Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya (Chuẩn)
1. Mở bài
– Dẫn dắt và giới thiệu về bài thơ, giới thiệu tác giả “Hồ Chí Minh”, nội dung bài thơ “Cảnh khuya”.
2. Thân bài
a. Vẻ đẹp thiên nhiên được tái hiện trong hai câu thơ đầu- “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”+ Đêm khuya thanh tĩnh, tiếng suối róc rách chảy, len lỏi trong từng hơi thở của núi rừng.+ Hình ảnh so sánh tiếng suối với tiếng hát khiến bức tranh đêm rừng thêm gần gũi, sống động.+ Đánh dấu sự cách tân mới mẻ trong thơ của Bác
– “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”+ Ánh trăng phủ khắp không gian, luồn lách trên từng nhánh cây, ngọn cỏ.+ Từ “lồng” được nhắc đi nhắc lại 2 lần trong câu thơ, nhấn mạnh vẻ đẹp của vầng trăng.+ Khung cảnh thiên nhiên có màu sắc, âm thanh và hình khối, tạo nên bức tranh núi rừng Việt Bắc tuyệt đẹp.→ Tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết đã giúp người chiến sĩ Cách mạng cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh vật vào thời điểm khốc liệt của cuộc chiến
b. Hình ảnh con người được khắc họa qua 2 câu thơ sau– “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”+ Cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, làm rung động tâm hồn nhạy cảm của Người, khiến người xao xuyến không thể chợp mắt.
– “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”+ Đó là lí do thực sự khiến Người thao thức.+ Người chưa ngủ vì lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, lo cho độc lập tự do dân tộc, hạnh phúc ấm no của nhân dân.+ Dù say lòng trước cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Bác vẫn không quên hướng về nhân dân, hướng về Tổ Quốc.+ Cảnh thiên nhiên đẹp đẽ không làm Người tạm quên đi nỗi lo thời cuộc mà ngược lại càng khơi dậy quyết tâm cứu nước cứu dân.→ Tâm hồn thi sĩ hòa cùng tấm lòng người chiến sĩ, tạo nên nhân cách tuyệt đẹp mang tên Hồ Chí Minh.
c. Đánh giá giá trị nghệ thuật– Bác đã sử dụng thành công nhiều từ ngữ gợi tả, hình ảnh so sánh độc đáo.- Vận dụng sáng tạo thể thơ thất ngôn tứ- Kết hợp tính truyền thống và hiện đại, cảm hứng lãng mạn và hiện thực
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị của bài thơ và liên hệ
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya (Chuẩn)
Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Người không chỉ giúp nhân dân ta giành lại độc lập mà còn để lại cho nền văn học dân tộc rất nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu trong số đó là bài thơ “Cảnh khuya” được sáng tác năm 1947. Bài thơ đã miêu tả khung cảnh đêm khuya nơi chiến khu Việt Bắc, đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm và tình yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xaTrăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoaCảnh khuya như vẽ người chưa ngủChưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Mở đầu bài thơ, qua vài nét vẽ đơn sơ, Người đã tái hiện trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng tuyệt đẹp:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xaTrăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Đêm khuya thanh tĩnh, dường như mọi vật đều rơi vào lặng yên. Chỉ có tiếng suối róc rách chảy, len lỏi trong từng hơi thở của núi rừng. Tiếng suối ấy trong trẻo, du dương, ngân nga như tiếng hát ai đó từ xa vọng lại. Không gian vốn yên tĩnh nay càng yên tĩnh hơn. Song, hình ảnh so sánh âm thanh của thiên nhiên với âm thanh của con người lại khiến bức tranh đêm rừng thêm gần gũi, sống động. Hình ảnh ấy cũng phá bỏ bút pháp ước lệ tượng trưng trong văn học trung đại, đánh dấu sự cách tân mới mẻ trong thơ của Người.
Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp không chỉ có âm thanh mà còn có cả hình ảnh và màu sắc. Ánh trăng phủ khắp không gian, luồn lách trên từng nhánh cây, ngọn cỏ. Ánh trăng chiếu vào sương trên lá, long lanh lấp lánh. Bóng trăng quấn quýt với bóng cây, lồng vào từng khóm hoa rồi in mình lên mặt đất. Từ “lồng” được nhắc đi nhắc lại 2 lần trong câu thơ, nhấn mạnh vẻ đẹp của vầng trăng. Trăng dịu dàng ấp ôm, chở che vạn vật như người mẹ hiền.
Khung cảnh thiên nhiên có gần có xa. Màu sắc hòa cùng âm thanh và hình khối, tạo nên bức tranh núi rừng Việt Bắc tuyệt đẹp. Tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết đã giúp người chiến sĩ Cách mạng cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh vật vào thời điểm khốc liệt của cuộc chiến. Song, lại không làm vơi đi nỗi âu lo về thời cuộc.
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủChưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Nếu như hai câu thơ trước khắc họa hình ảnh thiên nhiên, gửi gắm tình yêu thiên nhiên, thể hiện tư thế ung dung, tự tại. Thì hai câu thơ sau lại khắc họa hình ảnh con người với những suy tư, tâm trạng. Đêm đã khuya rồi, vì sao Người còn chưa ngủ? Phải chăng do cảnh thiên nhiên kia quá đẹp? Đẹp như tranh vẽ, làm rung động tâm hồn nhạy cảm của Người, khiến người xao xuyến không thể chợp mắt. Hay còn lí do nào khó lòng giãi bày?
“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Đó là điều thực sự khiến Người thao thức. Vận mệnh đất nước còn đặt trên vai, dân tộc chưa được độc lập, nhân dân còn lầm than cơ cực, là người lãnh tụ, Người làm sao có thể ngủ ngon giấc? Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, Bác cũng luôn canh cánh trong lòng nỗi lo cho dân, cho nước. Dù say lòng trước cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Bác vẫn không quên hướng về nhân dân, hướng về Tổ Quốc. Bác lo lắng làm thế nào để giải phóng dân tộc, Bác băn khoăn làm thế nào nhân dân mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cảnh thiên nhiên đẹp đẽ không làm Người tạm quên đi nỗi lo thời cuộc mà ngược lại càng khơi dậy quyết tâm cứu nước cứu dân. Đất nước đẹp đẽ nhường này không thể để quân thù giày xéo. Tình yêu thiên nhiên hòa quyện cùng tình yêu đất nước tạo nên cảm hứng tuyệt vời trong toàn bộ bài thơ. Tâm hồn thi sĩ hòa cùng tấm lòng người chiến sĩ, tạo nên nhân cách tuyệt đẹp mang tên Hồ Chí Minh.
Có thể nói, chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn nhưng “Cảnh khuya” đã đem đến cho độc giả nhiều cảm nhận sâu sắc. Trong bài thơ, Bác đã sử dụng thành công nhiều từ ngữ gợi tả, hình ảnh so sánh độc đáo. Đặc biệt, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt được vận dụng sáng tạo và những hình ảnh thơ vừa mang màu sắc cổ điển vừa bình dị, gần gũi. Tính truyền thống và hiện đại, cảm hứng lãng mạn và hiện thực được kết hợp hài hòa. Từ đó thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu nước sâu nặng và tinh thần trách nhiệm cao cả của Bác. Đồng thời đưa “Cảnh khuya” trở thành tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, “Cảnh khuya” xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu cho văn học giai đoạn kháng chiến. Để rồi bao năm tháng đã trôi đi, bài thơ vẫn âm vang mãi trong lòng bao thế hệ độc giả, nhắc nhở chúng ta về tâm hồn của vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh.
——————HẾT——————-
Cảnh khuya là thi phẩm xuất sắc của Hồ Chí Minh viết trong những ngày hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc. Nhằm giúp các em củng cố, mở rộng vốn hiểu biết về tác phẩm, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya, chúng tôi còn giới thiệu đến các em bài soạn nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như: Soạn bài Cảnh khuya, Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya, Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh khuya.
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo Dục