Đối với các bạn trẻ Việt Nam, lựa chọn thả lỏng bản thân, tạm xa rời sách vở và công việc trong một khoảng thời gian không còn là điều gì quá xa lạ. Chúng ta vẫn hiểu quãng nghỉ giữa chừng này là “gap year”. Vậy bản chất gap year là gì? Nên hay không nên chạy theo xu thế này? Tìm hiểu ngay quabài viết của INDEC dưới đây để hiểu rõ hơn về những lợi ích và trở ngại khi gap year nhé
Gap year là gì?
Gap year có thể hiểu là thời gian “nghỉ giữa hiệp” kéo dài 6 tháng đến một năm, được hiểu là cơ hội để bạn trẻ rời bỏ sách vở, rời bỏ giảng đường quen thuộc để có thể thỏa trải nghiệm những điều bản thân mong ước. “Gap Year” không mang mục đích nghỉ dưỡng mà sẽ hướng các bạn trẻ theo đuổi các hoạt động có ý nghĩa phát triển bản thân, đem đến kinh nghiệm sống thực tế từ các hoạt động trải nghiệm đã định hướng từ trước, hoặc từ những dự án lâu dài mà bạn sẽ không có cơ hội thực hiện bởi quá nhiều vướng bận trong năm.
Trải nghiệm này đã được nhiều sinh viên Việt Nam biết tới và chọn lựa sau tốt nghiệp. Nên đối tượng gap year nhiều nhất là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học, lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn bước chân vào thế giới của những người trưởng thành, hay thậm chí những bạn trẻ đang học đại học cũng có thể lựa chọn bảo lưu ngành học để gap year giữa chừng.
Bốn hoạt động phổ biến khi gap year
Thử sức với công việc bạn đã nhắm đến từ lâu
Nếu những ngày thường, sinh viên thường đi làm với mục đích chính là kiếm tiền trang trải cuộc sống thì trong khoảng thời gian gap year nhiều bạn trẻ có thể ưu tiên vị trí công việc với mức lương cao hơn. Lựa chọn này phù hợp cho cả học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba lẫn người đã đi làm một thời gian. Học sinh cấp ba được cọ xát với môi trường thực tế để hiểu thêm về sở thích ngành nghề của mình. Còn người đã đi làm tận dụng cơ hội này để học hỏi sâu hơn về chuyên ngành của mình hoặc tìm hiểu một lĩnh vực mới nếu có mong muốn chuyển ngành.
Nếu bạn chưa biết mình phù hợp với ngành nghề, công việc nào, tham khảo bài viết Giải mã bản thân với 4 bài trắc nghiệm hướng nghiệp nổi tiếng nhất cùng INDEC nhé
Trở thành tình nguyện viên
Có rất nhiều công việc tình nguyện hấp dẫn thường được đăng tuyển bởi các tổ chức từ thiện, các dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ,… nhưng yêu cầu làm việc toàn thời gian, thậm chí địa điểm hoạt động còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Đó chính là lý do, các bạn học sinh, sinh viên yêu thích các hoạt động thiện nguyện có thể dành một năm nghỉ dưỡng để đóng góp cho cộng đồng.
Một số chương trình có thể sẽ đòi hỏi một khoản tiền tham gia, còn một số chương trình khác sẽ hoàn toàn “miễn phí”. Các vai trò phổ biến gồm có hành chính, gây quỹ, tổ chức sự kiện, chăm sóc, chơi đùa với trẻ, pháp lý, giảng dạy, bảo tồn và cả thám hiểm,… Trải qua một năm làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều kỹ năng mềm, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ, cải thiện tư duy ngôn ngữ.
Thậm chí, rất nhiều tổ chức phi chính phủ thường xuyên tuyển thực tập sinh cho các dự án quốc tế, hứa hẹn mang đến bạn một công việc có trả lương về lâu về dài. Biết đâu, đây lại là cánh cổng đầy tiềm năng để bạn khai phá thì sao?
Đặt chân đến bất cứ nơi nào bạn muốn
Không ít người lựa chọn dành ra một năm trời để du hí và tô điểm thêm cho trải nghiệm phong phú của mình. Tùy vào ngân sách và mong muốn mà bạn có thể chọn du lịch nội địa hoặc nước ngoài. Nếu bạn có dự định vừa du lịch vừa làm việc thì lựa chọn du lịch nội địa sẽ tốt hơn khi thị thực du lịch ở nước ngoài thường không cho phép khách du lịch làm việc hợp pháp. Du lịch trong nước còn tiết kiệm chi phí di chuyển và đỡ tốn công sức chuẩn bị thị thực hay vốn ngôn ngữ.
Nếu là người có khả năng viết lách và chụp ảnh, bạn cũng có thể lập một blog riêng để ghi chép lại bất cứ điều gì mình ấn tượng thông qua chuyến đi đó để cập nhật cho mọi người cùng biết.
