Truyện tranh Nhật Bản có lẽ là 1 phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của nhiều người… hôm nay hãy cùng Nhất Tiên Tửu đi tìm kiếm top 15 Truyện tranh Nhật Bản hay nhất mọi thời đại và nguồn gốc của lịch sử hình thành nên Manga (Truyện tranh Nhật Bản).
Manga (kanji: 漫画mạn họa; hiragana: まんが; katakana: マンガ; tiếng Anh: /ˈmæŋɡə/ hoặc /ˈmɑːŋɡə/) là một cụm từ trong tiếng Nhật để chỉ các loại truyện tranh và tranh biếm họa của Nhật Bản. Bên ngoài Nhật Bản, Manga ám chỉ tính đặc trưng riêng biệt của truyện tranh Nhật Bản, hoặc như một phong cách truyện tranh phổ biến tại Nhật Bản mà thường được mô tả bởi đồ họa tràn đầy màu sắc, các nhân vật sống động và những chủ đề tuyệt vời
Quảng Cáo
Manga là gì?
“Manga” dịch tạm nghĩa là “hình ảnh di động hay biến động”. Từ này đầu tiên được công bố và sử dụng một cách thông dụng vào thế kỷ thứ 18 như các tác phẩm truyện hình tên Shiji no yukikai (1798) của Santō Kyōden và trong đầu thế kỷ 19 với những tác phẩm Manga hyakujo (năm 1814) của Aikawa Minwa và nghệ sĩ nổi tiếng Hokusai Manga đã phân loại các hình vẽ từ sách vẽ của tác phẩm nổi tiếng ukiyo-e của nhà họa sĩ Hokusai. Rakuten Kitazawa (1876-1955) là người đầu tiên đã sử dụng từ “manga” trong cách nhìn của thế giới hiện đại.
Thay vì dùng từ manga như các nước khác trên thế giới, để chỉ chính xác riêng truyện tranh xuất phát từ Nhật Bản, người Nhật dùng từ 日本の漫画 (Nihon no manga, tức Nhật Bản mạn họa hay truyện tranh của Nhật Bản). Từ Manga-ka (漫画家mạn họa gia) tương ứng với Họa sĩ truyện tranh, người chuyên về viết vẽ manga.
Quảng Cáo
Lịch sử Manga
Lịch sử manga bắt đầu từ rất sớm. Ở Nhật, người dân đã sớm có hứng thú với một loại nghệ thuật về tranh ảnh (sau này là manga) Manga thời kì này vẫn chỉ đơn giản là những dải truyện tranh ngắn. Tuy vậy, giá trị giải trí của nó là điều không ai có thể phủ nhận. Không những thế, manga còn giữ một vị trí quan trọng và đầy quan trọng xuyên suốt lịch sử mỹ thuật Nhật Bản. Manga phát triển từ ukiyo-e theo kiểu vẽ tranh. Nó phát triển nhanh chóng sau thế chiến thứ 2. Manga được hầu hết các hạng người đọc ở Nhật. Do hầu hết các danh từ trong tiếng Nhật không ở dạng số nhiều nên manga có thể dùng để chỉ nhiều loại truyện tranh, đôi khi trong tiếng Anh cũng được viết là mangas.
Quảng Cáo
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ VI và VII, những vị thầy tu đã sử dụng những cuộn giấy da có khắc hình như một loại lịch cho việc theo dõi thời gian. Những cuộn giấy này bao gồm những ký hiệu biểu tượng đại diện cho thời gian, và thường được trang trí bằng hình ảnh động vật như cáo, gấu trúc,… với những cử động y như người (được gọi là giga, hay chính xác hơn là choju-jinbutsu-giga tranh vui về thú vật và con người). Đây có thể được coi là tiền đề của Manga.
Đến cuối thế kỉ XVIII thì thuật ngữ “manga” mới thật sự được dùng để chỉ loại hình nghệ thuật này với sự xuất hiện của các tác phẩm đầu tiên như “Mankaku zuihitsu” của Suzuki Kankei, tập tranh “Shijino Yukikai” của Santo Kyoden. Đến đầu thế kỉ XIX, có “Manga hyakujo” của Aikawa Minwa cùng tuyển tập tranh Houkusai (manga được tổng hợp và phân loại từ những tác phẩm của nghệ sĩ tranh gỗ màu nổi tiếng Houkusai).
Thuật ngữ Manga được hoàn thiện bởi nghệ nhân Hokusai (đây không phải là tên thật), một họa sĩ sống với triết lý hội họa hoàn toàn khác so với nền nghệ thuật này lúc bấy giờ. Với tính cách đôi phần nổi loạn, Hokusai được biết đến với việc sẵn sàng cãi lại thầy giáo của mình, liên tục thách thức những phương pháp làm việc của họ. Về sau, ông tự tạo ra khoảng 30.000 tác phẩm, một vài trong số đó tập trung thành những tuyển tập hoặc sách đem đi xuất bản.
