Contents
Cách tính điểm xét tuyển đại học theo kết quả thi tốt nghiệp THPT
Trường hợp 1: Các ngành không có môn nhân hệ số
Thông thường, với các ngành không có môn chính hay không có môn nhân hệ số trong tổ hợp xét tuyển, có thể tính điểm xét tuyển theo công thức sau:
Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 + Điểm ưu tiên (nếu có)
Trong đó:
– Điểm M1, M2, M3 là lần lượt là điểm các môn thành phần trong tổ hợp xét tuyển thí sinh đăng ký.
– Điểm ưu tiên: Bao gồm điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT hoặc từng trường đại học sẽ có quy định riêng.
Xem thêm: Thí sinh được cộng điểm ưu tiên thi Đại học như thế nào?
Trường hợp 2: Với các ngành có môn nhân hệ số
Một số trường có áp dụng nhân hệ số với môn thi ở một số ngành học, ngành thi năng khiếu. Lúc này, công thức tính điểm xét tuyển đại học như sau:
Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 x2 + Điểm ưu tiên (nếu có)
Công thức trên áp dụng với các trường đại học xét tuyển ngành theo thang điểm 40. Còn với các trường xét theo thang điểm 30, cách tính điểm sẽ quy về như sau:
Điểm xét đại học = [Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 x2] x 3/4+ Điểm ưu tiên (nếu có)
Điểm xét tuyển trên áp dụng tương tự với các ngành thi năng khiếu tính hệ số 2 ở một số trường.
Về điểm ưu tiên: Theo Điều 7 Quy chế tuyển sinh đại học ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT, thí sinh sẽ được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh. Trong đó:
– Điểm ưu tiên theo đối tượng:
+ Thí sinh được cộng 2 điểm nếu thuộc các đối tượng 1, 2, 3, 4 theo Quy chế tuyển sinh đại học;
+ Thí sinh được cộng 1 điểm nếu thuộc các đối tượng 5, 6, 7 theo Quy chế tuyển sinh đại học.
– Điểm ưu tiên theo khu vực:
+ Khu vực 1 (KV1) được cộng 0,75 điểm, bao gồm: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định được áp dụng trong thời gian thí sinh học THPT hoặc trung cấp; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
+ Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT) được cộng 0,5 điểm, bao gồm: Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3;
+ Khu vực 2 (KV2) được cộng 0,25 điểm, bao gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1);
+ Khu vực 3 (KV3) không được cộng điểm ưu tiên, bao gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.
Xem thêm: Thí sinh được cộng điểm ưu tiên thi Đại học như thế nào?
Cách tính điểm Đại học dựa trên kết quả học tập THPT
Những năm gần đây, ngoài việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học còn lựa chọn phương thước xét tuyển bằng học bạ để tuyển sinh.
Đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, mỗi trường Đại học sẽ có cách tính điểm xét tuyển khác nhau. Dưới đây là 02 cách tính điểm xét tuyển đại học theo kết quả học tập thường được các trường lựa chọn:
– Xét tổng điểm 03 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của 05 học kỳ (học kỳ 1 lớp 10 tới học kỳ 1 lớp 12) hoặc 03 học kỳ ( học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc cả năm lớp 12.
– Xét kết điểm tổng kết học tập cả năm: Các trường Đại học, Cao đẳng sẽ căn cứ vào điểm tổng kết học tập của học sinh trong 03 năm học THPT để xét tuyển.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn có thế yêu cầu thêm các tiêu chuẩn khác về chứng chỉ ngoại ngữ, hạnh kiểm,… để xét tuyển học bạ.
Trên đây là các quy định về cách tính điểm đại học. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Hướng dẫn cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT
>> Thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học thế nào?