Trong triết học, có nhiều quan điểm khác nhau về quá trình chuyển hóa, vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng, với hai hình thức chủ yếu là phép biện chứng duy tâm và phép biện chứng duy tâm. Trong đó, phép biện chứng duy vật do Mác và Ăng ghen sáng lập đã có các quan điểm tương đối hoàn thiện và được kế thừa đến ngày nay. Khi nhắc đến phép biện chứng này, không thể không nhắc đến các phạm trù cơ bản, trong đó điển hình là cặp phạm trù bản chất và hiện tượng.
Contents
Phạm trù là gì?
Phạm trù là những khái niệm có nội hàm rộng lớn, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định.
Trong triết học, phạm trù được hiểu là những khái niệm chung nhất, rộng nhất phản ánh những mặt, những mối liên hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Phạm trù bản chất là gì?
Khi tìm hiểu về cặp phạm trù bản chất và hiện tượng, chúng ta cần tìm hiểu, nhìn nhận chúng một cách riêng rẽ sau đó tìm ra mối quan hệ biện chứng giữa chúng.
Phạm trù bản chất là phạm trù dùng để chỉ sự tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong, quy định sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng đó.
Ví dụ: Bản chất của con người là tổng hòa của các mối quan hệ của xã hội. Do đó, một con người thực sự phải là người có các mối quan hệ xã hội. Các mối quan hệ đó rất đa dạng và phong phú chẳng hạn như quan hệ huyết thống, quan hệ bạn bè, quan hệ đồng nghiệp.
Hay, bản chất của giai cấp tư sản là bóc lột giai cấp công nhân và người lao động bằng các quy luật như quy luật giá trị thặng dư, quy luật lợi nhuận,…
Phạm trù hiện tượng là gì?
Nếu bản chất là cái bên trong quy định sự vận động và sự phát triển của sự vật, hiện tượng thì phạm trù hiện tượng lại được dùng để chỉ cái biểu hiện ra bên ngoài của bản chất.
Ví dụ: Bản chất của xã hội tư bản là sự mâu thuẫn giữa tính xã hội lực lượng sản xuất và tính chất chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất. Hay nói cách khác là sự mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.
Bản chất đó được thể hiện thông qua các hiện tượng như nạn thất nghiệp, đời sống khổ cực của giai cấp vo sản và người lao động, sự giàu có của giai cấp tư sản.
Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng
Qua tìm hiểu định nghĩa về cặp phạm trù bản chất và hiện tượng, ta thấy hai phạm trù này đều tồn tại khách quan. Mối quan hệ giữa chúng là hai mặt vừa thống nhất, vừa đối lập.
– Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
Qua ví dụ đã nêu, ta thấy bản chất là cái bên trong chỉ được biểu hiện thông qua hiện tượng. Hay nói cách khác, hiện tượng luôn thể hiện một bản chất nhất định. Như vậy, không có bản chất tồn tại thuần túy tách rời hiện tượng, cũng như không có hiện tượng lại không biểu hiện của một bản chất nào. Lê – nin khẳng định: “Bản chất hiện ra, hiện tương tường là có tính bản chất”.
Chính vì vậy, bản chất thay đổi thì hiện tượng cũng thay đổi theo. Chúng sẽ luôn tồn tại cùng nhau, nếu bản chất cũ mất đi thì các hiện tượng do nó sinh ra cũng mất theo. Ngược lại, khi bản chất mới xuất hiện thì nó lại sản sinh ra các hiện tượng phù hợp với nó.
– Sự đối lập giữa bản chất và hiện tượng:
Sự đối lập của cặp phạm trù bản chất và hiện tượng được thể hiện thông qua các yếu tố sau:
+ Bản chất là cái chung, cái tất yếu, còn hiện tượng là cái riêng biệt phong phú và đa dạng.
+ Bản chất là cái bên trong, hiện tượng là cái bên ngoài.
+ Bản chất là cái tương đói ổn định, còn hiện tượng là cái thường xuyên biến đổi.
Ý nghĩa phương pháp luận
Qua tìm hiểu cặp phạm trù bản chất và hiện tượng ta rút ra được những kết luận sau:
– Trong hoạt động nhận thức, để hiểu đầy đủ về sự vật, phải đi sâu tìm bản chất, không dừng ở hiện tượng, bởi bản chất là cái ở bên trong hiện tượng.
– Khi kết luận về bản chất của sự vật, cần tránh những nhận định chủ quan, tùy tiện. Vì bản chất tồn tại một cách khách quan ở ngay trong bản thân sự vật nên chỉ có thể tìm ra bản chất sự vật ở bên trong sự vật ấy chứ không phải ở bên ngoài nó.
– Bản chất không tồn tại thuần túy ngoài hiện tượng, do đó, tìm bản chất phải thông qua tìm hiểu các hiện tượng bên ngoài. Cần lưu ý, trong quá trình nhận thức bản chất của sự vật phải xem xét nhiều hiện tượng khác nhau từ nhiều góc độ khác nhau.
– Đặc biệt, để cái tạo sự vật phải thay đổi bản chất của nó chứ không chỉ thay đổi hiện tượng. Bởi thay đổi được bản chất thì hiện tượng sẽ thay đổi theo. Có thể thấy, đây là một quá trình vô cùng phức tạp, do đó cần kiên nhẫn, không chủ quan, nóng vội.
Như vậy, ta thấy cặp phạm trù bản chất và hiện tượng là một cặp phạm trù quan trọng, thể hiện tính khoa học và đúng đắn. Xuất phát từ các đặc điểm của chúng, mỗi chúng ta cần nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan, khoa học thông qua tìm hiểu đầy đủ, toàn diện các hiện tượng bên ngoài. Từ đó đưa ra các kết luận đúng đắn về bản chất bên trong. Nhờ vậy giúp chúng ra có được nhận thức một cách đúng đắn nhất về sự vật hiện tượng.