Các bài văn nghị luận xã hội ôn thi THPT Quốc gia mang tới cho các em học sinh lớp 12 những dạng đề thường gặp trong đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT, để biết cách viết đoạn văn, bài văn ngày một hay hơn. Vậy sau đây là nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
Contents
Bài văn nghị luận xã hội hay thi THPT Quốc gia
1. Đề: Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
Bài làm 1:
Khi sinh ra, bản năng sinh tồn là cái mà mỗi con vật có được. Chúng có thể đứng lên bằng chính đôi chân mình có thể chạy nhảy. Tạo hoá đã ưu ái ban cho chúng những khả năng kì diệu đó. Nhưng con người thì khác khi sinh ra tiếng khóc chào đời là tất cả những gì họ có được. Tiếng oa oa cất lên chỉ đơn giản cho mọi người biết một mầm sống mới đã ra đời. Những mầm sống đó sẽ ra sao? Và tương lai của nó sẽ như thế nào. Cuộc sống phía trước là của chính nó và do nó quyết định. Giống như một nhà triết học đã nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”.
“Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả” Thoạt đầu câu nói này có vẻ vô lý nhưng khi để ý từng câu từng chữ thì đây đúng là một quy luật của tự nhiên. Điều rõ ràng nhất ta có thể thấy được chính là thú non của một giống loài nào đó khi sinh ra đều mang tất cả những đặc điểm hình thái và cả tính chất của bố mẹ. Mèo con vừa mới sinh ra đã được thừa hưởng tất cả những đặc điểm của mèo bố mẹ. Màu lông bao phủ cơ thể giống với bố hoặc mẹ móng vuốt sắc nhọn phục vụ cho thói quen bắt chuột sau này. Hay một đàn rùa con vừa cắn đứt vỏ trứng chui ra ngoài về với biển khơi nhưng tại sao thú non yếu ớt như vậy làm sao bơi được trong dòng nước lạnh lẽo kia nhưng mẹ tạo hoá đã ban cho chúng khả năng đó hai chân như hai mái chèo có thể di chuyển dễ dàng trong làn nước. Những khả năng đặc biệt đó chỉ có thể thấy ở loài vật sống trên Trái đất.
Nhưng còn con người thì sao? Một cô bé hay cậu bé vừa chào đời trông bụ bẫm kháu khỉnh nhưng không ai có thể nhìn nó mà đoán biết được bố mẹ nó là ai. Cơ thể yếu ớt kia không thể nào tự chống chọi với những khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài. Không như những con vật khi mở mắt thấy ánh sáng mặt trời cũng là lúc chúng phải bươn chải lo cho cuộc sống của mình. Cũng có những giống loài được sự chăm sóc của bố mẹ nhưng theo năm tháng chúng sẽ tự lập và có thể không bao giờ được gặp lại bố mẹ nữa. khác rất nhiều so với con người. Con người chúng ta ngay từ khi sinh ra tuy không sở hữu bất cứ thứ gì nhưng đã được đón nhận bao nhiêu tình thương yêu dịu dàng của mẹ và sự chăm sóc chu đáo của cha… Theo thời gian chúng ta lớn lên từng ngày trong vòng tay ấm áp đó.
Cuộc sống thì không bao giờ êm dịu như vậy và luôn trớ trêu với nhiều người. Nhiều đứa bé sinh ra không biết mặt cha và cũng không biết thế nào là ngọt nào của sữa mẹ. Nhưng chúng cũng lớn lên theo năm tháng và trở thành một công dân của một đất nước nhưng tương lai và cuộc sống thì bị chôn sâu trong bốn bức tường của sự bất hạnh và cô đơn.
Vừa lọt lòng mỗi người không là gì cả và cũng có những số phận bất hạnh không có quyền được biết đấng sinh thành ra mình. Nhưng không vì thế mà tương lai và cuộc sống kia trở nên mù mịt và tối tăm. và họ không có cái quyền được mơ ước hay hi vọng. và tương lai tươi sáng, thành công và vinh quang se không bao giờ thuộc về họ. vì tất cả những mơ ước cao đẹp ấy không phải được quyết định bởi hoàn cảnh sinh ra mà chính là do ý chí quyết tâm của mỗi người.
“Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Vế sau câu nói của nhà triết học như một lời khuyên cho chúng ta. phải luôn biết vươn lên trong cuộc sống, phải có hoài bão và lý tưởng và vạch ra một mục đích rõ ràng cho cuộc sống bản thân. Không bao giờ biết chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
Thanh niên ngày nay không chỉ vùi đầu vào sách vở như đàn anh lớp trước. Cuộc sống hiện đại khoa học kĩ thuật tiến bộ thói quen hằng ngày không gói gọn trong bốn bức tường chỉ có học học và học. Thời gian hằng ngày dường như được mở rộng hơn với rất nhiều những hoạt động thú vị. như chiến dịch mùa hè xanh. Thanh niên được tự do vô tư đến những vùng khó khăn giúp đỡ nhân dân nghèo vùng sâu vùng xa hay những chuyến đi ngắn ngày chỉ đơn giản là chia sẻ quà bánh cho những trẻ em ở những làng trẻ mồ côi, tất cả đều xuất phát từ lòng tình nguyện và sự yêu thương giống nòi. Thanh niên ngày nay không chỉ học tập tốt lao động tốt mà còn có cả lòng nhân ái khoan dung. Những điều kiện đó chính là nền tảng cho sự thành công sau này. Sự thành công đó họ đạt được là do chính đôi tay và khối óc của họ không dựa dẫm vào bất cứ ai……”Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hành động liên tục và bền bỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh. ” Quả thật như cau danh ngôn con người có thể đạt được tất cả khi có khát vọng bạn chi thật sự thất bại khi bạn từ bỏ khi ước mơ và cố gắng.
Nhưng những ý chí quyết tâm kia không phải lúc nào cũng mỉm cười với mọi người và sẽ không tìm đến bất cứ ai, chỉ có những người luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống vượt qua mọi khó khăn và đến lúc những khó khăn kia ko làm chùn bước họ thì chính là lúc họ tím được những hạnh phúc và những khám phá bổ ích cho bản thân. Và có một số đông sẽ không bao giờ khám phá ra những chân lý đó vì sự bi quan luôn yếu lòng trước những khó khăn vấp phải. Thất bại là khởi đầu của sự thành công và thất bại chỉ là thành công khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện mình.
Con người khi sinh ra không là gì cả chỉ là mầm sống mới được sinh ra chỉ là một đứa trẻ sơ sinh không tên tuổi, Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực không ngừng lòng quyết tâm bền bỉ và ý chí vươn lên thì mầm sống ấy sẽ lớn lên và sinh hoa kết trai góp cho đời những hương sắc. Và khi chết đi họ đã có được tất cả mặc dù không còn trên cõi đời này nữa.
“Tạo lập! Xây dựng! Phục vụ! Đó là những mệnh lệnh của thiên nhiên. Hãy làm theo những mệnh lệnh đó, và bạn sẽ thấy sự giàu sang và phong phú của vũ trụ là vô tận.” hãy sống hết mình và không ngừng phấn đấu bạn sẽ tìm thấy được tất cả và làm chủ mọi thứ vì “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. mà. không phải do ai khác sắp đặt hay ép buộc và tự do chính là trang mà chúng ta có được.
Bài làm 2:
Trên thế giới, có rất nhiều người đã đạt được thành công của riêng mình, họ đều có bí quyết, nhưng họ cũng không ngần ngại mà chia sẻ cho mọi người để học tập theo. Công thức thành công của họ cũng vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được: “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”.
Thành công là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được. Khi thành công, con người ta sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc với chính bản thân mình. Muốn thành công đến, thì bạn ít nhất cũng phải trang bị cho chính mình hai yếu tố: Cố gắng hết sức và luôn hoàn thiện bản thân.
