Từ tên hề Pennywise rùng rợn trong It, vấn đề phân biệt màu da trong Get Out, hay câu chuyện về kẻ tâm thần sở hữu 23 nhân cách trong Split; điện ảnh Hollywood trong năm nay đã “chào sân” nhiều chiêu hù dọa độc đáo khiến người xem sợ chết khiếp.
1. Annabelle: Creation
Là loạt phim thứ tư trong “Vũ trụ Điện ảnh” The Conjuring, cộng thêm việc được đạo diễn David Sandberg – cha đẻ của Light Out cầm trịch, Annabelle: Creation nghiễm nhiên đứng đầu danh sách các tựa phim kinh dị được đón chờ nhất trong năm.
Phần tiền truyện xoay quanh nguồn gốc ra đời của búp bê ma ám Annabelle. Tác phẩm trung thành với cách kể chuyện tối giản, vẫn thành công trong việc duy trì nỗi sợ hãi gần như xuyên suốt phim. Nhưng có lẽ những chiêu trò hù dọa đi vào lối mòn cùng đường dây câu chuyện quá đơn giản đã góp phần làm giảm đi ít nhiều sự thỏa mãn của khán giả với bộ phim.
2. It
Việc chuyển thể một cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh rộng chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là một tác phẩm với khối lượng nội dung và ý nghĩa đồ sộ như It lại là một thử thách cực kì lớn với đạo diễn Andy Muschietti.
Nhưng mọi thứ có lẽ thành công ngoài mong đợi, đứa con cưng của “Ông hoàng truyện kinh dị” Stephen King trên màn ảnh rộng là một nỗi ám ảnh dai dẳng trải dài suốt hơn hai tiếng phim, nhấn chìm khán giả vào một nỗi sợ hãi khác lạ mà hiếm một bộ phim kinh dị nào làm được.
It kể vể cuộc hành trình tiêu diệt tên hề chuyên ăn thịt trẻ con của một nhóm bạn trẻ, chính câu chuyện tưởng như đơn giản ấy lại chứa đựng những vấn đề nhức nhối của xã hội như nạn bạo hành trẻ em, bạo lực học đường cùng xâm hại tình dục. Và thật may mắn cho It, bên cạnh những mảng miếng hù dọa thành công, bộ phim cũng làm tròn nhiệm vụ của mình khi truyền tải gần như trọn vẹn tinh thần của tác phẩm gốc.
3. Get Out
Được mệnh danh là “Spotlight phiên bản kinh dị”, Get Out cũng được vang danh như chính người anh em “cùng chủ đề khác thể loại” Spotlight từng làm mưa làm gió tại lễ trao giải Oscar, khi bộ phim đã được nêu tên trong hạng mục những tác phẩm kinh dị sáng tạo nhất trong năm.
Get Out kể về chuyến về ra mắt bạn gái của Chris (Daniel Kaluuya), tưởng chừng như đây là chuyến đi vô cùng hạnh phúc, nhưng những bí ẩn kinh hoàng về gia đình người bạn gái vẫn đang chờ anh phía trước.
Không ma quỷ hay những màn jump scare nhàm chán, “gà vàng của Blumhouse” lấy đề tài thôi miên làm nỗi sợ hãi xuyên suốt cho tác phẩm. Và có lẽ chính nhờ một đề tài mới lạ, khéo léo lồng ghép vào một vấn đề vô cùng thời sự là nạn phân biệt chủng tộc cùng lối kể chuyện thông minh, Get Out đã trở thành một dấu son của dòng phim kinh dị năm nay.
4. The Promise
Ra mắt vào thời điểm những tác phẩm kinh dị Thái Lan đang dần bị bão hòa vì sự dễ dãi trong câu chuyện cùng việc lạm dụng những hình ảnh ma quỷ và máu me, The Promise là một cú lội ngược dòng thật sự, góp phần đưa thể loại kinh dị của xứ sở chùa Vàng về đúng vị thế ban đầu của nó.
