Phong thuỷ là khoa học, không phải tín ngưỡng!
Mặc dù hai từ phong thủy đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn không ít người cho rằng phong thủy là mê tín dị đoan.
Nếu như một thời không chỉ có bộ môn phong thủy mà nhiều lĩnh vực khác trong kho tàng tri thức phương Đông bị quy hết vào thần bí, mê tín (ví dụ như dịch học, nhân tướng học,…) thì ngày nay, trái lại, người ta đang ra sức chứng minh “chúng khoa học lắm” bằng cách chỉ ra những nét gần gũi, tương đồng với những tri thức khoa học của phương Tây. Xu hướng cổ vũ này nhiều lúc lại trở nên thái quá.
Còn nhớ, trong một buổi hội thảo về phong thủy do Trung tâm Lý học Đông Phương thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á – Việt Nam tổ chức hồi 15/12/2009, Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Nguyên giám đốc Trung tâm) đọc khai mạc với tuyên bố rằng: “người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai”.
Ông nhấn mạnh: “Hệ thống nguyên lý lý thuyết là tiền đề của khoa phong thủy đã thất truyền và sai lệch”. Vì thế các khái niệm hiện tượng của phong thủy từ hàng nghìn năm nay bị rơi vào trạng thái mâu thuẫn, mù mờ, huyền bí. Muốn giải mã phong thủy và phát huy bộ môn khoa học này phải chữa cái nền móng sai đó, tức là phục hồi lại nguyên lý tiền đề đúng đắn.
Phong thuỷ là gì? Phân tích khái niệm phong thuỷ
Phong thủy là một bộ môn khoa học xác định sự phù hợp với cảnh quan môi trường, thiên nhiên hài hòa với cuộc sống con người. Nó thường được hiểu là một phương pháp ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng Đông Phương cổ, dựa trên phương pháp luận của thuyết Âm dương ngũ hành.
Thạc sĩ Hà Mạnh Hùng trong một buổi hội thảo “Phong thuỷ là khoa học” do Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương phối hợp với Hội Đông Nam Á tổ chức cũng có nêu:
Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa: “Thuật xem đất để chọn nơi xây thành quách, cất đình chùa hoặc dựng nhà cửa, đặt mồ mả.”
Về mặt từ nguyên thì:
- Phong có nghĩa là “gió”, là hiện tượng không khí chuyển động.
- Thủy có nghĩa là “nước”, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế.
Kinh viết: Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) thì dừng. Cổ nhân dạy làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do vậy mà có tên là “phong thủy”.
“Khí” là yếu tố quan trọng hàng đầu, cốt tủy trong nghiên cứu phong thủy, là động lực của sự hình thành và phát triển của vạn vật.
Khoa học hiện đại cũng đã ghi nhận sự tồn tại của một dạng vật chất đặc biệt bao quanh vật thể sống, có thể chụp ảnh bằng thiết bị chuyên môn. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu phong thủy Lạc Việt thì cái tên “phong thủy” không nên hiểu đơn giản là gió và nước. Phong thủy Lạc Việt thừa nhận sự tồn tại của “khí” nói chung và “khí” trong phong thủy – một dạng vật chất đặc biệt được hình thành do sự tương tác giữa các vật thể – nói riêng.
Vì sao phong thuỷ bị xem là huyền bí?
Do sự thiếu hụt các tài liệu nghiên cứu khoa học về phong thủy trong một thời gian dài, cùng với những thành kiến duy ý chí về nó đã biến môn này thành một thứ bí ẩn, thậm chí bị coi là một thứ mê tín dị đoan.
Nền khoa học phương Tây đã nhìn nền văn minh phương Đông (bao gồm phong thủy, Đông y và các môn dự báo khác) bằng con mắt huyền bí. Tính huyền bí đó chính là sự ứng dụng có hiệu quả trên thực tế những nguyên lý lý thuyết và hệ thống phương pháp luận để giải thích hiện tượng thì lại mơ hồ.
Các chuyên gia Trung tâm Lý học Đông Phương chia sẻ: “Chúng tôi đã dùng tiêu chí khoa học cho một hệ thống lý thuyết khoa học được coi là đúng làm chuẩn mực để hiệu chỉnh lại toàn bộ những di sản còn lại của môn phong thủy. Căn cứ vào những tiêu chí khoa học để thẩm định, chúng tôi xác định phong thủy Lạc Việt hoàn toàn khoa học.
Ngành phong thủy theo sự nghiên cứu của chúng tôi bao gồm rất nhiều yếu tố tương tác phức tạp. Chúng tôi kết luận, cái gọi là 4 trường phái trong phong thủy theo cổ thư chữ Hán thực chất là 4 yếu tố tương tác căn bản.