Cố gắng hết sức là khi bạn không bao giờ bỏ cuộc khi khó khăn ập tới, luôn tìm ra những cách giải quyết để vượt qua những thử thách đó. Bởi hành trình để đến thành công vô cùng gian lao và vất vả, hết khó khăn này, khó khăn kia lại kéo đến, cứ chồng chất lên nhau. Thất bại không chỉ đến lần một, lần hai mà còn nhiều hơn thế nữa, vậy nên bạn vẫn phải tiếp tục đối mặt, bền bỉ, kiên trì mà vượt qua nó. Kết hợp với sự cố gắng đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hoàn thiện bản thân mình. Dù bạn có cố gắng tới mức nào mà không chịu hoàn thiện bản thân, thì thành công cũng khó mà đến nhanh với bạn được. Vì sao? Vì xã hội ngày càng phát triển, con người ta không thể chỉ giỏi về một lĩnh vực mà có thể thành công ngay được, bạn cần phải có những kỹ năng mềm cần thiết như sự tự tin, tinh thần tự lực tự cường,… Rồi không ngừng trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi sáng tạo ra cái mới để làm sao phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Khi bạn nắm vững được kiến thức cơ bản này hãy bắt tay vào hành động tức khắc, rồi thành công sẽ gõ cửa.
Có rất nhiều tấm gương về quá trình dẫn đến thành công, Bác Hồ thân yêu của chúng ta là một trong những tấm gương sáng đó. Người đã phải trải qua bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài, nhiều lần bị bắt vào tù, nhưng Người không hề nản chí mà vẫn tiếp tục đấu tranh tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Trong những năm tháng đó, Người cũng không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, học tập nhiều cái mới của đất nước phát triển để áp dụng cho dân tộc mình. Hay một nhân vật đang rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay, ông Jack Ma – một tỷ phú người Trung Quốc, là người đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại. Ông trượt đại học hai lần, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ôn thi tiếp và đỗ. Sau khi tốt nghiệp, ông đã nộp đơn cho hơn 30 công việc và lại bị từ chối tiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, ông tiếp tục nỗ lực và phát triển công ty của chính mình và giờ nó trở thành một tập đoàn lớn mạnh của Trung Quốc. Bác Hồ hay Jack Ma hay những người thành công khác, tất cả họ đều là những người truyền cho ta cảm hứng. Ta học hỏi ở họ sự cố gắng bền bỉ, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ để rồi ta cũng có thành công của riêng mình.
Sự cố gắng, nỗ lực để đạt được thành công là vô cùng đúng nhưng không có nghĩa là bạn bất chấp đúng sai để đạt được điều bạn muốn, điều mà bạn cho đó là thành công. Bên cạnh đó, cũng cần chê trách một số người hễ cứ thấy khó khăn là bỏ cuộc hay khi đã đạt được một điều mình mong muốn mà lại trì trệ, không chịu trau dồi thêm, khi đó thành công của họ sẽ không thể đứng vững lâu được mà nó chỉ là tạm thời mà thôi. Là học sinh, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, việc đầu tiên chúng ra cần làm đó là học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức không ngừng và quan trọng hơn cả là trang bị cho mình những kỹ năng sống để sau này có thể tự tin bước vào đời.
Cố gắng hết sức và không ngừng nỗ lực, hai tiền đề này sẽ mang ánh sáng thành công đến với bạn, bởi “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”. Từ đó, khi bạn đạt được thành công mình mong muốn, bạn đã khẳng định được bản thân trong cuộc đời, hơn thế nữa bạn còn góp phần giúp cho gia đình và xã hội ngày một tươi đẹp hơn.
2. Đề Nghị luận xã hội Văn 12: Một triết học nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”
Bài làm 1
Các bạn đã từng nghe câu “Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra” chưa?. Có lẽ câu nói thật lạ kì phải không các bạn, đây là câu nói của một nhà triết học, tuy thật khó hiểu nhưng nó lại hàm chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nhà triết học có ý nhắc nhở chúng ta điều gì đây? Vậy bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ ý nghĩa câu nói này nha các bạn.
Không chỉ đơn giản bằng một câu ngắn gọn như vậy, nhà triết học còn nói:”Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Đến đây một phần cánh cửa như được mở rộng.
Tại sao lại nói “mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có”?. Mỗi con vật khi sinh ra đều biết ăn, biết đi lại, biết bắt mồi,… tất cả đều là do bản năng sinh tồn của nó, giống như con mèo con, khi mới sinh ra là đã biết bò lại gần mẹ để bú, để hưởng chút hơi ấm ngọt ngào mà mẹ nó dành cho những đứa con yêu thương, rồi dần tự mở đôi mắt nhỏ xinh mèo con bắt đầu tập được những bước đi chập chững, rồi chạy nhảy, đến nô đùa, đến bắt chuột, tất cả đều là do tự nhiên mà có, không ai dạy bảo, mèo con trưởng thành và cả vòng đời mèo con vẫn như vậy, không thay đổi. Thật hay, tạo hoá đã ban tặng cho loài vật một bản năng đặc biệt để có thể thích nghi với cuộc sống thế nhưng “Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả”.
Đúng vậy, con người không hề có một chút bản năng đặc biệt nào, tất cả mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, phải trải qua sự rèn luyện, tập tành mới có được khả năng. Con người khi sinh ra vốn chẳng biết gì, chỉ nhắm nghiền đôi mắt bé xíu và oa oa oà lên những tiếng khóc đòi bú mẹ, thật sự chẳng thể nào chạm được tới mẹ. Tất cả là nhờ mẹ nâng niu, ôm ấp vào lòng hòa tan dòng sữa ngọt chạm vào môi hồng bé xinh thì mới tiếp tục sự sống được. Không chỉ vậy, làm sao con người có thể tự đi đứng, bò trườn được, tất cả phải qua quá trình rèn luyện ngay từ thuở ban đầu. Hai tháng biết lật, ba tháng biết bò, sáu tháng chập chững biết đi, mười tháng bắt đầu hoàn thiện bước đi của mình,… Đâu phải tự nhiên! Đều do bàn tay nồng ấm của mẹ dìu dắt từng bước, từng bước một, tạo nên khả năng sinh tồn, hòa nhập với cuộc sống cho một sinh linh bé nhỏ dần bước vào đời.