Theo Hokusai, “manga” không phải là nghệ thuật vẽ nhân vật trong một câu chuyện nào đó, hay là chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết một để có thể tạo ra những bức họa có tính giải trí và đầy ý nghĩa. Thay vào đó, thuật ngữ “manga” (mà theo nghĩa đen có thể dịch là “bức tranh kỳ quái”) được Hokusai dùng để chỉ phương pháp vẽ một bức tranh dựa theo nét bút đưa hoặc vẽ vài vật chất lướt ngang trang hoàn toàn theo ngẫu hứng (điều này giải thích chữ “kỳ quái”). Tuy chúng hầu hết đều trở thành những bức tranh phong cảnh, người dân Nhật lại nhận ra, ẩn trong những nét vẽ thiên nhiên thoải mái nhưng rất chi tiết ấy, một cái gì đó khác hẳn với những bức họa trước đó, khi mà những người họa sĩ phải nhận thức được họ muốn vẽ gì trước khi đặt bút xuống. Lối tiếp cận vấn đề một cách tự nhiên của Hokusai, mặc dù có thể chính ông cũng không nhận ra điều đó, đã trở thành nền tảng cơ bản cho sự đa dạng của các mangaka hiện nay: họ không gắn mãi với một công thức nào mà luôn hướng theo những loại hình nhân vật, những cốt truyện khác nhau. Tuy nhiên, cho dù Hokusai đã tạo ra một bước đột phá mới bằng phong cách vẽ tranh này (một trong những phong cách ông sử dụng), những cuốn truyện “manga” thực sự đầu tiên vẫn chưa xuất hiện cho đến tận đầu thế kỷ XX.
Bước vào thế kỷ XX, cánh cửa ngoại giao Nhật Bản một lần nữa mở ra thế giới. Một trong số đó, những “dải truyện tranh ngắn”cũng được du nhập, trở thành chất xúc tác làm nên manga, một bộ phận thống trị của thị trường xuất bản Nhật hiện nay. Manga thời kỳ này được gọi là Ponchi-e. Nhật bắt đầu cho xuất bản những tờ tạp chí với nội dung biếm họa với độ dày từ 1-4 trang, đồng thời thuê những họa sĩ nước ngoài để dạy cho học sinh của họ về đường nét, màu sắc, dáng điệu.
Trong thời gian chiến tranh, truyện tranh Nhật và tranh biếm họa được sáng tác nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Chúng có tính hài hước, tính giải trí, cũng như những truyện phương Tây, nhưng đồng thời chúng cũng được sử dụng với mục đích tuyện truyền hoặc châm biếm nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, cổ vũ tinh thần binh lính. Tuy nhiên, dưới thất bại nặng nề dưới tay quân Đồng Minh vào cuối chiến tranh thế giới lần II, rất nhiều truyện tranh Nhật phải chịu sự kiểm duyệt nặng nề của phe chiến thắng, và sự phát triển của cái sẽ trở thành “manga” Nhật Bản dường như bị hoãn lại vô thời hạn.
May mắn thay, sau khi chiến tranh kết thúc, đã có một người đứng lên vực dậy nền nghệ thuật manga, đem đến cho nền văn hóa Nhật và đến thế giới, một thể loại manga hoàn toàn mới. Con người đó, Osamu Tezuka (với việc áp dụng phong cách vẽ của hoạt hình Disney và kỹ thuật điện ảnh của Đức và Pháp) đã góp phần định hình nên kiểu mẫu manga thực sự đầu tiên, và bắt đầu một nền công nghiệp mà đến giờ vẫn giữ vị trí chiến lược trong nền văn hóa Nhật Bản hiện đại. Vào năm 2007, manga chiếm lĩnh một thị trường toàn cầu nhiều tỷ đôla.
Giải thưởng Manga nhận được
Ngành công nghiệp manga Nhật Bản được thừa nhận với một số lượng lớn các giải thưởng, hầu hết được tài trợ bởi các nhà xuất bản, và các giải thưởng này thường bao gồm việc công bố những vị trí chiến thắng trên các tạp chí manga được phát hành bởi các nhà xuất bản. Danh mục các giải thưởng về manga bao gồm bên dưới:
- Akatsuka Award: giải thưởng dành cho các manga khôi hài.
- Dengeki Comic Grand Prix: giải thưởng dành cho các one-shot manga.
- Japan Cartoonists Association Award: giải thưởng dành cho nhiều phạm trù đa dạng.
- Kodansha Manga Award (nhiều danh mục giải thưởng)
- Seiun Award: giải thưởng dành cho manga khoa học viễn tưởng tốt nhất của năm.
- Shogakukan Manga Award (nhiều danh mục giải thưởng)
- Tezuka Award: giải thưởng dành cho loạt manga sáng tác mới tốt nhất.
