Từ đầu tháng 3/2019, tình trạng khan hiếm vắc xin lại “tái diễn”, rất nhiều phụ huynh lùng sục đi tìm vacxin 5in1, 6in1 để tiêm cho con khiến cho loại vacxin này “cháy hàng”. Giá vắc xin lại loạn, mỗi nơi một kiểu. Có tiền cũng không thể đặt mua được vắc xin, nhiều gia đình ở các tỉnh tổ chức đi tiêm chung. Tiêm phòng ở đâu, nên tiêm vacxin 5in1 hay 6in1, vacxin 6in1 và 5in1 khác nhau như thế nào?…Tất cả các khúc mắc của bố mẹ về 2 loại vacxin này sẽ được giải đáp cụ thể ở bài viết dưới đây.
Contents
Vacxin 5in1 và 6in1 khác nhau như thế nào?
Về cơ bản, 5in1 và 6in1 đều là những vacxin phối hợp cực kỳ quan trọng, được chỉ định tiêm phòng khi trẻ được 2 tháng tuổi. 5in1 và 6in1 giúp chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp, có khả năng gây ra tử vong ở trẻ. Đặc biệt, chúng được kết hợp phòng nhiều loại bệnh chỉ trong 1 mũi tiêm.
Vacxin 6in1
Vacxin 6in1 là loại vacxin phối hợp phòng được nhiều bệnh nhất trong một mũi tiêm, bao gồm 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh gây ra do Haemophilus influenzae týp B (Hib).
Hiện nay, tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ đang có 2 loại vacxin 6in1, gồm Infanrix Hexa của Bỉ và Hexaxim của Pháp. Hai loại vacxin 6in1 này luôn trong tình trạng “cháy hàng” bởi nhu cầu tiêm chủng của phụ huynh ngày một lớn, đặc biệt là các khu vực tỉnh xa.
Vacxin 6in1 Infanrix hexa thường xuyên “cháy hàng” tại các điểm tiêm phòng dịch vụ
Vacxin 5in1
Khác với 6in1, 5in1 là vacxin phối hợp chỉ ngừa được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện trên thị trường đang có 2 loại vacxin 5in1: vacxin 5in1 được sử dụng tại các cơ sở dịch vụ – Pentaxim và vacxin 5in1 được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) – ComBE Five.
- Vacxin 5in1 Pentaxim: Được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ, sản xuất tại Pháp và Canada bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur, Pentaxim có khả năng phòng được 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh lý do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
- Vacxin 5in1 ComBE Five: Được sử dụng trong chương trình TCMR (không mất phí), vacxin ComBE Five giúp trẻ phòng được 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh lý do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
* Bắt đầu từ tháng 6/2018, vacxin 5in1 ComBE Five do Công ty Biological, Ấn Độ sản xuất đã được sử dụng tại Việt Nam, thay thế hoàn toàn cho Quinvaxem.
Xem thêm:
- Cách đăng ký tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Pentaxim cho trẻ
- Vacxin 5 trong 1 Pentaxim phòng những bệnh gì?
Nên tiêm 5in1 hay 6in1 cho trẻ?
Nên chích ngừa 5in1 hay 6in1 là câu hỏi chung của rất nhiều phụ huynh khi con đến tuổi tiêm phòng. Nếu tiêm 6in1, bố mẹ có thể ngừa đủ 6 loại bệnh cho con mà không cần phải tiêm bổ sung. Đối với trường hợp tiêm 5in1 Pentaxim, bố mẹ cần tiêm bổ sung thêm mũi viêm gan B, 5in1 ComBE Five bố mẹ nên cho con uống/tiêm thêm bại liệt.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Vacxin 5in1 khác 6in1, tuy nhiên mục đích tiêm phòng đều là để ngừa các loại bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ. Nếu tiêm 6in1, bố mẹ không cần phải bổ sung thêm mũi tiêm nào cho con. Còn nếu tiêm 5in1 bố mẹ cần phải bổ sung thêm 1 mũi vacxin khác tùy loại. Tiêm chủng kết hợp nhiều loại bệnh trong cùng một mũi tiêm không những giúp trẻ bớt đau mà còn giúp cha mẹ giảm số lần đưa con đến các cơ sở để tiêm phòng”.
Vacxin 5in1 và 6in1 luôn trong tình trạng “đắt khách” tại hệ thống tiêm chủng VNVC
Đưa con đến trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ – TPHCM, chị H.M.P (Tân Bình – Tp.HCM) cho biết: “Con tôi ngay từ lúc 2 tháng đã tiêm Pentaxim, hôm nay là mũi thứ 3 của bé. Vì tiêm vắc xin Pentaxim nên tôi phải tiêm bổ sung thêm viêm gan B. Hai đợt trước tiêm xong về con đều ăn khỏe, ngủ khỏe không sốt thì mừng lắm. Bây giờ phải ngồi lại theo dõi 30 phút sau tiêm mới được về”.
Khác với chị P, chị N.T.A (Quận 12 – Tp.HCM) đã cho con tiêm Pentaxim được 1 mũi, mũi thứ 2 chị quyết định chuyển sang Infanrix Hexa: “Em chuyển sang 6in1 cho khỏe mình, khỏe con. Con đỡ thêm 1 mũi tiêm viêm gan B, nhà em xa trung tâm nên đỡ phải đi tiêm nhiều lần”.
Vacxin 5in1 và 6in1, có thể chuyển đổi được không?
Nhiều nghiên cứu của các công ty sản xuất vắc xin đưa ra khuyến cáo, chỉ nên sử dụng cố định một loại vacxin của cùng nhà sản xuất khi chủng ngừa một bệnh nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng thì có thể hoán đổi được, kể cả vacxin 5in1 và 6in1.
Nói về vấn đề hoán đổi vacxin, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết: “Các vacxin 4in1, 5in1 và 6in1 có thể tiêm hoán đổi cho nhau mà không ảnh hưởng đến tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vacxin. Việc nên tiêm 5in1 hay 6in1 hay không, không quan trọng, quan trọng là bố mẹ phải lưu ý bổ sung đủ 6 thành phần phòng bệnh cho bé. Tùy thành phần để bù nhưng phải đảm bảo đủ mũi tiêm, đủ khoảng cách giữa các mũi tiêm. Các vacxin có cùng thành phần kháng nguyên thông thường cần tiêm cách nhau ít nhất 1 tháng.
Phụ huynh có thể hoán đổi vacxin 5in1 và 6in1 tuy nhiên phải trẻ được tiêm bổ sung đầy đủ
5in1 hay 6in1 đều là những vacxin giúp trẻ ngừa được các bệnh cực kỳ nguy hiểm trong giai đoạn đầu đời. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ tiêm sớm, đảm bảo đủ mũi, đúng lịch tiêm. Phác đồ tiêm vacxin 5in1 và 6in1 như sau:
Lịch tiêm vacxin 5in1 Pentaxim:
- 3 mũi cơ bản: tiêm cho trẻ ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Mũi tiêm nhắc: khi trẻ được 16 – 18 tháng tuổi.
Lịch tiêm vacxin 6in1 Infanrix hexa:
- 3 mũi chính: khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Mũi 4 nhắc lại khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.
Lưu ý: Trẻ cần trải qua 3 mũi tiêm cơ bản trước 1 tuổi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.