Bài viết chép lại một đoạn nhận xét về các môn khoa học huyền bí Trung Hoa trong Hồi Ký của học giả Nguyễn Hiến Lê
Trong những năm 1939-1940 tôi đã đọc một hai cuốn Tử vi viết bằng tiếng Việt. Năm 1945 về Tân Thạnh tôi đọc thêm sách Tử bình bằng chữ Hán. Năm 1974 tôi lại được đọc cuốn Bát tự Hà Lạc của Học Năng, một bạn già của tôi quê ở Thanh Trì (Hà Nội) có cả Hán học lẫn Tây học, đã lần hiệu trưởng nhiều trường tiểu học.
Tôi đọc chỉ do tò mò muốn biết mấy môn học huyền bí đó của Trung Hoa. Hơn hai chục năm trước, một anh bạn “làm cách mạng” thấy tôi đọc sách tử vi, hỏi tôi:
– Tại sao anh lại tin những sách vô lí như vậy?
Tôi đáp:
– Anh thiếu tính thần khoa học rồi. Phải tìm hiểu một môn học rồi mới phê bình nó được chứ. Ở đời thiếu gì cái vô lí mà có thực. Một người thân ở xa bị tai nạn, đúng lúc đó mình ở nhà bồn chồn, lo lắng cho người đó; hiện tượng cách cảm (télépalhic) đó, lấy logique mà xét thì thấy vô lí, nhưng vẫn có thực. Anh vẫn thường bắt tin tức thế giới trong máy thâu thanh; nửa thế kỉ trước, ai mà không cho như vậy là vô lí, không thể có được.
Anh bạn đó làm thinh.
Trong cuốn Luyện lí trí (1965) chương VII tôi đã đưa ra vài nhận xét về khoa Tử Vi và Tử bình rồi kết như sau:
“Tôi không quả quyết rằng những khoa Tử vi, Tử bình hoàn toàn vô giá trị. Vì tôi đã thấy những trường hợp nó đúng một cách không phải là ngẫu nhiên. Tôi lấy thí dụ một gia đình nọ gồm bốn anh em mà tôi được biết. Khi mới sanh, mỗi người đều có một lá số tử vi. Số đoán rằng một người con trai sẽ khá nhất, càng đi xa càng khá, một người con trai nữa sẽ chết yểu, một người con gái được nhờ chồng, một người nữa không được nhờ chồng mà được nhờ con. Hiện nay, sau nửa thế kỉ, tôi thấy những điều đó đều đúng mà đúng tới vậy thì không thể cho là ngẫu nhiên được.
(…) Tôi lại nghiệm thấy rằng coi qua những số của các bà con, bạn bè cũng có thể đoán ngay được mỗi người vào hạng nào trong xã hội, nghĩa là số tốt hay xấu. Mà những lời đoán đó phần nhiều đúng, đúng về đại cương, đúng một cách tương đối. Và vấn đề nhân sự, hoàn cảnh vấn là quan trọng”.
Ngày nay (1980) tôi có thể nói thêm: lấy theo Tử vi thì 10 lá số chỉ đúng độ 6, 7 lá; những lá đúng đó, thì mười điều cũng chỉ đúng được 6, 7, càng đoán về tiểu tiết thì càng sai.
So sánh ba khoa Tử vi, Tử bình, Hà lạc, tôi thấy:
– Tử vi cho con người chịu ảnh hưởng kết tụ của các vì sao (tinh đẩu), mà như vậy mọi việc đã an bài sẵn. Không thể cải được mệnh.
Tử vi dùng trên trăm sao và có tới 12 cung: mạng, thiên di, tài bạch, quan lộc. phúc đức, phụ mẫu, phu thê, tử tức, huynh đệ… cho nên đoán được nhiều chi tiết: tính tình mỗi người, sang hèn, giàu nghèo ra sao, cha mẹ, vợ con, anh em, cả bạn bè, bệnh tật, mồ mả tổ tiên, nhà của, ruộng nương…, nhiều chi tiết hơn Tử bình và Hà lạc; có lẽ chính vì vậy mà nhiều người thích khoa đó; nhưng đi vào chi tiết thì dễ đúng mà cũng dễ sai; mà tâm lí chung của mọi người là để ý đến những điều đúng hơn là những điều sai, cho nên khoa đó được nhiều người tin là đúng.
