khí trở nên rộn ràng, náo nhiệt vô cùng. Vì lượng người đổ về đây dự hội rất đông nên có một lực lượng công an tiến hành giữ vững an ninh, trật tự để đảm bảo cho ngày hội diễn ra suôn sẻ.
Lễ hội Đền Hùng là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, cần được giữ vững và phát huy đến muôn đời sau.
10. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội trung thu (Chuẩn)
Em sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, mỗi năm có rất nhiều ngày hội, đặc biệt là các ngày hội ở tháng giêng, tháng ba ở khắp nơi. Tuy nhiên lễ hội mà em cảm thấy yêu thích và mong chờ nhất đó chính là lễ hội Trung thu hay còn gọi là Đêm hội trăng rằm. Chắc hẳn các bạn ai cũng biết đến ngày hội này vì cả nước ở đâu cũng có ngày Tết Trung thu. Vào đúng ngày trăng tròn là ngày 15 tháng 8 âm lịch chính là Tết Trung thu. Ở quê em, học sinh từ mẫu giáo đến tiểu học sẽ được nghỉ học để vui chơi trong cả hai ngày 14 và 15. Ngày hội Trung thu quê em gồm có hai phần chính, thứ nhất là hội thi diễn văn nghệ và thứ hai là hội thi cắm trại. Chiều ngày 14 các thôn trong xã sẽ cắm trại và làm đèn ông sao trên sân vận động ủy ban xã. Trại của thôn nào cũng đẹp, đầy cờ hoa và đèn sáng nhấp nháy, không thể thiếu ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và mâm ngũ quả. Buổi tối ở khu cắm trại mọi người vui chơi rất động, già trẻ, gái trai đều cùng nhau đến xem hội. Tiết mục đồng diễn và diễn văn nghệ được mọi người mong chờ nhất, các anh chị đồng diễn rất đều và đẹp, các em nhỏ múa rất tự tin lại rất dẻo. Mỗi một tiết mục kết thúc là lại rầm rầm tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ, thực sự rất náo nhiệt. Xung quanh khu biểu diễn và cắm trại là những gian hàng bán đồ ăn nhanh, bán đồ chơi và các trò chơi giải trí rất hấp dẫn và thu hút nhiều người đi chơi hội. Mặc dù chỉ diễn ra trong ít ngày nhưng đối với em, Trung thu là một ngày hội đoàn kết của toàn dân tộc, rất đặc biệt và ý nghĩa.
11. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội trung thu
Hội Trung thu rước đèn họp bạn hồi năm ngoái thật là vui. Mẹ mua cho em một chiếc đèn lồng hình con bướm. Tối hôm rằm tháng Tám, khi nghe thấy trống ếch dồn dập ngoài ngõ, em vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đèn rước đèn đèn đi đến đâu, tiếng trống vang lên đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lớn. Rước đèn được một vòng, chúng em quay lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn. Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ông trăng đã lên cao, chúng em mới ra về. Ngày hội đó đã để lại cho em nhiều kỉ niệm khó quên.
12. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải phòng, nổi tiếng trên khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu: “Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó các cụ già làng dắt trâu ra thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Con trâu thứ nhất là số 87. Con trâu thứ hai là số 89. Con trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai con trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận đấu quyết liệt là những tiếng reo hò của khán giả. Ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng. Ông trâu ấy sẽ mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em. Em rất thích hội chọi trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.
13. Kể về ngày hội: Lễ hội thi nấu cơm mừng lúa mới
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán là em lại được theo mẹ về quê ngoại để xem hội thi nấu cơm mừng lúa mới.
Trên sân đình, người từ khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Mọi người đều mặc đồ mới, lịch sự và sạch đẹp. Biểu ngữ “Chào Xuân mới – Vui mùa lúa mới” treo ở cổng đình màu đỏ thắm chào đón mọi người. Hội được khai mạc bằng lễ dâng hương và văn nghệ có chủ đề về nghề nông. Bà con nông dân diễn kịch, mặt mũi phấn son rất hài hước. Dân làng diễn vở kịch trồng cây lúa nước để tưởng nhớ Thần Nông. Ngày hôm sau, dân làng tổ chức hội thi nấu cơm. Mỗi đội nấu cơm có ba người, xúm xít nấu nồi cơm bé tẹo sao cho chín thơm ngon trong ba hồi trống thúc. Bà con xem hội hò reo cổ vũ. Không khí ngày hội thật náo nức.
