Giả cầy không còn là một món ăn xa lạ đối với mỗi chúng ta, nó hiện hữu ở khắp mọi vùng miền của đất nước Việt Nam. Tuy bắt nguồn với nguyên liệu từ loài động vật thân quen là thịt chó nhưng không thể phủ nhận hương vị hấp dẫn của món ăn này. Cách nấu giả cầy từ thịt lợn là một cách làm biến tấu cho những ai đam mê mùi vị thơm nồng của giềng mẻ, mắm tôm cũng như của món ăn dân dã này.
Giả cầy thịt heo – món ngon mang đậm dấu ấn Việt
Trong những ngày đông sang, tiết trời trở lạnh thì một nồi giả cầy nóng hổi cho không khí gia đình thêm ấm cúng thật không gì bằng. Cầy là món ăn thơm ngon và là đặc sản của một số quốc gia châu Á. Tuy nhiên, ở các quốc gia phương Tây nói riêng và một bộ phận những người yêu chó trên thế giới nói chung thì chó là người bạn thân thiết. Do đó thịt chó là thực phẩm cấm kị trên bàn ăn của một số người.
Tuy nhiên không thể phủ nhận những món ăn từ thịt cầy vô cùng hấp dẫn kể cả đối với những người không ăn thịt chó. Để có thể giải quyết mâu thuẫn này, món giả cầy ra đời. Giả cầy có thể nấu bằng nhiều loại thịt khác nhau như gà, vịt, ngan, heo,… Mỗi một loại thịt đều ra thành phẩm khác nhau với hương vị không kém phần đặc sắc. Vậy nên, JAMJA’S BLOG sẽ hướng dẫn bạn làm món giả cầy nấu bằng thịt heo ngon đậm đà lôi cuồn, nhất là phần chân giò chắc nịch với lớp bì dầy, giống với thịt cầy nhất.
Giả cầy được yêu thích trên mọi miền Tổ quốc bởi hương vị đặc trưng, bình dân mà ngon miệng. Giả cầy là món ăn cũng rất hợp làm mồi nhậu trong những ngày se lạnh giao mùa. Cùng với hội bạn hay người thân lai rai cùng vài chai bia hay ly rượu trắng thật không gì bằng. Mỗi vùng miền thì giả cầy thịt heo đều có cách chế biến khác nhau, tùy hợp khẩu vị mỗi người. Nổi tiếng hơn cả là cách chế biến giả cầy theo kiểu miền Bắc và giả cầy theo kiểu miền Nam. Hai kiểu giả cầy này chỉ khác nhau ở chỗ người miền Nam khi nấu cho thêm măng củ vào nấu cùng mà thôi.
Thịt lợn nấu giả cầy là món đặc sản của người miền Bắc và để nấu ở nhà sao cho đúng vị Bắc cũng không quá khó. Món giả cầy nấu thịt heo ngon hay không bên cạnh việc chuẩn bị nguyên liệu tươi ngon thì khâu nêm nếm là quan trọng nhất, do công thức nấu chỉ mang tính tương đối, khẩu vị người ăn mới quyết định thành phẩm món ăn.
Xem thêm: Cách nấu thịt kho tàu ngon mềm đặc biệt chuẩn cơm mẹ nấu
Cách nấu giả cầy từ thịt lợn ngon miễn chê
Giả cầy từ thịt heo là món ăn cầu kỳ và mất nhiều thời gian chế biến. Muốn có món giả cầy ngon thì người làm cần kỹ lưỡng trong khâu chọn thịt. Khác với khi chọn thịt để làm thịt kho tàu, thịt làm giả cày nên là thịt chân giò và là chân giò trước. Chân giò trước có nhiều bắp gân, thịt chắc hơn nên thành phẩm cũng sẽ ngon, ngọt hơn so với dùng loại thịt khác. Tuy nhiên bạn muốn thành phẩm thịt thiều và bì mềm thì chân giò sau, hay thịt ba chỉ cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho món thịt heo nấu giả cầy. Có một lưu ý nữa là chân giò mua thịt phải chắc, không được bèo nhèo; kích thước vừa phải, không nên quá to mà nấu lâu chín dẫn đến ăn kém ngon.
