Đề bài: Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần
3 bài văn mẫu Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần (Chuẩn)
1. Mở bài
– Sơ lược về tác giả Phạm Ngũ Lão.- Giới thiệu bài thơ Thuật Hoài (Tỏ lòng).
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ được sáng tác vào năm 1284, trước khi diễn ra diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai.
b. Hai câu thơ đầu: Tái hiện một cách xúc tích và ấn tượng về vẻ đẹp của con người và quân đội thời Trần.
* Con người thời Trần:– Nổi bật trên nền không gian rộng lớn “giang sơn” và thời gian dài lâu, bền vững “mấy thu”.- “Hoành sóc”: Tầm vóc của con người nổi bật thông qua hình ảnh cầm ngang ngọn giáo, ngọn giáo ấy dường như được đo bằng cả chiều rộng của giang sơn, chiều dài của thời gian, vô cùng hiên ngang và hùng tráng.=> Mang vẻ kỳ vĩ, lớn lao, sánh ngang với tầm vóc vũ trụ, đặc biệt tư thế cầm ngang ngọn giáo gợi ra cho người đọc về phẩm chất kiên cường, bền bỉ, anh dũng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trong nhiệm vụ trấn giữ non sông, bảo vệ đất nước.* Quân đội thời Trần:– “tam quân” tức là ba quân, là đặc trưng của các tổ chức quân đội thời xưa, thể hiện sức mạnh về cái sự đồng lòng của toàn quân, toàn dân tộc trong công cuộc kháng chiến.- “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”. Phép so sánh này đã gợi ra cho người đọc hai cách hiểu chính, thứ nhất là ba quân mạnh như hổ, như báo có thể nuốt trôi cả một con trâu lớn. Thứ hai là sức mạnh của ba quân như hổ báo, át cả sao Ngưu đang ngự trên trời.=> Tổng kết lại sức mạnh của quân đội thời Trần được tóm gọn bằng cụm từ “hào khí Đông A”. c. Hai câu thơ cuối: Vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng và nhân cách cao đẹp của Phạm Ngũ Lão:* Câu 3: Quan niệm món nợ công danh:– “Nam nhi vị liễu công danh trái” ý chỉ lý tưởng, chí lớn lập công danh, thể hiện qua quan niệm, nhận thức của tác giả về món nợ công danh của kẻ làm trai. Quan niệm “nhập thế tích cực”.- Đặt trong hoàn cảnh đất nước đương thời, quân xâm lược đang ngấp nghé bờ cõi, thì cũng là lúc để cho những kẻ làm trai có cơ hội trả món nợ công danh, ra sức giúp nước, giúp dân lập chí lớn. Người nam nhi phải từ bỏ những lối sống tầm thường, ích kỷ, vui vầy vợ con, ruộng vườn để xông pha trận mạc sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân.=> Món nợ công danh trong trong nhận thức của Phạm Ngũ Lão vừa mang tư tưởng tích cực của thời đại vừa mang tinh thần dân tộc sâu sắc. * Câu cuối: Nỗi thẹn và nhân cách cao đẹp của tác giả:– Thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu – Gia Cát Lượng, một vĩ nhân trong lịch sử Trung Hoa.- Đứng trước, con người mang tầm vóc như vậy, thì Phạm Ngũ Lão dù rằng đã lập được rất nhiều công danh nhưng vẫn cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé, ông ý thức được rằng món nợ công danh đã trả chẳng thấm tháp vào đâu, mà vẫn còn phải cố gắng trả nhiều hơn nữa thì mới xứng với phận nam nhi, xứng với Tổ quốc.- Từ những biểu hiện trên ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Phạm Ngũ Lão trước hết là ở ý chí nỗ lực muốn theo gương người xưa lập công danh cho xứng tầm, thứ hai ấy là lý tưởng, chí lớn mong muốn lập được công dnah sánh ngang với nhân vật lịch sử lỗi lạc.=> Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn của một nhà nho có nhân cách lớn, cũng là nỗi thẹn của một người dân yêu nước.