- Tezuka Osamu Cultural Prize (nhiều danh mục giải thưởng)
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tổ chức trao tặng giải thưởng International Manga Award bắt đầu từ tháng 5/2007.
Thể loại Manga
- Shounen manga: loại manga nhắm tới độc giả là nam giới vị thành niên.
- Shoujo manga: loại manga nhắm tới độc giả là nữ giới vị thành niên.
- Seinen manga: loại manga dành cho nam giới trưởng thành.
- Josei manga: loại manga dành cho nữ giới trưởng thành.
- Kodomo manga: loại manga dành cho trẻ em dưới 10 tuổi.
- Doujinshi: Truyện tranh được fan chế tác lại dựa theo nguyên tác (original) từ truyện phóng tác do fan hay có thể cả những Mangaka khác với tác giả truyện gốc. Tác giả vẽ Doujinshi thường dựa trên những nhân vật gốc để viết ra những câu chuyện theo sở thích của mình.
- Full Color là thể loại tất cả trang truyện được tô màu hoàn toàn.
- Gekiga (kịch họa): Tiểu thuyết bằng hình (graphic novel)
- One-shot: Những truyện ngắn, thường có một chương.
- Smut: Những truyện có nội dung liên quan đến tình dục
Những bộ truyện Manga nổi tiếng và phổ biến hiện nay
Cùng sentayho.com.vn tìm hiểu thêm về thế giới truyện tranh Nhật Bản đầy màu sắc thông qua 11 bộ truyện tranh nổi tiếng ngay sau đây nhé.
Doraemon – Fujiko F. Fujio
Doraemon (ドラえもん tên cũ tại Việt Nam là Đôrêmon) là nhân vật chính hư cấu trong loạt Manga cùng tên của họa sĩ Fujiko F. Fujio. Trong truyện lấy bối cảnh ở thế kỷ 20, Doraemon là chú mèo robot của tương lai do xưởng Matsushiba — công xưởng chuyên sản xuất robot vốn dĩ nhằm mục đích chăm sóc trẻ nhỏ. Ban đầu, chú mèo vốn dĩ thuộc sở hữu của cậu bé Sewashi, là con cháu nhiều đời sau của Nobita nhưng về sau Sewashi gửi lại cho ông Nobita của mình nhằm cải thiện cuộc sống của ông mình do Nobita là người hậu đậu, vụng về, luôn gặp trắc trở trong cuộc sống mà dẫn đến các thế hệ con cháu sau này phải sống trong cảnh nghèo khổ trong đó có Sewashi. Doraemon có một chiếc túi nhỏ trước bụng mà bên trong chứa vô vàn bảo bối tiện ích của tương lai chính vì vậy mà thường xuyên bị Nobita vòi vĩnh mượn.
Theo như lời kể của họa sĩ Fujiko, trong một đêm ông đang tìm kiếm đề tài và nhân vật cho một bộ truyện tranh tâm đắc thì một con mèo hoang nhảy vào nhà, nó kêu vài tiếng rồi nhảy vào lòng ông mà ngủ. Do quá mệt mỏi Fujiko cũng thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau thức dậy, ông vội vàng bước xuống cầu thang và vấp phải con lật đật của cô con gái, từ đó sinh ra sự kết hợp giữa lật đật và mèo và ra đời nhân vật Doraemon. Ngoài nước da màu xanh không có tai, bàn tay tròn vo thì Fujiko còn đính kèm một cái chuông vàng ở cổ với dãy ruy băng màu đỏ đậm. Bộ manga ba lần được chuyển thể thành anime với nhiều người đã lồng tiếng cho nhân vật. Ở phiên bản chuyển thể năm 1973 do Tomita Kōsei lồng tiếng từ tập 1 đến tập 13 còn từ tập 14 trở đi là Nozawa Masako. Ở phiên bản 1979 đến tháng 3 năm 2005 là Ōyama Nobuyo. Từ tháng 4 năm 2005 đến nay, Doraemon do Mizuta Wasabi lồng tiếng.
Không chỉ nổi tiếng tại quê nhà Nhật Bản mà Doraemon còn được biết đến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Năm 2002, Doraemon được tạp chí Time Asia bình chọn là một trong hai mươi hai người hùng đáng yêu nhất của châu Á. Không những vậy, vào năm 2008, được Chính phủ Nhật Bản chọn làm đại sứ hoạt hình của Nhật Bản trong một buổi lễ do đích thân Ngoại trưởng Nhật Bản Komura Masahiko chủ trì. Trước đó vào năm 2007, Oricon xếp Doraemon vị trí thứ hai trong danh sách các nhân vật manga quyền năng nhất. Thậm chí nhân vật còn được thành phố Kawasaki cấp hộ khẩu như là một công dân chính thức năm 2012. Hàng loạt các sản phẩm thương mại ăn theo như thú nhồi bông, figure,… Bên cạnh việc xuất hiện trong Doraemon, Doraemon thỉnh thoảng còn xuất hiện trong Doraemon bóng chày và Đội quân Doraemon — là một chuyển thể khác của Doraemon nhưng không do họa sĩ Fujiko chấp bút cũng như trong các trò chơi điện tử.
