Sấu là quả của cây sấu, một loại cây mọc nhiều ở miền Bắc nước ta. Với vị chua đặc trưng, sấu được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác nhau. Một trong số đó không thể không nhắc đến là Vịt om sấu. Với công thức đơn giản cùng những nguyên liệu dân giã dễ tìm, vịt om sấu là món ăn được nhiều bà nội trợ yêu thích. Theo dòng chảy của thời gian, món ăn được biến tấu lại theo nhiều công thức khác nhau, cùng Làng Chài Xưa điểm qua một vài công thức tiêu biểu của món ăn này nhé!
Contents
Cách nấu vịt om sấu khoai sọ
Nguyên liệu nấu vịt om sấu khoai sọ
- Vịt làm sẵn: 1 con
- Sấu: 8-10 quả
- Khoai sọ: 500gr
- Sả: 5 cây
- Hành, tỏi, ớt
- Rau mùi tàu, rau ngổ, hành lá, chanh tươi.
- Rượu gừng
- Dừa tươi: 1 quả
- Rau thơm
- Bún tươi ăn kèm
- Gia vị: nước mắm, đường, mì chính, bột canh, hạt tiêu, muối hột
Các bước nấu vịt om sấu khoai sọ ngon
Bước 1: Sơ chế vịt
Vịt sau khi mua về làm sạch lại phần lông còn bám trên da, sau đó rửa sạch vịt với nước muối loãng. Tiếp đến bạn pha hỗn hợp nước chanh, rượu gừng, và muối hạt vào một cái bát nhỏ, trộn đều.
Dùng tay chà sát hỗn hợp vừa pha lên toàn bộ phần thân và bụng vịt. Với cách làm này bạn có thể dễ dàng loại bỏ đi mùi hôi lông bám trên da vịt. Rửa sạch lại với nước, để ráo rồi chặt thành từng khúc vừa ăn.
Bước 2: Sơ chế khoai sọ, sấu và các nguyên liệu khác
Khoai sọ trước khi sơ chế, để tránh gây ngứa bạn rửa sạch sau đó thả vào nồi luộc khoảng 3 phút sau khi sôi. Đổ ra để nguội rồi mới gọt vỏ. Khoai sọ sau khi luộc không những không gây ngứa mà còn đỡ nhớt giúp bạn dễ sơ chế hơn.
Sả bóc bỏ đi phần vỏ già bên ngoài, rửa sạch, cắt làm đôi, phần gốc băm nhuyễn, phần ngọn đập dập tướt nhỏ.
Sấu gọt bỏ vỏ, rửa sạch sau đó thả vào ngâm trong nước muối để tránh bị thâm đen.
Hành tím và tỏi bóc bỏ phần vỏ, rửa sạch rồi mang đi băm nhuyễn cùng ớt.
Rau mùi tàu, rau ngổ, hành lá sau khi mua về nhặt bỏ đi những lá úa, rửa sạch, cắt nhỏ.
Bước 3: Ướp vịt
Vịt sau khi sơ chế sạch sẽ, để ráo thì cho vào bát lớn. Để món vịt om sấu ngon, chuẩn vị bạn ướt vịt với: 2 muỗng nước mắm ngon, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng hạt nêm, ½ muỗng tiêu xay, ½ muỗng đường và cuối cùng là ½ tỏi, sả băm đã chuẩn bị trước. Trộn đều cho vịt thấm gia vị sau đó mang đi ướp từ 30-60 phút cho vịt thấm gia vị.
Bước 4: Nấu vịt om sấu khoai sọ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, bạn bắt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng. Dầu nóng cho hành, tỏi và sả băm nhuyễn vào phi thơm. Tiếp đến bạn cho vịt vào xào săn khoảng 5 phút thì cho nước dừa, nước lọc và sấu vào đun sôi.
Nước sôi khoảng 5 phút, dùng muỗng vớt sấu ra bát nhỏ, dầm nát bỏ phần hạt rồi cho lại vào nồi. Nêm thêm 2 muỗng nước mắm, 1 muỗng hạt nêm, khuấy đều, đậy nắp tiếp tục om khoảng 20-30 phút.
Cuối cùng bạn cho khoai sọ vào nấu sôi khoảng 5-10 phút thì nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp. Lưu ý, khi cho khoai sọ vào nấu bạn nên hạn chế khuấy để tránh làm bể, nát khoai.
Bước 5: Trang trí và thưởng thức
Vịt om sấu khi thưởng thức bạn chỉ cần cho ra tô, trang trí lên trên bằng một ít hành lá, mùi tàu và rau ngổ. Thường được dùng chung với bún, vịt om sấu khoai sọ được nhiều người yêu thích bởi hương thơm nồng nàn, nước dùng ngọt thanh nước dừa xen lẫn vị béo nhẹ của khoai sọ.
