Người Celt là một bộ lạc xuất hiện từ rất sớm ở châu Âu (khoảng năm 1200 TCN), phấn bố chủ yếu tại vùng Tây Âu và rải rác quanh khu vực sông Danube, nước Anh, xứ Wales, xứ Gauls (nước Pháp), Iceland, Scotland… Trước khi bị người La Mã đánh bại, người Celt được coi là đội quân hùng mạnh nhất lục địa, đặc biệt là những chiến binh Gauls nổi tiếng dũng mãnh, thiện chiến. Người Celt cũng được cho là dân tộc đầu tiên biết rèn sắt làm công cụ và vũ khí.
Thế giới được tạo ra thế nào trong thần thoại Celtic
Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau kể về sự bắt đầu của thế giới trong thần thoại Celtic mà tùy theo từng vùng miền lại có những phiên bản khác nhau.
Một trong những câu chuyện phổ biến nhất thì kể lại rằng ban đầu thế giới chưa có gì tồn tại ngoài biển cả. Khi nước biển lần đầu tiên gặp đất liền, một con ngựa cái màu trắng được sinh ra từ bọt biển tên là Eiocha. Đó là sinh vật sống đầu tiên trên Trái Đất này.
Cách không xa nơi biển gặp đất, trên đất liền mọc ra một cây sồi cao lớn. Eiocha ăn quả trên cây sồi này và sinh ra một vị thần tên là Cernnunos. Trong khi hạ sinh Cernununos, Eiocha không chịu được cơn đau, gặm xé vỏ cây sồi và ném chúng xuống biển. Những vỏ cây đó sau này trở thành những người khổng lồ – kẻ thù của các vị thần.
Lại nói, sau khi hạ sinh Cernnunos, Eiocha vẫn cảm thấy thế giới cô đơn quá, nó cùng với Cernnunos giao phối với nhau để tạo ra thêm các vị thần khác. Các vị thần cảm thấy buồn chán vì không có ai thờ phụng mình nên đã dùng gỗ của cây sồi thần, tạo ra con người và các loài động vật. Thế gian cũng từ đây mà sinh sôi nảy nở.
Thần tộc Tuatha De Dannan
Trong thần thoại Celtic, chúng ta có thể tạm chia các vị thần ra làm 2 loại: các Cựu thần (old gods), các vị thần được sinh ra bởi ngựa cái Eiocha và thần Cernnunos từ thuở hồng hoang. Loại thứ hai, ta tạm gọi là các Tân Thần (New Gods), đó là những người con trong gia tộc Tuatha De Dannan, còn được mệnh danh là Bộ lạc của các vị thần. Chẳng ai biết rõ nguồn gốc của Tuatha De Dannan, chỉ biết một ngày kia, có một nhóm người da trắng tóc vàng trông rất đẹp đẽ từ phương Bắc đi đến,tự giới thiệu rằng quê hương họ ở 4 thành phố huyền thoại Falias, Gorias, Finias và Murias (chẳng ai biết 4 thành phố đó chính xác ở đâu). Có người thì nói họ từ trên trời hạ trần hoặc từ hành tinh khác đến.
Các Dannann chọn Ireland là nơi để sinh sống. Họ là dòng giống của các vị thần, á thần và các người hùng, một số người thì trở thành vua chúa. Giống như các cựu thần, các Dannann có được sự trường sinh (trường sinh chứ không bất tử nhé) và rất nhiều quyền năng mạnh mẽ. Họ am hiểu về nghệ thuật, khoa học, thơ ca và pháp thuật. Với vóc dáng đẹp đẽ và sức mạnh hơn người, chẳng mấy chốc họ đã được con người tôn thờ và coi trọng ngang hàng với các cựu thần trước đây.
Cernunnos
Được sinh ra từ Eiocha, Cernunnos là vị thần cổ xưa và mạnh mẽ nhất trong thần thoại Celtic. Ông được mệnh danh là chúa tể của đại ngàn và muôn loài (“The lord of wild and allthings”). Hình ảnh đặc trưng của Cernunnos là cặp sừng hươu trên đầu và thân hình nửa người nửa thú tựa như vị thần mục đồng trong thần thoại Hy Lạp. Ông là vị thần đại diện cho thiên nhiên hoang dã và thế giới dưới lòng đất, thần bảo trợ cho động vật và sự sinh sản.