- Một là, loan đầu – tức cảnh quan môi trường;
- Hai là, hình lý dương trạch – tức cấu trúc hình thể ngôi nhà;
- Ba là, bát trạch – tức ảnh hưởng của từ trường trái đất;
- Bốn là, huyền không – thời gian xây cất, hoàn thành ngôi gia trong mối liện hệ với môi trường vũ trụ.”
Tất cả những mô hình biểu kiến này đều phải thỏa mãn một thực tế là “khí” phải ung mãn đối với ngôi nhà trong môi trường của nó. Sau khi thỏa mãn tất cả những điều kiện nói trên thì các vấn đề như bài trí nội thất, đá phong thủy,… mới phát huy tác dụng trong điều kiện phù hợp với tổng thể của nó.
Chính vì phong thủy được coi là khoa học cho nên nó có tác dụng như thuốc vậy.
- Nếu phong thủy không phù hợp: thì như uống phải thuốc độc.
- Nếu phong thủy tốt: thì như uống thuốc bổ.
Uống thuốc bổ không thay đổi được số phận, nhưng rõ ràng thay đổi được định lượng của cuộc sống. Còn uống nhầm thuốc độc, chắc chắn sẽ rất phiền.
Phong thủy Đông Phương ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng không phải là yếu tố kĩ thuật xử lý vật liệu, độ bền kết cấu trong xây dựng mang tính trực quan, mà nó có tính hệ thống cấu trúc những nguyên tắc, quy định về các yếu tố địa lý, khí tượng, môi trường sinh thái học, cảnh quan và kiến trúc hình thể.
Việc xác minh bản chất khoa học của Phong thủy mà các nhà nghiên cứu đưa ra dựa trên việc xem xét tính hệ thống – lịch sử; tính nhất quán – hợp lý dựa trên nội dung cấu trúc trong phương pháp luận, tính tiên tri – thể hiện tính quy luật của phương pháp được nhận thức; tính khách quan – khả năng phản ánh thực tại và sự giải thích thực tại theo khái niệm của nó.
Khoa phong thủy xác định những tiêu chí, nguyên tắc, quy ước dựa trên thực tại khách quan trong kiến trúc và xây dựng cổ xưa, nhưng không phủ nhận những tri thức và tiêu chí, yêu cầu trong kiến trúc hiện đại.
Phục hồi khoa Phong thuỷ từ việc hiệu chỉnh & hoàn thiện cổ thư chữ Hán
Nhóm nghiên cứu Trung tâm Lý học Đông Phương đã tìm ra những điểm sai lệch và thất truyền từ nguyên lý căn để của Phong thủy trong cổ thư chữ Hán – gọi là “Hậu Thiên Văn Vương phối Lạc Thư”.
Sau khi hiệu chỉnh lại nguyên lý căn để của phương pháp nói trên thành “Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ”, nhóm nghiên cứu đã từng bước hệ thống và phục hồi lại toàn bộ thuyết Âm dương ngũ hành, trong đó có khoa Phong thủy.
Đây chính cơ sở đối chiếu để tìm hiểu, giải thích sự vận động, tương tác có tính quy luật vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống con người.
Như có chia sẻ một phần ở nội dung phía trên, đối với khoa Phong thủy, những phát hiện rời rạc trong lịch sử văn minh Hán, thực chất là những phương pháp ứng dụng cụ thể của từng trạng thái tương tác gây ảnh hưởng đến cuộc sống con người:
- Trường phái Loan đầu: Tương tác của cảnh quan môi tường thiên nhiên lên quanh khu nhà.
- Trường phái Bát trạch: Tương tác của từ trường trái đất lên vị trí nhà và ảnh hưởng đến con người.
- Trường phái Dương tạch tam yếu: Tương tác của cấu trúc ngôi nhà liên quan đến môi trường và con người.
- Trường phái Huyền không: Tương tác có tính quy luật và chu kỳ của vũ trụ trong bầu không gian của Thái dương hệ.
Tính hệ thống, nhất quán trong Phong thủy Đông phương chỉ được xác định khi phục hồi trên nguyên lý căn để xuyên suốt của thuyết Âm Dương Ngũ hành (Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ).
Nếu không căn cứ trên nguyên lý này thì Phong thủy theo văn bản cổ không có tính hệ thống, nhất quán và không có khả năng phản ánh hợp lý một thực tế khách quan, ngoại trừ hiệu quả ứng dụng.
Ứng dụng Phong thủy trên khắp thế giới
Bên dưới là một vài ví dụ về ứng dụng của phong thủy mà Kiến trúc sư Phạm Cương – Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương tại Hà Nội phân tích. Không phải để “thần bí hóa” phong thủy, mà để khẳng định sự tương đồng của nó với các tri thức kiến trúc hiện đại.
Nhà trắng của nước Mỹ
Vị trí tọa lạc, kết hợp hình thể đẹp đẽ, tỉ lệ hài hòa cùng bố cục đủ cả thanh long, bạch hổ, huyền vũ và chu tước (4 yếu tố trong Phong thủy Loan đầu) đã giúp nó trở thành một tòa nhà có vị thế đáng nể trên thế giới.