Con người khác với con vật là có tri thức, có phẩm chất đạo đức nhưng đây cũng đâu phải là điều vốn sẵn có trong từng người mà nó được phát huy, phát triển qua những ngày học tập, những ngày được dạy dỗ. Cũng như chúng ta ngay từ nhỏ đã được dạy rằng phải biết hiếu thảo với cha mẹ, bên ngoài xã hội cần tôn trọng người khác, phải chân thành, công bằng,… và nhiều điều khác nữa, những lời dạy đó ăn sâu vào tâm trí, nó lớn theo thời gian khi ta càng lớn, và được áp dụng ngay trong đời sống. Thử hỏi không có sự trui rèn, không có sự luyện tập thì làm sao ta có thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại được, bởi vậy “nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó”. Đó chính là lí do ta cần phải biết sống, biết hành động, biết nỗ lực. Cũng như khi muốn đánh được một bản nhạc hay thì ta phải tập đánh đàn, điều đó xuất phát từ lòng yêu thích, bắt nguồn từ sự tự nguyện, không hề bị cưỡng ép, ràng buộc. Con người là một tờ giấy trắng, chỉ từng nét, từng nét bút mới vẽ lên bức tranh hoàn thiện, nên cần phải luyện tập từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, mới có thể hấp thu kiến thức từ cuộc sống được. Giống như trong học tập đâu phải ai mới đầu cũng được ngồi trên chiếc ghế đại học, mà phải bắt đầu từ lớp một, trải qua mười hai năm rèn luyện gian khổ mới được ngồi vững trên chiếc ghế ấy. Tóm lại để đạt được thành công, ước muốn, nguyện vọng thì chính bản thân phải có sự nỗ lực thực sự, cố gắng toàn vẹn thì thành công sẽ đến trong tầm tay thôi. Tuy nhiên đâu phải ai cũng đi được đến cùng của sự thành công. Có nhiều người đang học rất tốt nhưng vì mê chơi bỏ ngang việc học thế là mất tất cả qua một lúc nông nỗi, quả đúng thật họ làm thế nào thì sẽ nhận lại được kết quả như thế ấy thôi!. Chính vì vậy hãy luôn nhớ rằng “tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”, chỉ có ta mới quyết định được số phận của ta, con người ta thế nào thì do chính ta làm nên. Một người nếu biết gắng công học tập, biết chú trọng đến phẩm chất đạo đức,…. Thì sau này sẽ làm nên danh tiếng góp phần đưa đất nước đến một góc trời vinh quang, xây dựng đất nước ta thành tòa lâu đài đẹp nhất mà không cường quốc nào có thể sánh bằng. Nhưng thật đáng tiếc xã hội ta ngày nay vẫn không thiếu những kẻ tự huỷ diệt mình, những con người thân tàn ma dại do ăn chơi sa đọa, dẫn đến bị AIDS, bị nghiện ngập là cũng do chính họ tự tạo ra, tự tạo cho họ một cuộc sống khổ sở, bị mọi người xa lánh. Bên cạnh là những kẻ chỉ biết trông chờ vào người khác, không biết tự nỗ lực bản thân trong học hành cũng như trong công việc. Thật đáng phê phán!
Qua câu nói vô cùng đáng giá của nhà triết học, có lẽ đã làm thức tỉnh chúng ta, cho nên ngay từ bây giờ phải biết rèn luyện bản thân, học tập thật tốt, khắc phục chỗ hạn chế còn phải trông chờ vào người khác, để bản thân ta phát triển hơn, và hơn hết phải làm nên một con người hợp thời đại thì xã hội mới phát triển, đất nước mới giàu mạnh. Nhưng các bạn cũng hãy nhớ rằng chúng ta không hề cô độc chiến đấu với số phận mà bên cạnh đó còn có gia đình, xã hội nữa. Chính những tác động đó cũng có thể tạo nên tôi của ngày mai. Câu nói của nhà triết học thật thú vị phải không các bạn? Biết bao điều ý nghĩa, vô giá được ẩn chứa trong câu nói này. Hãy tự khẳng định cái tôi của chính mình và làm nên cái tôi thật sự, thật giá trị cho xã hội này nha các bạn!!!! “Tôi chỉ có thể là kẻ do chính tôi làm ra”
Bài làm 2
Khi đúng trước một tấm gương, nhìn vào đó ta sẽ thấy bản thân mình mà không phải là một ai khác, ta thấy hình bóng của mình không sai lệch. Nhưng nếu trước mặt ta không phải là một tấm gương kính mà là tấm gương cuộc đời thì liệu soi vào ta có thấy chính xác bản thân mình hay không? Hay ta sẽ chỉ thấy một cái bóng mờ mờ giữa những cái bóng khác? Hay là khi bước vào cuộc đời, chợt nhìn lại, ta thấy mình đổi thay đến chính bản thân mình cũng khó mà nhận ra? Nếu như vậy thật thì vô tình cuộc sống của ta không còn thuộc về chúng ta nữa. Suy nghĩ về điều này, một nhà triết học nhận định: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy, nó phải tự làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do tôi làm ra”. Câu triết lí đã gợi ra trong ta những suy nghĩ về cách sống chính mình.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Dù tạo hoá dành cho muôn loài (trong đó có con người) hai chữ “bản năng” nhưng “Mỗi con vật khi sinh ra là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả”. Con vật đã có thể trở nên rất hoàn thiện sau khi ra đời. Những kì diệu nó được hưởng sẽ tồn tại với nó mãi mãi, không hề thay đổi: kiếm ăn, bảo vệ lãnh thổ, sinh con đẻ cái,… Nó có thể tồn tại chỉ với chừng ấy thứ nó từ tạo hoá. Còn con người thì không thể. Khi sinh ra, con người chỉ đơn giản mang một hình hài nhỏ bé, yếu ớt. Con người thể chất đầy đủ nhưng con người xã hội thì không. Nó đồng nghĩa với việc ta không thể sống nếu chỉ giữ riêng những thứ tạo hoá ban cho. Con người có một phương tiện khác để tồn có một sức mạnh kì diệu khác để sống. Đó là khả năng tư duy, suy nghĩ, tự mình đi theo một con đường riêng, tự hoàn thiện mình. Nếu như cuộc sống của loài vật là do tạo hóa quyết định thì cuộc sống của mỗi người hoàn nằm trong tay người đó. Mỗi việc làm của ta đều là một viên gạch – dù lớn hay nhỏ – xây dựng con đường sống cho mình. “Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy. Tôi chỉ là kẻ do chính tôi tạo ra” – tư tưởng chung của câu nói là phẩm chất, nhân cách của con người hoàn toàn do chính con người tạo nên.
Lớn lên đồng thời trong hai môi trường tự nhiên và xã hội, con người có đủ điều kiện để tự hoàn thiện. Môi trường tự nhiên nuôi lớn ta về thể chất, nhưng nuôi lớn về tinh thần thì không gì khác ngoài môi trường xã hội. Nếu môi trường tự nhiên như một người mẹ chăm sóc cho ta giấc ngủ, bữa ăn thì môi trường xã hội lại như một người cha nghiêm khắc cho ta thấy rõ sự phức tạp của cuộc sống. Không phủ nhận sự quan trọng của hai môi trường ấy nhưng cũng như người cha, người mẹ không thể theo ta suốt đời, môi trường xã hội và tự nhiên không hoàn toàn quyết định bản thân ta sống ra sao, ta đi lối nào, ta nhìn đời bằng con mắt màu gì… Cớ sao cậu học trò An Kim Bằng sống trong hoàn cảnh khổ cực tưởng đến gục ngã lại là người mang niềm tự hào về cho cá đất nước Trung Hoa khi giành huy chương Vàng tại kỳ thi IMO (Olympic toán quốc tế) 1997? Điều này có thuộc về lí do môi trường sông hay không khi những điều cậu nhận được hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của cậu. Cớ sao những con người sống nơi giàu sang, có điều kiện xây một bức tường nhân cách vững chắc bao quanh mình thi lại chi xây được những cái vách rách nát?
Họ ích kỉ, họ đua đòi, học toan tính… Câu trả lời nằm trong cách sống của mỗi người mà thôi. Họ “làm như thế nào” thì họ “sẽ được trở thành như thế ấy”.
Nhân cách hình thành từ khi ta tô màu cho những gì ta nhìn thấy bằng của ánh mắt trân trọng cuộc sống, mong được sống chứ không tồn tại hời hợt. Nó phát triển khi ta hiểu những việc mình làm là đúng hay sai, ta biết phải sàng lọc ra sao để những điều tốt đẹp trong nhân cách không bị mai một và hạn chế dần những mặt tiêu cực. Nó sẽ được nâng cao khi ta biết nhào nặn những suy nghĩ ấy thành những hành động đúng. Khó có thể nói hành trình hoàn thiện nhân cách của con người đến khi nào thì dừng lại. Có khi chỉ một giây phút sao nhãng đủ khiến ta lầm lạc để rồi phải mất cả cuộc đời để tìm lại chính mình. Quá trình hình thành và phát triển nhân cách ở con người đòi hỏi ở bản thân rất nhiều nghị lực và sự cố gắng. Vì chỉ có tự đôi chân của mình đưa mình đến với nhân cách. Bạn không nên mong có ai đó cõng bạn đến hay chờ đợi một phương tiện hiện đại đưa bạn đến với nhân cách, cũng không có một con đường tắt nào để đi tới nhân cách… Tới nhân cách chỉ có một đường là tự mình cố gắng mà thôi.
