Tôi có một từng trải lý thú: Đã đi nói chuyện thơ cho nhiều đối tượng người nghe khác nhau, nhưng mấy lần tôi nói cho các bạn trong Hội người mù nghe là xúc động nhất, và có lẽ thành công nhất. Vì đơn giản các bạn ấy không bị phân tán bởi cái nhìn của mắt, mà chỉ toàn tâm toàn ý tập trung vào cái tai nghe… Họ ngồi nghe chăm chú và say sưa!
Tôi không phải là một người quá cực đoan, nên về điều này tôi cho rằng:
1.Thơ là ngôn ngữ, nên dĩ nhiên phần quan trọng của nó là nó mang thông điệp trong từng từ ngữ. Và điều này rất đúng khi ta đọc thơ bằng văn bản và chỉ bằng văn bản mà thôi. Ta sẽ cảm nhận cái hay của thơ từ những từ ngữ cụ thể và có thể nhận ra từ ngữ dùng như thế trong trường hợp đó thì hay ở đâu… ta có thể sửa và đưa ra những phương án khác v.v…Ví dụ thú vị cho điều này có lẽ là câu chuyện về hai từ “thôi, xao” (“đẩy, gõ”) thời Đường.
Chuyện kể rằng thời nhà Đường bên Trung Hoa có nhà thơ Giả Đảo, vốn là một vị hòa thượng, và ông này làm thơ kỹ lưỡng đến mức trong một bài thơ của ông có câu “nhà sư… cửa dưới trăng”, ở chỗ bỏ trống này là do Giả Đảo vô cùng phân vân không biết nên dùng từ “gõ” (cửa) hay “đẩy” (cửa)… đến nỗi ông mải nghĩ không để ý nên cứ đứng chắn giữa đường của một đoàn quân đang hành quân, lính tráng thấy một người như điên, đứng huơ chân múa tay đang làm động tác gì đó cản bước đoàn quân nên liền gô cổ ông lại và dẫn đến vị chỉ huy, may sao ông quan chỉ huy ấy lại là nhà thơ Hàn Dũ lừng danh, và khi nghe Giả Đảo tường trình vụ việc liền vui vẻ góp ý cho nhà thơ này là nên dùng chữ “xao” cho câu thơ trên. Vì “xao” vừa tượng hình tượng thanh hơn “thôi”, lại vừa hợp lý hơn vì đến nhà thăm bạn thì phải “gõ” cửa chớ sao lại “đẩy” cửa cho được! Vì cái duyên chữ nghĩa này mà mấy lần Hàn Dũ đã giới thiệu và khuyến khích Giả Đảo hoàn tục để tiếp tục lai kinh ứng thí.
Nói như thế để thấy từ ngữ trong thơ có thể mang nghĩa và việc tìm nghĩa cho nó để nó có tính biểu cảm là kỳ khu và dụng công vô cùng, không ai có thể coi thường mà ném ra những từ ngữ miễn là nó có nghĩa hợp lý.
Nhưng ví dụ chính xác nhất cho thứ thơ chỉ tận dụng phần ngữ nghĩa của từ ngữ chính là các loại thơ hiện đại hiện nay. Các bạn sẽ thấy thơ của các nhà thơ hiện đại (hậu hiện đại thì đúng hơn) là một thứ ngôn ngữ dùng hình ảnh (nhiều khi rất tinh tế) để chở các ý tưởng (nhiều khi rất sâu sắc và có tính khám phá)… nhưng họ gần như không dùng đến phần phi ngữ nghĩa của các từ ngữ (chẳng hạn những từ phụ, từ hư, từ đệm, hô ngữ…) và đặc biệt là không cần sự hỗ trợ của nhạc tính, sự lay động của những yếu tố vô nghĩa, phi lý tính trong ngôn ngữ…
Loại thơ này thực sự có những giá trị cao quý và được một số người tâm đắc. Trường thơ rộng bát ngát, cũng như mâm cơm có nhiều món, đủ đáp ứng mọi thứ khẩu vị. Ta không nên và không thể bắt mọi người không được thích và chọn ăn thứ đặc sản của họ.
