Bài này sẽ hướng dẫn cho các bạn cách viết CV tiếng Anh đầy đủ nhất Việt Nam. Mình tin là nếu các bạn thực hiện đúng các hướng dẫn trong bài, cũng như đọc thêm nhiều bài viết khác liên quan của mình, bạn có thể đạt tới tỉ lệ 50% (10 lần gửi CV thì 5 lần được gọi phỏng vấn) ở Việt Nam.
Vì sao mình lại viết bài này? Lí do là mình từng hướng dẫn nhiều bạn, kể cả người đi làm nhiều năm kinh nghiệm lẫn sinh viên, kể cả những bạn đang ở châu Âu hay ở Việt Nam, và nhận ra rất nhiều bạn phạm lỗi cơ bản khi viết CV.
Kết quả là các bạn viết CV không hiệu quả, gửi CV rất nhiều nơi mà bặt vô âm tín. Đặc biệt là ở những thị trường tuyển dụng khốc liệt như phương Tây, nơi bạn phải gửi hàng trăm đơn mới mong tìm được việc. Điều này khiến cho chúng ta nản dần và cảm thấy mình kém cỏi, dần mất tự tin và hoang mang kinh khủng.
Bài này sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn viết CV xin việc bằng tiếng Anh chuẩn chỉnh, cách sử dụng từ vựng viết CV tiếng Anh, và mẫu CV tiếng Anh của chính mình, giúp mình trúng 8 cuộc phỏng vấn trong 4 tháng ở Đức và tìm được việc từ khi còn đang ở Việt Nam.
CV tiếng Anh là gì
CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae (/kʌˈrɪkjʊləm ˈviːtʌɪ/), tiếng Latin của từ “course of life” – hành trình cuộc đời.
CV là tài liệu quan trọng nhất trong bộ hồ sơ tìm việc của bạn (bao gồm đơn xin việc – cover letter, CV, bằng cấp chứng chỉ, thư giới thiệu – reference letter). Các tài liệu khác có thể không có nhưng không thể thiếu CV.
Nên viết CV tiếng Anh hay tiếng Việt
- CV bằng tiếng Việt: Nếu như tiếng Anh của bạn ở trình độ cực kỳ cơ bản (Beginner) và bạn cũng hoàn toàn thoải mái khi làm ở công ty Việt Nam và không có ý định làm ở công ty nước ngoài thì bạn chỉ cần CV bằng tiếng Việt.
- CV bằng tiếng Anh: Khi trình độ tiếng Anh của bạn ở mức trung bình khá trở lên, nôm na IELTS trên 5.5 hoặc TOEIC trên 700, hoặc trên B1, bạn có thể đọc hiểu tiếng Anh ở mức chấp nhận được. Bạn cũng quyết tâm cải thiện tiếng Anh để đi làm ở môi trường công ty nước ngoài / ra nước ngoài sống vì bạn thích môi trường đó hơn, thì bạn rất nên đầu tư vào một bản CV tiếng Anh.
Cái lợi của việc viết CV tiếng Anh chuẩn là nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn “xịn” hơn, kể cả khi đó là công ty Việt Nam. Tuy nhiên nếu bạn ứng tuyển vào một công ty Việt Nam quy mô nhỏ và bạn dự đoán bộ phận Nhân sự của họ hoặc các sếp không biết tiếng Anh thì hãy chỉ dùng CV bằng tiếng Việt thôi.
Ngoài ra khi bạn có một chiếc CV đẹp bằng tiếng Anh thì bạn có thể dùng để tạo hồ sơ LinkedIn. Đây là mạng xã hội dành cho người đi làm trên toàn thế giới với ngôn ngữ sử dụng chung là tiếng Anh. Khi sử dụng LinkedIn, bạn sẽ kết nối với thế giới và rất nhiều nhà tuyển dụng xịn, từ đó tăng cơ hội tìm được việc tốt.
Cách viết CV tiếng Anh
Tiêu chí quan trọng nhất để làm CV tiếng Anh hiệu quả
Nhiều người nghĩ là để CV đạt hiệu quả cao, được gọi đi phỏng vấn nhiều thì phải làm CV tiếng Anh hay, ấn tượng, chuyên nghiệp. Thật ra không phải đâu!