3. Kết luận
Nêu tổng kết nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần
1. Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần, mẫu số 1 (Chuẩn)
Phạm Ngũ Lão (1255-1320), là một vị tướng tài dưới triều Trần, từng đóng góp rất nhiều công lao trong cả hai cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược. Khi còn tại thế ông đã từng giữ đến chức Điện súy, phong tước quan nội hầu, đương thời ông chỉ xếp sau cha vợ mình là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị tướng vĩ đại nhất lịch sử phong kiến nước ta về danh tiếng. Tuy là con nhà võ, hàng năm quen chuyện binh đao thế nhưng Phạm Ngũ Lão cũng lại là người rất yêu thích thơ ca và được người đời khen tặng là văn võ toàn tài. Ông từng sáng tác rất nhiều bài thơ hay, thế nhưng theo dòng lịch sử đa số bị thất lạc, đến nay chỉ còn lại hai bài Tỏ lòng và Viếng thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương. Về thi ca, trong văn học trung đại luôn nằm trong một quy phạm chung, làm thơ thì phải bao hàm chữ “chí”, trong “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Nghĩa rằng thơ văn thì phải truyền tải một nội dung giáo dục nào đó to lớn, và Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão là một trong số những bài thơ tiêu biểu nhất thể hiện cái tính quy phạm đặc trưng này của nền văn học trung đại – lời là lời giáo huấn về chí nam nhi đầy hào khí của thời Trần.
Cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa có một cứ liệu chính xác nào về hoàn cảnh ra đời của Tỏ lòng (Thuật hoài), nhưng theo một số suy đoán thì bài thơ được sáng tác vào năm 1284, trước khi diễn ra diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai. Lúc này Phạm Ngũ Lão được cử đi trấn giữ biên giới cùng một số tướng lĩnh khác để chuẩn bị cho chiến sự.
Phân tích Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão để thấy được tinh thần, chí khí thời Trần
Ở hai câu thơ đầu Phạm Ngũ Lão đã tái hiện một cách xúc tích và ấn tượng về vẻ đẹp của con người và quân đội thời Trần.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.”
Để khắc họa hình ảnh con người thời Trần, tác giả đã khéo léo dựng lên một bối cảnh không gian và thời gian rất đặc biệt, là một cái phông nền độc đáo để từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của những con người sống dưới triều Trần, một triều đại nhiều bão táp mưa sa nhất lịch sử phong kiến. Về bối cảnh không gian, Phạm Ngũ Lão chọn hai chữ “giang sơn” vốn là từ ghép hợp nghĩa, ở đây tức là chỉ sông núi, từ đó mở ra trước mắt người đọc một không gian vô cùng bao la, rộng lớn và khoáng đạt, đó là không gian của cả một quốc gia, dân tộc. Bên cạnh không gian, thì bối cảnh thời gian được gợi mở bằng ba từ “kháp kỷ thu”, ý chỉ đã qua hết mấy thu rồi, trước cái cách đo đếm thời gian ấy đã gợi cho người đọc về một khoảng thời gian dài lâu, có bề dày lịch sử bền vững. Trên cái nền không gian, thời gian dài rộng ấy lại nổi bật lên hình ảnh con người trong tư thế “hoành sóc”, cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ non sông đã qua mấy thu. Tầm vóc của con người nổi bật thông qua hình ảnh ngọn giáo dường như được đo bằng cả chiều rộng của giang sơn, chiều dài của thời gian, vô cùng hiên ngang và hùng tráng. Mang vẻ kỳ vĩ, lớn lao, sánh ngang với tầm vóc vũ trụ, đặc biệt tư thế cầm ngang ngọn giáo gợi ra cho người đọc về phẩm chất kiên cường, bền bỉ, anh dũng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trong nhiệm vụ trấn giữ non sông, bảo vệ đất nước như những vị thần. Điều này gợi nhắc ta về câu chuyện lịch sử, quân Mông – Nguyên mượn cớ mượn đường nước ta để sang đánh Chiêm Thành, nhưng thực tế âm mưu của chúng là hòng thôn tính Đại Việt. Trước sự nghi ngại, quân đội nhà Trần quyết lật đổ âm mưu của giặc, trong sự chuẩn bị bao gồm việc cử Phạm Ngũ Lão và một số tướng lĩnh tài giỏi ra trấn giữ tại biên giới để đề phòng giặc tấn công bất ngờ. Trước hoàn cảnh ấy, có lẽ ứng với hình ảnh vị tướng cầm ngang ngọn giáo, kiêu hùng canh giữ từng tấc đất của Tổ quốc là hoàn toàn hợp lý và xuất phát từ những sự kiện có thật để tạo nên cảm hứng đầy hào khí hiên ngang, mạnh mẽ trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão. Tản mạn một chút về câu thơ dịch “Múa giáo non sông trải mấy thu” của Bùi Văn Nguyên, thì có lẽ rằng ý thơ chưa thực sự đạt, bởi với hai từ “múa giáo” thực tế chỉ cốt thiên về cái “mỹ”, đẹp và có chất thơ, nhưng lại thiếu đi cái chí “hùng” mà tác giả muốn biểu đạt. Còn trong bản gốc hai từ “hoành sóc” mới thực sự diễn tả đúng cái khí thế hùng tráng, hiên ngang của một vị tướng, thậm chí là biểu đạt vẻ kiên cường, hào khí cho cả một thế hệ những con người dưới thời Trần, trước hai cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược.