Học một môn học hoặc tham gia một cuộc thi
Nếu chuyên ngành bạn theo đuổi là do sự sắp đặt của người khác, hoặc bạn cảm thấy vốn kiến thức của mình chưa đủ sâu, thì gap year chính là thời điểm thích hợp để bạn đăng ký môn học hoặc cuộc thi trải nghiệm mở rộng kiến thức mà bạn yêu thích.
Chẳng hạn như một cuộc thi về marketing, một lớp học chuyên sâu về thiết kế, mỹ thuật, …. Bạn hoàn toàn có thể đăng ký một khóa học ngắn hạn từ 6 tháng đến 1 năm, ở Việt Nam hay nước ngoài, để bổ trợ kiến thức cho ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Và trong thời gian đó, tìm kiếm thêm một công việc phù hợp với ngành mà mình đang trau dồi chính là cách tốt nhất để tiến bộ hơn từng ngày.
Tiết lộ 4 kỹ năng phát triển bản thân Gen Z cần bỏ túi ngay và luôn!!
Bốn lợi ích khi gap year
Có rất nhiều lý do khiến cho bạn nên thực hiện gap year, INDEC team xin tổng hợp lại một vài lợi ích thú vị để bạn lựa chọn dành một năm cho bản thân mình. Phải kể đến như:
Có được những kỹ năng mềm và những trải nghiệm mới mẻ
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, như một lẽ dĩ nhiên, cuộc hành trình sẽ trang bị cho bạn thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong khi bạn đang thoải mái vui chơi và khám phá những nét văn hóa hay phong tục tập quán tại những mảnh đất mới – đó là điều mà không trường lớp nào mang tới được. Qua chuyến đi thực tế gap year bạn cũng có thể rèn luyện những kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, cân bằng trạng thái cảm xúc. Nói đúng hơn, sẽ trở thành một con người mạnh mẽ, dạn dĩ sau một chuyến đi độc lập.
Khi bạn tham gia tổ chức một sự kiện gây quỹ, bạn sẽ được học về cách lập kế hoạch, lập ngân sách và cách thực hiện, và đây cũng là một cách hay để sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Ngoài ra bạn cũng có thể xây dựng được những mối quan hệ bền chặt, giúp đỡ bạn trong những thời điểm cần thiết. Những trải nghiệm như thế này sẽ đồng hành cùng bạn trong suốt cuộc đời, từ đó bạn sẽ cảm thấy kết nối hơn với cộng đồng mà mình đang giúp đỡ.
Bạn sẽ được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng
Một CV đẹp không nên chỉ thể hiện trình độ chuyên môn tốt mà cần có những trải nghiệm cũng như kỹ năng mềm quý báu. Để tích lũy nguồn tài nguyên này, trong một năm gap year, bạn có thể xin đi làm thông qua một năm gap year, hoặc một dự án xuyên suốt (tổ chức sự kiện, tình nguyện viên, dự án cá nhân) cũng chính là điểm mạnh có thể đề cập đến trong CV của mình. Những nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao với những người có được những kinh nghiệm sống thực tế cũng như những kỹ năng mềm để có thể làm việc hiệu quả và năng suất.
Biết cách quản lý và chi tiêu tiền bạc một cách hợp lý
Chúng ta chỉ biết cách trân trọng đồng tiền khi tự mình bước ra ngoài xã hội và trưởng thành trên chính con đường của mình. Hay nói cách khác, khi rời xa vòng tay của bố mẹ và thực hiện một năm gap year độc lập, chúng ta có thể rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả. Càng gặp nhiều khó khăn trong tiền bạc, bạn mới biết học cách chi tiêu hiệu quả.
Biết trân trọng tình cảm gia đình hơn
Bởi khoảng cách thế hệ, con cái và cha mẹ đôi khi không hiểu nhau, những ngày tháng ở cùng nhau có thể xảy ra xung đột. Bạn có thể thấy ngột ngạt với sự quản thúc của cha mẹ, về sự không tin tưởng của họ dành cho mình, hay những sự so sánh nhắc nhở gây khó chịu. Nhưng khi đi xa và tự mình trải nghiệm cuộc sống bên ngoài mới là lúc bạn cảm thấy nhớ nhung sự quan tâm ấy đấy. Vì đối với phụ huynh nào cũng vậy, dù cho con cái lớn đến mấy vẫn luôn là cô nhóc/cậu nhóc bé nhỏ trong trái tim của họ. Và bố mẹ có quản thúc một chút cũng là lo cho chính bạn mà thôi. Bố mẹ sẽ luôn là người giúp bạn những lúc khó khăn chứ không phải ai khác. Bởi thế, bạn sẽ chỉ cảm nhận được tình yêu này khi tự mình ra ngoài bươn chải, đồng thời trải qua những tháng ngày chỉ có một mình.
Đại học liệu có phải con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Những bất lợi phía sau Gap Year
Mỗi khía cạnh đều có hai mặt – lợi và hại. Khi mong muốn trải nghiệm bản thân với Gap Year, các bạn sinh viên không nên chỉ mơ mộng về một viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai mà hãy thận trọng xem xét một số rủi ro tiềm ẩn phía sau cánh cửa cơ hội này. Vậy những bất lợi của gap year là gì?