Morrigan
Nữ thần chiến tranh trong thần thoại Celtic, được biết đến với biệt danh Nữ hoàng bóng ma (Phantom Queen). Nàng chịu trách nhiệm cai quản số phận của những người lính. Morrigan thường đội lốt một con quạ, bay lượn trên chiến trường để báo trước cái chết, đôi khi cũng là người định đoạt phe chiến thắng trong một cuộc chiến. Morrigan có nhiều cuộc tình lăng nhăng với những người đàn ông trần thế. Những chiến binh và những vị vua may mắn dành được tình yêu của Morrigan sẽ luôn chiến thắng trên chiến trường, ngược lại, nếu làm nàng tổn thương hoặc không hài lòng, cái chết là điều chắc chắn sẽ dành cho họ.
Một trong những câu chuyện tình nổi bật của Morrigan là chuyện nàng đem lòng yêu người anh hùng Cuchulain – con trai thần Lugh. Nàng ta đã 4 lần bày tỏ tình cảm của mihf với Cuchulain bằng 4 hình dạng khác nhau nhưng đều bị chàng từ chối. Morrigan đã nguyền rủa chàng bằng cái chết trên chiến trường. Khi Cuchulain chết, một con quạ xuất hiện đậu trên vai chàng, người ta nói rằng đó chính là Morrigan đến chứng kiến cái chết của người yêu.
Danu
Nữ thần này chính là tổ tiên của bộ lạc thần thánh Tuatha de Danna ( mà dịch ra là “Những đứa con của Danu”). Chính vì là mẹ của hầu hết các vị thần Tuatha, Danu được coi là vị nữ thần của sự sinh sản và đất đai trù phú. Thần thoại Celtic không nhắc nhiều đến Danu, hoặc những câu chuyện về bà đã thất lạc từ lâu, thôi thì chúng ta cứ tạm cho rằng bà mẹ Danu ẩn mình trong quên lãng để những đứa con thần thánh của bà thỏa sức vùng vẫy trong những truyền thuyết chói sáng một thời của nền văn hóa Celtic.
Dagda
Dagda được coi là vị thần đứng đầu và là lãnh đạo của Tuatha de Danna, vị thần của ma thuật và trí tuệ, người điều khiển thời tiết, cai quản thời gian và các vụ mùa. Được mệnh danh là “Vị thần tốt bụng” (The good god), Dagda có vóc dáng của một người đàn ông to béo, phương phi, lúc nào cũng vui vẻ cười nói như Di Lặc vậy, chẳng ai nhìn vóc dáng thô lỗ cục mịch và có vẻ chân chấn của Dagda mà ngờ được rằng đây chính là một trong những vị thần uy quyền nhất trong thần thoại Celtic.
Còn vì sao lại gọi Dagda là “Vị thần tốt bụng”? Bởi Dagda đi đâu cũng vác theo một cái vạc thầ to bự chảng luôn đầy ắp thức ăn ở trong đó, những người đi đường may mắn gặp được thần Dagda thì cứ yên tâm là không bao giờ phải chịu đói. Và sau khi ăn no bạn muốn chợp mắt một chút? Hãy cứ yên tâm chui vào cái mũ khổng lồ đủ sức chứa 2 người nằm trong đó của thần Dagda để đánh một giấc. Ngoài ra Dagda còn sở hữu một khu vườn mà mọi cây trong đó luôn luôn đầy ắp quả chín trĩu cành, cùng 2 con lợn được quay sẵn chỉ việc ăn, ăn hết lại có tiếp (gớm bảo sao béo).
Nếu bạn nghĩ thần Dagda chỉ biết có ăn thì đã sai lầm. Ngoài sự hiểu biết và thành thạo pháp thuật, Dagda còn có sức khỏe vô địch. Dagda sở hữu một cây dùi cui uy lực, một đầu để giết người (đập phát chết luôn) và đầu kia đập vào người chết thì sẽ hồi sinh người đó. Ngoài ra, ông còn có một cây đàn hạc mỗi khi chơi nhạc có thể làm thay đổi tâm tính người nghe và điều khiển thời tiết theo ý muốn.
