Nghị luận về lòng yêu nước để thấy vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người đều thấp thoáng mang bóng hình của tình yêu quê hương xứ sở. Nghị luận xã hội về lòng yêu nước sẽ thấy đây là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng, đồng thời cũng là truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc ta. Bởi “Dòng suối đổ vào sông, con sông đổ vào trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm và yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (nhà văn I-li-a Ê-ren-bua). Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.VN nghị luận về lòng yêu nước!.
Mở bài: Trải qua muôn vàn những thăng trầm, biến động của lịch sử, đất nước ta mới có được sống trong nền hòa bình, độc lập. Có được cuộc sống tốt đẹp như vậy phải kể đến sự góp sức, sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết và nhất là lòng yêu nước tha thiết của biết bao thế hệ ông cha. Và chắc hẳn, dù ngày xưa hay thời nay thì lòng yêu nước vẫn là một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng và sẽ mãi vẹn nguyên giá trị không bao giờ đổi dời. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết về đất nước thật dung dị qua những vần thơ:
“Em ơi em..
Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”.
Giải thích khái niệm lòng yêu nước là gì?
Yêu nước là một truyền thống đạo đức quý báu và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Có thể hiểu lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước.
Đó là tình yêu luôn được khắc ghi trong trái tim mỗi người đối với tất cả những gì thuộc về đất nước, quê hương như yêu sông núi, làng mạc, xóm thôn, cả con người sinh sống trên dải đất hình chữ S. Tình yêu đối với đất nước có khi sẽ hóa thành hành động và những nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển đất nước.
Biểu hiện của lòng yêu nước trong thời chiến và hòa bình
Khi nghị luận về lòng yêu nước ta thấy, trong cuộc sống, ở mỗi thời đại dường như nhân dân ta đều có những cách riêng để thể hiện lòng yêu nước.
Trong thời kì đất nước ta phải đương đầu với những cuộc chiến tranh khốc liệt thì biểu hiện của lòng yêu nước chính là những hành động có ý nghĩa góp phần đánh đuổi được quân xâm lược và giành được hòa bình cho đất nước.
Cụ thể hơn, đó là việc có rất nhiều những con người không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, giàu nghèo đều xung phong ra trận mạc và cầm súng chiến đấu chống lại quân ngoại xâm. Khi ra ngoài chiến trường những con người ấy đều không ngại những khó khăn, gian khổ và thậm chí có thể hi sinh luôn cả thân thể, tính mạng để có thể chiến đấu với kẻ thù.
Lòng yêu nước không chỉ được thể hiện qua sự anh dũng xung phong ra tiền tuyến đánh giặc mà ngay tại hậu phương, nó vẫn được thể hiện qua cách mọi người nỗ lực tăng gia sản xuất, tạo ra của cải, lương thực và thực phẩm để vận chuyển, chi viện ra cho chiến trường. Trong giai đoạn này, lòng yêu nước được biểu hiện bằng những những hành động vô cùng quyết liệt và mạnh mẽ.
Yêu nước sẽ khiến cho con người không màng đến những lợi ích, sự được mất, sống còn để có thể tình nguyện xông pha, tình nguyện cống hiến hết mình, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” với một niềm tin chắc chắn như Bác Hồ đã từng nói “lòng yêu nước sẽ nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.
Lịch sử Việt Nam qua các cuộc đấu tranh chính là một minh chứng cụ thể cho tinh thần yêu nước của dân tộc. Đất nước ta phải trải qua 1000 năm phong kiến phương Bắc đô hộ, tiếp đó lại phải đương đầu với sự xâm lược của thực dân Pháp kéo dài gần cả 100 năm với vô vàn những mất mát đau thương.
Những thương tổn về tinh thần, thể chất trong giai đoạn chống Pháp chưa kịp liền sẹo thì những đau khổ của cuộc kháng chiến trường kì chống Mĩ suốt 20 năm lại tiếp nối.
Dù phải trải qua những giai đoạn khốc liệt như thế, dù có tấn công Việt Nam bằng lực lượng hùng mạnh, thiết bị tối tân nhưng kẻ thù xâm lược vẫn không tài nào xóa đi cái tên Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Sở dĩ ta có thể chống lại kẻ thù một cách kì diệu như vậy là vì thời đại nào, nhân dân Việt Nam cũng bộc lộ tình yêu nước sâu đậm, thiết tha và khó có thể đếm xuể bao nhiêu trang anh hùng hào kiệt chiến đấu anh dũng và hi sinh vì đất nước. Họ sẵn sàng ra trận và dẫu biết mình có thể hi sinh bất kì lúc nào những vẫn một lòng chiến đấu vì đất nước thân yêu.
Trong thời bình, lòng yêu nước được bộc lộ thông qua những hoạt động hướng tới việc xây dựng và phát triển đất nước. Đó là việc con người tích cực tham gia lao động, sản xuất để có thể mang lại cuộc sống no đủ, đầm ấm của cá nhân, gia đình và tạo nên nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong cuộc sống thường nhật, yêu nước sẽ được biểu hiện qua những nỗ lực không ngừng của con người trong lĩnh vực mà họ được đảm nhiệm, phân công. Bởi lẽ nếu mỗi người đều phấn đấu hết sức vì công việc của mình thì chắc chắn sẽ xúc tiến quá trình phát triển của một tập thể, một cộng đồng và cả đất nước ta.