The Promise kể về hai người bạn thân Boum và Ib đang bị cuốn vào sự suy thoái của Thái Lan lúc bấy giờ, khiến cho gia đình cả hai đều suy sụp và trắng tay. Không thể chịu đựng, hai người đã cùng rủ nhau đến một công trình để tự sát, nhưng sự hèn nhát đã khiến Boum bỏ mặc bạn mình một mình chết đi. Nhiều năm sau, trở lại chính công trình ấy vì lý do công việc, Boum đã phải trả giá cho sự bội ước của mình năm xưa.
Được đạo diễn bởi bậc thầy kinh dị Sophon Sakdaphisit – người đã từng làm nên nỗi ám ảnh Shutter, The Promise mang đậm dấu ấn của vị đạo diễn qua việc tận dụng tối đa yếu tố tâm linh một cách xuất sắc. Không ma quỷ, không máu me, cũng chẳng hù dọa một cách vô tội vạ, The Promise gây sợ bằng chính sự tưởng tượng của người xem.
5. Split
Trước khi Get Out ra mắt, Split được xem như hiện tượng của dòng phim kinh dị năm nay khi đã dẫn đầu doanh thu phòng vé sau tuần đầu công chiếu với 40,2 triệu USD và tiếp tục duy trì vị trí này đến nhiều tuần liền.
Nghiêng về yếu tố tâm lý học, Split kể về một người đàn ông sở hữu 23 nhân cách đã bắt cóc ba thiếu nữ, từ đó nổ ra cuộc chiến kinh hoàng giữa những nạn nhân cùng các nhân cách bên trong nhân vật này.
Bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn M. Night Shyamalan sau hàng loạt tác phẩm gây thất vọng. Cùng với một hình tượng nhân vật vô cùng “kinh hoàng” với hàng loạt nhân cách khác nhau do James McAvoy thể hiện thật sự là một bữa tiệc kinh dị, với những món ăn lạ miệng mà có lẽ nhiều khán giả lần đầu mới được thưởng thức.
6. Gerald’s Games
Năm 2017 có lẽ là năm của Stephen King, khi cả hai tác phẩm được đánh giá là khó có thể chuyển thể thành phim của ông đều được mang lên màn ảnh. Trong đó Gerald’s Games là một thách thức to lớn với nhà làm phim khi phải truyền tải trọn vẹn nỗi ám ảnh và sợ hãi trong từng câu chữ của tác phẩm văn học thành hình ảnh.
Bộ phim kể về chuyến du lịch lãng mạn của đôi vợ chồng Jessie (Carla Gugino) và Gerald (Bruce Greenwood) tại một vùng nông thôn hẻo lánh. Trong chuyến đi ấy, hai người đã lên những ý tưởng điên rồ về chuyện giường chiếu, nhưng không may, trong lúc Jessie đang bị còng tay trên giường thì Gerald đột ngột qua đời. Và từ đây nỗi kinh hoàng với cô mới thật sự bắt đầu.
Gói gọn trong một căn phòng nhỏ hẹp, nhưng chính nhờ diễn xuất tuyệt vời của Carla Gugino cùng cách xử lý không gian khéo léo của đạo diễn Mike Flanagan, kết hợp với các thủ pháp gây sợ sáng tạo đã khiến tác phẩm giữ được sự căng thẳng và ám ảnh xuyên suốt thời lượng của mình.
7. Happy Death Day
Một cô gái bị một tên sát nhân ra tay sát hại, đó có lẽ là một mô-típ quen thuộc trong các bộ phim kinh dị. Nhưng sẽ thế nào nếu cái chết ấy lặp đi lặp lại như một cái máy đã lập trình? Và đó cũng là tình huống đáng sợ mà Tree (Jessica Rothe) vướng vào, khiến cho nỗi đau đớn và sợ hãi của cô nhân lên gấp nhiều lần.