Nguyên liệu:
– Chân giò heo: 1 cái
– Bún: 1 kg
– Riềng: 1 củ
– Sả: 3 cây
– Mẻ: 1 chén nhỏ
– Mắm tôm : 1 chén nhỏ
– Bột nghệ: 1 muỗng hoặc củ nghệ tươi: 1 củ
– Gia vị : Dầu ăn, đường, muối, nước mắm, tiêu
– Hành tỏi
Các bước thực hiện:
Bước 1 :
- Chân giò hoặc thịt ba nấu món giả cầy cần được thui vàng sậm màu cánh gián. Khi bạn ra chợ có thể mua sẵn phần chân giò đã thui, hoặc nếu được, mua chân giò tươi ngon rồi tự thui bằng lửa rơm.
- Cách thui chân giò cũng khá kỳ công. Đầu tiên đem chân giò cạo hết long rồi đem rửa sạch với nước. Tiếp đó đem chân giò thui với rơm cho đến khi chuyển sang màu nâu vàng đẹp mắt. Nếu không có rơm, chân giò đem thui bằng giấy báo hoặc nướng bằng bếp gas cũng được. Dù vậy, nếu có thể, bạn nên thui thịt bằng rơm, như vậy miếng thịt sẽ thơm ngon hơn.
Bước 2 :
- Chân giò sau khi đã được thui vàng đều, đem rửa sạch một lần nước nữa thì để ráo.
- Sả, riềng, nghệ đem rửa sạch rồi năm nhỏ. Hành, tỏi bóc vỏ, đập dập rồi cũng băm nhỏ.
- Chuẩn bị thớt và dao, chặt chân giò thành từng khúc vừa ăn. Rồi ướp chân giò với gia vị nước mắm, gia vị, tiêu, mẻ, mắm tôm cùng sả, riềng, nghệ , hành tỏi đã băm nhỏ. Tất cả trộn đều và ướp trong ít nhất là 1 tiếng. Thịt càng ướp lâu, ngấm gia vị hơn sẽ càng ngon hơn. Hơn nữa, ướp thịt thêm với chút rượu trắng sẽ khiến thịt nấu lên vị đậm đà hơn, kích thích vị giác hơn.
Bước 3 :
- Tiếp đó, bắc nồi lên bếp, đun sôi dầu. Sau đó đổ phần thịt đã ướp vào nồi, đảo đều tay cho thịt săn lại. Sau khoảng 10 phút thì đổ nước sấp mặt thịt. Khi nước sôi thì nấu bằng lửa nhỏ cho thịt chín mềm, nước dùng sệt sệt, da thịt heo không bị nhũn là được.
- Ninh cho đến khi thịt chín tới là dùng được. Lúc ninh thì nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng là được. Giả cầy sau khi thành phẩm, múc ra bát, ăn nóng với bún hoặc cơm trắng là ngon.
- Tùy từng khẩu vị người nấu mà lượng nước được cho vào nhiều hay ít. Nhưng thường thì giả cầy được nấu với lượng nước vừa phải, xâm xấp mặt thịt. Khi hoàn thành, phần nước dùng sánh lại, sền sệt, giống với thịt cầy nấu rượu mận. Thịt heo nấu giả cầy cần chín tới, độ mềm vừa phải, vẫn giữ được độ sần sật của bì và phần gân. Tránh thịt heo ninh dừ quá khiến miếng thịt tách rời, mất độ ngon của món ăn. Món giả cầy khi hoàn thành còn cần đảm bảo phải thơm mùi đặc trưng của riềng mẻ.
Bên cạnh đó, nấu thịt heo giả cầy trong nồi áp suất sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Thịt chân giò heo sẽ nhanh chín và mềm hơn. Lưu ý rằng, với cách nấu này thì trong quá trình nấu không nên cho thêm nước. Thời gian nấu nhanh khoảng 15 phút ở mức lửa li riu. Sau đó không xì hơi, bắc ra để nguội là dùng được.
Có thể nói cách nấu giả cầy từ thịt lợn là một cách làm phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Không quá cầu kì phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, khả năng nêm nếm vừa chuẩn. Hi vọng với công thức đơn giản trên đây, bạn đọc sẽ có thêm những công thức mới đổi bữa hàng ngày cho gia đình mình.
Chúc các bạn thành công!
>>> Royaltea Hồng Kông, Uncle Tea, Heekcaa dành tặng hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn độc quyền chỉ có tại JAMJA.vn