Nếu có thể bắt đầu lại cuộc sống, bạn sẽ chọn làm gì? Một ngôi sao nhạc rock, một siêu mẫu có thân hình bốc lửa, một minh tinh màn bạc, một dân chơi bạt mạng tiêu tiền như nước hay nhà tỉ phú giàu nứt đố đổ vách…? Chẳng có gì là không được trong Second Life. Bạn có thể xây dựng các tòa nhà, đi đến quán bar hay club, vào sàn nhảy, gặp gỡ nhiều người ở các quốc gia khác nhau và học vô số điều từ họ. Một số người muốn nhờ Second Life để lấp đầy những thiếu sót trong cuộc đời thật của họ, hay chỉ đơn giản là thực hiện được giấc mơ của mình.
Vinya Cameron từng là họa sĩ, nhưng giờ đây cô kiếm được nhiều tiền hơn khi trở thành Vindi Vindaloo, nhà thiết kế thời trang dành cho người nổi tiếng trong Second Life. Cô cho biết: “Đối với tôi, đây là cách giải trí vào ban đêm. Thay vì đi đến các quán bar ngột ngạt, đắt tiền hay ngồi ủ rũ trước màn hình tivi, tôi đăng nhập nhân vật của mình và thiết kế, kinh doanh”. Người hàng xóm của Vindi, dân châu u, lại hóa thân thành người Ấn Độ, mặc saree “đơn giản vì tôi thích thế”. Có một câu chuyện khá cảm động về một cư dân của Second Life. Người này không còn có khả năng đi đứng sau vụ tai nạn xe hơi. Khi được giới thiệu trò chơi trên, lần đầu tiên sau nhiều năm anh lấy lại cảm giác sử dụng đôi chân của mình, mặc dù chỉ trong thế giới ảo, và quen được nhiều bạn. Điều đó đã xóa tan mặc cảm cũng như sự trầm uất chất chứa bao năm trong tâm hồn chàng thanh niên. Anh trở nên hoạt bát và tự tin hơn trong đời thật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với trò chơi này. Gilles Klein đã bỏ chơi vì nhận ra rằng nếu không có tiền ngoài đời thực thì bạn cũng chẳng là “cái đinh” gì trong Second Life. Anh nhận xét: “Người chơi mua đất đai, xe cộ đời mới, đến những salon làm tóc sang trọng để được nổi tiếng trong thế giới ảo. Điều cơ bản của trò này là bạn cứ tiêu tiền xả láng và những người chơi khác sẽ bàn tán về bạn”.
Ảnh hưởng của game online đến đời sống thật là điều không thể nào bàn cãi đối với các game thủ của trò Second Life. Ngày càng có nhiều người phát hiện họ có thể kiếm ra tiền hoặc cơ hội kinh doanh qua thế giới ảo này, từ giới doanh nhân, công ty, ca sĩ, báo chí đến chính giới. Tập đoàn IBM cuối tuần qua cho biết sẽ hợp tác với hãng bán lẻ qua mạng Circuit City Stores mở một cửa hàng trong game online Second Life. Cửa hàng sẽ bán các bản sao sản phẩm đang bày bán trên trang web Circuit City. Người chơi có thể điều khiển nhân vật của mình đến tham quan, dùng thử các mặt hàng tại đây. Nếu vừa ý, họ có thể đặt mua món hàng thật và hãng sẽ chuyển sản phẩm đến tận nhà game thủ. 2 công ty trên cũng đang xây dựng dịch vụ khách hàng ảo trong Second Life, cũng như tạo nơi để khách hàng phát huy tối đa khả năng sáng tạo khi thiết kế phòng khách cho ngôi nhà của họ. Tất nhiên, IBM và Circuit City sẵn sàng đưa ra đủ loại mẫu tivi, hệ thống loa, các thiết bị điện tử để khách hàng tùy ý sử dụng trong mô hình phòng khách ảo. Second Life cũng chứng kiến tỷ lệ ngày càng gia tăng số lượng doanh nhân – game thủ đang mở cửa hiệu mới trong game, trong số đó có hãng quần áo nổi tiếng America Apparel.
Không những là cơ hội thúc đẩy kinh doanh trong cuộc sống thật của các doanh nhân, Second Life hoàn toàn có thể là mảnh đất màu mỡ cho các nhà vận động chính trị. Hồi tuần rồi, các cư dân Second Life phát hiện một avatar được tạo hình y chang ứng cử viên Tổng thống Pháp Segolene Royal. Mặc dù đảng của chính khách khả ái này bác bỏ sự liên can đến nhân vật trên, nhưng chắc hẳn các nhà vận động chính trị sẽ để ý đến cư dân của thế giới ảo trong các cuộc vận động tương lai. Vào tháng 8 năm nay, Suzanne Vega đã trở thành ca sĩ nổi tiếng đầu tiên tổ chức trình diễn trên Second Life cho các khán giả ảo mà thật của mình. Cổng giải trí lớn nhất châu u Bild.T-Online rầm rộ thông báo kế hoạch tung ra tờ báo mạng tiếng Anh dành riêng cho cư dân Second Life, tên là The AvaStar. Trước đó, BBC đã thuê hẳn một hòn đảo trong game. Không muốn thua kém, hãng tin Reuters đã nhanh chân gia nhập Second Life trước đó, kênh truyền hình cáp Sundance cũng tuyên bố sẽ tạo chương trình chiếu phim trong game, bắt đầu phát sóng vào tháng 1.2007.
Mỗi ngày có khoảng 500.000 USD (đã được quy đổi từ đồng Linden, đơn vị tiền tệ trong game) giao dịch trong thế giới ảo Second Life. Ailin Graef cũng đã trở thành triệu phú USD đầu tiên trong cộng đồng Second Life sau 2 năm trời buôn bán bất động sản ảo. Tại Anh, Mỹ, thu nhập kiếm được từ trò Second Life chỉ bị đánh thuế nếu chuyển đổi từ đồng Linden sang đồng tiền thực như USD hay bảng Anh. Hiện chính quyền Úc, Mỹ và Anh đang nghiên cứu khả năng đánh thuế vào thu nhập của các game thủ có được trong các nền kinh tế ảo như Second Life, World of Warcraft. (The Times, Reuters, AP)
Second Life là một game online 3D. Chỉ với một cái click chuột, người chơi có thể tạo ra một nhân vật ảo, hay còn gọi là avatar, và bắt đầu cuộc sống giống như trong thế giới thực. Họ đi làm, đi shopping, mua sắm nhà cửa và có hẳn đơn vị tiền tệ riêng, dưới dạng Liden dollars (tỷ giá hiện nay 270 Liden dollar = 1 USD). Phải mất hơn 3 năm, Second Life mới đạt được con số 1 triệu tài khoản đăng ký. Tuy nhiên, chỉ 8 tuần sau đó, con số này đã vượt quá 2 triệu tài khoản. Tất nhiên số tài khoản không tương ứng với số người chơi. Nhà sản xuất Linden Lab đưa ra con số thống kê vào thứ năm tuần rồi là 809.960 người. Ngày càng có nhiều công ty, cá nhân phát hiện thế giới ảo đầy màu sắc này là nơi thích hợp để thử nghiệm các khuynh hướng kinh doanh mới. Thị trường Second Life không ngừng tăng trưởng, với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 15%/tháng và tỷ lệ thành viên tăng hơn 20%/tháng.
Thụy Miên