Vừa to béo mập mạp lại lắm bảo bối, các bạn biết tôi liên tưởng đến ai không?
Lugh
Trong thần thoại Celtic, Lugh là thần Mặt trời và là một trong những chiến binh hùng mạnh nhất trong số các vị thần Celtic. Ngoài ra, ông còn được mệnh danh là bậc thầy kỹ nghệ, vị thần tài năng và nghệ thuật. Trong”giang hồ”, Lugh được gọi với biệt danh Lugh tay dài (Lugh Long-arm) bởi ông thường sử dụng một cây giáo dài trong khi chiến đấu. Đó là cây giáo Assal – một trong những binh khí mạnh mẽ nhất của các vị thần, có thể tự động tìm diệt kẻ thù như tên lửa hành trình Tomahawk vậy. Lugh cũng sở hữu một số “đồ chơi” khác như cây kiếm thần Fragarach và chiếc thuyền lái tự động Scuabtuinne.
Lugh được miêu tả là vị thần trẻ đẹp và vô cùng thông minh. Tương truyền gương mặt ông luôn phát ra vầng hào quang sáng lóa mà mắt người thường không bao giờ có thể nhìn thẳng vào được. Thần Lugh là kết quả từ cuộc tình duyên giữa Cian – một vị thần của tộc Tuatha de Danna và nàng Ethniu – con gái vua khổng lồ Balor của tộc Fomorians. Một lời tiên tri đã nói rằng Balor sẽ bị một người cháu trai giết chết. Lo sợ điều đó có thể xảy ra, Balor không ngần ngại giết cháu ngoại mình, thế nhưng Lugh đã may mắn sống sót và được thần biển Mananna nuôi dưỡng, dạy dỗ phép thuật và khả năng chiến đấu. Về sau, Lugh đã giết được Balor, trở thành vị cứu tinh cho chư thần và cả thế gian.
Nuada
Nuada là vị vua đầu tiên của tộc Tuatha de Danna từ trước khi họ đến Ireland lập nghiệp và được coi là vị thần của chiến tranh trong thần thoại Celtic. Ông đã dẫn dắt bộ tộc mình chiến đấu với tộc Fir Bolg – những người đang làm chủ đất Ireland lúc bấy giờ, buộc họ phải chia một nửa vương quốc cho tộc Tuatha cai quản. Nuada sở hữu thanh gươm Ánh Sáng (The sword of Light), một trong tứ đại thần khí của người Tuatha, thanh gươm nổi tiếng uy lực và hiếu sát, chém sắt như chém bùn, một khi đã tuốt ra khỏi vỏ ắt có kẻ phải vong mạng, có thể chẻ đôi một người dễ dàng.
Nuada có biệt danh là Tay Bạc (the Silver-arm) bởi trong trận chiến với người Fir Blog, ông đã bị mất một cánh tay. Theo luật lệ của tộc Tuatha, một người phải toàn vẹn từ trong ra ngoài mới có thể làm vua, mất mộ tay, Nuada chỉ còn nước đi làm Dương Quá chứ không thể làm vua được nữa, chính vì vậy ông đã lắp một cánh tay bằng bạc và có biệt danh Tay Bạc từ đó.
Epona
Nàng là vị nữ thần bảo hộ cho loài ngựa – một động vật quan trọng trong đời sống và văn hóa của người Celt. Nàng được miêu tả là một cô gái trẻ với mái tóc đen dài, thường khỏa thân và cưỡi một con ngựa trắng tuyệt đẹp. Người ta nói rằng con ngựa trắng mà Epona cưỡi đem đến những giấc mơ cho chúng ta khi ngủ và nếu bạn đồng ý cho Epona làm bạn đồng hàng trên đường, nàng sẽ giúp giấc mơ của bạn trở thành sự thật. Là một trong số những Cựu thần sinh ra từ thuở ban đầu, Epona cai quản và chăm sóc tất cả các loài ngựa trên thế gian. Người ta chẳng bao giờ bắt gặp nàng một mình mà luôn luôn đi cùng một hay nhiều con ngựa.