Thám tử lừng danh Conan – Gosho Aoyama
Thám tử lừng danh Conan (名探偵コナン (Danh thám trinh Conan) Meitantei Konan, tựa tiếng Anh: “Detective Conan”, tại Mỹ có tên là “Case Closed”) là một bộ manga Nhật Bản dành cho lứa tuổi thiếu niên thuộc thể loại trinh thám được vẽ và minh họa bởi Aoyama Gosho. Bộ truyện này ban đầu là những chương truyện nhỏ được đăng trên tuần báo Shōnen Sunday của Shogakukan từ ngày 19 tháng 1 năm 1994 sau đó được đóng thành các tập tankōbon.Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về chàng thám tử trung học Kudo Shinichi trong một lần đang điều tra đã bị Tổ chức Áo Đen ép uống thuốc độc, khiến cho cơ thể của cậu bị teo nhỏ và phải sống dưới thân phận là cậu bé Edogawa Conan.
Series cũng được chuyển thể thành anime bởi Yomiuri Telecasting Corporation và TMS Entertainment. Tiếp nối anime, nhiều tập phim chủ đề, ngoại truyện (OVA), trò chơi điện tử, đĩa nhạc, phim live-action cũng được ra đời. Các tập tankōbon manga đã bán được khoảng 230 triệu bản trên toàn thế giới. Tính đến tháng 4 năm 2020, Thám tử lừng danh Conan là bộ manga bán chạy thứ 5 trong lịch sử, chỉ xếp sau One Piece, Bảy viên ngọc rồng, Naruto và Golgo 13. Năm 2001, bộ manga nhận được Giải Manga Shogakukan lần thứ 46 cho hạng mục shōnen. Bộ truyện này được lấy ý tưởng một phần từ các tác phẩm của Edogawa Ranpo.
Hunter x Hunter – Yoshihiro Togashi
Hunter × Hunter (tiếng Nhật: ハンター×ハンター, phát âm: Hantā Hantā) là bộ manga dành cho thanh thiếu niên nổi tiếng của họa sĩ truyện tranh người Nhật Yoshihiro Togashi. Hunter x Hunter được nhà xuất bản Shueisha đăng dài kì trên tạp chí Weekly Shōnen Jump từ ngày 3 tháng 3 năm 1998 cho tới nay. Bộ truyện nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới chuyên môn và là tác phẩm thành công nhất về mặt doanh thu của Togashi, tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm manga sau này. Tới năm 2019, Hunter x Hunter đã ra mắt được 36 tập, trải qua vô số lần gián đoạn /hiatus trường kỳ (do tác giả mắc bệnh đau cột sống lưng) nhưng vẫn tiêu thụ được hơn 78 triệu bản tính riêng tại thị trường Nhật và trở thành một trong những manga ăn khách nhất mọi thời đại.
Các nhân vật trong tác phẩm được xây dựng có chiều sâu, một số nhân vật có cá tính mạnh. Tác phẩm bị đánh giá là có nhiều mô tả không phù hợp với độ tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên. Nó mô tả một xã hội tàn nhẫn, khắc nghiệt và các chi tiết dung tục, đá đểu chính trị; một thế giới hai mặt không phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác, kể cả nhân vật chính cũng hai mặt; theo lời của tác giả Yoshihiro Togashi: “Tôi đang vẽ với ý định giết chết nhân vật chính”. Với khởi đầu nhẹ nhàng nhưng về sau đã trở nên khó đọc, nặng nề, khắc nghiệt, nhất là từ arc Chimera Ant, tuy vậy bộ truyện vẫn không thiếu những phân đoạn vui vẻ và lãng mạn. Đặc biệt arc mới nhất, Dark Continent đang trở nên khó đọc hơn. Mặc dù thường được gọi là Dark Continent nhưng thật ra vẫn chưa đến Dark Continent mà đang có một cuộc tranh quyền đoạt vị vô cùng căng thẳng giữa các vị Hoàng Tử của vương quốc Kakin, hiện đang diễn ra trên con tàu Cá Voi Đen.
Bộ Anime phiên bản năm 2011 đã thực hiện đến arc Bầu Cử Chủ Tịch, được đánh giá cao nhưng có nhiều phân đoạn bị cắt bỏ hoặc sửa đổi đã giúp nó tươi sáng hơn nhiều so với manga.