Để mình nói các bạn nghe kinh nghiệm viết CV tiếng Anh của mình.
Việc bạn cần làm với cái CV là: Đảm bảo nó PHÙ HỢP và LIÊN QUAN với nhu cầu của vị trí đó. Có nghĩa là bạn cần viết CV thế nào để PHÙ HỢP và LIÊN QUAN với cái Job Description (bản mô tả công việc).
Làm được điều này, bạn đã tăng xác suất được gọi đi phỏng vấn lên 40% rồi.
>> Xem thêm tại đây: Lí do vì sao PHÙ HỢP với công việc ứng tuyển là yếu tố quan trọng nhất
Bạn từng nghe nhiều người làm HR nói “Tuyển người phù hợp nhất, không tuyển người giỏi nhất” chưa?
Bạn từng thấy nhiều ngôi sao bóng đá được tuyển mộ về một đội bóng và không phù hợp với văn hóa, triết lý và chiến lược bóng đá ở đó, kết quả là cả đội vỡ trận chưa?
Nếu một người rất giỏi và phong cách chỉn chu, đạo mạo, chậm rãi vào làm một công ty startup thì phong cách hai bên phang nhau chan chát. Ngược lại, một người thích sáng tạo và tự do mà bị bắt vào ngân hàng làm thì đúng là thảm họa.
Như bạn thấy, mình lặp đi lặp lại chữ PHÙ HỢP, LIÊN QUAN đúng không? Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn được gọi đi phỏng vấn, và sau đó là giành được công việc.
Ấy thế mà rất ít người làm được điều này nhé. 100% mentee và học viên của mình không biết đây là yếu tố quan trọng nhất và không dành công sức để điều chỉnh CV cho phù hợp với công việc ứng tuyển. (ngạc nhiên chưa?)
>> Xem thêm tại đây: Hướng dẫn chi tiết Cách viết CV tiếng Anh PHÙ HỢP và LIÊN QUAN tới công việc định ứng tuyển
Ngoài ra, đã là CV thì hãy làm cho nó thật ngắn gọn, tối đa 2 trang giấy A4.
Nếu bạn có dưới 3 năm kinh nghiệm thì hãy gói gọn trong 1 trang, còn kể cả 10 – 20 năm kinh nghiệm thì cũng chỉ 2 trang thôi nhé. Bạn có thể đọc thêm ở bài So sánh giữa CV và Resume để hiểu vì sao.
Trình tự các mục trong CV bằng tiếng Anh
Trong một CV bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Việt), bạn thường thấy các mục xuất hiện theo đúng trình tự thế này (mục bôi đậm là mục bắt buộc phải có):
- Contact details (Họ tên và thông tin liên hệ) – bắt buộc
- Interested position (Vị trí công việc hiện tại của bạn hoặc vị trí bạn đang muốn ứng tuyển)
- Profile summary (Mục tiêu nghề nghiệp hoặc tóm tắt sự nghiệp)
- Work experience (Kinh nghiệm làm việc LIÊN QUAN)
- Education and qualifications (Bằng cấp học tập và các chứng chỉ LIÊN QUAN)
- Skills (Các kỹ năng làm việc LIÊN QUAN)
- Areas of expertise (Các kiến thức làm việc LIÊN QUAN)
- Social activities (Các hoạt động xã hội)
- Language (Ngoại ngữ)
Bạn có thấy lạ là không có mục Hobby (sở thích) và Reference (người tham chiếu) không?
Trong CV tiếng Anh thì sở thích thực sự không quan trọng. Nhà tuyển dụng thường không quan tâm sở thích của bạn là gì, trừ khi đó là sở thích cực kỳ liên quan tới công việc của bạn. Và nếu sở thích đã cực kỳ liên quan thì thực chất nó đã trở thành một Skill – kỹ năng rồi.