Kết hợp thành công yếu tố kinh dị và hài hước, Happy Death Day trở thành tác phẩm kinh dị gây sốt trong mùa Halloween năm nay. Lấy chủ đề chính là vòng lặp thời gian, bộ phim thành công trong việc đưa khán giả đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trong hành trình tìm ra tên sát nhân bí ẩn.
Yếu tố hài hước được đưa vào khéo léo mà không hề làm giảm mức độ căng thẳng của phim, mà ngược lại, chính nó còn là chất xúc tác khiến cuộc vạch trần lớp mặt nạ của tên giết người trở nên nghẹt thở hơn bao giờ hết.
8. Better Watch Out
Góp phần khiến cho mùa Halloween 2017 trở nên rùng rợn phải kể đến Better Watch Out của đạo diễn Chris Peckover, được mệnh danh là “phiên bản kinh dị của Ở Nhà Một Mình”. Bởi lẽ, tác phẩm có nhiều nét tương đồng với bộ phim huyền thoại Home Alone khi đặt các nhân vật là trẻ con trong hoàn cảnh phải ở nhà một mình, cùng với việc phải chống lại những xâm nhập bất hợp pháp.
Nhưng khác ở chỗ, những “món đồ chơi” trong Better Watch Out đẫm máu và kinh hoàng hơn nhiều. Tác phẩm đạt mức khá tốt của thể loại kinh dị trên trang đánh giá phim uy tín Rotten Tomatoes với 92% và được đánh giá cao bởi cốt truyện thông minh cùng cách kể chuyện độc đáo. Thêm nữa, Oliva DeJonge và Ed Oxenbould sau thành công trong vai diễn hai chị em của tác phẩm kinh dị The Visit, nay đã trở lại với màn trình diễn xuất sắc hơn xưa.
9. Raw
Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Pháp Julia Docournau đã gây sốc cho nhiều khán giả tại liên hoan phim Toronto năm ngoái, thậm chí có người còn ngất xỉu.
Bộ phim kể về một thiếu nữ 16 tuổi là Justine (Garance Marillier) được nuôi dạy trong một môi trường ăn chay khắt khe, cô đã được chuyển tới học tại trường thú. Từ đây những chuyện điên rồ mới thật sự bắt đầu khi cô cùng một người chị bị cuốn vào những trò chơi quái gỡ của lũ học sinh khóa trên.
Raw không phải một bộ phim kinh dị máu me đơn thuần, mặc dù sự bạo lực cực độ trong từng chi tiết với những màn ăn thịt người được quay cận cảnh cùng yếu tố tình dục nặng đô được thể hiện xuyên suốt phim, đây là một bộ phim mang đầy tính ẩn dụ, chứa đựng một thông điệp xã hội lớn lao ẩn dưới lớp vỏ khủng khiếp của nó. Và có lẽ đã lâu lắm rồi, nền điện ảnh kinh dị Hollywood mới có sự xuất hiện của một tác phẩm chiếu rạp gây sốc đến mức trần trụi như vậy được sự ủng hộ của giới phê bình.
10. Berlin Syndrome
Những nhân vật nữ đang ngày càng có vai quan trọng hơn trong các bộ phim kinh dị, nhưng vẫn còn quá ít các nữ đạo diễn thử sức với thể loai này.
Trong Berlin Syndrom, Teresa Palmer vào vai một nữ du khách Úc với một cuộc tình cùng một chàng trai Đức, tuy nhiên câu chuyện càng lúc càng nhuốm màu sắc tình dục và đen tối. Với Berlin Syndrome, những tâm lý của một phụ nữ sau khi bị lạm dụng đã được nữ đạo diễn Úc Cate Shortland thể hiện một cách đáng sợ qua một câu chuyện đầy sự ám ảnh. Chính cái nhìn lãnh cảm của bà về tình yêu và nỗi ám ảnh khủng khiếp về tình dục chính là một bước đột phá của thể loại kinh dị hồi hộp.