Tại Việt Nam, bộ truyện đã phát hành từ năm 2002 nhưng không có bản quyền bởi NXB Trẻ và sau đó là NXB Thanh Hóa . Anime phiên bản năm 1999 đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long ( THVL) vào năm 2003. Bộ truyện được mua bản quyền bởi Nhà xuất bản Kim Đồng, chính thức ấn hành từ tháng 6 năm 2017.
One Piece – Eiichiro
One Piece (ワンピース Wan Pīsu), từng được xuất bản tại Việt Nam dưới tên gọi Đảo Hải Tặc là bộ manga dành cho lứa tuổi thiếu niên của tác giả Oda Eiichiro, được đăng định kì trên tạp chí Weekly Shōnen Jump, ra mắt lần đầu trên ấn bản số 34 vào ngày 19 tháng 7 năm 1997. Bản tankōbon của truyện do Shueisha phát hành với tập đầu tiên vào ngày 24 tháng 12 năm 1997. One Piece kể về cuộc hành trình của Monkey D. Luffy – thuyền trưởng của băng hải tặc Mũ Rơm và các đồng đội của cậu. Luffy tìm kiếm vùng biển bí ẩn nơi cất giữ kho báu lớn nhất thế giới One Piece, với mục tiêu trở thành Tân Vua Hải Tặc.
One Piece cũng được chuyển thể sang một vài loại hình truyền thông khác nhau. Một OVA được hãng Production I.G sản xuất vào năm 1998. Tiếp đó, phiên bản anime dài tập do hãng Toei Animation thực hiện, bắt đầu lên sóng truyền hình Nhật Bản vào năm 1999. Toei cũng sản xuất 11 phim hoạt hình, một OVA và 5 chương trình truyền hình đặc biệt liên quan. Một vài công ty đã phát triển nhiều sản phẩm khác dựa vào truyện như thẻ game, video game. Bộ manga phiên bản tiếng Anh được cấp phép cho hãng Viz Media phát hành ở thị trường Bắc Mỹ, hãng Gollancz Manga ở Anh Quốc, Madman Entertainment ở Australia và New Zealand. Ở Bắc Mỹ, bộ anime được cấp phép bản địa hóa và phân phối bằng tiếng Anh bởi hãng Funimation Entertainment.
Trong năm 2008, One Piece trở thành bộ manga có số lượng phát hành kỷ lục. Năm 2010, Shueisha thông báo họ đã bán hơn 260 triệu tập One Piece, tập 61 lập kỷ lục số lượng in sách tại Nhật Bản với 3,8 triệu bản in (kỷ lục cũ thuộc về tập 60 với 3.4 triệu bản in). Theo hãng Oricon của Nhật Bản, tập 60 là sản phẩm sách đầu tiên bán được hơn 2 triệu bản trong tuần đầu phát hành.[1] One Piece hiện được đánh giá là bộ manga bán chạy nhất với số lượng người đọc rất cao, hơn 280 triệu tập được bán ra tại Nhật Bản trong năm 2012. Nó nhận được nhiều sự phê bình và khen ngợi nhờ phong cách vẽ, đặc điểm nhân vật, sự hài hước và cốt truyện. Trong bảng xếp hạng 100 tập truyện tranh bán chạy nhất đầu năm 2015, căn cứ vào số lượng các tập sách được bán ra của các nhà xuất bản, 2 tập 76 và 77 của One Piece lần lượt được xếp vào vị trí quán quân và á quân bảng xếp hạng, bỏ xa thành tích của các tập truyện nổi tiếng khác đang xếp ở các vị trí tiếp theo.
Vào năm 2015, tác giả Oda Eiichiro và bộ manga One Piece được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Guinness khi là bộ truyện tranh do đơn tác giả sáng tác có số bản in nhiều nhất thế giới. Hiện tại, One Piece đang nắm giữ kỷ lục là bộ manga bán chạy nhất trong lịch sử. Vào tháng 5 năm 2018, con số ghi nhận được về lượng xuất bản của One Piece đã đạt tới 440 triệu bản trên toàn thế giới.
Đi cùng ánh sáng – Keiko Tobe
“Đi cùng ánh sáng” viết về cuộc sống hàng ngày của một gia đình Nhật Bản có con tự kỷ. Như mọi đứa trẻ khác, Hikaru được sinh ra trong tình yêu thương và niềm hi vọng của bố mẹ. Nhưng Sachiko, mẹ của Hikaru dần nhận ra con mình không giống các em bé khác. Hikaru phản ứng rất chậm với các tiếng động, hay khóc vô cớ, rất khó dỗ dành và đặc biệt không biểu lộ tình cảm gì với mẹ.