Nghị luận về lòng yêu nước sẽ thấy, tình cảm thiêng liêng ấy có thể được biểu hiện cụ thể bằng việc con người trân trọng những tình cảm giản dị, gần gũi trong cuộc sống của chính mình. Đó là tình yêu đối với quê cha đất mẹ, tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên và cả tình yêu thương đùm bọc giữa người với người trong cuộc sống.
Dù trong thời kì hòa bình nhưng chắc chắn với sự vận động không ngừng của đời sống thì đất nước sẽ có những vấn đề, những sự kiện quan trọng, lớn nhỏ cần sự quan tâm và chung tay giải quyết của cả cộng đồng. Người yêu nước trong hoàn cảnh này sẽ trăn trở về những vấn đề đó và góp sức mình để cùng với mọi người phát huy hay cải thiện một vấn đề chung của đất nước.
Lòng yêu nước cũng được bộc lộ qua niềm tự hào về dân tộc, đất nước mình. Niềm tự hào ấy được thể hiện qua các tác phẩm văn học nghệ thuật của những người nghệ sĩ bằng những bài hát, bức họa, áng văn, câu thơ… để ca ngợi tinh thần, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc. Niềm tự hào cũng được thể hiện qua cách con người ca ngợi, trân trọng những giá trị tốt đẹp thuộc về tinh thần, phẩm chất của dân tộc.
Một biểu hiện cụ thể chính là việc thế hệ ngày nay luôn lưu giữ lại những kỉ vật của những người anh hùng đã hi sinh tính mạng vì sự sống còn của dân tộc trong các bảo tàng như một cách nhắc nhở và giáo dục con cháu về tinh thần yêu nước, sự dũng cảm trong chiến đấu và sự hi sinh cao đẹp của những con người hết lòng vì đất nước.
Vai trò của lòng yêu nước là gì?
Nghị luận về lòng yêu nước sẽ nhận thấy nó đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người cũng như với mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Lòng yêu nước tạo nên sức mạnh dân tộc, gắn kết con người với nhau, khiến người xích lại gần nhau hơn đồng thời tạo nên sức mạnh tập thể vô cùng lớn lao.
Sức mạnh của tinh thần yêu nước khiến một đất nước nhỏ bé như Việt Nam có thể đánh bại hai tên cường quốc là Pháp và Mỹ. Và cũng chính sức mạnh của lòng yêu nước giúp đất nước ta từ nghèo nàn và lạc hậu sau chiến tranh đang ngày một sánh vai với các cường quốc.
Ý nghĩa của lòng yêu nước? Tại sao phải có lòng yêu nước
Lòng yêu nước được kết tinh từ tấm lòng của của mỗi người sẽ tạo thành một làn sóng mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua muôn trùng những thử thách, gian lao. Nhờ vào lòng yêu nước của hàng triệu trái tim, nhân dân ta đã giúp cho đất nước trải qua những cuộc chiến tranh vô cùng thảm khốc.
Khi đất nước ta đã trở thành một nước độc lập, tự chủ sau chiến thắng vang dội của cách mạng tháng Tám, một khó khăn vô cùng to lớn mà ta phải đối mặt ở phía trước là sự kiệt quệ của nền kinh tế: kho bạc trống rỗng, tiền mặt ở Ngân khố Trung ương chỉ có khoảng 1.250.000 đồng mà trong đó gần một nửa là tiền rách nát.
Thế nhưng, nhờ có lòng yêu nước mà khi chính phủ lập “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ vàng”, nhân dân đã hết lòng ủng hộ để hỗ trợ cho đất nước.
Kết quả thu được thật không ngờ, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, trong vô số những gia đình đóng góp tích cực cho ngân sách quốc gia, có gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đóng góp đến 117 lạng vàng (được biết số tài sản gia đình ông đóng góp từ khi giác ngộ cách mạng đến thời điểm này là 5.147 lạng vàng).
Nhờ vào số tài sản ấy, đất nước ta có thể phần nào vượt qua được những khó khăn trước mắt. Hành động cụ thể trên đây chính là minh chứng tiêu biểu cho tấm lòng yêu nước của nhân dân ta và nó có sức mạnh to lớn trong việc giúp đất nước có thể vượt qua được bất kì thử thách nào.
Yêu nước là một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng mà khi được bồi đắp, nó sẽ mang lại những giá trị tích cực cho cuộc đời mỗi con người. Biết yêu nước, mỗi người sẽ có một bệ đỡ cho đời sống tinh thần của mình. Có một đất nước để dành tình cảm yêu thương con người sẽ biết trân trọng những gì thuộc về xứ sở, quê hương của mình.
Vì sống mà biết dành tình cảm cho một thứ gì đó, con người sẽ thấy có lí do sống tích cực, lạc quan và giúp cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa. Không chỉ vậy khi có một nơi yêu thương để luôn hướng về thì dù cho đi đến bất cứ nơi nào, con người cũng sẽ vững tâm tiến bước vì bản thân luôn có động lực và chỗ dựa về tinh thần.