Đó là hình ảnh con người thời Trần, ở câu thừa đề, tác giả đã sử dụng từ “tam quân” tức là ba quân, là đặc trưng của các tổ chức quân đội thời xưa, của các nước phương Đông bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Mà ẩn chứa sau đó là tác giả muốn nói về sức mạnh về cái sự đồng lòng của toàn quân, toàn dân tộc trong công cuộc kháng chiến. Đặc biệt để diễn tả được sức mạnh và hào khí của quân đội trong thời đại này tác giả đã sử dụng phép so sánh “Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu”. Phép so sánh này đã gợi ra cho người đọc hai cách hiểu chính, thứ nhất có thể diễn giải đơn giản theo ý trên mặt chữ rằng ba quân mạnh như hổ, như báo có thể nuốt trôi cả một con trâu lớn. Một cách hiểu thứ hai có phần văn vẻ và suy diễn nhiều hơn ấy là sức mạnh của ba quân như hổ báo, thậm chí át cả sao Ngưu đang ngự trên trời. Cách hiểu thứ hai vừa mang giá trị hiện thực vừa mang một chút cảm hứng lãng mạn hiếm có trong thi ca trung đại, gợi tạo cảm hứng sử thi anh hùng ca mạnh mẽ. Tổng kết lại sức mạnh của quân đội thời Trần được tóm gọn bằng cụm từ “hào khí Đông A”, gọi là Đông A bởi vốn hai chữ này là hai bộ thủ trong chữ Hán ghép lại thành chữ Trần.
Sau hai câu khai đề và thừa đề diễn đạt hào khí chung của dân tộc, thì đến hai câu chuyển và câu hợp là để giải thích và làm rõ ý của câu đề và của cả bài thơ. Chuyển là chuyển từ khách thể sang chủ thể là tác giả, để bày tỏ nỗi lòng, tâm tư, nguyện vọng của bản thân về chí làm trai, về món nợ công danh phải trả cho đất nước. Đồng thời câu hợp để kết lại, thể hiện sáng rõ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách lớn lao của Phạm Ngũ Lão. “Nam nhi vị liễu công danh trái” ý chỉ lý tưởng, chí lớn lập công danh, thể hiện qua quan niệm, nhận thức của tác giả về món nợ công danh của kẻ làm trai. Ở đây món nợ công danh xuất phát từ quan niệm “nhập thế tích cực” của Nho giáo, khác với quan niệm “xuất thế” của Phật giáo, chủ trương lánh đời, ở ẩn, quên đi chuyện thế sự, nhiễu nhương, để tâm hồn thanh tịnh,…. Thì đối với Nho giáo, con người đặc biệt là người nam nhi phải mạnh mẽ đứng giữa cuộc đời sóng gió, dùng hết tài trí sức lực của mình để cống hiến cho đời, giúp dân giúp nước. Trong đó việc ứng thí khoa cử, tham gia vào chốn quan trường chính là một trong những biểu hiện rõ rõ nét và phổ biến nhất của quan niệm “nhập thế tích cực”, và Phạm Ngũ Lão chính là một trong số những con người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm này. Quan niệm ấy đã tạo dựng nên mục đích sống, lý tưởng sống chung của các đấng nam nhi dưới thời đại này là phải lập được công danh, có sự nghiệp, tiếng thơm lưu truyền đến muôn đời. Trở thành một trong những điều tối cần của chí làm trai, mà trong văn học Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà thơ đề cập đến ví như Nguyễn Công Trứ với “Chí làm trai nam bắc đông tây/Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể”. Đặt trong hoàn cảnh đất nước đương thời, quân xâm lược đang ngấp nghé bờ cõi, thì cũng là lúc để cho những kẻ làm trai có cơ hội trả món nợ công danh, ra sức giúp nước, giúp dân lập chí lớn. Người nam nhi phải từ bỏ những lối sống tầm thường, ích kỷ, vui vầy vợ con, ruộng vườn để xông pha trận mạc sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Có thể nói rằng món nợ công danh trong trong nhận thức của Phạm Ngũ Lão vừa mang tư tưởng tích cực của thời đại vừa mang tinh thần dân tộc sâu sắc. Chính vì thế nó luôn canh cánh, trăn trở trong cõi lòng của tác giả.
