Contents
Ý nghĩa của việc tụng Kinh Địa Tạng
Kinh Địa Tạng (Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện) là một bộ kinh nói về công đức, oai lực của Địa Tạng Vương được các chùa chiền tự viên ở nhiều quốc gia theo khuynh hướng Đại Thừa khai tụng trong suốt tháng 7 âm lịch, nhất là vào lễ Vu Lan. Bộ Kinh này đã được Hòa Thượng Trí Tịnh dịch từ tiếng Hán Tạng ra tiếng Việt.
Kinh Địa Tạng do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi (tức là từng trời thứ hai trong 6 từng trời của cõi Dục giới nơi mà Thánh Ma Giác, mẫu thân của Đức Phật đã thác sinh về đây sau khi hạ sinh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, để cảm ơn đức sinh thành, Đức Phật đã diễn nói kinh Địa Tạng tại pháp hội ở cung trời này. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật với đấng sinh thành.
Nội dung chính của Kinh Địa Tạng xoay quanh chữ Hiếu, nói lên bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã quá vãng, cũng như nêu bật lên những tội phúc quả báo ở kiếp sống kia để Phật tử nương theo kinh này dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Bồ Tát Địa Tạng để tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như chúng sinh đã quá vãng khỏi rơi vào đường ác.
Theo giáo lý nhà Phật, công năng và oai lực của Địa Tạng Vương bao trùm khắp 3 cõi Trời, Người và cõi âm. Do đó, việc tụng Kinh Địa Tạng và tu tập theo lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng mang lại nhiều ý nghĩa đối với các Phật tử:
Đối với kiếp sau: Thoát khỏi nữ thân; được thân xinh đẹp; được thoát kiếp nô lệ.
Trước phút lâm chung: Kinh Địa Tạng có thể xem là cuốn kinh gối đầu cho Phật tử khi đối diện với hoàn cảnh người thân yêu sắp lâm chung. Phật tử có thể đọc kinh, giúp cho người sắp lâm chung đi đúng đường, không bị ma quỷ dẫn lối lầm đường sai lối….
Trước phút lâm chung: Kinh Địa Tạng có thể xem là cuốn kinh gối đầu cho Phật tử khi đối diện với hoàn cảnh người thân yêu sắp lâm chung. Phật tử có thể đọc kinh, giúp cho người sắp lâm chung đi đúng đường, không bị ma quỷ dẫn lối lầm đường sai lối….
Trong cuộc sống hiện tại: Tu tập Kinh Địa Tạng giúp tất cả các hoạn nạn đều dần dần tiêu tan, thoát khỏi nghiệp chướng, tai ương.
Với người quá vãng: Siêu độ vong linh; gặp lại người quá vãng.
Theo lời Phật, Kinh Địa Tạng muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình.
Cách tụng Kinh Địa Tạng
Dưới đây là nghi lễ tụng Kinh Địa Tạng mà các Phật tử có thể tham khảo:
NGUYỆN HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác. (1 tiếng chuông)
Nam mô Bồ Tát Hương Cúng Dường.
(3 lần) (3 tiếng chuông)
KHẤN NGUYỆN
(Quỳ chắp tay khấn Tam Bảo cùng chư Thiên, thiện Thần chứng minh)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư vị Hộ Pháp, Thiện Thần, Thần Linh ủng hộ cho chúng con.
Đệ tử con tên là:… Pháp danh:… Hiện đang ở tại:…………………. hôm nay là ngày… tháng… năm… Con một lòng nương tựa Tam Bảo, con xin thực hành nghi lễ sám hối và tụng kinh… để cho con được hiểu lời Phật dạy, rèn sửa thân tâm, tu tập hóa giải nghiệp chướng, tăng trưởng phúc lành, trí tuệ khai minh.