Nghị luận về lòng yêu nước để thấy từ chỗ dành tình cảm với quê hương, đất nước, mỗi người sẽ có ý thức sống có trách nhiệm hơn. Đó chính là trách nhiệm giúp đất nước có thể được tồn tại bền vững và phát triển không ngừng.
Để làm được điều đó, mỗi người sẽ cố gắng, phấn đấu nỗ lực để hoàn thiện bản thân để từ đó có thể dùng chính thế mạnh, ưu điểm của bản thân để gặt hái những kết quả cao trong công việc mà mình được giao phó. Kết quả đó sẽ là phần đóng góp tạo nên giá trị tích cực cho chính cơ quan, đơn vị sự nghiệp mà mỗi người phục vụ và cũng là nền tảng để giúp đất nước phát triển.
Bài học nhận thức và hành động về trách nhiệm của mỗi cá nhân
Nghị luận về lòng yêu nước ta thấy tình cảm ấy được thể hiện qua rất nhiều những hành động cụ thể ở mỗi một thời kì, giai đoạn và không phải cứ thể hiện những hành động to tát, lớn lao thì mới là yêu nước. mỗi người có thể thể hiện lòng yêu nước bằng những biểu hiện đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa.
Nếu lòng yêu nước có điểm xuất phát là tình yêu đối với thiên nhiên, gia đình, xóm làng, con người… thì mỗi người hãy thể hiện tình yêu nước bằng cách yêu những điều thân thuộc ấy trước đã. Khi bản thân có tình cảm gắn bó với những điều nói trên, tự khắc lòng yêu nước sẽ được bồi đắp trong mỗi người.
Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự chia sẻ và giúp đỡ. Đó có thể là đứa trẻ mồ côi, là người khuyết tật, là những cụ già không nơi nương tựa. Họ là những người rất cần được chia sẻ, yêu thương vì vậy hãy mở rộng tấm lòng để giúp đỡ và yêu thương họ. Sống nhân ái, biết san sẻ yêu thương cũng là hành động thiết thực thể hiện tình yêu nước.
Bên cạnh việc thể hiện tình cảm yêu quý với những điều thân thuộc, gần gũi, người yêu nước sẽ có ý thức hoàn thành thật tốt với nhiệm vụ mình đảm nhiệm để mang lại những thành quả tốt đẹp trong công việc và góp vào sự phát triển của đất nước. Đối với lứa tuổi học sinh, yêu nước chính là nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng để sau này trở thành người công dân có ích cho cộng đồng, xã hội.
Trong xã hội, bên cạnh những con người dành hết tình cảm cho quê hương đất nước lại có những kẻ ra sức phá hoại, chống đối, gây rối để làm đời sống xã hội nước ta trở nên bất ổn. Đây là những trường hợp cần xử lí thật nghiêm khắc để giúp đất nước được bình yên, ổn định.
Kết bài: Lòng yêu nước thật sự là một tình cảm thiêng liêng và rất cần được giữ gìn trong đời sống con người dù là ở thời đại nào đi chăng nữa. Chính tình cảm tốt đẹp ấy sẽ giúp cho mỗi người biết nỗ lực, cống hiến hết mình để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Như Chế Lan Viên từng viết:
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”.
Dàn ý nghị luận xã hội về lòng yêu nước của giới trẻ
Để hiểu thêm về lòng yêu nước cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay, DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý nghị luận về lòng yêu nước.
Mở bài đoạn văn nghị luận về lòng yêu nước
- Giới thiệu về giá trị của lòng yêu nước với cá nhân mỗi người cũng như với đất nước.
- Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận, đồng thời bày tỏ suy nghĩ chung của bản thân.
Thân bài đoạn văn nghị luận xã hội về lòng yêu nước
- Khái niệm về lòng yêu nước là gì?.
- Biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước trong chiến tranh và thời bình.
- Nêu vai trò lớn lao của lòng yêu nước.
- Tìm hiểu ý nghĩa của lòng yêu nước.
- Bài học nhận thức và hành động về trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Kết bài đoạn văn nghị luận về lòng yêu nước
- Nhấn mạnh lòng yêu nước, tinh thần yêu nước của bản thân.
- Khẳng định giá trị cùng ý nghĩa lớn lao của lòng yêu nước.
- Bày tỏ những suy nghĩ của bản thân khi nghị luận về lòng yêu nước.
Có thể thấy, hình ảnh về đất nước về dân tộc đã kết tinh, hóa thân trong mỗi người, trong dòng máu mang tên Việt Nam. Bởi vậy, nghị luận về lòng yêu nước nhắc nhở chúng ta cần sống có trách nhiệm với tinh thần cống hiến đối với sự trường tồn của quê hương xứ sở. Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
Trên đây DINHNGHIA.VN đã giúp bạn có những ý văn hay khi nghị luận xã hội về lòng yêu nước. Hy vọng bạn đã tìm thấy những kiến thức hữu ích trong quá trình tìm hiểu và nghị luận về lòng yêu nước. Chúc bạn luôn học tập tốt!.