Sự phát triển của công nghệ cùng hai mùa “Cô-Vy” đã thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm của hầu hết mọi người – mọi thứ diễn ra trên các nền tảng trực tuyến. Chính vì thế, nhiều công ty, cửa hàng cần đến các nhân viên giới thiệu sản phẩm trực tiếp, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
Công việc mới lạ này được gọi là cộng tác viên bán hàng online. Vậy cộng tác viên bán hàng online là gì? Công việc hàng ngày của họ là gì? Và công việc mới này có tiềm năng ra sao trong bối cảnh hiện tại? Cùng Glints tìm hiểu tất tần tật về công việc cộng tác viên bán hàng nhé!
Cộng tác viên là gì?
Trước khi biết làm cộng tác viên bán hàng online là gì, cùng nhau tìm hiểu về khái niệm cộng tác viên. Cộng tác viên đóng vai trò như là người hỗ trợ thực hiện các dự án, đồng thời thực hiện các công việc phụ trợ để dự án được đẩy nhanh tiến trình hơn.
Không dừng lại tại đó, nhiều người vẫn xem công việc cộng tác viên như một công việc chính thức. Dù không có danh phận hay đãi ngộ chính thức tại công ty, họ lại có thể trở thành cộng tác viên của nhiều công ty khác nhau. Từ đó tăng mức trải nghiệm và thu nhập vượt bậc hơn so với nhân viên chính thức.
Cộng tác viên bán hàng online là gì?
Sau khi hiểu rõ về công việc cộng tác viên, vậy cộng tác viên bán hàng online là gì? Cũng giống như bao cộng tác viên, cộng tác viên bán hàng online là người giới thiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên Internet và đồng thời là người xác nhận các đơn hàng đã chốt.
Những đầu công việc ấy sẽ hoàn toàn được thực hiện trên Internet thay vì các kênh buôn bán truyền thống. Mức lương (chiết khấu) của cộng tác viên bán hàng online sẽ phụ thuộc vào số lượng sản phẩm họ bán được trong ngày (hoặc tháng).
Ưu điểm và nhược điểm khi làm cộng tác viên bán hàng online
Bất kể ngành nghề nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Cộng tác viên bán hàng online không nằm ngoài điều đó! Cùng nhau tìm hiểu những ưu điểm và điểm hạn chế của công việc này, từ đó bạn sẽ xác định được liệu mình có phù hợp với công việc này hay không nhé!
Ưu điểm đối với cộng tác viên bán hàng online
Không cần vốn
Một ưu thế nổi trội nhất của công việc cộng tác viên bán hàng online là không cần phải bỏ vốn, hoặc bạn chỉ cần bỏ một lượng vốn rất ít. Nếu bạn khéo léo và nhạy bén, bạn có thể bán được rất nhiều sản phẩm, từ đó nhận được rất nhiều chiết khấu dựa trên số lượng sản phẩm. Hơn cả, bạn không phải là người trực tiếp hứng chịu nếu như có thua lỗ.
Tận dụng thời gian rảnh
Một khi trở thành cộng tác viên bán hàng online, bạn có thể bán hàng bất cứ khi nào bạn rảnh. Công việc này hầu như không tốn quá nhiều công sức, vì mọi hình ảnh, nội dung,… đã có sẵn. Nhiệm vụ chính của bạn là đăng bài, tư vấn và chốt đơn mà thôi!
Tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng bán kinh doanh
Nếu bạn đang là sinh viên hoặc đang nhen nhóm ý định kinh doanh, công việc cộng tác viên bán hàng online có thể là một bước đệm vững vàng. Bạn sẽ phần nào hiểu được quy trình một món hàng được bán ra, cũng như hiểu rõ những nỗi trăn trở phổ biến của khách hàng trước khi quyết định mua hàng,…
Lợi nhuận cao
Một khi thực hiện công việc cộng tác viên bán hàng online, bạn có thể kiếm được thêm thu nhập tốt tùy vào sự khéo léo và nhạy bén của mình. Sản phẩm sẽ không có mức giá cố định, mà bạn có thể xê dịch mức giá cao hơn một chút để hưởng phần dư. Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng giao tiếp, khả năng tư vấn nhiệt tình và cả “duyên” bán hàng nữa đấy!
Nhược điểm đối với cộng tác viên bán hàng online
Rủi ro từ doanh nghiệp/nhà bán lẻ không uy tín
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kém uy tín. Sản phẩm không chất lượng, lừa dối khách hàng, lừa đảo nhân viên,… là điều rất dễ bắt gặp. Chính vì thế, các bạn cộng tác viên bán hàng online cần cẩn thận trong việc chọn lựa các cửa hàng, công ty uy tín.
Khách hàng “bom hàng”
Vì không có nhiều ràng buộc với khách hàng trong quá trình đặt hàng, đã không ít lần các cửa hàng, doanh nghiệp khóc thét vì bị “bom hàng” số lượng hớn. Để hạn chế tối đa rủi ro này, bạn cần kiểm tra thật tỉ mẩn thông tin của khách hàng, gọi điện xác nhận và có những thỏa thuận, ràng buộc để hạn chế rủi ro giả mạo đặt hàng rồi “bom hàng”.