Còn mục Reference thì thường nếu bạn được shortlisted (trở thành 1 trong 2 – 3 ứng viên vào vòng chung kết) thì họ mới hỏi bạn để liên hệ với người đó kiểm tra thông tin về bạn. Vòng này với nhà tuyển dụng đọc CV tiếng Anh thường rất quan trọng. Mình sẽ viết kỹ trong một bài khác.
Viết phần Thông tin liên hệ – Contact details
Ảnh
Ảnh là thứ không bắt buộc phải có trong CV bằng tiếng Anh, nhưng nếu đã dùng thì phải rất cẩn thận nhé các bạn. Nếu không có ảnh thì không ảnh hưởng gì đến hồ sơ của bạn cả.
Còn nếu đã cho ảnh vào, bạn hãy nhớ là ảnh của bạn trông phải rất pro và long lanh.
Lí do là nhà tuyển dụng nước ngoài hoặc ở các công ty nước ngoài thường khó tính hơn nhà tuyển dụng Việt Nam nhiều và rất lưu ý tới tiểu tiết.
Nếu ảnh của bạn là kiểu ảnh tự selfie, chất lượng không nét, hoặc phong cách đời thường, bánh bèo, không chỉn chu thì bạn sẽ gây ấn tượng rất xấu với nhà tuyển dụng.
Nếu đã muốn đưa ảnh vào CV, bạn nên đầu tư ra studio chụp một vài kiểu ảnh có độ phân giải cao, mặc vest, nhìn long lanh như ảnh LinkedIn của mình đây. Giá thành cũng không hề đắt.
Nếu ở Hà Nội, bạn có thể tham khảo studio Đức Hollywood. Đây là một studio lâu đời, chụp khá nhanh và thợ ảnh hướng dẫn tạo dáng, photoshop ảnh đi làm khá ổn.
Bạn nào đang tìm việc ở châu Âu thì cứ Google chụp ảnh kiểu business thì yên tâm sẽ có những tấm ảnh chất lượng, chỉ là khá đắt thôi.
Thông tin liên hệ – Contact details
Như mình đã nói, muốn viết CV tiếng Anh chuẩn là bạn hãy hình dung: Người đọc của bạn là độc giả khó tính, có thể soi tới những chi tiết rất nhỏ. Vì vậy hãy đảm bảo CV tiếng Anh của bạn không có lấy bất kỳ một lỗi nào.
>> Xem thêm Hướng dẫn viết Thông tin liên hệ cực chi tiết của mình
Thông tin liên hệ trong CV tiếng Anh được viết như sau:
- Tên: Không dấu, tên trước họ sau. Nếu thích bạn có thể cho đệm vào giữa. Tên nên không dấu để giúp cho người đọc CV nếu không biết tiếng Việt thì không bị rối.
- Vị trí bạn đang ứng tuyển
- Các thông tin bắt buộc phải có bao gồm Email và Số điện thoại.
- Ngày tháng năm sinh (Date of Birth): Ở Việt Nam hay Đức thì bạn gần như bắt buộc cần đưa thông tin này vào, ít nhất là năm sinh để nhà tuyển dụng biết bạn bao nhiêu tuổi. Ở UK thì thông tin này lại không cần thiết.
- Địa chỉ (Address)
- Hồ sơ LinkedIn: Không bắt buộc, nhưng nếu có thì tốt, vì chứng tỏ bạn là một “công dân toàn cầu”.
Kinh nghiệm làm việc – Work experience
Kinh nghiệm làm việc là mục quan trọng nhất trong CV. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm gì thì họ mới nhìn Bằng cấp học tập (bởi vì bạn chả có gì để kể), còn nếu bạn đã có kinh nghiệm rồi thì họ quan tâm hàng đầu tới kinh nghiệm làm việc.
Với những người càng đi làm lâu năm (3 năm trở lên), nói thật là họ dành phần lớn quan tâm tới kinh nghiệm làm việc, còn bằng cấp thì miễn bạn tốt nghiệp Đại học là được. Xu hướng hiện nay ở nước ngoài là họ sẽ thích ứng viên có bằng Master hơn.