Sự thực, theo tôi thì khoa đó không hợp lí vì dùng âm lịch, mà âm lịch có tháng nhuận; gặp người sinh tháng nhuận thì đành phải coi thuộc về tháng trước hay tháng sau, như vậy hai người sinh cách nhau một tháng, người sinh trong tháng 6 chính chẳng hạn, người sinh tháng 6 nhuận, ngày giờ giống nhau thì số y hệt nhau: điều đó không chấp nhận được.
Ngoài ra, Tử vi còn nhiều điểm mâu thuẫn, chẳng hạn sao phá quân thuộc thủy, ở cung tí cũng là thủy thì tốt; nhưng tại sao ở cung ngọ là hỏa (thủy khắc hỏa) cũng là tốt? Nhất là ở 4 cung thìn tuất sửu mùi (thổ), thủy bị thổ khắc mà sao cũng vẫn tốt? Lại thêm ở cung hợi (thủy), thủy với thủy mà lại cho là xấu, hãm địa?
Không thể nào kể hết những điểm khó hiểu đó được.
Lại thêm các sách không nhất trí về cách tính sao hỏa, và 12 sao vòng trường sinh, không biết nên theo cách nào.
– Tử bình gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi hết; có 4 can, 4 chi, do đó gọi là bát tự (8 chữ). Không có tháng nhuận, vì dùng dương lịch (tính năm, tháng theo thời tiết) cho nên hợp lí hơn nhiều. Nó dùng luật ngũ hành tương sinh tương khắc và theo qui tắc cứ quân bình là tốt: hễ “hành” nào thiếu thì đi vào vận có hành đó hoặc có một hành sinh ra nó (ví dụ thiếu hỏa, di vận có hỏa hoặc có mộc sinh hỏa) mới tốt. Điều đó cũng hợp lí. Lại thêm nó dùng ít sao, ít có trường hợp sao này tương phản với sao khác, nên đoán ít sai. Nhưng chính vì ít sao, đoán được ít chi tiết, nên nhiều người không thích khoa đó.
– Hà lạc gọi là bát tự vì cũng gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi; nhưng khác hẳn tử bình ở chỗ đổi những can chi đó ra số Hà lạc, để lập thành một quẻ kép trong kinh Dịch, quẻ này biến thành một quẻ kép khác nữa, sau cùng cứ theo ý nghĩa của mỗi quẻ, mỗi hào trong kinh Dịch mà đoán vận mạng (mỗi hào âm là 6 năm, mỗi hào dương là 9 năm; còn Tử vi và Tử bình thì mỗi vận là 10 năm).
Như vậy Hà lạc chỉ cho ta biết sơ về số mạng (giàu sang hay nghèo hèn, thọ hay yểu) và mỗi hạn 6 hay 9 năm tốt xấu ra sao, chứ không cho ta biết gì về gia cảnh, cha mẹ, vợ con… Sau mỗi hào có lời khuyên nên cư xử ra sao, tiến thoái, hành xử ra sao cho hợp với nghĩa tùy thời trong kinh Dịch.
So sánh ba khoa đó, tôi thấy Tử vi thích hợp với đàn bà, họ muốn biết nhiều chi tiết; Tử bình hợp lí, thích hợp với giới trí thức; Hà lạc thích hợp với người học đạo cư xử ở đời.
Ba khoa đó phương pháp đều huyền bí, rất khác nhau mà lạ lùng thay, kết quả nhiều khi giống nhau tới 7 phần 10.
Thí dụ trường hợp của tôi. Tôi sinh năm Tân Hợi, tháng 11, ngày 20, giờ Dậu (Tây lịch: 8-1-1912), bát tự là năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quí Mùi, giờ Tân Dậu.
Số Tử vi đoán tính tình, khả năng của tôi đúng, về phúc, thọ của tôi cũng đúng, về vợ con cũng đúng nữa; nhưng về cung quan lộc thì đúng một phần thôi, về đại hạn 43-52 tuổi thì sai nhiều.
Số Tử bình đoán đại khái cũng đúng gần như Tử vi, tuy ít chi tiết hơn, và riêng đại hạn 41-50 tuổi thì đúng hơn Tử vi.
Số Hà lạc cũng đoán rất đúng về đại hạn đó, còn về phúc, thọ, tư cách thì cũng giống Tử vi và Tử bình. Về gia đình tôi, Hà lạc không đoán, như tôi đã nói.
Ba khoa nguyên tắc khác hẳn nhau mà kết quả hợp với nhau như vậy thì đáng gọi là kì dị. Nhưng tôi cũng thấy mấy người trong họ hàng tôi số Tử vi, Tử bình khác nhau xa; và có khi gần hoàn toàn sai cả nữa.