Nói như vậy không có nghĩa là ta chỉ biết đến mình, “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (Xuân Diệu). Vai trò của bản thân mỗi người là quyết định “ việc hình thành nhân cách, thế nhưng ta cũng phải biết lắng nghe mọi người xung quanh. Chỉ nhằm theo một con đường mình vạch ra chưa hẳn đã là đúng đắn bởi chúng ta không ai có thể sống một mình. Chúng ta sống trong cộng đồng xã hội với những mối quan hệ nhiều chiều và phức tạp (“Con người là một động vật xã hội” – C.Mác). Nêu chỉ nghĩ đến mình và chỉ sống cho mình bạn sẽ tự tách mình ra khỏi cuộc sống hay tự làm mình thiệt thòi khi không có sự quan tâm của mọi người xung quanh. Bởi thế, sống dung hòa nhưng không làm mất đi vai trò của mình đối với mình cũng là một điều rất cần thiết hoàn thiện nhân cách.
Tin vào mình là việc làm cần thiết. Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên nổi tiếng là người cho ta bài học về niềm tin. Khi thấy người cha mình bệnh tật mà không có tiền chữa trị, Đặng Lê Nguyên Vũ khi đó mới mười sáu tuổi đã tự nhủ: “một ngày ta sẽ thay đổi cuộc sống của cả đại gia đình”. Niềm tin đó đã đưa chàng sinh viên y khoa trở thành một doanh nhân thành đạt như hiện nay. Nhân cách của con người này đã thể hiện qua việc không gục ngã trước những sóng gió của cuộc đời, có niềm tin vững chắc ở bản thân mình.
Câu chuyện về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi khi còn nhỏ đã làm đèn đom đóm để học vào mỗi tối vẫn là một bài học sâu sắc cho việc kiên trì, bền bỉ vượt khó trong học tập. Đó cũng là bài học cho chúng ta trên hành trình hoàn thiện nhân cách và cũng thể hiện rất rõ sự cố gắng, trách nhiệm của bản thân mình đối với tương lai của chính mình.
Câu nói của triết gia thực sự gợi ra nhiều điều hơn là bản thân câu chữ. Nó đồng thời động viên con người tin vào mình và đòi hỏi trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình. Việc ta có trách nhiệm với bản thân mình không phải là ích kỉ, không phải là tách mình khỏi thế giới xung quanh. Ta tự hoàn nhân cách của mình chính là góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên đẹp hơn.
Tự hoàn thiện chính mình là con đường dài nhưng không có nghĩa là ta không thể làm được. Cuộc sống nằm trong tay ta, do ta quyết định thì tại sao ta không làm cho nó trở nên tốt đẹp? Khi cánh cửa cuộc sống mở ra cho ta bắt đầu hành trình tự hoàn thiện thì còn chần chừ gì nữa mà không sẵn sàng bước đi để cho chính mình và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn?.
3. Đề 3: Hãy thể hiện quan điểm của mình trước cuộc vận động: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Bài làm 1
Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hội, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức. Ngay từ bây giờ, học sinh được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học không đúng với khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một “căn bệnh” xâm nhập vào học đường hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục cùng với những tiêu cực trong thi cử.
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trong các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, đời sống nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh. Nhưng đến một lúc nào đó, khi chính những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt và cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội lại trở thành một căn bệnh, mà ngày nay chúng ta gọi nó là bệnh thành tích.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại “thiết kế” ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. “Bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ”nạn tiêu cực trong thi cử” hoành hành và ”bệnh thành tích trong giáo dục” trở thành một căn bệnh ”mãn tính” thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.
Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo và ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên thao trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì bất kì văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn nào. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những chân tài thực học hay không. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để đẩy lùi những tiêu cực và bệnh thành tích ấy, để đưa nước Việt Nam ta ngày càng phát triển vững mạnh.
Khi xã hội ngày càng tân tiến và phát triển kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trong đó, có một số người hiện nay đã dần quên đi những chuẩn mực đạo đức của xã hội, chạy theo những tiêu cực và có một căn bệnh tiêu cực là bệnh thành tích trong học tập đang ngày càng lây lan. Nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh này, Bộ Giáo dục của nước ta đã kêu gọi, vận động nhân dân “Hãy nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Nhắc đến hai từ “tiêu cực” là ta có thể nghĩ ngay đến những biểu hiện không lành mạnh, nó làm ảnh hưởng không tốt đối với xã hội, khiến xã hội ngày càng đi xuống. Còn “thành tích” chính là kết quả, thành quả của sự nỗ lực không ngừng mà con người đã cố gắng làm để thực hiện. Thành tích chính là kết quả động lực mang lại những lợi ích vật chất cũng như tinh thần, mang lại lợi ích tốt cho mình, vì vậy mọi người ai ai cũng mong muốn có được thành tích tốt. Và điều đó kéo theo, có rất nhiều người vì muốn đạt được thành tích cao đã lựa chọn việc giả dối, ngụy tạo, lấp liếm,….đấy chính là bệnh thành tích. Bệnh thành tích và thành tích mang hai nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, một bên giả một bên là thật, yếu tố để phân biệt được căn bệnh đó chính là tính trung thực. Vì thế, một người khi nỗ lực hết mình để đạt được thành tích tốt cho bản thân cho tập thể đó chính là một điều đáng tuyên dương, một phẩm chất đạo đức tốt, đáng trân trọng. Còn những điều gian dối, tiêu cực, mắc bệnh thành tích thì chúng ta phải lên án, phải xóa bỏ ngay.
Ở Việt Nam chúng ta, để đánh giá thành tích của một cá nhân, tập thể, thường đưa ra những chỉ tiêu, và tổ chức thi cử là phổ biến nhất. Có rất nhiều trường hợp, các trường, các lớp, các giáo viên vì muốn đạt được những tiêu chí của trên đưa xuống, đạt được chỉ tiêu của bộ đề, có được thành tích thi đua tốt, đã tìm mọi cách để lờ đi kết quả, lờ đi đạo đức nghề nghiệp. Họ cho điểm ảo, đánh giá ảo kết quả. Và ngay cả ở các bậc phụ huynh cũng vậy, vì mong muốn con em chúng ta có được kết quả cao, đạt được học sinh giỏi, muốn được lên lớp thẳng nhưng thay vì đôn đốc con cái học tập, họ tìm cách “chạy điểm, mua chuộc”. Bệnh thành tích trở nên lây lan nhanh chóng. Tất cả là vì lối sống chuộng vật chất, ưa thực dụng.
Chúng ta có thể thấy rõ qua phương tiện thông tin đại chúng, thấy được những tiêu cưc của bệnh thành tích, Như có trường mà học sinh khi lên lớp sáu vẫn chưa đọc viết thông thạo. Hay ở các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đại học, sẽ rất không hiếm thấy các trường học các sĩ tử mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vứt trắng cả sân trường sau mỗi buổi thi. Thầy cô chưa có bằng cấp, rồi những phiếu điểm cao chót vót nhưng năng lực thì không có….Đọc những thông tin trên báo chí, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tương lai đất nước sẽ ra sao khi thế hệ trẻ đang ngày càng mắc bệnh thành tích? Khi những người giữ chức vụ cao trong xã hội chỉ mang hữu danh vô thực thì con đường phát triển của đất nước sẽ đi theo lối mòn.
Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, xã hội muốn phát triển, đổi mới thì cần phải có rất nhiều người có năng lực thật sự, cần rất nhiều nhân tài vì đất nước. Vì vậy, giáo dục điểm xuất phát đầu tiên, nơi đánh giá đào tạo ra những người năng lực của đất nước thì phải thật sự tốt và trung thực. Những con người có trong mình sự trung thực, có sự phấn đấu cố gắng nỗ lực hết mình để có được thành tích tốt, sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong tập thể, cộng đồng, xã hội, giúp đất nước phát triển. Việt Nam chúng ta đang từng bước đi lên với công cuộc phát triển, đổi mới, hội nhập với thế giới. Vì vậy, chúng ta cần những người khoác lên mình những chiếc áo thành tích chất lượng, trang bị những vũ khí chiến đấu vững chắc thực sự thì mới có thể tranh đua với các nước trên thế giới được. Việt Nam của chúng ta có thể cường thịnh hay không phụ thuộc rất lớn vào nền giáo dục, vì vậy hãy đấu tranh chống lại tiêu cực, chống lại bệnh thành tích đang lây lan mạnh mẽ.
Mỗi người trong chúng ta cần phải tự nhận thức được sự nghiêm trọng của căn bệnh thành tích. Chúng ta cần cố gắng học tập tốt, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trung thực để sau này có thể giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Cần lên án những trường hợp đang thực hiện những hành vì tiêu cực trong thi cử và những hành vi mắc bệnh thành tích trong xã hội.
4. Đề: Anh / Chị suy nghĩ gì về quan niệm “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”
Bài làm 1
Khi mỗi người trong chúng ta làm một việc tốt, bất kể là việc gì, có ai biết rằng chúng ta đang thể hiện đức hạnh của chính mình. Hay nói cách khác như lời của nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Mỗi con người khi sinh ra đều có mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Đức hạnh là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động có thể được định nghĩa là những việc làm cụ thể, được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người. Cả câu nói của nhà văn M. Xi-xê-rông mang ý nghĩa như chính nghĩa gốc của nó. Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể.
Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Đó chỉ là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái đẹp, cái thiện, điều đó sẽ chính là sự thể hiện của đức hạnh.
Người ta thường nói rằng:
“Ý nghĩa là nụLời nói là bông hoaViệc làm mới là quả ngọt. ”
Khi ta có ý nghĩa về một việc làm tốt, ta cần nói ra để xem xét. Nhưng không phải là nói suông, ta cần phải thực hiện điều đó. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những điều ấy từ suy nghĩ, lời nói thành việc làm cụ thể, như vậy mới tạo thành “quả ngọt”.
Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cần được xem xét trong từng hoàn cảnh. Nói dối được xem là một hành động xấu và sai. Nhưng trong trường hợp một bác sĩ phải nói dối về bệnh tình của bệnh nhân để người ấy yên tâm tiếp tục điều trị, đó lại là một hành động cao cả. Thế nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những kẻ thiếu đức hạnh. Họ nói ra những điều lớn lao, cao cả nhưng hành động thì ngược lại, vì thực chất, họ làm vậy vì những mục đích ích kỉ riêng của chính họ. Chúng ta không loại bỏ họ mà phải làm thay đổi được những con người ấy.
Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh hay cũng chính là sự thể hiện của một con người có mọi phẩm chất tốt đẹp từ đức hạnh.
Nhạc sĩ thiên tài người Đức Beethoven có nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Ý kiến đó có còn nguyên giá trị trong cuộc sống của ngày hôm nay? “Hạnh phúc” chính là cuộc sống tốt đẹp; niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người…. Còn “cao quý” và “tốt đẹp” là những cụm từ có ý tôn vinh ca ngợi. Câu nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác” của Beethoven thể hiện quan niệm sống đẹp, khẳng định ca ngợi quan niệm sống hướng về cống hiến, vị tha… Trong cuộc sống, ai cũng tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho người khác, là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả, đáng trân trọng… Thật vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho người khác thì quả là tuyệt vời. Hạnh phúc đó có thể dễ dàng có được khi ta giúp đỡ một cụ già qua đường, hay nhường chỗ cho một phụ nữ có thai trên xe buýt… Tất cả những điều đó thật đơn giản nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác, làm mọi người vui vẻ. Và không dừng ở đó hạnh phúc cũng ở lại với chúng ta khi ta làm được một điều tốt đẹp, có ích cho người khác, cho xã hội. Hành động cao quý và tốt đẹp hơn, to lớn hơn chính là hạnh phúc của sự bình yên mà các anh bộ đội, các chiến sĩ Cách mạng đã đem lại cho chúng ta. Tất cả những hy sinh của các anh chỉ để đem lại hạnh phúc cho chúng ta, cho dân tộc. Hạnh phúc ở đây là sự độc lập tự do cho cả dân tộc. Thật cao quý và tốt đẹp dáng tôn vinh biết nhường nào!
Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con hoặc những đứa con bất hiếu chỉ ăn chơi, thỏa mãn nhu cầu cá nhân, làm cha mẹ đau lòng. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại sự bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình?… Ngoài xã hội, hiện có một lớp thanh niên, thay vì giúp đỡ người giá yếu, họ lại lợi dụng để cướp giật, móc túi… Những kẻ lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình cần đáng bị trừng trị!. “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Đó là một quan điểm sống mang tính nhân văn. Nếu có một điều ước thì tôi sẽ ước cho tất cả mọi người trên thế giới này đều được hạnh phúc. Muốn vậy, ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm thật nhiều điều, dù lớn, dù nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho cho mọi người, cho gia đình và cũng là cho bản thân chúng ta…
Bài làm 2
Đối với Mạnh Tử “nhân nghĩa” không chỉ dừng lại là lòng yêu thương con người mà nó cần phải được biểu hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể. Và những nhà tư tưởng lớn dù ở những không gian, thời gian khác nhau vẫn luôn có những ý tưởng chung như vậy, nhà triết học La Mã cổ đại M. Xi-xê-rông, cũng nhận xét: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Đức hạnh là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp tồn tại trong mỗi con người. Đó là tình yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ những người xung quanh, những biểu hiện tuy bé nhỏ nhưng đó chính là đức hạnh. Đức hạnh tốt sẽ là khởi nguồn cho những hành động tốt. Hành động là những việc làm cụ thể, thiết thực với bạn bè, người thân hay ngay cả với những người xa lạ khi họ gặp phải khó khăn, bất hạnh. Câu nói của nhà triết học Hi Lạp cổ đại đã cho thấy sự thống nhất giữa những nét đẹp trong nhân cách, phẩm chất của con người luôn đi đôi với hành động của chính bản thân họ.
Quả thực phẩm giá và đức hạnh của mỗi người sẽ được biểu hiện rõ ràng và cụ thể nhất qua chính hành động của người đó. Nếu chỉ nói mà không làm thì đó chẳng phải là lời nói suông đó sao. Trong cuộc sống mỗi chúng ta sẽ có những cách riêng để bộc lộ tính cách, phẩm chất của bản thân, nhưng cách ngắn nhất và nhanh nhất chính là qua hành động của bạn với những người xung quanh. Bạn thấy một đứa trẻ lang thang đói rách, nếu yêu thương, xót xa bạn sẽ mua cho chúng chiếc bánh, cái áo. Bạn thấy một cô gái trên xe bus bị móc túi, hành động đúng đắn không phải lơ đi mà chính là ra tay giúp đỡ cô ấy, bắt lấy kẻ ăn trộm,… Những việc làm thiết thực, cụ thể mới là minh chứng rõ ràng nhất để mọi người thấy được nhân cách cao đẹp của bạn. Như vậy, ta có thể thấy rằng, hành động chính là thước đo tin cậy, xác đáng nhất để đánh giá bản chất, vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của con người, cũng đúng như mọi người vẫn nói: “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm”.
