Ngành Kinh tế vận tải biển là ngành gì?
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Bộ môn kinh tế vận tải biển (KTVTB), ĐH Giao thông vận tải TP HCM cho biết: “Vận tải biển là một hình thức vận tải có liên quan đến việc sử dụng kết cấu hạ tầng và phương tiện vận tải biển. Kinh tế vận tải biển là lĩnh vực kinh tế nghiên cứu tối ưu hóa công tác đầu tư, quản lí và tổ chức khai thác đội tàu vận tải biển, cảng biển; cung ứng dịch vụ hậu cần vận tải biển”.
Sinh viên kinh tế vận tải biển K16CLC thực tập chuyên môn năm 3 tại hiện trường Cảng Cát Lái – TCT Tân cảng Sài Gòn tháng 12/2018.
Chương trình đào tạo của ngành kinh tế vận tải biển
Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức như:
Kiến thức khoa học cơ bản (38 tín chỉ) gồm: Toán học ứng dụng trong quản lí kinh tế, Pháp luật đại cương, Anh văn…
Kiến thức chung của nhóm ngành và ngành KTVTB (26 tín chỉ) gồm: Kiến thức cơ bản về quản lí kinh tế; kiến thức cơ sở chuyên ngành kinh tế vận tải biển như Hàng hóa, Địa lí vận tải, Thủy văn công trình cảng, Thiết bị xếp dỡ, Lí thuyết tàu…
Kiến thức chuyên ngành (45 tín chỉ): Gồm kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về Quản lí khai thác cảng, Quản lí khai thác đội tàu, Đại lí tàu biển, Nghiệp vụ ngoại thương, Giao nhận vận tải, Bảo hiểm hàng hải, Quản lí dự án đầu tư, Quản trị nhân sự, Nghiệp vụ tài chính – kế toán trong các doanh nghiệp vận tải….
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế vận tải biển, sinh viên thực hiện được các công việc sau:
a. Lập kế hoạch sản xuất: – Tham gia xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển các doanh nghiệp vận tải biển.
– Tham gia lập Kế hoạch sản xuất kinh dianh doanh nghiệp (cảng biển, vận tải biển, dịch vụ vận tải…); Kế hoạch khai thác đội tàu vận tải biển; Kế hoạch khai thác cầu bến, kho bãi, thiết bị xếp dỡ – phương tiện vận chuyển, Kế hoạch giải phóng tàu, kế hoạch xếp dỡ – giao nhận – vận tải hàng hóa tại cảng biển;
– Tham gia lập Qui hoạch kho bãi; xây dựng Qui trình công nghệ xếp dỡ, Qui trình giao nhận hàng hoá tại cảng biển; Qui hoạch luồng hàng vận chuyển.
b. Tổ chức và điều hành:
Tổ chức điều hành hoặc tham gia tổ chức điều hành công tác xếp dỡ, giao nhận hàng hóa tại cảng biển; khai thác, điều động tàu tại các công ty vận tải; điều hàng sản xuất và cung ứng dịch vụ tại các doanh nghiệp đại lí – giao nhận – vận tải.
c. Tham gia tính toán, phân tích kinh tế – kĩ thuật trong các dự: – Đầu tư xây dựng cảng, mua sắm thiết bị xếp dỡ, ô tô, tàu biển;
– Khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cảng biển; tàu biển và các phương tiện vận chuyển khác.
d. Thực hành nghiệp vụ chuyên môn: – Thực hành nghiệp vụ về đại lí tàu biển, giao nhận – vận tải; thương thảo kí kết hợp đồng xếp dỡ, vận chuyển, giao nhận hàng hóa, nghiệp vụ ngoại thương;
– Thực hành nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp; lập và phân tích các báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vận tải.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hinh cho biết thêm, sinh viên theo ngành này tại ĐH Giao thông vận tải TP HCM được chú trọng thực hành. Cụ thể sau khi nhập học, sinh viên sẽ được tham quan đầu khóa: Sinh viên được hướng dẫn tham quan thực tế sản xuất tại một trong các cảng biển lớn nhất ở TP HCM hoặc Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu để có những khái quát cơ bản về ngành học.
Sau quá trình học, sinh viên được tham gia thực tập với nhiều hoạt động như tham gia thực tế sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Vận tải biển 3 đợt:
– Thực tập chuyên môn về khai thác tàu biển, cảng biển: 4 tuần – 2 tín chỉ.
– Thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp khai thác tàu biển, cảng biển, giao nhận vận tải, đại lí tàu biển: 8 tuần – 3 tín chỉ.
– Luận văn tốt nghiệp về lập kế hoạch khai thác tàu, cảng; lập phương án kinh doanh; phân tích đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể trong ngành Vận tải biển: 14 tuần – 8 tín chỉ.
Từ năm 2016, khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm bộ môn KTVTB thường mời các lãnh đạo, chuyên gia là cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp lớn của ngành vận tải biển ngoại khóa các chuyên đề về hoạt động khai thác tàu, khai thác cảng, kho hàng CFS, đại lí tàu biển, giao nhận hàng hóa cho các sinh viên năm 3 và năm 4.
Ngành kinh tế vận tải biển là 1 trong 3 chuyên ngành có tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao nhất, chiếm trên 90% tại trường Giao thông vận tải TP HCM.
Học ngành kinh tế vận tải biển ra trường làm gì?
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, tại TP HCM trong giai đoạn 2014 – 2020, tỉ trọng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành kinh tế trong đó có kinh tế vận tải biển chiếm tỷ trọng 10% tổng nhu cầu nhân lực, khoảng 25.000 làm việc.
Vậy nên, cử nhân ngành kinh tế vận tải biển ra trường có thể làm việc tại:
– Công tác ở các cảng biển, công ty vận tải biển, doanh nghiệp dịch vụ vận tải (đại lí tàu biển, môi giới hàng hải, giao nhận – vận tải, đại lí xuất nhập khẩu hàng hóa…).
– Tại các phòng (ban nghiệp vụ): Kế hoạch, Khai thác – điều độ, Điều hành dịch vụ, Thương vụ, Đại lí, Lao động – tiền lương, Kế toán, …
Nhà trường, khoa, bộ môn và giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên từ 1-2 lần/năm; mời cán bộ và lãnh đạo tại các doanh nghiệp chuyên ngành báo cáo ngoại khóa để sinh viên tiếp xúc, trao đổi với các nhà tuyển dụng tương lai, nắm bắt cơ hội việc làm tốt hơn sau khi tốt nghiệp; giới thiệu sinh viên tới thực tại doanh nghiệp của các cựu sinh viên KTVTB; tạo cơ hội cho sinh viên vừa thực tập vừa tìm kiếm việc làm; kết quả có khoảng 20% sinh viên được nhận vào làm việc ngay sau khi kết thúc thực tập tốt nghiệp…
Cựu sinh viên Lê Nguyễn Thảo Chi, hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần CMA CGM Việt Nam (được thành lập bởi hãng tàu CMA-CGM của Pháp – một hãng tàu có quy mô toàn cầu. Hiện nay CMA CGM đang khai thác khoảng 350 tàu container với tổng sức chở trên 1 triệu TEU – xếp thứ 3 thế giới) chia sẻ:
“Vì phạm vi và các vị trí làm việc trong ngành kinh tế vận tải biển rất đa dạng, phù hợp với nhiều tính cách, sở thích của mỗi cá nhân có thể lựa chọn, điều chỉnh và học hỏi thêm sao cho phù hợp với bản thân và có khả năng phát triển hơn ở vị trí công việc mình đã chọn.
Hầu hết các kiến thức mình đã học ở trường đều được áp dụng hoặc có liên quan đến thực tế để hiểu được bản chất công việc nên không quá khó khăn để mình hòa nhập với công việc và tiếp xúc với những vấn đề mới. Ngoài ra việc học và làm việc trong ngành KTVTB còn tạo ra nhiều cơ hội tiếp xúc với các ngành nghề khác nhau về thương mại, sản xuất…”
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Hinh cho biết năm 2018 ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và khoa chưa khảo sát tỉ lệ sinh có việc làm sau khi ra trường. Còn kết quả khảo sát 1.302 cựu sinh viên của trường năm 2017 cho thấy tỉ lệ sinh viên có việc làm là 89% (báo cáo 10/2018)
Trong đó, ngành kinh tế vận tải biển là 1 trong 3 chuyên ngành có tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp cao nhất trường và sẽ là trên 90%.