Manannan
Vị thần có biệt danh “Son of the Sea” – Con trai của biển. Mananna là vị thần cai quản biển cả. Ông thường chở biển như người ta chở hàng trên một chiếc xe ngựa do con ngựa thần Enbarr kéo. Ngoài ra, các truyền thuyết còn đề cập đến Mananna như vị thần cai quản thế giới người chết, đưa đường chỉ lối cho những linh hồn đi về thế giới bên kia. Mananna có rất nhiều bảo bối thần kỳ. Những bảo bối như thanh gươm thần Fragarach, con thuyền tự lái Scuabtuinne mà thần Lugh sở hữu cũng chính là do thần Mananna trao cho. Ngoài ra, ông còn có một chiếc áo choàng tàng hình, mỗi lần khoác lên người đều có một lớp sương mù che giấu người mặc trước con mắt của người khác, một chiếc áo giáp mà không có vũ khí nào có thể xuyên thủng
Thần Mannanan là vị thần bảo trợ cho đảo Mann – một hòn đảo được đặt theo tên ông, một quốc đảo tự trị nằm giữa Anh và Ireland. Ông thường sử dụng chiếc áo tàng hình của mình để che giấu cả hòn đảo trước con mắt dòm ngó của những kẻ xâm lược, cũng như điều khiển cho mưa thuận gió hòa đến với hòn đảo mà ông bảo trợ này. Những truyền thuyết riêng về thần Mannanan không nhiều, trong thần thoại Celtic, ông thường đóng vai trò như người trao tặng những bảo vật và vũ khí cho các vị thần và những người anh hùng. (Nhà anh có điều kiện nên anh chỉ cần làm support).
Cliodhna
Nàng là con gái của thần biển Manannan, được biết đến là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và nữ thần báo tử. Nàng sở hữu 3 con chim thần mà tiếng hót của chúng có thể chữa được bách bệnh. Giống nữ thần Aphrodite của Hy Lạp, Cliodhna khá lăng nhăng nên có rất nhiều người tình nhân gian. Nàng thường dùng sắc đẹp dụ dỗ các chàng trai đến gần biển và mây mưa họ ở đó, sau đó tiện thể tiễn họ về thế giới bên kia luôn. Chính vì thế người Celt thường mê tín cho rằng mỗi lần trước khi ra khơi nếu gặp phụ nữ đều là vận rủi.
Chàng trai Ciabhan – một con người bình thường là người duy nhất khiến Cliodhna yêu thật lòng, chấp nhận từ bỏ thế giới bên kia và thói quen lăng nhăng. Điều này khiến thần biển Manannan không hài lòng. Ông đã phù phép cho con gái ngủ say rồi dùng sóng biển dìm chết Ciabhan. Cliodhna thức dậy, biết được sự thật và đau khổ vô cùng. Cũng vì vậy mà từ đó nàng thường xuất hiện trong bộ dạng của chim hải âu, loài chim báo hiệu cái chết theo quan niệm của người Celt. Một truyền thuyết khác thì kể rằng Cliodhna đã chết đuối ngoài biển và hóa thành một cơn sóng thường vỗ vào cách đá ở vịnh, mỗi khi sóng to thì chắc chắn đó là điềm báo cái chết của một vị vua hoặc quý tộc, người ta gọi nó là sóng Cliodhna.
Taranis
Đây chính là vị thần của Bầu trời, Sấm sét và Bão tố . Ông thường cầm theo bên mình một cái bánh xe có thể tạo ra sét.
Sucellus
Ông là vị thần bảo trợ cho nông nghiệp và rượu vang. Sucellus được mô tả là một người đàn ông với bộ râu rậm rạp, thường đi cùng người bạn đồng hành và cũng là vợ mình – nữ thần Nantosuelta – nữ thần của lửa, đất đai và sự phì nhiêu. Sucellus luôn cầm trên tay 2 vật bất ly thân là một chiếc búa dài và một cái vại nhỏ. Đây là 2 vật dụng rất quen thuộc trong đời sống của người nông dân Celtic. Chiếc búa dùng để đập vỡ băng trên mặt đất sau mùa đông lạnh giá, lấy chỗ canh tác vừa để đóng cọc hàng rào phân định đất đai, còn chiếc vại vừa để đựng nông sản thu hoạch, vừa để đựng rượu vang.