Chúng con cũng nương oai lực của Tam Bảo, oai đức của chư Tăng chùa Ba Vàng mà nhất tâm cung thỉnh chư Thiên, chư Thần cùng các vong linh (đọc vong linh mà mình muốn mời):… hoan hỉ về tại đàn tràng, cùng với chúng con nghe kinh.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
TÁN PHẬT
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loài
Quy y trọn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kì
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận. (1 tiếng chuông)
QUÁN TƯỞNG
Phật chúng sinh tính thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1 tiếng chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 tiếng chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 tiếng chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 tiếng chuông)
Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô Đông Phương Giáo chủ Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Nhất Thiết Thánh Chúng. (3 tiếng chuông)
VĂN PHÁT NGUYỆN
Lạy đấng Tam Giới Tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Thọ trì kinh Địa Tạng.
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ tam đồ,
Nếu có kẻ thấy nghe
Đều phát Bồ Đề tâm
Hết một báo thân này
Sinh qua cõi Cực Lạc. (1 tiếng chuông)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. (3 tiếng chuông)
TÁN PHÁP
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô U Minh Giáo chủ Đại Từ – Đại Bi – Đại Nguyện Cứu Bạt Minh Đồ Bản Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần) (3 tiếng chuông)
PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN
Đệ tử chúng con tùy thuận tu tập mười nguyện lớn của đức Phổ Hiền Bồ Tát:
Một là kính lễ chư Phật
Hai là xưng tán Như Lai
Ba là rộng tu cúng dường
Bốn là sám hối nghiệp chướng
Năm là tùy hỷ công đức
Sáu là thỉnh Phật chuyển Pháp
Bảy là thỉnh Phật trụ thế
Tám là thường theo học Phật
Chín là hằng thuận chúng sinh
Mười là hồi hướng khắp tất cả. (3 tiếng chuông)
PHỤC NGUYỆN
(Dành cho Chư Tăng)
Chúng con nguyện đem công đức tu hành thật có trong ngày hôm nay, đối với thân: Thực hành thiểu dục tri túc, đối với khẩu: Nói lời thanh tịnh xa rời các dục, đối với ý: Thường tư duy Chính Pháp. Nguyện cho các tín chủ… cùng tất cả Phật tử hiện tại trong đạo tràng đã phát tâm cúng dường và tu tập, tùy theo phúc báu của mình mà được bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, lòng tin nơi Tam Bảo ngày càng sâu, tâm từ bi đối với chúng sinh tăng trưởng. (1 tiếng chuông)
Nguyện cho các vong linh… tùy theo phúc báu cúng dường và tu tập của các tín chủ mà được phát tâm giác tỉnh, lìa khổ u minh, khởi niệm từ bi, xa lìa đường khổ, tin sâu Tam Bảo, sinh về nơi cõi Phật an vui. (1 tiếng chuông)
Nguyện cho: Nước nhà có phúc, dân tộc trung kiên, trí đức tròn đầy nhân tâm hòa lạc, già trẻ kính nhường, trí ngu chẳng nghịch, mọi người chung sức, giúp nước an dân, người vật cùng hưởng.
Lại nguyện: Dòng giống Việt Nam, khác thể tâm đồng, quay về nguồn xưa, phát minh bản địa, mong cho ba nghiệp chóng tiêu, chân tâm tỏ rõ, quốc độ thanh bình, đạo đời yên ổn. (1 tiếng chuông)
Khắp nguyện: Phước ban tất cả đức độ quần sinh, Phật Pháp thịnh hưng, tam đồ dứt sạch.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. (3 tiếng chuông)
PHỤC NGUYỆN
(Dành cho Phật tử)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng chứng minh và gia hộ cho chúng con; chư Thiên, Thiện Thần, Hộ Pháp hoan hỉ ủng hộ cho chúng con. (1 tiếng chuông)
Chúng con nguyện mang công đức sám hối, tụng kinh ngày hôm nay của chúng con cầu cho tất cả các chúng chư Thiên, chư Thần Linh, chư vong linh có nhân duyên về trong pháp hội được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật. (1 tiếng chuông)
Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành đến cho… (tên……… nguyện gì đọc nấy…….), cho gia đình chúng con (nguyện gì đọc nấy)………….. và cùng nhau tinh tấn tu hành theo Chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.