Bên cạnh chí lớn làm trai cùng với quan niệm món nợ công danh trước thời cuộc, thì câu thơ cuối chính là câu thơ tỏ rõ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách cao thượng của Phạm Ngũ Lão. Nhân cách cao của tác giả thể hiện qua nỗi thẹn của ông khi nghe chuyện Vũ Hầu. Vũ Hầu ở đây chính là chỉ Gia Cát Lượng, một vị quân sư lỗi lạc, một nhân vật lịch sử vĩ đại, là người cộng sự trung thành, đóng góp những công lao to lớn trong công cuộc mở mang bờ cõi của Lưu Bị – vua nước Thục trong bối cảnh tam quốc phân tranh cực gay gắt làm thành thế chân kiềng. Đứng trước con người mang tầm vóc như vậy Phạm Ngũ Lão dù rằng đã lập được rất nhiều công danh nhưng vẫn cảm thấy bản thân mình quá nhỏ bé, tựa như hạt cát giữa sa mạc mênh mông, đồng nghĩa với việc ông ý thức được rằng món nợ công danh đã trả chẳng thấm tháp vào đâu, mà vẫn còn phải cố gắng trả nhiều hơn nữa thì mới xứng với phận nam nhi, xứng với Tổ quốc. Từ những biểu hiện trên ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Phạm Ngũ Lão trước hết là ở ý chí nỗ lực muốn theo gương người xưa lập công danh cho xứng tầm, thứ hai ấy là lý tưởng, chí lớn mong muốn lập được công dnah sánh ngang với nhân vật lịch sử lỗi lạc. Có thể nói rằng nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn của một nhà nho có nhân cách lớn, cũng là nỗi thẹn của một người dân yêu nước khi mà cái họa xâm lăng vẫn đang treo lơ lửng trước mắt.
Thuật hoài đã khắc họa vẻ đẹp của người anh hùng vệ quốc hiên ngang, đồng thời cũng cho thấy sự lẫm liệt, lý tưởng và nhân cách lớn lao của con người thời Trần, từ đó khái quát hóa, ca ngợi hào khí của những con người đương thời – vẻ đẹp của hào khí Đông A. Về nghệ thuật, bài thơ có tính hàm súc, cô đọng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, đồng thời bài thơ còn mang tính sử thi với những hình tượng thơ kì vĩ lớn lao đã nâng tầm vóc người anh hùng sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ rộng lớn.
2. Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần, mẫu số 2:
Phạm Ngũ Lão là một danh tướng đời Trần. Tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân song chí lớn tài cao nên ông nhanh chóng trở thành tùy tướng số một bên cạnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược, Phạm Ngũ Lão cùng những tên tuổi lớn khác của triều đình đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng tạo nên hào khí Đông A của thời đại đó:
Ông sáng tác không nhiều nhưng Thuật hoài là một bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi vì nó bày tỏ khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời: làm trai phải trả cho xong món nợ công danh, có nghĩa là phải thực hiện đến cùng lí tưởng trung quân, ái quốc.