Là mục quan trọng nhất nên bạn phải đặt mục này ở vị trí đẹp nhất trong CV để người xem mở CV ra cái là đập vào mắt luôn.
(Tip về vị trí của kinh nghiệm làm việc này phải cảm ơn bạn Pheobe Đỗ, một đối tác của Impactus trước từng làm headhunt tại một công ty headhunt lớn của Mỹ tại Việt Nam đã chia sẻ cho mình.)
Vị trí đẹp nhất trong một CV là vị trí sau:
Như bạn thấy, vị trí đẹp nhất trong CV là ở nửa chính giữa của tờ A4 (nếu đó là CV 1 trang). Còn nếu CV 2 trang thì bạn nên đặt phần Kinh nghiệm làm việc ở nửa cuối trang 1 và lan sang 1/3 hoặc 1/2 đầu của trang thứ 2.
Các thông tin cần có trong mỗi kinh nghiệm làm việc (mục in đậm là mục bắt buộc):
Viết về thành tựu – Achievements
Mục này là mục có thể nói là vừa không bắt buộc, lại vừa bắt buộc.
Bạn không cần phải có mục này, nhưng nó lại giúp bạn trở nên nổi bật và cạnh tranh so với các ứng viên khác. Càng với các vị trí ở các công ty có tính cạnh tranh cao, vai trò của mục này lại càng quan trọng.
>> Xem Hướng dẫn cực chi tiết của mình về viết Kinh nghiệm làm việc – Work experience, bao gồm 3 tip hướng dẫn viết Mô tả kinh nghiệm – Responsibilities và cách viết Thành tựu – Achievements trong CV tiếng Anh
Cách viết Objective – Mục tiêu nghề nghiệp trong CV tiếng Anh
Mục này còn có các tên gọi khác:
- Career Summary
- Profile Summary
Mục này được mọi người đánh giá là có hay không cũng được (optional). Tuy nhiên, mình thấy nếu ai biết cách tận dụng mục này thì sẽ tăng độ hiệu quả của CV vì:
- Giúp người đọc CV có đánh giá nhanh về toàn bộ profile của bạn và độ phù hợp của bạn với công việc.
- Nếu nhà tuyển dụng sử dụng công cụ lọc CV (thay vì người lọc), thì mục này cho phép bạn đưa các keyword phù hợp với công việc vào để tăng điểm phù hợp.
Ở châu Âu nhiều nhà tuyển dụng dùng công cụ ATS – Applicant Tracking System. Khi dùng, với mỗi vị trí, HR sẽ sử dụng một số keyword liên quan đến yêu cầu công việc để giúp công cụ lọc CV.
Công thức viết Objective
Mình thấy nhiều bạn viết mục này rất dài dòng, tới 7 – 10 dòng và chung chung, đọc xong không thấy đọng lại thông tin gì cả.
Điển hình các bạn hay viết kiểu: ứng viên trách nhiệm, thông minh, teamwork tốt, v.v. tìm kiếm các cơ hội học hỏi phát triển, nâng cấp bản thân v.v.
Viết như vậy không sai nhưng vì ai cũng viết, nên không giúp bạn trở nên khác biệt.
Khác biệt ở đây không phải là độc nhất, mà đơn giản là khiến bạn đủ khác để nhà tuyển dụng gọi bạn vào vòng phỏng vấn thôi.
Công thức P – P – F khi viết Objective trong CV tiếng Anh:
- Present – hiện tại: 1 câu viết về hiện tại của bạn. Bạn bao nhiêu tuổi, hiện đang làm gì, 1 – 2 đặc trưng của bạn.
Ví dụ: A young marketer with a strong interest in customer insights and digital marketing landscape.
- Past – quá khứ: 1 câu tóm tắt lịch sử công việc của bạn.
Ví dụ: 3 years of experience in Market Research, content creation and content plan development in retail and banking industries.
- Future – tương lai: 1 câu về định hướng của bạn trong tương lai gần. Định hướng này phải phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ: Looking for opportunity to advance my Digital Marketing skills and develop management skills in a global retailer. (và công việc bạn đang ứng tuyển thuộc ngành Retail)
Bạn phải cụ thể như vậy, chứ đừng dùng mấy từ chung chung, không thì những gì bạn viết không có giá trị.