Chúng con cũng xin hồi hướng công đức này cho hương linh………. mất ngày……… hưởng thọ……… an táng tại………… cùng các hương linh gia tiên, các hương linh có duyên với pháp hội được chuyển hóa tâm thức, khởi các niệm từ bi, xả bỏ ái chấp, phát nguyện tu hành để sớm được thoát khổ.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 xá)
HỒI HƯỚNG
Công phu công đức có bao nhiêu,
Con xin lấy đó hồi hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn. (1 tiếng chuông)
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo. (1 tiếng chuông)
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng giác. (3 tiếng chuông)
TAM TỰ QUY
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 tiếng chuông)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 tiếng chuông)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 tiếng chuông)
Cần chuẩn bị gì trước khi tụng Kinh Địa Tạng?
Lời khuyên cho các Phật tử, mỗi ngày tụng hết 01 bộ Kinh Địa Tạng (đủ cả 3 quyển thượng, trung và hạ), hoặc ít nhất 01 ngày chia làm 2 thời (thời sáng tụng phần nghi lễ từ trang số 5 đến hết quyển thượng trang số 89. Sau đó mở trang 228 cho đến hết. Thời tối tụng quyển trung và quyển hạ. Bắt đầu từ trang số 5 đến trang 12. Sau đó đọc từ trang 90 đến hết). Tụng đủ 21 đến 100 ngày (hoặc tụng cho đến khi nào đủ 21 bộ hoặc 100 bộ).
Trong 21 ngày đến 100 ngày này, Phật tử cần phải thực hiện đúng các điều sau đây:
- Cần phải ăn chay (Không ăn chay trường thì phải ăn được 10 ngày trai như trong Kinh dạy)
- Không ăn hành, hẹ, tỏi, kiệu cùng với lại hành tây.
- Không được dùng nước mắm làm gia vị, hạt nêm từ thịt ngoại trừ hạt nêm từ nấm chay, muối gia vị đều có hành tỏi.
- Trong gia đình không được sát sinh, không ăn các loại mì tôm ngoại trừ mì chay vì trong các loại mì đều có hàm lượng nhỏ thịt và mỡ động vật. Không ăn các loại sữa từ động vật và mật ong.
Trường hợp cả gia đình không thực hiện được như vậy thì riêng người đọc tụng Kinh Địa Tạng vẫn phải duy trì những điều đã được hướng dẫn ở trên. Người trong gia đình có ăn thịt, cá… phải ra chợ mua đồ đã làm sẵn).
Cố gắng phóng sinh ít nhất 1 tháng 2 lần hoặc phóng sinh vào 10 ngày trai như trong Kinh Địa Tạng đã dạy. (khi mua đồ phóng sinh gặp con gì có duyên thì mua con đấy, không kì kèo mặc cả, chỉ nói mua phóng sinh, mua theo điều kiện kinh tế của gia đình). Cố gắng chuyên tâm niệm Phật cho tới khi thả phóng sinh. Sau đó hồi hướng cho tên người mà mình cần hồi hướng.
Những ngày hành trì tụng kinh Địa Tạng này, trên ban thờ luôn phải có hoa tươi, bánh kẹo hoặc quả tươi (tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà dâng cúng nhiều hay ít).
Mỗi buổi sáng dâng lên ban thờ 7 chén nước sạch và thay nước cắm hoa (thay hoa mới khi hoa cũ đã héo). Ban thờ phải luôn sạch sẽ, trang nghiêm.