Toà nhà quốc hội Singapore
Chúng ta đều biết, Singapore là một nước rất phát triển cả về khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhưng không vì thế mà vấn đề phong thủy bị xem nhẹ. Tòa nhà Chính phủ của nước này đã được thiết kế khá chuẩn mực dưới góc độ phong thủy. Nếu nhìn bề ngoài, ở vị trí thông thường, tòa nhà chỉ hài hòa về đường nét khiến cho chúng ta có một cái nhìn thiện cảm mà chưa có gì đặc biệt mang tính phong thủy.
Đồng thời, nếu sử dụng bản đồ vệ tinh Google, người ta sẽ nhận thấy ý đồ về phong thủy trong công trình này. Tòa nhà được thiết kế theo dạng hình chữ T (theo cách gọi cổ là dạng nhà hình chữ Đinh). Với hình thể này, chúng ta có thể hình tượng ra hình ảnh một con triện và người đưa ra ý tưởng thiết kế đã thêm vào trước mặt con triện đó một vườn hoa hình tròn để tạo nên một con dấu.
Như vậy là đã hoàn thành một chỉnh thể triện và dấu đi cặp với nhau, một biểu tượng về quyền lực và thành công. Những gì diễn ra trên chính trường thế giới đã cho thấy Singapore là đất nước nhỏ bé nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Ở Việt Nam, cũng có những công trình mà theo quan sát của những chuyên gia phong thủy thì thấy cũng có những ý đồ tương tự nhằm tạo nên những hình tượng đẹp và mang ý nghĩa sâu sắc về phong thủy.
Toà nhà Dinh Độc Lập
Quan sát trên hình ảnh từ trên cao, tòa nhà dinh Độc Lập cũng được thiết kế mang hình tượng cái triện và con dấu. Rất có thể đây là một ý đồ của kiến trúc sư, hình tượng này mang ý nghĩa về quyền lực của chế độ cũ.
Tuy nhiên, khi đứng ở góc quan sát bên ngoài thì tòa nhà này lại mang một hình tượng khá xấu xét theo quan điểm phong thủy đó là hình tượng lộ cốt. Vì thế, chủ nhân hoặc người đứng đầu sử dụng công trình này không thịnh vượng lâu dài.
Khách sạn Thắng Lợi ven bờ Hồ Tây, Hà Nội
Đây là địa bàn lý tưởng cho hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Công trình này đứng dưới góc nhìn kiến trúc có thể coi là tiêu biểu, đã từng đạt được những giải thưởng quan trọng và được đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế khách sạn này không thu hút được nhiều khách du lịch.
Về mặt vị trí, nếu so sánh thì khách sạn Thắng Lợi và khách sạn Sheraton (một khách sạn đang ăn nên làm ra) rất gần nhau. Tuy nhiên, lượng khách thì lại có sự khác biệt. Theo quan sát của KTS. Phạm Cương, một phần là do ảnh hưởng của Phong thủy.
Quan sát trên bản đồ vệ tinh, chúng ta nhìn tổng thể khu vực khách sạn Thắng Lợi có hình ảnh của hình chữ thập. Đây là một hình tượng xấu đứng dưới góc nhìn Phong thủy. Với cấu trúc giao nhau như thế này dễ gây các luồng xung khí gây mất đoàn kết nội bộ, từ đó dẫn đến việc kinh doanh kém phát triển. Và điều này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn kinh doanh của khách sạn này.
Đừng khoác lên phong thủy tấm áo thần bí!
Qua các ví dụ điển hình ở trên đã cho thấy tính hiệu quả của phong thủy cùng với sự ứng dụng môn này không chỉ ở Việt Nam hay những quốc gia phương Đông, mà còn ở cả những cường quốc với nền khoa học kỹ thuật vượt trội trên thế giới như Hoa Kỳ.
Đi sâu khám phá về lý thuyết của khoa phong thủy, chúng ta còn thấy những điểm tuơng đồng của chúng với khoa học hiện đại.
Có thể kể đến là môn Vật lý kiến trúc nghiên cứu về sự vận động của gió trong nhà. Theo môn này thì không nên để các cửa thẳng hàng nhau sẽ kém thông thoáng, vi khuẩn yếm khí phát sinh. Còn phong thủy phương Đông ở môn phái Loan đầu cũng có lời khuyên tương tự rằng nếu để ba cửa đối nhau dễ phát sinh tai họa.
Những tỷ lệ vàng trong kiến trúc Tây phương cũng có những nét tương đồng đối với những con số coi là đẹp trong phong thủy Huyền không học.
Phong thủy tương đồng với khoa học hiện đại Tây phương và chúng ta hãy nhìn nhận nó dưới góc độ khoa học và đừng khoác nên nó tấm áo thần bí.