Cộng tác viên bán hàng online làm những công việc gì?
Mỗi ngày, công việc của cộng tác viên bán hàng online là gì? Dưới đây là một số đầu việc cơ bản mà họ phải thực hiện hàng ngày:
- Đăng tải hình ảnh và thông tin sản phẩm trên các kênh mạng xã hội.
- Viết những lời mời chào lôi cuốn, hấp dẫn để mọi người chú ý đến sản phẩm.
- Liên tục trả lời tin nhắn, bình luận của người mua hàng.
- Giải đáp mọi thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.
- Xác nhận các đơn hàng đã chốt; sau đó ghi rõ các thông tin cần thiết để chuyển tiếp cho bộ phận giao hàng.
- Hiểu rõ về những thông tin liên quan đến sản phẩm mà bạn đang bán.
- Tìm tòi những kênh và phương thức bán hàng hiệu quả, sáng tạo phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng của cửa hàng.
Kinh nghiệm làm cộng tác viên bán hàng online?
Đảm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau, vậy làm thế nào để trở thành một cộng tác viên bán hàng online? Cùng Glints tìm hiểu dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu sản phẩm bạn muốn bán
Đầu tiên và trên hết, bạn phải thực sự hiểu rõ sản phẩm mà bạn đang muốn bán là gì? Sản phẩm ấy liệu có đang thật sự tiềm năng trên thị trường hay không? Sản phẩm ấy có dễ dàng nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng lớn hay không?
Sau khi chọn lựa được sản phẩm, ngành hàng bạn mong muốn, bạn cần hiểu rõ tường tận về sản phẩm và mọi thông tin liên quan đến nó. Một khi hiểu sản phẩm, bạn sẽ tự tin tư vấn và giới thiệu nó đến với mọi người.
Mỗi món hàng sẽ phục vụ cho những nhóm đối tượng khác nhau. Là một cộng tác viên bán hàng online, trước khi thực hiện bán hàng thì bạn phải biết đối tượng của sản phẩm là ai, họ có những nét tính cách nào, họ đang có những trăn trở nào,… Từ đó, bạn sẽ tìm ra phương thức tiếp cận hiệu quả nhất.
2. Tìm hiểu doanh nghiệp, chủ cửa hàng, nhà cung cấp uy tín
Chọn ngành hàng, sản phẩm phù hợp thôi chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn phải là tìm hiểu và chọn lựa doanh nghiệp, cửa hàng và nhà cung cấp sản phẩm uy tín. Một lưu ý nhỏ là bạn có thể liên lạc trực tiếp với họ, đặt ra những câu hỏi để xác định liệu đây có phải là nơi uy tín hay không.
Dưới đây là một vài tiêu chí mà bạn cần lưu ý khi chọn lựa các doanh nghiệp hay cửa hàng:
- Có một nguồn hàng chất lượng và liên tục.
- Cửa hàng, doanh nghiệp có những điều khoản rõ ràng đối với các cộng tác viên;…
- Có những cam kết cụ thể về chiết khấu, quyền lợi, trách nhiệm của cộng tác viên.
3. Ký hợp đồng rõ ràng với bên đối tác
Một khi quyết định trở thành cộng tác viên bán hàng online, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề như tiền nong, chính sách sản phẩm, trách nhiệm giữa các bên. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế những tranh chấp không đáng có trong quá trình bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, cộng tác viên bán hàng online hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp, cửa hàng ký kết các hợp đồng thỏa thuận, chính sách, cách phân chia phần trăm lợi nhuận,… thật rõ ràng.
4. Lựa chọn kênh bán hàng hiệu quả
Như đã đề cập bên trên, có rất nhiều kênh bán hàng trong thời điểm hiện tại, đặc biệt khi nhu cầu mua sắm online của mọi người ngày càng gia tăng. Bạn có thể tham khảo một số sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki,… hoặc bán trực tiếp trên tài khoản cá nhân của mình.
5. Cộng tác viên bán hàng online nên đầu tư vào nội dung bài đăng
Khi thực hiện công việc cộng tác viên kinh doanh online, các chủ shop, công ty sẽ cung cấp đầy đủ hình ảnh và nội dung của sản phẩm để bạn đăng tải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo những nội dung mới mẻ, thu hút để việc bán hàng diễn ra thuận tiện hơn.
Một lưu ý ở đây đó là những thông tin bạn tự tạo ra phải có sự chuẩn xác và nên nhận được sự kiểm duyệt của chủ shop, cửa hàng trước khi chúng được đăng tải trên các kênh mạng xã hội.
Kết luận
Có thể nói, công việc cộng tác viên bán hàng online không phải là công việc khó, nhưng lại đòi hỏi khá nhiều những kỹ năng mềm để việc buôn bán diễn ra thuận lợi. Nếu bạn đang muốn kiếm thêm thu nhập hoặc muốn tìm hiểu nền tảng về lĩnh vực kinh doanh, đây sẽ là một công việc rất phù hợp đấy!
Tác Giả