Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng chưa đúng như nguyện vọng, các em vẫn còn cơ hội khi nhiều trường đại học đã phát thông báo xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng, xác định rõ hướng đi phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình.
Tận dụng “cơ hội vàng” hay rẽ hướng mới?
Hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với số điểm 25,75 (tổ hợp A00), em Trương Mỹ Duyên – thí sinh tại Vĩnh Phúc nuôi hy vọng theo học ngành Quản trị Kinh doanh. Nữ sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Thương mại, nguyện vọng 2 vào Học viện Tài chính và nguyện vọng 3 vào Học viện Ngân hàng. Không như mong đợi, Mỹ Duyên trượt tất cả nguyện vọng.
Dù nỗ lực đạt trên 8 điểm/môn nhưng nữ sinh vẫn không thể chạm tới ước mơ của mình. Điều này đã gây ra cú sốc tâm lý, khiến em nghi ngờ về năng lực của bản thân và mất niềm tin về tương lai. Sau thời gian dài đấu tranh tư tưởng, Mỹ Duyên đã vạch ra hướng đi mới – em dự định đi xuất khẩu lao động, dành dụm một số vốn để sau này kinh doanh.
Tuy nhiên, dự định đó lại bị lung lay khi em đọc được thông báo xét tuyển bổ sung ngành Quản trị Kinh doanh của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
“Với mức điểm nhận hồ sơ là 24, em nghĩ mình có cơ hội trúng tuyển. Nhưng em vẫn băn khoăn vì không biết đâu mới là sự lựa chọn phù hợp. Liệu với năng lực hiện tại, em có nên tiếp tục theo đuổi ngành học mình yêu thích hay mạnh mẽ rẽ một hướng đi mới?” – Mỹ Duyên phân vân.
Trải lòng về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Lê Trà My – thí sinh tại Thanh Hóa cho biết, em đã rất nỗ lực với ước mơ trở thành giáo viên dạy Lịch sử. Tuy nhiên, với số điểm 25,25 (khối C00) em đã trượt hết tất cả nguyện vọng.
“Sau cú sốc trượt đại học, em đã có ý định gác lại ước mơ của mình để theo học một ngôi trường khác, một ngành học khác mà ngay cả bản thân em chưa tìm hiểu kỹ, đơn giản vì đang được xét tuyển bổ sung. Nhưng em lại tiếc cho sự nỗ lực và cố gắng của mình, em cũng muốn thi lại để đạt được ước mơ làm giáo viên.
Nhiều ngày nay, em luẩn quẩn trong những dòng suy nghĩ mơ hồ. Em nên bất chấp học để được mang danh là đỗ đại học hay cố gắng chậm lại một năm so với bạn bè cùng trang lứa để được học đúng ngành, đúng đam mê. Liệu em nên chậm một năm để cố gắng làm lại hay “cố đấm ăn xôi”?” – Trà My bộc bạch.
Cần xác định năng lực và điều kiện kinh tế gia đình
Hiểu rõ tâm lý của thí sinh, cô Nguyễn Thị Nga – giáo viên Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết – thực tế cho thấy sau khi học hết THPT, nhiều học sinh vẫn chưa định hình được sở trường và ước mơ của bản thân. Nhiều trường hợp khi vào đại học mới biết mình thích gì, muốn học nghề gì. Nhưng nhiều em vì sợ mà “cố đấm ăn xôi”, cố học cho xong, đặt áp lực lên chính mình. Sau khi ra trường làm trái ngành, thậm chí bỏ ngang gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
Trước thực trạng trên, cô Nga khuyên học sinh dành thời gian tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp, không nên ép mình. Đặc biệt cần xác định năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn hướng đi phù hợp nhất, tránh lãng phí về mọi mặt.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn ngành, trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung. Theo đó, thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu, nghe tư vấn hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.
Dành lời khuyên cho thí sinh, ThS Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Hòa Bình – cho hay, nhiều trường đưa ra các tiêu chí phụ hoặc nguyên tắc xét tuyển riêng khi tuyển sinh bổ sung. Vì vậy, thí sinh nên đọc kỹ thông báo của cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển bổ sung.
“Đợt xét tuyển bổ sung sẽ sôi động, nên nếu quyết tâm vào đại học, thí sinh cần có lựa chọn đúng và trúng, tránh bị trượt oan do lỗi chủ quan” – ThS Dương Văn Bá lưu ý.
https://laodong.vn/tuyen-sinh/hon-80-truong-dh-xet-tuyen-bo-sung-thi-sinh-phan-van-chon-lua-co-hoi-moi-1097491.ldo
TRANG HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)