Vậy ba khoa đó bảo là vô căn cứ thì sai mà bảo là đáng tin hẳn thì cũng không được. Tò mò đọc cho biết thì nên, bỏ trọn đời để nghiên cứu thì tôi e mất thì giờ mà chưa chắc đã phát kiến được gì. Cho nên tôi không muốn lấy số cho trẻ trong nhà. Và tôi cho cứ tận lực của mình là hơn cả. Nếu có số thì con người có khi cũng thắng được số. Tất cả các sách số đều khuyên vậy: “Tín mệnh bất tín lực, thất chi viễn hĩ” (Tin số mà không tin sức mình thì lầm lớn). Vả lại người ta có thể sửa được số. Cổ nhân tin rằng số giàu mà mình không ham giàu, tránh giàu thì sẽ tăng tuổi thọ; số sang mà mình tránh sang thì được hưởng phúc nhiều hơn. Cổ nhân còn nói: “vận nước thắng vận người” (Quốc mạng thắng nhân mạng). Những lời đó đều đúng cả.
Đó là bài học tôi rút được khi rảnh, đọc chơi môn lí số của Trung Hoa.
***
Tôi lại đọc môn bói nữa trong bộ Bốc phệ chính tôn và Dã hạc.
Môn bói trong hai cuốn đó đều dùng quẻ Dịch một cách tài tình. Khi ta đã chấp nhận một số định đề, nguyên tắc rồi thì cứ áp dụng luật ngũ hành tương sinh tương khắc mà suy đoán mọi việc sẽ xảy ra. Bói và Tử bình có lẽ là hai khoa hợp logique nhất trong các khoa học huyền bí của Trung Hoa, khiến tôi mê mải đọc. Đem ra thực hành thì tôi thấy có một số quẻ đúng một cách kì dị như hai quẻ tôi đã dẫn trong cuốn Luyện lí trí (tr. 177), một quẻ về bệnh của mẹ tôi, một quẻ về việc buôn bán của một bà chị tôi; đúng về tốt xấu là chuyện thường (vì chỉ có tốt với xấu, như vậy dù có đúng cũng chỉ được 50%), nhưng còn đúng cả về ngày và tháng nữa thì thật lạ lùng.
Nhưng sau tôi thấy nhiều quẻ sai be bét: người chết rồi thì bảo là chưa chết; miếng đất đoán là sẽ mua được mà rốt cuộc không mua được. Đoán rất đúng sách, chỉ tại quẻ không nghiệm thôi. Chính một bạn tôi có mấy chục năm kinh nghiệm về khoa đó cũng nhận rằng có người xin quẻ thường nghiệm, có người trái lại; lại có người lúc thì nghiệm lúc thì không. Hình như quẻ nghiệm hay không còn tùy nhân điện của người xin quẻ, của người gieo tiền, hoặc tùy tâm trạng người đó, tùy lúc, tùy giờ hay tùy cái gì đó nữa.
Riêng tôi chỉ thấy sai nhiều nên không tin khoa đó nữa, cứ xét nhân sự mà quyết định mọi việc; nhưng vẫn nhận là kì dị, huyền bí chứ không phải là chuyện nói láo mà chơi.
Trong tủ sách bác tôi còn có một bộ Địa lí hám giá, tôi cũng lấy ra coi, chỉ xin bác tôi giảng cho ít thuật ngữ, một vài qui tắc rồi đọc lấy được.
Khoa này còn huyền bí hơn các khoa trên nữa. Cổ nhân đã nói muốn làm thầy địa lí (tức khoa phong thủy, để mả chỗ nào cho kết (phát) thì phải có “lòng thần, mắt thánh, cẳng tiều phu”. Tôi không có lòng thần, cũng không có mắt thánh, cho nên dù được các bác tôi dắt đi coi vài kiểu đất kết, chỉ cho “mạch” phát từ đâu, đi theo hướng nào, tụ ở đâu, đâu là tay long, đâu là tay hổ v.v… tôi cũng chẳng thấy gì cả. Tôi nghĩ, ở một miền hoang vu, nhận những chỗ cao thấp trên mặt đất thì còn có thể thấy được long mạch; chứ trên một cánh đồng đã khai phá cả mấy trăm năm, cả ngàn năm rồi, gò đồi đã san phẳng, hồ ao đã lấp hoặc đào thêm, đường đi đã chằng chịt như bàn cờ, thì căn cứ vào đâu để bảo đó là long mạch. Cho nên khoa địa lí tôi chỉ đọc qua thôi và tin rằng sẽ không còn ai học nó nữa.