Hướng dẫn cách làm vịt om sấu nước dừa
Nguyên liệu cần có cho món vịt om sấu nước dừa
- Vịt làm sẵn: 1 con
- Sấu tươi: 8-10 quả
- Dừa tươi: 1 trái
- Gừng tươi: 1 củ
- Riềng: 1 củ nhỏ
- Hành lá, rau ngổ
- Hành tím, Tỏi
- Sả 3 cây
- Gia vị:muối, bột canh, tiêu xay, dầu ăn
Các bước nấu vịt om sấu nước dừa
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Vịt mua về bạn rửa sơ qua với nước lạnh, tiếp đến dùng một ít muối hột chà sát lên toàn bộ phần thân và bụng vịt. Nếu kỹ hơn bạn có thể dùng rượu hoặc gừng để khử đi mùi hôi của vịt. Rửa sạch lại với nước, chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, để ráo nước.
Gừng, riềng cạo vỏ, rửa sạch, sau đó mang đi băm nhuyễn.
Sấu mua về dùng dao gọt bỏ phần vỏ bên ngoài, rửa sạch rồi thả vào ngâm trong nước để tránh bị thâm.
Tỏi, hành tím bóc vỏ, rửa sạch, rồi mang đi băm nguyễn. Sả lột bỏ lá già, rửa sạch sau đó mang đi thái nhỏ.
Bước 2: Ướp thịt vịt
Thịt vịt sau khi làm sạch và để ráo, bạn cho hết vào một bát lớn. Tiếp đến bạn ướp thịt vịt với: 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng nhỏ tiêu xay và ½ tỏi, hành tím, sả, gừng và riềng băm nhuyễn. Trộn đều rồi mang vịt đi ướp khoảng 30 phút cho thấm gia vị.
Bước 3: Nấu vịt om sấu nước dừa
Bắt chảo dầu lên bếp, đợi dầu nóng cho thịt vịt vào xào khoảng 10 phút, khi thấy phần thịt đã săn lại thì tắt bếp.
Tiếp tục bắt lên bếp một cái nồi mới, cho dầu ăn vào đun sôi, bạn cho hết ½ tỏi, hành tím, sả, gừng và riềng băm nhuyễn còn lại vào nồi phi thơm thì cho sấu vào xào sơ khoảng 2 phút.
Bây giờ bạn cho hết phần thịt vịt xào săn và nước dừa vào nồi, đậy nắp và om với lửa nhỏ khoảng 30 phút. Mở nắp kiểm tra xem thịt đã mềm chưa, nêm nếm lại sao cho vừa ăn thì tắt bếp.
Bước 4: Trang trí và thưởng thức
Vịt om sấu nước dừa khi dùng chỉ cần múc ra tô, cho thêm hành lá và rau ngổ lên trên để tăng hương vị thơm ngon là có thể mang ra thưởng thức được. Khác với vịt om sấu khoai sọ, nước dùng của vịt om sấu nước dừa có phần kẹo, thơm và béo hơn.
Cách nấu lẩu vịt om sấu Hà Nội
Nguyên liệu nấu lẩu vịt om sấu
- Vịt làm sẵn: 1 con
- Khoai môn: 500gr
- Sấu xanh: 8-10 quả
- Bún tươi: 1 ký
- Tỏi, ớt: tùy khẩu vị
- Rau ăn lẩu: rau muống, rau cải,…
- Gia vị: dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, muối.
Các bước nấu lẩu vịt om sấu
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Vịt mua về nhổ bỏ những phần lông con còn sót trên da, rửa sơ với nước sau đó dùng một ít muối hột chà sát lên toàn bộ phần thân và bụng vịt. Thịt vịt khá hôi nên bạn sơ chế càng kỹ lúc nấu vịt sẽ ngon và thơm hơn. Rửa sạch lại với nước rồi chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn.
Sấu xanh gọt bỏ phần vỏ, rửa sạch, cắt làm tư rồi thả vào ngâm trong nước, tránh để ngoài sẽ bị thâm.
Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch sau đó cắt làm tư. Để sơ chế khoai không bị ngứa bạn có thể tham khảo các sơ chế ở trên.
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, đập dập. Rau ăn kèm thì bạn mang đi nhặt bỏ phần lá úa và cuống, rửa sạch với nước muối rồi để ráo.