Ngày Tết, được đi chơi đã vui, được dự hội thi nấu cơm sôi động còn vui hơn. Em yêu biết bao nhiêu cánh đồng xuân đang bước vào mùa gặt hái.
14. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Hội Lim – Bắc Ninh
Quê em ở Bắc Ninh, Hà Nội nơi có di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đó chính là làn điệu dân ca quan họ. Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng hội Lim được tổ chức tại Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khi lễ hội được diễn ra, có rất nhiều hoạt động. Cũng như các lễ hội khác, hội Lim được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Đến phần hội mới là phần du khách mong chờ. Trên hồ, sẽ có các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu trao duyên mượt mà, trong trẻo nghe sao mà da diết thế. Rất nhiều người đứng trên bờ cổ vũ và chụp hình. Trong khi phần hội diễn ra cũng có rất nhiều các trò chơi như chọi gà,đấu vật,ném còn… Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn. Hội Lim không chỉ mang giá trị nhân văn mà còn mang giá trị kinh tế to lớn cho tỉnh Bắc Ninh.
15. Viết đoạn văn kể về ngày hội: Lễ hội chùa Hương
Quê gốc tôi vốn ở Hà Nội, nơi đây có rất nhiều lễ hội nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến lễ hội chùa Hương. Chùa Hương là một tập hợp các kiến trúc đền đài, hang động, rừng núi phối hợp với nhau tạo nên một cảnh sắc kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên đầy tinh tế. Cứ mỗi độ tết đến xuân về là hàng nghìn phật tử, du khách từ khắp mọi miền đất nước lại nô nức tìm về đây dự hội. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chùa Hương gồm có phần lễ và phần hội, phần lễ được thực hiện khá đơn giản, người đi hội lần lượt dâng những mâm hương đèn, hoa quả và đồ chay đầy ắp, rồi thành kính khấn vái, mọi người đều quan niệm rằng phần lễ có nhiều thì mới tỏ được hết tấm lòng thành kính của bản thân. Những ngày này, thỉnh thoảng các sư mới đến tụng kinh niệm phật khoảng nửa giờ, không khí rất yên tĩnh, trang nghiêm, khắp nơi đều thoang thoảng mùi thơm của nhang khói, làm cho ngày hội thêm phần linh thiêng, thanh tịnh. Phần hội thì vui hơn nhiều, mọi người chèo thuyền vãn cảnh chùa, cảnh động, tiếp đến là hành trình leo núi, ngắm cảnh sắc thiên nhiên nơi đất Phật, tâm hồn mỗi người như được hưởng làn gió mới, thoải mái, tịnh tâm, lại càng tin yêu cuộc sống. Trong những ngày diễn ra lễ, chùa Hương lúc nào cũng đông vui, tấp nập, khắp các đền miếu, nhang khói tỏa ra nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm lên cảnh vật. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc – tín ngưỡng Phật giáo, hướng con người đến chữ thiện, chữ nhẫn, mang đậm tính nhân văn, cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa.
-HẾT-
Bên cạnh nội dung đã học, các em có thể chuẩn bị và tìm hiểu nội dung phần Kể về một anh hùng chống ngoại xâm mà em biết thông qua chi tiết Kể về một anh hùng chống ngoại xâm mà em biết để nắm trước những kiến thức trong chương trình sắp tới.
Đề văn kể lại trận thi đấu thể thao mà em đã có dịp xem là một đề bài khá thú vị bởi nó vừa đòi hỏi sự quan sát, hiểu biết của em về một trận đấu, vừa đòi hỏi các em cần biết sắp xếp những điều mình đã quan sát được theo trình tự nhất định và có vốn từ đa dạng giúp cho bài văn kể của mình thêm sinh động, hấp dẫn người đọc.
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ke-ve-ngay-hoi-39772n.aspx