Sau một vài lần kiểm tra, các bệnh viện xác nhận Hikaru bị tự kỷ, một hội chứng rối loạn phát triển hệ thần kinh ở trẻ em. Kể từ thời khắc ấy cả gia đình chìm vào khủng hoảng. Người bố và phía bên nhà nội không hề quan tâm giúp đỡ, Sachiko suy sụp trầm trọng. Nhưng bằng tình mẫu tử, Sachiko đã gượng dậy. Có thể Hikaru không lớn lên bình thường nhưng cậu bé vẫn có một tương lai phía trước, và điều quan trọng nhất, là không bỏ cuộc khi chưa hiểu vấn đề của con mình. Và cuộc chiến để sống chung với bệnh tự kỷ của hai mẹ con đã bắt đầu.
Từ những trang đầu tiên, “Đi cùng ánh sáng” đã khắc họa rất rõ những rung chấn đầu tiên của mỗi gia đình có con tự kỷ. “Tại sao con lại khóc nhiều như thế?”; “Sao dỗ mãi con cũng không nín”; “Tại sao con không có phản ứng gì?”; “Sao con lại không nhìn mẹ?”; Tại sao?… rất nhiều câu hỏi, hoang mang và mỏi mệt. Nhưng bằng những nét vẽ, từng ô thoại và cách kể truyện từ tốn, những câu hỏi ấy dần được giải đáp.
“Đi cùng ánh sáng” đưa ra những vấn đề của trẻ tự kỷ và quan trọng hơn, là cả những giải pháp. Trước nhất là hiểu và ở bên con. Hikaru rất chậm nói, chậm nghe nhưng bù lại cậu bé quan sát rất tốt và đặc biệt hứng thú với các hình ảnh và chuyển động. Mẹ Sachiko đã dùng những tấm ảnh chụp gia đình, bạn bè và các đồ vật để dạy cho con nói. Chỉ một chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng đó là điều vô cùng quan trọng giúp cho bé giao tiếp. Tiếp đến là đảm bảo an toàn cho trẻ tự kỷ: Sắp xếp các đồ đạc dễ vỡ, vật nhọn ở ngoài tầm với; làm bảng tên cho bé đeo đề phòng bị lạc, hay làm những bảng thông báo nhỏ để hàng xóm biết và thông cảm cho bệnh tình của bé… Và khó khăn hơn cả, là việc cho bé đi học: Tìm trường lớp, tìm giáo viên, giúp bé sinh hoạt tập thể, kết bạn… Việc nào cũng vô cùng vất vả.
Đọc bộ sách này có lẽ bạn sẽ hỏi, sức đâu để làm mọi việc đó. Câu trả lời hết sức đơn giản: Tình yêu thương. Yêu thương, nhưng cương nghị, không phải sự yêu chiều để bé lớn lên không có “đề kháng” trước cuộc sống.
Nữ hoàng Ai Cập – Chieko Hoshokawa & Fumin
Ōke no Monshō (王家の紋章 (Vương gia văn chương) Ōke no Monshō), bản dịch tại Việt Nam để tên là Nữ hoàng Ai Cập, là một bộ manga của Chieko Hosokawa. Truyện bắt đầu được phát hành trên tạp chí Princess của Nhật Bản mỗi tuần từ năm 1976. Tính tới năm 2006, bộ truyện đã bán được 36 triệu bản tại Nhật, trở thành truyện tranh shōjo bán chạy thứ 3 kể từ trước tới nay.
Nhân vật chính là Carol Reed, một thiếu nữ người Mỹ tóc vàng, mắt xanh, con gái của một gia đình triệu phú yêu thích khảo cứu cổ học Ai Cập, đang là sinh viên khoa khảo cổ tại Cairo. Khi gia đình cô nhận bảo trợ cho chương trình khai quật và nghiên cứu lăng mộ của một vị pharaoh trẻ tuổi, lời nguyền từ ngôi mộ đã giáng xuống gia đình cô. Lời nguyền ấy đưa cô ấy trở về Ai Cập cổ đại, nơi cô bị lôi kéo vào những vấn đề của Ai Cập và những quốc gia cổ đại khác như Assyria và Babylon. Tại đây, Carol gặp Memphis – một pharaoh trẻ tuổi dũng mãnh, là người mà gia đình cô đã khai quật mộ ở thế giới hiện đại. Bất chấp sự bướng bỉnh, hung dữ và bản tính mạnh mẽ ban đầu của anh ta, họ yêu nhau say đắm và cùng nhau vượt qua rất nhiều thử thách. Điều này đã làm người chị cùng cha khác mẹ của Memphis là Isis giận dữ vì cô đã chờ đợi lâu để cưới Memphis. Carol, với kiến thức khoa học hiện đại, trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử cổ đại.
Do sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” và sự thông thái của mình mà cô đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra các âm mưu chính trị và chiến tranh giữa các vương quốc và say đắm cô (điển hình như hoàng tử Igiumi của Hittites và Memphis của Ai Cập). Cô đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử cổ đại và được mệnh danh là “Nữ hoàng sông Nile” hay “Đóa hoa sen đẹp nhất của Địa Trung Hải” nổi tiếng lúc bấy giờ.