Những hành động, việc làm tốt đẹp không chỉ đem lại niềm vui, cứu giúp những người xung quanh mà ngay chính bản thân những người thực hiện hành động đó cũng có niềm vui, sự hạnh phúc. Beethoven đã từng chia sẻ rằng: “Trong cuộc sống không có cái gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Như vậy, thực hiện một hành động tốt, một nghĩa cử cao đẹp sẽ đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc vô hạn cho mỗi chúng ta.
Biểu hiện của một người có tấm lòng, nhân cách tốt có khi rất nhỏ bé, đơn giản là giúp đỡ một bà cụ qua đường, là dám đứng lên nói ra kẻ đang móc túi. Nhưng cũng có khi là những hành động, việc làm phi thường. Những ngày vừa qua, chúng ta không khỏi vui mừng và biết ơn những người lính cứu trợ quả cảm đã anh dũng cứu một đội bóng đá nhí ở Thái Lan bị mắc kẹt trong hang nhiều ngày. Và một trong những số những người anh hùng ấy đã anh dũng hi sinh trong quá trình dò đường vào hang để giải cứu các em. Những nghĩa cử, hành động cao đẹp đó, cả đời này chúng ta sẽ không bao giờ quên. Nó cũng đem đến cho chúng ta một bài học về sự cống hiến và hi sinh thầm lặng trong cuộc sống.
Nhưng bên cạnh những người sống có đạo đức, luôn quan tâm, giúp đỡ người khác bằng những hành động thiết thực, lại có rất nhiều kẻ sống giả tạo, dối trá. Chỉ có lời nói đơn thuần, không có những hành động cụ thể giúp đỡ người khác. Hoặc sống vị kỉ, chỉ nghĩ cho riêng bản thân, chăm lo cho lợi ích cá nhân. Hoặc cũng có những kẻ khi thực hiện hành động của mình lại nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, không mang tính tự nguyện đây cũng là một hành vi đáng lên án. Khi giúp đỡ những người xung quanh chúng ta phải giúp bằng một trái tim chân thành, không vụ lợi, chỉ có như vậy hành động của bạn mới trở nên ý nghĩa.
Nhà triết học Hi Lạp cổ đại đã đem đến cho chúng ta những lời khuyên chân thành, quý giá trong cuộc sống. Câu nói đã khẳng định sự gắn bó thống nhất giữa lí tưởng, nhân cách cao đẹp với hành động trong thực tiễn của mỗi con người. Là một học sinh, đang trong quá trình tu dưỡng và rèn luyện đạo đức chúng ta phải tích cực học tập, tu dưỡng nhân cách, dám nhìn nhận những sai lầm và sửa chữa, không ngừng hoàn thiện để bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Trong quá trình đó, không tránh khỏi những lúc sợ hãi khi gặp khó khăn, bị cám dỗ bởi nhiều yếu tố xung quanh. Những lúc như vậy cần mạnh mẽ, kiên định, để không bị tha hóa về nhân cách, tinh thần.
Yêu thương, không chỉ là lời nói, nó còn là hành động, là việc làm cụ thể thiết thực. Nếu mọi người luôn yêu thương, quan tâm nhau bằng những hành động thiết thực thì xã hội sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn, các tệ nạn xã hội sẽ được đẩy lùi.
Bài làm 3
Mỗi một con người đều có những phẩm chất riêng và họ cũng thể hiện những phẩm chất của mình qua nhiều cách khác nhau không ai giống ai. Nhưng rồi chúng ta mới nhận ra rằng mọi phẩm chất và đức hạnh đều được thể hiện qua hành động. Chính vì thế nhà văn Pháp M.Xi-Xê-Rông nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Vậy “phẩm chất của đức hạnh” là gì? Là những đạo đức và tính nết tốt đẹp của con người trong cuộc sống. Và trong ai cũng cũng phẩm chất này chỉ là họ có muốn thể hiện ra hay không thôi. Không phải ai sinh ra cũng biết hết được những điều này mà phải trải qua một quá trình học tập rèn luyện lâu ngày ta mới hiểu được phẩm chất đức hạnh là như thế nào.
“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” có nghĩa là những đạo đức, tính nết tốt đẹp được con người thể hiện trong từng ngày động thường ngày như lời ăn tiếng nói, các mối quan hệ giữa con người với con người. Rồi dần dần ta mới thấy rõ được tầm quan trọng của những phẩm chất và các hành động mang lại cho bản thân và xã hội như thế nào.
Hành động được xem như là một cái thước đo đánh giá đức hạnh, nhân cách của một con người, một tập thể, một cộng đồng dân tộc, một đất nước tươi đẹp. Đồng thời hành động là sự chuyển hóa kết tinh của nhiều phẩm chất tốt đẹp khác.
Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người và đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ và đến bây giờ vẫn còn được lưu truyền và phát huy trong dân gian như “Trăm nghe không bằng một thấy”. Đồng thời cũng ra sức phê phán những thói quen tật xấu trong xã hội “Nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
Đặc biệt khi đất nước còn bị xâm lăng những phẩm chất tốt đẹp ấy lại được thể hiện rất rõ. Đất nước ta đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt để có được hòa bình như hôm nay đó là nhờ những lí tưởng và hành động đẹp của những con người đã hiến dâng cuộc đời mình để bảo vệ đất nước như anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu, Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Huệ… Hay những con người nông dân bình thường họ cũng xung phong ra chiến trường để cùng chiến đấu bảo vệ đất nước. Đó là những phẩm chất tốt đẹp và đều được thể hiện qua hành động mà bao năm tháng đã trôi qua chúng ta vẫn luôn cảm thấy tự hào và nhớ đến những con người cao đẹp này.
Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp và sáng chói của cả dân tộc Việt Nam với những hành động cao đẹp của Người. Bác đã hiến dâng cả cuộc đời vì dân vì nước mà chấp nhận ra đi tìm đường cứu nước. Bác đã đi đến nhiều nước như Liên Xô, Pháp, Mĩ Latinh và rồi Bác đã tìm ra con đường cứu nước cho cả nhân tộc để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bảy mươi chín mùa xuân của Bác là những bài ca về hành động, về đức tính vì dân vì nước.
Còn hiện nay khi đất nước hòa bình những phẩm chất tốt đẹp được con người thể hiện qua những hành động trong cuộc sống hàng ngày như giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ những khó khăn vấp ngã trong cuộc sống và tạo ra niềm vui tiếng cười cho cuộc sống. Như vậy đừng ngại ngần mà không thể hiện những hành động tốt đẹp các bạn nhé. Hành động nhỏ nhưng chứa đựng một tấm lòng lớn, một ý nghĩa lớn làm cho cuộc sống hòa đồng hơn giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Như vậy bạn đang mang lại hạnh phúc đến cho người khác đấy và cho cả bản thân mình nữa.
Bởi mỗi một con người đều có một hoàn cảnh riêng đừng vì thế mà xa lánh, tự kiêu hay chà đạp nhân phẩm người khác thì chẳng khác nào bạn đang bôi nhọ chính danh dự của mình. Đừng vì lối sống ích kỉ tầm thường của cá nhân mà hãy suy nghĩ kỹ đúng rồi hẵng làm. Những cái đó sẽ làm cho bạn tụt lùi trong xã hội và khiến những người xung quanh chỉ thêm xa lánh bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống thật là chán nản và đầy bóng tối.
Có lẽ qua đó ta thấy rằng việc tu dưỡng và học tập của bản thân mình là rất hạn chế. Vì thế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải cố gắng tiếp thu, rèn luyện, chăm chỉ học tập bởi thầy cô và nhà trường không chỉ dạy cho chúng ta kiến thức mà còn dạy chúng ta cách làm người nữa.