2. Nhưng theo thiển ý của tôi, thơ là gồm cả phần ngữ nghĩa như đã nói trên đây và không thể thiếu phần phi ngữ nghĩa. Tôi cũng chưa cực đoan đến mức coi thơ như âm nhạc, chẳng hạn, ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuyệt vời như vậy, nhưng nếu nó chỉ được tồn tại bằng văn bản, như là tác phẩm văn học, thì, lạy Chúa, nó chỉ còn lại 49% giá trị không hơn…
Nhưng thơ là một loại “động vật lưỡng thê”, có hai đời sống. Những bài thơ hay nhất từ thuở thơ Đường cách nay hơn ngàn năm đến nay vẫn khiến chúng ta xúc động vô cùng… nhưng nếu đưa cho các bạn yêu thơ duy lý (nhất là ở phương Tây) thì họ không công nhận đâu. Nhưng những câu thơ trong “Thanh minh” của Đỗ Mục – trong nguyên bản đã hay, và vẫn hay trong bản dịch Việt ngữ:
“Thanh minh lất phất mưa phùn Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa Hỏi thăm quán rượu đâu là Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài”
Không có một tư tưởng nào, một triết lý nào, và cả các thủ pháp tu từ cũng không nốt… mà những ai đồng cảnh ngộ như nhân vật của thơ cứ nhớ đến hình ảnh trong đó là đồng cảm dễ sợ…
Hoặc một bài như “Lương Châu từ” tả cảnh một đồn biên ải heo hút tận trên đỉnh núi chơ vơ ở chót biên cương phía Tây của Trung Quốc ngày xưa… cái “nhất phiến cô thành vạn nhận san” ấy và câu thơ kỳ lạ: “Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan”…đã khiến bao đời nay hễ ai nhớ đến hình ảnh ấy cũng buồn thấm buồn thía…
Và đó là thơ hay. Vì nó khiến ta xúc động và có thể không hiểu, không cần phải cắt nghĩa vì sao…
Trở lại với cái phi ngữ nghĩa và sự lay động của nhạc tính, tôi xin kể một kỷ niệm:
Trong lần được dự một cuộc hội thảo trên biển, tôi may mắn cùng dịch giả, nhà văn Thái Bá Tân và cố nhà thơ Phạm Hổ cùng hơn 300 nhà thơ đến từ nhiều đất nước châu Âu và cả Mỹ, lênh đênh trên con tàu lớn của Hy Lạp, đi từ Địa Trung Hải, vào biển Êgiê, băng qua Hắc Hải… đến với các hải cảng của mấy nước nằm quanh Hắc Hải như Ođetxa của Ukraina, Kônxtanta của Rumani, Varna của Bungari, Istanbul và Izmia của Thổ Nhĩ Kỳ… và 9 đêm lênh đênh trên biển là 9 cuộc hội thảo về thơ bất tận.
Lần ấy, do trình độ tiếng Anh còn hạn chế, tôi chỉ làm được vài việc nhỏ, trong đó tôi muốn truyền đạt đến các đồng nghiệp Âu – Mỹ cái hay của thơ lục bát Việt Nam. Và tôi đã chọn bài thơ “Ngậm ngùi”, một kiệt tác của nhà thơ Huy Cận để minh họa cho ý mình. Thoạt đầu, tôi đọc diễn cảm bài thơ, đoạn, tôi ngâm theo thể ru con và cuối cùng hát. Bài hát do nhạc sĩ Phạm Duy phổ bài thơ này… Và điều tôi muốn chuyển tải đến cho các bạn đồng nghiệp quốc tế là vẻ đẹp của tiếng Việt và đặc thù của thể thơ truyền thống thuần túy Việt Nam và đậm chất phương Đông. Có vẻ như các bạn quốc tế thích thú vì âm hưởng phong phú của tiếng Việt “nói thì như ngâm thơ, ngâm thơ thì như hát…” nên có mấy bạn nhà thơ nữ (Ba Lan thì phải) còn thích thú xin phép tôi ghi âm lại và… phát trên đài phát thanh của họ… Chẳng biết rồi họ có làm thế không, nhưng sự lay động của thơ Việt ở đây đã chứng minh cho điều tôi nói ở trên về sức truyền cảm nằm ngoài ngữ nghĩa của thơ, vì đơn giản tôi không có bản dịch bài thơ này ra tiếng Anh và dĩ nhiên mọi người không biết đích xác nội dung nó nói cái gì…
Thơ để đọc và thơ để nghe giống và khác nhau là như thế đấy.