Sau khi trở thành vợ của Memphis, Carol đã không ít lần rơi vào cảnh nguy hiểm nhưng nhờ sự thông minh của mình cùng sự xả thân ứng cứu của chồng, cô đã nhiều lần thoát hiểm và giúp Ai Cập chống lại những âm mưu thù địch nhằm thôn tính quốc gia này.
Với những tuyến nhân vật rõ ràng cùng những nhân vật được phác họa tuyệt đẹp đi kèm cá tính độc đáo và quyến rũ, Nữ Hoàng Ai Cập đưa độc giả đi từ cuộc phiêu lưư ở vùng đất xa xôi này đến vùng đất hoang sơ nọ của thời cổ đại cùng những kỳ quan hùng vĩ của thời bấy giờ.
Tuy nhiên thời hoàng kim của Nữ hoàng Ai Cập nhanh chóng kết thúc khi phần lớn fan hâm mộ cuồng nhiệt bộ truyện này ở Việt Nam quay lưng, trở thành anti-fan. Những tình tiết trong truyện như Carol bị kẻ thù ngoại quốc đang nhăm nhe chiếm Ai Cập bắt cóc, khiến hoàng đế Ai Cập Menfuisu luôn sống trong tâm trạng lo lắng bất an và liên tục phải thân chinh dẫn quân đi giải cứu cho cô vợ ngây thơ…cứ lặp đi lặp lại theo cùng một mô-típ nội dung khiến không chỉ độc giả mà có lẽ ngay cả các nhân vật trong truyện cũng phải mệt nhoài vì cứ phải lặp đi lặp lại quá trình Carol bị bắt cóc rồi Menfuisu miệt mài đi cứu.
Hiện nay, bộ truyện đã được chuyển thể thành nhạc kịch sân khấu nhằm kỷ niệm 60 năm của Ouke no Monshou.
Nana – Ai Yazawa
NANA là bộ shoujo manga của nữ tác giả manga Yazawa Ai được nhà xuất bản Shueisha đăng dài kỳ trên tạp chí tạp chí Cookie từ năm 1999. Ở Mỹ, NANA do tạp chí Shoujo Beat phát hành và được dán mác 16+.Chuyển thể từ NANA gồm một bộ anime và hai phần phim truyện cùng tên. Một phần phỏng theo bộ manga và một phần dựa trên kịch bản được viết tiếp theo. Tựa đề truyện chính là tên chung “Nana” của hai cô gái với hai tính cách khác nhau, hai số phận khác nhau. Komatsu Nana đến từ một thành phố nhỏ, không ước mơ hoài bão, cùng bạn bè và người yêu lên Tokyo, thi vào đại học mỹ thuật cũng chỉ để theo đuổi ước mơ của bạn trai. Cô luôn tìm kiếm mục tiêu cho bản thân. Osaki Nana lại luôn khát khao biến ước mơ và ban nhạc Black Stones của mình thành sự thật: trở nên nổi tiếng tại Tokyo. Yazawa Ai đã để hai Nana gặp nhau trên chuyến tàu đến Tokyo, cùng tìm kiếm một căn hộ và quyết định cùng nhau thuê căn hộ đó. Bộ manga miêu tả tình bạn và cuộc sống của hai cô Nana khi cả hai cùng theo đuổi ước mơ riêng của mình. Tình huống Yazawa Ai xây dựng không chỉ là thành công rực rỡ của cô mà còn là của thể loại shoujo nói chung.
Tập 1 và 2 của NANA đã được Hiệp hội cung cấp các dịch vụ thư viện dành cho thanh thiếu niên (YALSA, Mỹ) liệt vào trong danh sách “truyện tranh hay nhất năm 2007 dành cho thiếu niên”. Mười hai tập đầu tiêu thụ hơn 22 triệu bản ở Nhật. Năm 2003, NANA đoạt giải thưởng Shogakukan Manga Award cho thể loại shoujo. Tiếp nối manga, anime và hai phần phim chuyển thể cũng gặt hái được rất nhiều thành công. Năm 2005, Nana đoạt giải Manga của năm, đứng trên Death Note và Hana yori Dango. Cũng trong năm 2005, NANA bán được hơn 34,5 triệu bản, trở thành shoujo manga bán chạy thứ tư trên toàn thế giới. Tập 19 và 20 lần lượt đứng thứ ba và thứ năm trong bảng xếp hạng manga bán chạy nhất trong năm 2008 ở Nhật. NANA hiện đã ra đến tập 21 và tạm dừng vào hè năm 2009 vì Yazawa Ai phải điều trị một căn bệnh nặng không được tiết lộ. Cô đã ra viện vào đầu tháng 4 năm 2010 và phát biểu trong tạp chí Josei Jishin của nhà xuất bản Kobunsha rằng cô không thể cầm bút từ khi bị bệnh và không chắc về khả năng tiếp tục của bộ truyện. Bác sĩ cho biết cô sẽ từ từ hồi phục.