Câu nói thật hay và rất đúng khiến ta phải suy nghĩ lại những hành động mà chúng ta đang làm là đúng với chuẩn mực của phẩm chất, đức hạnh hay chưa. Những hành động nhỏ không chỉ tôn tạo nên phẩm chất danh dự cá nhân mà còn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người xung quanh làm cho xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn.
Bài làm 4
Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh khác nhau trong cuộc đời. Không đơn giản chỉ là sống mà còn là sự khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống. Hành động chính là bằng chứng cho sự tồn tại. Nhà triết học La Mã cổ đại M.Xi-xê-rông cũng khẳng định : “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Câu nói ấy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc tu dưỡng và học tập của bản thân.
“Đức hạnh” là đạo đức và tính nết tốt đẹp của con người. “phẩm chất” là giá trị mang tính bản chất bên trong, nó trái ngược hoàn toàn với “hành động” – những việc làm, cử chỉ cụ thể được biểu hiện trực tiếp ra bên ngoài. Câu nói của M.Xi-xê-rông mang ý nghĩa sâu sắc đúng đắn, nhấn mạnh giá trị thực của một con người là những hành động cụ thể.
Vì sao mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động? Có được nhân cách, phẩm giá tốt đẹp cần phải trải qua cả quá trình rèn luyện, trưởng thành. Không phải tự nhiên mà một người được biết đến là có đức hạnh, điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Bạn có nhân cách tốt, suy nghĩ tốt nhưng bạn không bao giờ thể hiện ra bên ngoài bằng hành động, việc làm. Đức hạnh, chỉ trong suy nghĩ thôi chưa đủ. Nhìn vào hành động của một người, người ta có thể kết luận người đó có tính cách tốt đẹp hay không. “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm” Cái nhìn thấy bằng mắt vẫn chân thật hơn một lời nói và suy nghĩ. Trên chuyến xe buýt, bạn và một bạn khác cùng ngồi trên ghế, bạn nghĩ rằng mình nên nhường ghế cho cụ già vừa bước lên xe, nhưng bạn vẫn ngồi trên ghế, trong khi bạn kia nhanh chóng nhường lại chỗ của mình. Chắc chắn mọi người trên xe sẽ dành cho hai bạn hai ánh mắt khác nhau, ánh mắt không thiện cảm sẽ không hướng vào ai khác ngoài bạn. Bạn không phải một người ích kỷ, nhưng sự chần chừ trong hành động của bạn lại khiến người khác nghĩ bạn thật ích kỷ.
Trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, câu nói trên cũng hoàn toàn đúng đắn. Nhiệm vụ của chúng ta là “Rèn đức – luyện tài vì ngày mai lập nghiệp”. Không ngừng nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội, đưa đất nước phát triển. Đó là những lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp, là “đức hạnh” của việc rèn luyện, tu dưỡng đó. Nhưng nếu chí trong suy nghĩ, chỉ là lý tưởng không thì điều đó sẽ không có giá trị. Bạn đặt lịch báo thức và không ngừng tự nhủ mình nhất định phải dậy sớm học bài, tuy nhiên sáng hôm sau trời quá lạnh và bạn bỏ qua dự định tối qua của mình. Điều đó chỉ nói lên rằng bạn là người không có bản lĩnh, chỉ nghĩ thôi chứ không làm. Phải dùng hành động để chứng minh quyết tâm, đạo đức của mình, tự giác thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khỏe bản thân. Không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học tập và biết vận dụng hiệu quả những tri thức đã học vào cuộc sống.
Có những suy nghĩ tích cực, đồng thời cũng phải có những hành động cụ thể, ý nghĩa. Dù chỉ là những điều nhỏ nhất như yêu thương gia đình của mình, hiếu thảo với ba mẹ cũng đừng ngại ngần thể hiện nó ra bằng hành động. Sự giúp đỡ nhỏ bé hay những cái ôm chắc chắn sẽ khiến ba mẹ của bạn hạnh phúc hơn rất nhiều. Trong cộng đồng, tham gia một cách tự nguyện, tự giác, nhiệt tình các hoạt động xã hội, từ thiện được tổ chức. Không chỉ tránh xa mà còn phải tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ và những thói quen xấu. Để có hành động đúng đắn, bạn cũng nên suy nghĩ kỹ càng thấu đáo tránh những sai lầm không đáng. Hiểu được ” Phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” rồi, chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện, đặt trong hoàn cảnh cụ thể khi nhìn nhận một sự việc, một con người. Tránh quan điểm thụ động, một chiều.
Mỗi học sinh chúng ta, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải cố gắng rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức. Yêu thương và cống hiến nhiều hơn, cư xử tốt đẹp hơn để cuộc sống thêm nhiều niềm vui.
“Ý nghĩa là nụ hoa.Lời nói là bông hoa.Việc làm mới là quả ngọt.”
Bài văn mẫu 5
Những phẩm chất cao quý trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,”mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quý nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội.
Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quí và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp một người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi “tốt hơn cho bạn và cho tôi”.
Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kì, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: “những gì mình làm đã là tốt nhất”. Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.
Bây giờ, chúng ta là thanh niên, là thế hệ tương lai và kế cận của xã hội sau này. Hãy xây dựng một hình ảnh, một tính cách bằng những hành động của chúng ta, bắt đầu bằng những hành vi nhỏ nhất, để xã hội ngày càng tươi đẹp và tốt hơn. “Cho bạn và cho tôi, cho tất cả mọi người.”. Và hãy nhớ rằng, “mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Bài văn mẫu 6
Nói đến đức hạnh của con người, điều đầu tiên chúng ta phải đề cập tới là yếu tố hành động, vì hành động là biểu hiện cao nhất, rõ nét nhất của đức hạnh. Đúng như nhà văn Pháp M. Xi-xê-rông đã nói: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động.
Đức hạnh là đạo đức và tính nết tốt (Từ điển Tiếng Việt). Đức hạnh được thể hiện qua cảm xúc, lời nói, hành động hằng ngày của từng cá nhân trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Hành động chính là phẩm chất quan trọng của đức hạnh bởi vì nó vừa là sự chuyển hóa vừa là kết tinh của các phẩm chất khác. Hành động là thước đo đánh giá đức hạnh của một cá nhân, một tập thể và cộng đồng dân tộc. Hành động là yếu tố cao nhất trong bậc thang giá trị nhân phẩm, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của cá nhân và xã hội.
Từ xưa, nhân dân ta đã đề cao và đặt ra yêu cầu cụ thể của đức hạnh, trong đó, hành động được đặt lên hàng đầu. Có những câu tục ngữ khẳng định ý nghĩa quan trọng của hành động như là: Trăm nghe không bằng một thấy; Trăm hay không bằng tay quen; Nói hay không bằng cày giỏi. Đồng thời nhân dân cũng chê cười, phê phán những kẻ: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa , Ăn thì ăn những miếng ngon, Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.