Áp lực từ nhiều phía
Khi bạn dành thời gian cho công việc cá nhân, sự đánh đổi rõ ràng nhất chính là thời gian trong cuộc đua với bạn bè cùng trang lứa. Gap Year đồng nghĩa với việc bạn học chậm hơn một năm so với những người bạn của mình. Rất có thể, những người bạn ấy tiến bộ rất nhanh trong lộ trình học tập đã vạch sẵn, còn bạn lại hoang mang vì không biết những năm tháng trau dồi ấy có thể tích lũy đủ hành trang cho “cú nhảy vọt” sau này hay không. Được ăn cả, mà ngã về không.
Áp lực có thể đến từ những người xung quanh, như hàng xóm láng giềng, họ hàng, thậm chí ngay cả những người thân thiết nhất như bố mẹ. Nếu như những người lớn ấy không hiểu bản chất của gap year mà chỉ mang góc nhìn phiến diện rằng đây chỉ là lý do để cá nhân trốn tránh trách nhiệm bản thân, rằng bạn đang “ăn chơi lêu lổng”, tốn tiền của quý phụ huynh. Và đặc biệt, khi bố mẹ luôn lo rằng con cái thua kém bạn bè mình, cuộc chinh phục trái tim của quý phụ huynh không phải điều dễ dàng.
Mất động lực
Người ta tìm đến gap year vì muốn tăng động lực học, chứ đâu ngờ lại tác dụng ngược thế này đâu bạn nhỉ? Nhưng thật sự là có đó! Có một câu nói được lưu truyền qua bao đời thế hệ sinh viên rằng: “nếu như dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động bên ngoài trường lớp, bạn sẽ chẳng muốn quay trở về học tập nữa đâu”, thì đối với các bạn sinh viên gap year cũng vậy thôi. Nếu như sau năm nghỉ học để chạy dự án và làm các hoạt động khác của bạn diễn ra quá trôi chảy và nhiều kỷ niệm thú vị, bạn có thể cảm thấy muốn dành toàn bộ thời gian còn lại cho chúng thay vì miệt mài nơi giảng đường khô khan.
Sự lựa chọn là của bạn, chỉ có bạn mới biết hướng đi nào tốt nhất cho mình. Song, INDEC vẫn khuyên bạn rằng hãy cần so sánh hiệu quả của hai con đường và tìm ra lối đi phù hợp nhất với bản thân. Nếu bạn muốn rời xa trường lớp, hãy chắc chắn rằng dự định còn lại của mình có thể đem về cho bạn lợi ích lâu bền. Bởi tấm bằng đại học không phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công, nhưng sẽ là con đường ngắn nhất để đưa bạn về bến đỗ an toàn.
Mai một kiến thức
Hãy tưởng tượng chỉ sau một kỳ hè, bạn quên cách cầm bút, quên kiến thức từ năm cũ. Vậy chuyện gì xảy ra nếu như bạn hoàn toàn thoát ly việc học tập trong vòng một năm? Bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi trở lại việc học trong thời gian đầu tiên đó là điều gần như chắc chắn. Điều này có thể đúng với các bạn theo đuổi khoa học tự nhiên, các môn kinh tế, kỹ thuật, hay bất cứ môn học nào có những lý thuyết và kỹ thuật phức tạp mà bạn không sử dụng chúng ngoài lớp học.
Đánh giá từ nhà tuyển dụng
Đồng ý rằng các thành quả đạt được sau một thời gian gap year có thể là dữ liệu nổi bật để đưa vào CV, mang đến màu sắc cá nhân của chính bản thân bạn. Đây là kết quả lý tưởng nhất khi chúng ta hình dung đến hiệu quả thực tế của gap year, tuy nhiên, nếu như bạn không đạt được kỳ vọng như mong đợi thì gap year sẽ trở thành thời gian vô bổ. Khi bạn đưa chiếc CV đó cho nhà tuyển dụng, họ có thể hỏi ngược lại về tiến độ công việc và cảm thấy rằng bạn chỉ phung phí các cơ hội mà mình có thể nhận được. Cách duy nhất để khắc phục nó là hãy có kế hoạch cụ thể, đi kèm với mục tiêu, mục đích đạt được trong vòng một năm. Hơn nữa, hãy nhờ những người thân quen xem xét để họ có thể đưa ra lời khuyên cho bạn.
Tạm kết
Như vậy, thông qua bài viết trên, INDEC team đã giúp bạn có được hình dung rõ nét nhất về gap year là gì, cũng như những câu chuyện xoay quanh vấn đề có nên gap year hay không. Chúng mình không khuyên rằng bạn nên đi hay không, mà tất cả sự lựa chọn đều cần được cân nhắc dựa trên góc nhìn, hoàn cảnh thực tế, điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Hãy biết đâu là con đường phù hợp nhất để vẽ nên tương lai cho mình. Bên cạnh đó, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về du học, liên hệ INDEC để được tư vấn miễn phí nhé!
____________________________
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG
Địa chỉ: Tòa nhà INDEC, ngõ 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 024 7305 3355
Facebook: Du học cùng INDEC