Sáng sớm ngày hôm sau, xin 1 chén nước ở chính giữa ban thờ (trong 7 chén đã dâng) rồi xin chư Phật, chư Bồ Tát và Bồ Tát Địa Tạng như sau: “Cho con xin chén nước tịnh thủy đã được dâng cúng dàng lên chư Phật, chư Bồ Tát để vảy xung quanh khu đất nhà con. Nguyện cho chư vị Thần Linh, Thổ Địa, Vong Linh, Hương Linh. Anh Linh, Âm Binh và các Chúng Sinh trên khu đất này khi được nước tịnh thủy này rưới lên sẽ sớm được siêu thăng về cảnh giới tốt lành hoặc sớm đi đầu thai thoát hóa”.
Sáu chén còn lại, nếu trong nhà có người ốm thì lấy 1 đến 2 cốc cho người bệnh uống cùng với thuốc hoặc uống thay nước vào buổi sáng (khi uống quay mặt về hướng Nam cung kính thưa: “Con xin Bồ Tát Địa Tạng cho con uống nước này, sau khi uống con sẽ sớm được lành bệnh hoặc sớm gặp Thầy, gặp thuốc). Còn 4 chén còn lại thì mang nấu cơm, canh hoặc cho vào bình nước cho cả gia đình dùng chung, để những người trong gia đình mát mẻ và mạnh khỏe.
Lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng rất thâm sâu và vi diệu, mà nếu chỉ đọc qua một hai lần chúng ta khó có thể hiểu hết được. Do đó, khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Đức Phật dạy.
Đối với Kinh Địa Tạng cũng có cách tụng riêng biệt. Việc tụng Kinh Địa không chỉ giúp cho người còn sống được yên tâm, gia đình hòa thuận, bình yên. Tụng Kinh Địa Tạng trong ngày lễ tang, trong gia đình có người mất sẽ giúp họ được hướng dẫn trên con đường đi vào luân hồi. Chính vì thế tùy vào từng gia chủ và hoàn cảnh có những cách tụng Kinh Địa Tạng khác nhau.
Trước khi tụng Kinh Địa Tạng, ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải trang nghiêm. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho thẳng. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe.
Điều quan trọng khi tụng Kinh Địa Tạng là phải thể nhập được những ý nghĩa trong Kinh và ứng dụng, thực hành trong đời sống. Khi tụng Kinh Địa Tạng mà không phá trừ được kiêu mạn, không thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.
Với các Phật tử, việc tụng Kinh Địa Tạng ở chùa thì sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Bởi nơi đây có sự trang nghiêm và yên tĩnh, khi đọc Kinh ta dễ chú tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Nhờ vậy mà tam nghiệp thanh tịnh, mắt chỉ đọc Kinh, thân ngồi trang nghiêm và ý nghĩa ý nghĩa thâm sâu trong từng lời kinh. Theo đó, sẽ mang lại công đức lớn.
Hơn nữa, khi tụng Kinh Địa Tạng ở chùa nếu có những chỗ không hiểu thì có chư Tăng giảng giải cho hiểu hơn. Tụng kinh ở nhà sẽ thiếu một trong ba hình tướng của Tam Bảo đó là chư Tăng.
Khi về chùa tụng Kinh có chư Tăng, có đông Phật tử tụng Kinh, ý nghĩa thâm sâu của Kinh Địa Tạng càng được vang vọng đi khắp, đi sâu vào tâm thức của mình, làm cho sức mạnh tâm linh vững mạnh, cảm thấy niềm an lạc và tự tâm mình thấu hiểu được ý nghĩa của Kinh Địa Tạng.
Có như thế, trí tuệ ta ngày càng sáng suốt, tam độc tham, sân, si ngày càng thưa mỏng, nghiệp chướng ngày càng tiêu trừ, những vọng tưởng điên đảo ngày càng giảm thiểu. Lúc ấy, Ngài Bồ Tát Địa Tạng sẽ xuất hiện, cửa địa ngục tham, sân, si sẽ bị phá, cứu vớt chúng ta và tất cả muôn loài chúng sinh khỏi địa ngục.
Xem thêm: 28 ân đức và lợi ích của thiền theo lời Phật