Contents
1. Vi phạm pháp luật là gì? 5 dấu hiệu của vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi và do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. Hậu quả của vi phạm pháp luật là xâm hại dến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Dưới đây là 05 dấu hiệu của vi phạm pháp luật để tránh nhầm lẫn với trách nhiệm pháp lý:
– Thứ nhất, vi phạm pháp luật phải là hành vi thực tế của cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào các quan hệ xã hội. Tức, phải căn cứ vào hành vi thực tế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xác định đó là hành vi thực hiện pháp luật hay vi phạm pháp luật.
– Thứ hai, vi phạm pháp luật phải là hành vi trái pháp luật ví dụ: Chủ thể vi phạm pháp luật thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm hoặc thực hiện các hành vi vượt quá thẩm quyền.
– Thứ ba, vi phạm pháp luật phải là hành vi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý, bởi lẽ hành vi có tính chất trái pháp luật nhưng của chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Trong đó, năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường.
– Thứ tư, vi phạm pháp luật là hành vi có lỗi của chủ thể, tức khi thực hiện hành vi trái luật, chủ thể có thể nhận thức được hành vi của mình cũng như hậu quả của hành vi đó gây ra và điều khiển được hành vi của mình.
Ngược lại, trường hợp chủ thể thực hiện một hành vi có tính chất trái pháp luật nhưng người này không nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội hoặc nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi nhưng không điều khiển được hành vi của mình thì không bị coi là có lỗi và không phải là vi phạm pháp luật.
– Thứ năm, vi phạm pháp luật là hành vi xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ như: Quan hệ tài sản, quan hệ hôn nhân – gia đình…
2. Có những loại vi phạm pháp luật nào?
Dưới góc độ khoa học pháp lý Việt Nam, việc phân loại vi phạm pháp luật dựa vào tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Theo đó, vi phạm pháp luật được chia thành các loại:
2.1 Vi phạm hình sự
Vi phạm pháp luật hình sự hay còn gọi là tội phạm, đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.
Hành vi vi phạm này xâm phạm đến:
– Độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc;
– Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội;
– Quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức;
– Tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân…
Ví dụ: H là công dân cư trú tại khu vực biên giới, lợi dụng việc này, H đã mua ma túy với một người đàn ông Lào và đem số ma túy về chia nhỏ bán cho các đối tượng nghiện trong xã. Sau đó, lực lượng chức năng đã bắt quả tang H và xử lý về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
2.2. Vi phạm hành chính
Vi phạm hành chính được hiểu là hành vi có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính. Hành vi này trái với các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm hoặc trái với các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, theo quy định của pháp luật hành vi có lỗi này phải bị xử lý hành chính.
Có thể thấy, vi phạm pháp luật hành chính diễn ra phổ biến hơn so với các loại vi phạm pháp luật khác.
Ví dụ:
Anh A điều khiển xe máy tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm. Hành vi của anh A là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và sẽ bị phạt tiền theo quy định pháp luật.
2.4 Vi phạm dân sự
Đây là hành vi trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm phạm quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân gắn với tài sản, quan hệ nhân thân phi tài sản. Cụ thể, chủ thể vi phạm trong trường hợp này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ trong một quan hệ pháp luật dân sự.
Ví dụ: H cho T thuê nhà, khi thuê nhà B có đặt cọc cho A số tiền 03 triệu đồng, trong hợp đồng quy định nếu B đã thuê đủ 06 tháng và không tiếp tục thuê nữa thì H sẽ trả lại T số tiền đã đặt cọc. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng và T không có nhu cầu thuê nữa thì H lại không chịu trả số tiền đặt cọc theo như đã quy định trong hợp đồng. Khi đó, H đã vi phạm pháp luật dân sự.
2.4 Vi phạm kỷ luật
Là hành vi có lỗi của chủ thể trái với các quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong các cơ quan, tổ chức. Ví dụ, công ty quy định giờ vào làm việc là 08 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Tuy nhiên chị T lại thường xuyên đi làm muộn, Như vậy, việc chị H đi muộn bị xem là vi phạm kỷ luật của công ty.
3. Trách nhiệm pháp lý với chủ thể vi phạm pháp luật thế nào?
Trách nhiệm pháp lý được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế theo quy định. Theo đó, với mỗi loại vi phạm pháp luật sẽ quy định về trách nhiệm pháp lý tương ứng, cụ thể:
– Trách nhiệm hình sự: Là trách nhiệm của một người đã thực hiện một tội phạm và phải chịu một biện pháp cưỡng chế Nhà nước là hình phạt vì việc phạm tội của họ. Hình phạt này do toà án quyết định theo quy định của của Bộ Luật Hình sự. Đây đồng thời cũng là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất.
– Trách nhiệm hành chính: Là trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã thực hiện một vi phạm hành chính, phải một biện pháp cưỡng chế hành chính tuỳ theo mức độ vi phạm của họ dựa trên cơ sở pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
– Trách nhiệm dân sự: Là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước khi có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… của chủ thể khác hoặc khi vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với bên có quyền. Theo đó, biện pháp cưỡng chế phổ biến là bồi thường thiệt hại.
– Trách nhiệm kỷ luật: Là trách nhiệm của một chủ thể đã vi phạm kỷ luật lao động được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức và phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định theo quy định của pháp luật gồm: Cảnh cáo, khiển trách,…
Trên đây là giải đáp về Có mấy loại vi phạm pháp luật? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ.