Bí truyền gia tộc
Đã gắng tránh thứ Sáu ngày 13 cuối cùng của năm, để ở nhà cho lành, anh Nguyên làm xuất nhập khẩu cà phê trên Đắk Lắk cứ bắt tôi đi: “Cái ông thầy ngải họ Đoàn nổi tiếng ở Tân Hưng (Long An), sắp đi tìm ngải, có đi thì sang ngay”. Thế là chẳng kịp áo quần chống rét, tôi phi sang anh và hành trình gần 10 tiếng đau ê ẩm trên tuyến tỉnh lộ 20 nhiều ổ voi, ổ trâu…
Cứ mỗi đoạn nghỉ ven đường, tôi lại lân la hỏi ông M, người đang giữ bí truyền làm ngải huyền bí bậc nhất vùng núi Tây Bắc, để biết ông có mang theo cuốn sách loằng ngoằng chữ Phạn mà 1 lần về Long An, tôi đã nhờ con trai ông lấy trộm cho xem, bị ông mắng cho một trận, vuốt mặt không kịp. “Cả họ nhà tui mấy trăm người, chỉ có tui là được đọc, nhiều anh em tui biết sử dụng, còn chẳng dám ngó, thế mà chú…” – Câu chuyện đã gần 2 năm và từ bữa đó, tôi ân hận mãi. Ông M rồi cũng tha thứ và nhận tôi làm em nuôi dù ông hơn tôi đến 30 tuổi.
Ngải là gì?
Trong ánh sáng bập bùng bếp lửa giữa vùng rừng Krông Nô gần Đắk Lắk, hơi ấm không đủ xua đi cái lạnh giá, tôi tò mò hỏi ông M về ngải, về bùa, về những thứ mà người Mường hay gọi là nèm… Và cụ thể hơn, là những thứ đã gây họa cho gia đình ông…
“Tôi đã nghiên cứu 50 năm mà không hiểu hết phương thuật trong cuốn bí quyết các cụ để lại”. Nhưng cơ bản, có thể diễn giải: Vẽ bùa là hình thức viết cổ tự, như một lời cầu Thánh thần thỉnh nhờ việc gì đó. Khi làm bùa, các thầy phải ăn chay 7 ngày cho tâm thế thanh sạch, làm lễ cầu để có sự tập trung cao độ; khi viết thì viết một mạch không dừng, tránh đứt mạch vẽ, đường tâm linh nối thầy với cõi linh thiêng mỏng như chỉ mành, nếu dừng giữa chừng, bùa thiếu ứng nghiệm. Với nèm cũng vậy, đó là những bài chú cổ được lưu truyền cả nghìn năm, có thể từ thời Hùng Vương.
Khi đọc những đoạn cổ tự, thầy cúng phải đọc liền mạch, nó như dò sóng radio, đến khi nào tìm được sóng mình cần thì làm phép thu hút năng lượng. Người thầy giỏi, có tâm khi làm bùa, nèm, nếu thấy không linh, gặp hôm xấu trời, gió to không thu được năng lượng, thì dừng. Làm ngải lại cần dương khí càng lành và nhiều, càng tốt. Đi rừng cả tháng, cốt kiếm được những dược thảo hấp thu tinh khí, nếu không chế thuốc, chỉ trồng và chăm sóc quanh nhà, nó cũng tỏa ra hương thơm có lợi cho sức khỏe.
Tôi hỏi: “Nghe nói, ngải phải cho ăn trứng gà, có loại cây cho ăn nguyên con gà mái tơ, nghe mà kinh dị…”.
Ông M cười: Cây như con người, nếu cho nó uống nước gạo, chè tươi, ăn lòng đỏ trứng rất nhiều vi lượng, nó có khỏe không? Về khoa học, nếu con người hấp thụ nhiều vitamine A, B1, B2 thì khả năng đề kháng sẽ tăng lên đáng kể, song với ngải, phải tuân theo phép tắc, lề lối vô cùng chặt chẽ, nếu không ngải sẽ biến chất và vô cùng độc. Ngải nếu ăn nhiều xác động vật thối, uống nhiều huyết, sẽ như ma ám, hút cả tà khí và tạo thành vùng ô nhiễm vô hình xung quanh bán kính 20m2. Nắng lên, tà khí sẽ bị xua bớt nhưng đêm xuống, khí độc rất nhiều, kết hợp với nhau theo một công thức bất định khiến người hít phải ngẩn ngơ, tâm thần phân liệt, nếu nhiễm nặng lâu ngày, có thể choáng, tử vong.
Tuy nhiên theo ông M, rất nhiều thầy bùa ngải hiện nay đều có xu hướng làm mọi thứ theo yêu cầu gia chủ chứ không phân tích lợi, hại liên quan đến việc đặt, yểm bùa ngải. Các thầy đã dùng rất nhiều tâm lực trấn áp đuổi những “vong” vất vưởng, vô tình xua đi cả những trường sinh học tốt, mà theo giới thầy bùa, nếu làm lâu dài, tự các thầy tạo nên nghiệp chướng, về già thường bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, tính tình nóng nảy, đôi lúc những “vong” đi theo còn “quật” cả người thân của thầy…
Bài 2: Giải mã bùa yêu, ngải độc và điều huyền bí