Bước 2: Ướp vịt, chiên khoai
Thịt vịt sau khi sơ chế sạch sẽ cho hết vào một cái bát lớn, ướp vịt với: 1 muỗng bột ngọt, ½ muỗng muối, ½ muỗng hạt nêm, 1 muỗng nước mắm ngon, ½ muỗng tiêu xay và cuối cùng là ½ tỏi băm nhuyễn.
Trộn đều rồi mang thịt đi ướp khoảng 1 tiếng cho thấm gia vị, ướp càng lâu phần thịt vịt càng thấm gia vị giúp món lẩu sau khi nấu càng thêm phần đậm đà.
Trong lúc đợi ướp thịt, bạn bắt lên bếp một cái chảo nhỏ, cho vào chảo một lượng dầu ăn vừa đủ, đun nóng rồi cho khoai môn vào chiên sơ. Mẹo làm này giúp khoai khi nấu lẩu không bị bể mà vẫn giữ nguyên được hình dáng đẹp mắt lúc ban đầu.
Bước 3: Nấu lẩu vịt om sấu
Bắt nồi lên bếp phi thơm phần tỏi băm còn lại, cho thịt vịt đã ướp vào xào săn. Tiếp đến, bạn cho 1.5 lít nước sôi để nguội cùng sấu vào nồi nấu trong vòng 30 phút. Lưu ý, để lửa nhỏ cho phần thịt được chín đều và thấm gia vị hơn.
Khi thấy vịt đã chín và sấu mềm thì vớt sấu ra chén nhỏ, dùng muỗng dầm nát, tách bỏ phần hạt rồi cho lại vào trong nồi. Khuấy đều, nêm thêm ½ muỗng muối và ½ muỗng bột ngọt sao cho vừa miệng nhất là được.
Cuối cùng bạn cho khoai môn chiên vào nấu chín khoảng 10 phút là đã có thể mang ra thưởng thức cùng với gia đình.
Bước 4: Thành phẩm và thưởng thức
Lẩu vịt om sấu là một trong những món ăn nổi tiếng của người miền Bắc, thường được dùng chung với rau muống, cải và một số loại rau khác. Tên nghe tuy đơn giản nhưng hương vị món ăn lại đậm đà khó tả, phần nước dùng hơi chua chua của sấu kết hợp với vị béo nhẹ của khoai và nước dừa thật khiến người ta khó quên.
Bí quyết nấu vịt om sấu ngon bà nội trợ nào cũng nên biết
Cách mua thịt vịt tươi cho món vịt om sấu thêm ngon
Để có được một nồi vịt om sấu ngon thì đều đầu tiên bạn phải biết cách chọn mua nguyên liệu tươi, một trong những nguyên liệu quan trọng nhất là thịt vịt. Cách để nhận biết một con vịt tươi, ngon bạn cần nhìn vào màu da của chúng, thường vịt mới làm da sẽ có màu hồng nhạt, độ đàn hồi cao, thịt săn chắc.
Bên cạnh đó bạn nên chọn mua những con vịt đã mọc đủ lông, phần ức và phao câu tròn đều, vùng bụng và da cổ của vịt phải dày, khi cầm lên sẽ có cảm giác chắc tay vì đó là những con vịt béo ngon đủ ngày tuổi.
Tránh không nên mua vịt quá già, có phần bụng sệ xuống thường là những con vịt đã đẻ rất nhiều lần nên thịt thường dai, không ngon. Đồng thời không nên mua những con vịt có mùi hôi lạ, thịt nhão, không săn chắc, trên da có xuất hiện vết tím bầm hoặc ứ máu.
Một vài lưu ý khi nấu vịt om sấu
Thịt vịt thường có rất nhiều mỡ, vì vậy khi làm và xào vịt bạn có thể vớt bỏ bớt đi phần mỡ thừa bên trên giúp phần nước dùng ngọt thanh và ngon hơn.
Ưu tiên dùng nước dừa tươi om vịt, phần nước lọc bạn cũng có thể thay thế bằng nước hầm xương sẽ giúp cho vịt om sấu thêm phần đậm đà và bổ dưỡng.
Khử mùi hôi lông của vịt bằng rượu, gừng hoặc muối hột thật kỹ trước khi nấu để tránh mùi hôi của vịt làm mất đi vị ngon vốn có của món ăn.
Vịt om sấu là món ăn giải nhiệt siêu tốt cho mùa hè với vị chua thanh từ sấu, ngọt béo từ khoai và nước dừa ăn kèm với thịt vịt nữa thì quả thật không gì sánh bằng. Với 3 công thức nấu vịt om sấu cùng những bí quyết trên, Làng Chài Xưa hy vọng bạn có thể nấu thành công món ăn độc đáo này.