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thuTam quân tì hổ khí thôn ngưuNam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ hầuDịch thơ tiếng Việt:Múa giáo non sông trải mấy thuBa quân khí mạnh nuốt trôi trâuCông danh nam tử còn vương nợLuống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Bài thơ được sáng tác trong bối cảnh đặc biệt có một không hai của lịch sử nước nhà. Triều đại nhà Trần (1226 – 14001) là một triều đại lẫy lừng với bao nhiêu chiến công vinh quang, mấy lần quét sạch quân xâm lược Mông – Nguyên hung tàn ra khỏi bờ cõi, giữ vững sơn hà xã tắc, nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc Việt. Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên trong thời đại ấy nên ông sớm thấm nhuần lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và nhất là lí tưởng sống của đạo Nho là trung quân, ái quốc. Ông ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm công dân trước vận mệnh của đất nước: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.
Bài văn Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần
Bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) được làm bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, hình tượng kì vĩ, âm điệu hào hùng, sảng khoái. Hai câu thơ đầu khắc họa vẻ đẹp gân guốc, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi – chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước, qua đó thể hiện hào khí Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần thời ấy.
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu (Dịch nghĩa: cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu); dịch thơ: Múa giáo non sông trải mấy thu. So với nguyên văn chữ Hán thì câu thơ dịch chưa lột tả được hết chất oai phong, kiêu hùng trong tư thế của người lính đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hoành sóc là cầm ngang ngọn giáo, luôn ở tư thế tấn công dũng mãnh, áp đảo quân thù. Tư thế của những người chính nghĩa lồng lộng in hình trong không gian rộng lớn là giang sơn đất nước trong suốt, một thời gian dài (giang sơn kháp kỉ thu). Có thể nói đây là hình tượng chủ đạo, tượng trưng cho dân tộc Việt quật cường, không một kẻ thù nào khuất phục được. Từ hình tượng ấy, ánh hào quang của chủ nghĩa yêu nước ngời tỏa sáng. Câu thơ thứ hai: Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu. (Dịch nghĩa: khí thế của ba quân mạnh như hổ báo, át cả sao Ngưu trên trời). Dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu, đặc tả khí thế chiến đấu và chiến thắng không gì ngăn cản nổi của quân dân ta. Tam quân tì hổ là một ẩn dụ so sánh nghệ thuật nêu bật sức mạnh vô địch của quân ta. Khí thôn Ngưu là cách nói thậm xưng để tạo nên một hình tượng thơ kì vĩ mang tầm vũ trụ. Hai câu tứ tuyệt chỉ mười bốn chữ ngắn gọn, cô đúc nhưng đã tạc vào thời gian một bức tượng đài tuyệt đẹp về người lính quả cảm trong đạo quân Sát Thát nổi tiếng đời Trần.
Là một thành viên của đạo quân anh hùng ấy, Phạm Ngũ Lão từ một chiến binh dày dạn đã trở thành một danh tướng khi tuổi còn rất trẻ. Trong con người ông luôn sôi sục khát vọng công danh của đấng nam nhi thời loạn. Mặt tích cực của khát vọng công danh áy chính là ý muốn được chiến đấu, cống hiến đời mình cho vua, cho nước. Như bao kẻ sĩ cùng thời, Phạm Ngũ Lão tôn thờ lí tưởng trung quân, ái quốc và quan niệm: Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông (Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ). Bởi thế cho nên khi chưa trả hết nợ công danh thì tự lấy làm hổ thẹn:
“Nam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ hầu(Công danh nam tử còn vương nợLuống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Vũ Hầu tức Khổng Minh, một quân sư tài ba của Lưu Bị thời Tam Quốc. Nhờ mưu trí cao, Khổng Minh đã lập được công lớn, nhiều phen làm cho đôi phương khốn đốn; vì thế ông rất được Lưu Bị tin yêu. Lấy gương sáng trong lịch sử cổ kim soi mình vào đó mà so sánh, phấn đấu vươn lên cho bằng người, đó là lòng tự ái, lòng tự trọng đáng quý cần phải có ở một đấng nam nhi. Là một tùy tướng thân cận của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão luôn sát cánh bên cạnh chủ tướng, chấp nhận xông pha nơi làn tên mũi đạn, làm gương cho ba quân tướng sĩ, dồn hết tài năng, tâm huyết để tìm ra cách đánh thần kì nhất nhằm quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão rất cụ thể và thiết thực; một ngày còn bóng quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn xã tắc vẫn còn vương, chưa trả hết. Mà như vậy là phận sự với vua, với nước chưa tròn, khát vọng công danh chưa thỏa. Cách nghĩ, cách sống của Phạm Ngũ Lão rất tích cực, tiến bộ. ông muốn sống xứng đáng với thời đại anh hùng. Hai câu thơ sau âm hưởng khác hẳn hai câu thơ trước. Cảm xúc hào sảng ban đầu dần chuyển sang trữ tình, sâu lắng, như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng trở nên thâm trầm, da diết.