Trong văn học nước ta có nhiều nhân vật chứng minh rằng mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động. Chàng Thạch Sanh thật thà, dũng cảm, giàu lòng thương người sẵn sàng giúp đỡ kẻ bất hạnh. Chàng Sọ Dừa dị dạng nhưng làm việc giỏi, học hành giỏi, thi đỗ Trạng nguyên. Cậu bé làng Gióng lên ba mà vẫn không biết nói, không biết đi nhưng khi nghe sứ giả rao loa rằng nhà vua cần người tài giỏi đứng ra đánh giặc ngoại xâm thì cậu bé nói lời đầu tiên là lời nhận trách nhiệm đánh tan quân giặc. Lòng yêu nước khiến cậu bé lớn nhanh như thổi và trở thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt, đủ sức đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Hành động dũng cảm phi thường ấy đã đem lại thái bình cho đất nước nên cậu bé làng Gióng được nhân dân tôn vinh là Thánh Gióng và thờ phụng muôn đời. Trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người anh hùng Từ Hải: Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Chàng khinh bỉ và coi thường cái triều đình phong kiến thối nát đương thời và luôn đặt nghĩa vụ của người anh hùng lên trên hết: Anh hùng tiếng đã gọi rằng, Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Trước ý nguyện đền ơn báo oán của Thúy Kiều, Từ Hải sốt sắng giúp nàng thực hiện công lí không chỉ của riêng nàng mà còn là của dân chúng bị áp bức. Nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trên đường lai kinh ứng thí thì gặp đảng cướp Phong Lai đang phá phách, bắt bớ dân lành. Chàng đã nổi giận bừng bừng, nhanh chóng Bẻ cây làm gậy tìm đàng xông vô, đánh tan bọn cướp cứu tiểu thư Kiều Nguyệt Nga và tì nữ Kim Liên. Khi được Kiều Nguyệt Nga ngỏ lời tạ ơn, chàng đã khẳng khái chối từ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn, bởi chàng cho rằng làm việc nghĩa là bổn phận của nam nhi. Quan niệm của Lục Vân Tiên cũng chính là quan niệm của nhân dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Lịch sử nước ta còn lưu danh muôn thủa những vị anh hùng suốt đời hành động, cống hiến, hi sinh cho quyền lợi của đất nước và dân tộc. Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán, khiến cho chúng hồn bay phách lạc. Triệu Thị Trinh với câu nói nổi tiếng: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, muốn chém cá kình ngoài biển Đông, chứ không muốn làm tì thiếp người ta. Bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc. Tướng Trần Bình Trọng khi sa vào tay giặc, bị dụ dỗ, đe dọa, ông đã hùng hồn tuyên bố: Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Suốt ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, quân dân Đại Việt trên dưới đoàn kết một lòng. Từ nhà vua cho đến các tướng sĩ, từ các bô lão trong hội nghị Diên Hồng cho tới chàng thiếu niên mười sáu tuổi Trần Quốc Toản đều cùng một quyết tâm Sát Thát, đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta, tạo nên hào khí Đông A lẫy lừng muôn thuở.
Ở thế kỉ XV, lòng yêu nước thương dân, căm hờn quân xâm lược đã thôi thúc Nguyễn Trãi hành động. Sau khi tiễn chân cha lên đến ải Bắc (Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đưa sang Trung Quốc), Nguyễn Trãi nghe theo lời căn dặn tâm huyết của cha nên đã trở về thành Đông Quân, nung nấu ý chí diệt thù cứu nước, ông miệt mài ngày đêm viết Bình Ngô sách rồi lặn lội tìm đường vào Lam Sơn phó chủ tướng Lê Lợi, cùng Lê Lợi nếm mật nằm gai, vượt qua bao gian lao, thử thách, lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh, làm nên chiến thắng oanh liệt ngàn năm. Tên tuổi và sự nghiệp lớn lao của Nguyễn Trãi được dân tộc ta ngàn đời ghi nhớ.
Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là một trong những tấm gương điển hình của con người hành động. Bất bình trước cảnh bè lũ chúa Trịnh lộng hành ăn chơi xa xỉ, lấn át quyền hành của vua Lê, biến vua Lê thành bù nhìn; căm phẫn quân Thanh mượn cớ cướp nước ta, Nguyễn Huệ đã trực tiếp dẫn quân ra Bắc, vừa đi vừa chiêu mộ binh sĩ, tạo thành một đạo quân hùng hậu đủ sức đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh trong một thời gian rất ngắn. Lòng yêu nước của ông đã biến thành hành động có sức mạnh như triều dâng bão cuốn, quét sạch quân thù, đem lại cuộc sống thanh bình cho muôn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương chói lọi bởi những hành động cách mạng cao cả của Người. Thấm thía và đau đớn trước tình cảnh lầm than của dân tộc, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Ba mươi năm lênh đênh khắp bốn biển năm châu, Bác đã tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi xích xiềng nô lệ của thực dân, phong kiến; giành chủ quyền độc lập, tự do; thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Bác là bài ca về hành động, về đức hi sinh quên mình cho dân, cho nước. Sau ngày nước nhà độc lập, Bác kêu gọi đồng bào cả nước một tuần nhịn ăn một bữa để góp phần cứu đói và Bác là người gương mẫu thực hiện đầu tiên. Chúng ta không thể quên hình ảnh Bác đến thăm một đơn vị bộ đội trong đêm trước chiến dịch Biên giới 1951. Bác thức suốt đêm để suy nghĩ về trận đánh mở màn ngày mai.
Bác nhẹ nhàng đi dém chăn cho từng chiến sĩ và canh cho bếp lửa hồng luôn cháy sáng. Bác không ngủ vì: Bác thương đoàn dân công, Đêm nay ngủ ngoài rừng, Trải lá cây làm chiếu, Manh áo phủ làm chăn, Trời thì mưa lâm thâm, Làm sao cho khỏi ướt.
Kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội hoàn cầu, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Trong cuộc sống hòa bình, Bác vẫn ở trong căn nhà sàn đơn sơ, ăn uống thanh đạm như bao người dân lao động khác. Điều tâm huyết mà suốt đời Bác phấn đấu để biến thành hiện thực là làm sao giữ vững chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của đất nước, dân tộc; là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; là chiến đấu quét sạch ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tư tưởng, phẩm chất đạo đức tuyệt vời thanh cao, tuyệt vời trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là bài học nhân sinh sâu sắc cho dân tộc và nhân loại.
Cách đây hơn thế kỉ, trong một lần trò chuyện với con gái, Các Mác – vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới có câu nói nổi tiếng định nghĩa về hạnh phúc: Hạnh phúc là đấu tranh. Câu nói đó nhấn mạnh vai trò quyết định của những hành động thiết thực đòi quyền sống, quyền tự do, bình đẳng và quyền được hạnh phúc của con người. Tinh thần câu nói trên của Các Mác nhất quán với tinh thần câu nói của nhà văn Xi-xê-rông: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động. Theo Các Mác, hạnh phúc không phải tự nhiên mà có; hạnh phúc không phải là ngọn lửa thần hay phép màu nhiệm như trong thần thoại, cổ tích… mà hạnh phúc là kết quả của hành động do chính con người tạo nên. Hành động – đó là quy luật sinh tồn, vận động và phát triển của xã hội loài người.
Ngày nay, đất nước Việt Nam đang tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường toàn cầu đòi hỏi mỗi con người phải thực sự có tài, có đức. Đức và tài thể hiện ở từng hành động cụ thể, ở hiệu quả làm việc cao nhất hằng ngày. Thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi thanh niên phải biết vươn lên trong học tập. Học, học nữa, học mãi (Lê-nin). Học tập là nghĩa vụ và quyền lợi, là hành động cách mạng của thanh niên. Hành động thiết thực của chúng ta hiện nay là dám nhìn nhận những khuyết điểm, sai lầm, dám khắc phục, sửa chữa, vươn lên tiếp cận cái mới, cái tiến bộ để làm giàu cho bản thân và đất nước. Điều đáng quý của tuổi trẻ ngày nay là thái độ cầu tiến, biết hành động đúng đắn, kịp thời để tự khẳng định mình. Đó mới là con đường tốt nhất để thể hiện phẩm chất và đức hạnh của bản thân.
Trước đây, trong chiến tranh, lớp lớp thanh niên hi sinh xương máu ngoài chiến trường để bảo vệ chủ quyền độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, trong cuộc sống hòa bình, tuổi trẻ chúng ta phải không ngừng phấn đấu vươn lên, học tập và cống hiến để góp phần vào sự nghiệp làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong ước bản thân chúng ta.