Mặt nạ thủy tinh – Suzue Miuchi
Glass mask (ガラスの仮面, Garasu no Kamen) là bộ manga của nữ mangaka Miuchi Suzue, được đăng trên tạp chí Hana to yume comics – “Hoa và Mộng”, vào năm 1976. Về sau, truyện được dựng thành anime và phim truyền hình. Tính đến năm 2006, manga này bán được 50 triệu bản tại Nhật, trở thành truyện tranh dành cho thiếu nữ (shõjo manga) bán chạy thứ hai trên thế giới. Từ tháng 7 năm 2008, khi tác giả vẽ tiếp bộ truyện này, nó được đăng trên tạp chí Betsatsu hana to yume hay còn gọi là Betsuhana.
Truyện đã được xuất bản tại Việt Nam. Một lần có tên “Machi – cô bé chăm chỉ”, lần sau đổi tên chính xác như tựa gốc là “Mặt nạ thủy tinh” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Tóm tắt: Cô bé học sinh cấp hai tên Kitajima Maya sinh sống với mẹ ở thành phố cảng Yokohama. Maya từ lâu đã ấp ủ niềm say mê vô hạn với kịch nghệ nhưng gia đình cô quá nghèo để có thể theo đuổi ước mơ. Bỗng một hôm, Maya gặp cô giáo dạy kịch Tsukikaga Chigusa và trốn nhà theo cô giáo lên Tokyo, bất chấp sự ngăn cản từ mẹ. Từ đó, hành trình đầy chông gai trong thế giới nghệ thuật của Maya bắt đầu. Mẹ Maya luôn bảo rằng cô là một đứa con gái vô dụng nhưng cô đã chứng tỏ cho thế giới thấy điều ngược lại. Cùng với Himekawa Ayumi, Maya luôn cố gắng khổ luyện để được diễn vai diễn để đời “Hồng Thiên Nữ” (Kurenai Tennyo).
X/1999 – Clamp
X/1999 (tiếng Nhật: エックス, Ekkusu) là một bộ manga nổi tiếng được xuất bản tại nhiều nước của Clamp, một nhóm tác giả nữ người Nhật. Bộ manga ra mắt ở Nhật với tên X. X/1999 xuất hiện lần đầu trên tạp chí shoujo manga Asuka của Kadokawa Shoten từ tháng 5 năm 1992, với 18 tập đã được xuất bản, cùng vài chương kế tiếp trong tập cuối, X/1999 đã được xếp vào tình trạng “chờ” đang tiếp tục kể từ lần cuối xuất hiện trên tạp chí Asuka đầu năm 2003.
X/1999 được xây dựng dựa trên bối cảnh ngày tận thế, cùng sự xuất hiện của khá nhiều những nhân vật trong những manga khác của Clamp. X/1999 đã được dựng thành một bộ anime TV hoàn chỉnh cùng rất nhiều những sản phẩm có liên quan được ra đời.
Tóm tắt; X/1999 kể về câu truyện ngày tận thế của Trái Đất. Cứ cách một ngàn năm, trận chiến quyết định tương lai của con người lại được diễn ra. Số phận của Kamui Shirou được định đoạt khi anh trở về Tokyo để đối mặt với sự thay đổi cuối cùng của mình. The Dragon of Heaven (Rồng Thiên đường), những người bảo vệ Trái Đất, sẵn sàng đứng dậy để che trở cho thế giới khỏi bàn tay của Dragon of Earth (Rồng Trái Đất), bảy vị ngự sứ, những người nắm trong tay quyền phá hủy hành tinh này để mang lại cho nó một sự thanh khiết tuyệt đối. Giờ đây Kamui phải quyết định sự lựa chọn hoặc là tham gia The Dragon of Heaven để bảo vệ Trái Đất khỏi thảm họa diệt vong, hoặc tham gia vào Dragon of Earth để thanh tẩy thế giới.
Skip Beat – Yoshiki Nakamura
Skip Beat! (スキップ・ビート! Sukippu Bīto!) là một bộ truyện tranh thuộc thể loại shōjo của Nhật Bản, được sáng tác bởi Yoshiki Nakamura. Bộ truyện tranh được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Hana to Yume vào ngày 15/02/2002. Tính đến ngày 27/11/2011, Skip Beat đã có 183 chương được xuất bản. Tại Việt Nam, truyện được Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền phát hành.
Skip Beat cũng được Hal Film Maker chuyển thể thành phim hoạt hình và được công chiếu từ 05/10/2008 tới 29/03/2009 với độ dài 25 tập, kết thúc tại chap 67 (tập 11) của manga.