Phạm Ngũ Lão là một võ tướng tài ba nhưng lại có một trái tim nhạy cảm của một thi nhân. Thuật hoài là bài thơ trữ tình bày tỏ được hùng tâm tráng trí và hoài bão lớn lao của tuổi trẻ đương thời. Bài thơ có tác dụng giáo dục rất sâu sắc về nhân sinh quan và lối sống tích cực đối với thanh niên mọi thời đại Thuật hoài đã làm vinh danh vị tướng trẻ văn võ song toàn Phạm Ngũ Lão.
-HẾT-
Bên cạnh Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần các em cần tìm hiểu thêm những bài văn mẫu cùng chủ đề khác như: Hình ảnh trang nam nhi thời trần trong bài Thuật hoài (Tỏ lòng) Phạm Ngũ Lão, Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng, Cảm nhận về hào khí Đông A thời Trần qua bài Tỏ lòng, Phân tích bài Tỏ lòng để làm sáng tỏ nhận định: Tỏ lòng khắc hoạ vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng…
3. Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần, mẫu số 3:
Thuật hoài là một tác phẩm nổi tiếng của danh tướng đời Trần Phạm Ngũ Lão. Dù được xếp vào loại thơ trữ tình, nhưng từng câu từng chữ lại toát lên cái hào khí Đông A ngút trời của thời đại đó.
Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là một người văn võ song toàn, sống thời thời Trần, là vị danh tướng trăm trận trăm thắng. Ông được biết đến sau những chiến công hiển hách chống lại giặc xâm lược Mông – Nguyên. Phạm Ngũ Lão sáng tác không nhiều, hiện nay tác phẩm còn lại của ông chỉ có hai bài thơ chữ Hán, trong đó có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Thuật hoài” (dịch ra là Tỏ lòng). Thuật hoài được sáng tác trong một bối cảnh đặc biệt, bối cảnh an nguy của nước nhà đang bị đe dọa bởi quân Mông – Nguyên hung tàn, bối cảnh mọi tầng lớp của dân tộc nhất trí đồng lòng chống lại ách xâm lược, giữ vững non sống gấm vóc cha ông để lại.
Bài thơ được chia làm hai phần rất rõ ràng. Hai câu mở đầu thể hiện hình tượng của quân đội và con người thời Trần, hai câu sau chính là lời bày tỏ nỗi lòng của tác giả. Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ nên hình ảnh tráng lệ của con người và quân đội thời Trần, qua âm hưởng sảng khoái, hào hùng:
Hoành sóc giang san kháp kỉ thuTam quân tì hổ khí thôn ngưu
Qua hai câu thơ này, hình ảnh đấng nam nhi lẫm liệt oai phong đang xả thân vì nước như hiện lên rõ ràng trước mắt. Cũng từ đó, ta cảm nhận được một hào khí Đông A ngút trời của một thời đại anh hùng trong lịch sử. Trong đó, câu thơ “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” thể hiện hình ảnh người lính cầm ngang ngọn giáo, luôn trong một tư thế hiên ngang, sẵn sàng tấn công, áp đạo quân thù xâm lược một cách dũng mãnh để bảo vệ giang sơn rộng lớn suốt thời gian dài. Có thể nói, đây cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho dân tộc Việt mạnh mẽ, quật cường, không bao giờ chịu khuất phục, là ánh hào quang tỏa sáng ngời ngời của chủ nghĩa yêu nước, yêu chính nghĩa. Câu thơ thứ hai “Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu” (dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu), dịch nghĩa là khí thế của ba quân mạnh như hổ báo, át cả sao Ngưu trên trời, còn có cách dịch khác là “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Cho dù hiểu theo cách nào thì người đọc cũng đều cảm nhận được sức mạnh vô cùng to lớn, không đối thủ nào có thể địch nổi của quân dân ta. Chỉ với hai câu thơ, mười bốn chữ, nhưng Phạm Ngũ Lão đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về người lính quả cảm, dũng mãnh, oai hùng trong đạo quân Sát Thát nổi tiếng đời Trần. Đồng thời nó cũng thể hiện chí khí, khát vọng sục sôi của đấng nam nhi thời loạn. Phạm Ngũ Lão cũng như bao chí sĩ thời đó, đều nguyệnhiến dâng thân mình cho lý tưởng ái quốc, trung quân, khát vọng công danh và trong trách bảo về non sông, gấm vóc như hòa làm một.
Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần ngắn nhất
Bởi thế cho nên bậc nam nhi như ông mới cảm thấy hổ thẹn khi chưa thể hoàn thành nghiệp công danh. Nỗi lòng ấy được tác giả thể hiện qua hai câu thơ cuối:
“Nam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
Hai câu thơ này có thể hiểu là nam tử chưa hoàn thành chuyện công danh, khi nghe chuyện Vũ Hầu liền lấy làm hổ thẹn. Vũ Hầu ở đây chính là Khổng Minh, nhà quân sư lỗi lạc của Lưu Bị nói riêng và của thời Tam Quốc, cũng như toàn lịch sử nhân loại nói chung. Điều Phạm Ngũ Lão muốn bày tỏ chính là đấng nam nhi phải biết lấy gương sáng của người xưa mà so sánh, để phấn đấu cho xứng với tiền nhân. Niềm khát vọng công danh của tác giả, thực chất là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ, công sức, tài năng cho Vua, cho giang sơn xã tắc, để có thể ngẩng cao đầu sống giữa thời đại anh hùng. Nếu như hai câu mở đầu bài thơ là âm hưởng hào sảng, chí khí ngút trời, thì hai câu sau, tác giả đã chuyển sang cảm xúc trữ tính, như lột tả nỗi lòng mình bằng giọng điệu thâm trầm, da diết, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, hùng hồn.
Bài thơ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho một võ tướng tài ba “bách chiến bách thắng” lại sở hữu một trái tim nhạy cảm của thi nhân. Thuật hoài chính là tác phẩm xuất sắc, thể hiện nỗi lòng của tác giả, cũng là nỗi lòng chung của tuổi trẻ hùng tráng và lột tả hào khí đời Trần.
4. Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão để làm sáng tỏ hào khí đời Trần, mẫu số 4:
Phạm Ngũ Lão là một trong những danh tướng nước ta thời nhà Trần. Ông không viết thơ nhiều nhưng tác phẩm của ông đều để lại những dấu ấn riêng. Bài thơ “Thuật hoài” hay còn gọi là “tỏ lòng” là một tác phẩm nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão thể hiện tình yêu nước nồng nàn cùng niệm tự hào và khát vọng cống hiến khi tổ quốc bị xâm lăng.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thuTam quân kỳ hổ khí thôn ngưuNam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Bài thơ tỏ lòng được sáng tác bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, tuy ngắn gọn với bốn câu thơ nhưng lại mang nhiều hàm ý sâu sắc. Mở đầu bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã tái hiện hình ảnh quân đội nhà Trần manh mẽ, oai phong thời ấy trên con đường đánh đuổi giặc ngoại xâm:
“Hoàng sóc giang sơn kháp kỉ thuTam quân kỳ hổ khí thôn ngưu”(Múa giáo non sông trải mấy thuBa quân khí mạng nuốt trôi trâu)
Hình ảnh người tráng sĩ thời Trần hiện lên trong câu thơ thật oai phong, lẫm liệt qua hình ảnh cây “giáo”. Tư thế của người tráng sĩ hiên ngang ấy được đặt trong không gian rộng lớn của “giang sơn” và thời gian dài “kháp kỉ thu”. Câu thơ thể hiện sức mạnh khỏe khoắn, tư thế hiên ngang sẵn sàng chiến đấu của người tráng sĩ xưa. Người tráng sĩ ấy đứng giữa non sông đất nước hùng vĩ, luôn vững vàng bảo vệ tổ quốc đã mấy thu rồi. Hình ảnh con người hiện lên thật đẹp đẽ, oai phong như vẽ lên một bức tượng đài bất tận về tráng sĩ oai hùng thời Trần.