>> Xem Hướng dẫn cực chi tiết của mình về viết Objective và mô tả Trình độ học vấn – Education & Qualifications trong CV tiếng Anh
Cách viết mục Kỹ năng – Skills trong CV tiếng Anh
Phần này mình đặc biệt khuyến khích các bạn đang tìm việc ở châu Âu lưu tâm và chăm chút.
Nhu cầu của nhà tuyển dụng châu Âu đi rất cụ thể và sâu về chuyên môn, nên bạn cần thể hiện năng lực và kiến thức chuyên môn của bạn có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Điều này khác với nhà tuyển dụng ở Việt Nam. Nhiều khi ứng viên tỏ ra thông minh sáng láng, thái độ tốt là cũng chấp nhận. “Tuyển vào rồi đào tạo dần” – đây là tư duy phổ biến ở Việt Nam.
Còn ở châu Âu, họ tuyển là họ biết chắc chắn ứng viên đó vào sẽ làm được việc luôn. Có hướng dẫn thì cũng chỉ là cung cấp thông tin sản phẩm, quy trình nội bộ, văn hóa v.v. mà thôi.
Bạn nên viết gì trong mục Kỹ năng?
Tập trung vào hard skills của bạn. Đọc thêm bài này để hiểu kỹ hơn về hard skills.
Hard skills là các kỹ năng chuyên môn đặc trưng cho loại công việc bạn làm. Nếu không có kỹ năng chuyên môn, bạn không thể đảm đương được việc đó.
Ví dụ về hard skills:
- Bác sỹ thì phải biết phẫu thuật, đọc bệnh án, khám bệnh v.v.
- Lập trình viên thì phải biết viết code, biết lập trình các loại ngôn ngữ khác nhau như PHP, Python v.v.
- Digital marketer thì phải biết làm SEO, SEM, SEA v.v.
Nếu bạn tự hỏi: “không biết mình có những hard skills gì nhỉ”, bạn có thể Google các yêu cầu về kỹ năng của một người làm công việc của bạn cần có và đối chiếu.
Bạn nên đưa 5 – 7 hard skills liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển vào.
>> Xem Hướng dẫn cực chi tiết của mình về viết mục Kỹ năng – Skills và 3 mục phụ khác trong CV tiếng Anh
Từ vựng viết CV tiếng Anh
Chia động từ trong CV tiếng Anh
- Với công việc hiện tại: V-ing hoặc V thường, tức là dùng động từ nguyên, không chia hoặc thêm đuôi “ing” sau động từ. Ví dụ: Lead / leading project ABC ….
- Với công việc trong quá khứ: V-ed, tức là chia động từ quá khứ. Rất nhiều bạn, kể cả tiếng Anh tốt, cũng không thực sự biết điều này, hoặc chia động từ sai. Như vậy nhìn CV bị lỗi chính tả rất buồn cười và thiếu chuyên nghiệp.
Sử dụng các động từ mạnh – Action verbs khi viết CV tiếng Anh
Phần này là phần mình nghĩ là nhiều người không giỏi viết CV tiếng Anh sẽ cảm thấy thiếu tự tin, cảm thấy CV của mình không “hay”, không “ấn tượng”.
Vậy tip rất dễ áp dụng cho các bạn để viết CV tiếng Anh hay, ấn tượng là tận dụng các động từ mạnh như “manage”, “lead”, “design” v.v. thay vì các từ như “responsible for”, “do”, “make” v.v.
Hiện tại có rất nhiều trang cung cấp danh sách các động từ mạnh, phù hợp với các công việc khác nhau cho bạn tham khảo như của The Muse, Indeed, Zety hay Novoresume v.v.
Trên đây là tâm huyết và tích lũy của hơn 10 kinh nghiệm viết CV của mình. Rất mong nó có ích cho các bạn. Nếu các bạn có câu hỏi gì, đừng ngại đặt cho mình qua Facebook page của mình hoặc email vominhngoc85@gmail.com nhé.