Không chỉ hình ảnh một tráng sĩ hiện lên oai hùng, mà cả “tam quân” thời Trần được khắc họa thật mạnh mẽ phi thường. Hình ảnh ẩn dụ, phóng đại “hổ khí thôn ngưu” là một hình ảnh đẹp, mang tầm vóc lớn. “Hổ khí thôn ngưu” mang ý nghĩa như hổ báo “nuốt trôi trâu” có ý nghĩa lớn trong việc tái hiện khí thế hào hùng của đội quân nhà Trần. Hiện lên trong tâm trí người đọc là ba đội quân hùng hậu, đông đảo với sức mạnh to lớn đang ra quân ào ào và khát vọng chiến đấu hết mình cho giang sơn đất nước. Khí thế hào hùng này là khí thế của một thời hào khí Đông A , gợi cho ta nhớ đến những câu oai hùng trong bài Hịch tướng sĩ thời Trần “Ta thường tới bữa quên ăn , nữa đêm vỗ gối , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”.
Phân tích bài thơ Thuật hoài để thấy được hào khí thời Trần có dàn ý
Với hào khí của một thời chiến đấu oai hùng, bảo vệ từng mảnh đất cho giang sơn đất nước, Phạm Ngũ Lão tiếp tục nói lên những suy nghĩ của bản thân về trí làm trai thời ấy:
“Nam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”(Công danh nam tử còn vương nợLuống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
Phạm Ngũ Lão đã nhắc đến món nợ công danh “công danh trái”. Đối với những người nam nhi sống trong thời đại xưa, con đường công danh vô cùng quan trọng. “Nợ công danh” ở đây không phải là công danh tầm thường, ích kỷ cho riêng bản thân mình. Mà nó chính là món nợ lớn với đất nước, là ý trí và tài năng của một người nam tử hán đại trượng phu, đầu đội trời chân đạp đất, dám hi sinh vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Qua câu thơ, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện nỗi lòng, khát khao của bản thân muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho giang sơn, đất nước để trả món nợ công danh của trí làm trai. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng từng có nhiều vần thơ hay khi nói về “phận sự làm trai” :
“Vũ trụ chức phận nộiĐấng trượng phu một túi kinh luân.Thượng vị đức, hạ vị dân,Sắp hai chữ “quân, thân” mà gánh vác”
Phạm Ngũ Lão đã là một danh tướng, có công lớn với đất nước với thời nhà Trần. Vậy mà ông vẫn luôn cảm thấy hổ thẹn khi nghe “thuyết Vũ Hầu”. Ông đã khéo léo khi nhắc đến một người dung trí đa mưa là Gia Cát Lượng trong thời Tam Quốc để thể hiện nỗi thẹn của mình. Ông thẹn bởi chưa đủ tài cao, mưu trí như Gia Cát Lượng. Nhưng cái “thẹn” ấy lại càng làm toát lên nhân cách cao đẹp trong con người Phạm Ngũ Lão. Câu thơ thể hiện một khát khao cháy bỏng của bị tướng có tài, muốn cống hiến hết mình trong sự nghiệp chung của đất nước. Đó là trí khí anh hùng của một vị tướng vừa có tâm, vừa có tầm đáng kính trọng.
Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, lời thơ đanh thép, hào hùng, hình ảnh thơ độ đáo, nhịp thơ khi nhanh mạnh rứt khoát, lúc lại chậm rãi như những dòng suy tư. Bài thơ đã gợi lên một thời hào hùng của cả dân tộc thời đại nhà Trần cùng ý trí sục sôi chiến đấu của người tráng sĩ và mong muốn cống hiến hết mình cho đất nước của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Bài thơ cùng thời đại này có cách xa chúng ta hàng bao nhiêu thế kỷ nhưng vẫn để lại những âm vang lớn trong trái tim triệu triệu người đọc.
-HẾT-
Sau khi học xong Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão, để học tốt, các em có thể chuẩn bị trước nội dung bài học sắp tới qua việc tham khảo Soạn bài Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 10 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm. Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để học tốt môn Ngữ Văn 10 hơn.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-thuat-hoai-cua-pham-ngu-lao-de-lam-sang-to-hao-khi-doi-tran-40323n.aspx