Những bài văn tả cây bàng vào mùa thu hay nhất được THPT Sóc Trăng tổng hợp và giới thiệu tới các em tham khảo nhằm giúp học sinh nâng cao kĩ năng viết bài tập làm văn miêu tả cây cối nói chung và văn tả cây bàng nói riêng.
Dàn ý bài văn tả cây bàng vào mùa thu
1. Mở bài
– Giới thiệu cây bàng mà em định tả (ở đâu, do ai trồng, trồng từ khi nào, …)
– Nêu thời điểm em quan sát cây, hoa hoặc quả ấy (mùa thu)
2. Thân bài
– Tả bao quát toàn bộ cây bàng:
+ Cây bàng già nua, cao lêu nghêu, rễ ăn nổi trên mặt đất.
+ Thân cây lớn màu nâu, xù xì, thô ráp, nhiều mấu.
+ Cành cây chĩa ngang và rất nhiều cành, tán lá gồm nhiều tầng phân từng tầng rất đẹp.
+ Lá bàng lớn hơn bàn tay, hiện rõ những đường gân, mọc thành từng chùm
+ Tán cây toả rộng cho bóng mát.
+ Hoa bàng hình ngôi sao, nhỏ li ti, màu trắng ngà, thơm dịu.
+ Trái bàng hình thoi, màu xanh, lúc chín màu vàng, có vị ngọt béo.
– Tả sự thay đổi từng bộ phận của cây bàng vào mùa thu. Chú ý thể hiện kết quả em đã quan sát được nhờ vào các giác quan: thị giác (nhìn), khứu giác (ngửi), xúc giác (sờ), vị giác (nếm)
+ Lá bàng chuyển sang màu vàng hoặc đỏ tía và những mép lá dần quăn lại rồi vồng lên như hình mo cau
+ Chỉ cần một làn gió thu khẽ thổi qua những chiếc lá ấy sẽ lìa cành
+ Là bàng bắt đầu rụng nhiều hơn
+ Cây trơ trụi lá chỉ còn những quả bàng, những chiếc lá cuối cùng là những chiếc lá kiên cường nhất còn sót lại
+ Những trồi non xen lẫn những chiếc lá bé xíu bắt đầu hiện ra
– Tả cảnh vật thiên nhiên xung quanh, hoạt động của con người, chim chóc, ong bướm…. liên quan đến cây bàng.
+ Tiết trời lúc này đã thật se lạnh
+ Những cơn gió thu
+ Những chú chim thi nhau đậu hót níu lo như thể một bản nhạc
3. Kết bài
– Nêu suy nghĩ hoặc tình cảm của em với cây bàng vào mùa thu vừa được miêu tả
Ví dụ: Em rất thích ngắm nhìn lá bàng đổi màu lá lúc sang thu. Nó thật đẹp khiến tâm hồn con người phải dao động giữa khoảnh khắc quan trọng mùa thu tới, năm học mới.
Văn mẫu tả cây bàng vào mùa thu hay nhất tuyển chọn
Tả cây bàng vào mùa thu ngắn nhất – Mẫu 1:
Ngay giữa sân trường, gần cột cờ Tổ quốc, bác bàng già đang chuyển mình thay áo mới: từng đợt lá bàng vàng rơi xuống gốc để trơ lại cành nhánh khẳng khiu.
Cây bàng cao độ năm mét, lúc xum xuê cành lá che mát cả một khoảng sân trường, bây giờ trơ cành, chỉ còn lưa thưa lá. Nhìn từ xa, cây bàng lúc này như một người già có nhiều cánh tay gân guốc giơ ra tứ phía. Gốc bàng to bằng hai vòng tay chúng em, chỗ lồi, chỗ lõm. Từ những chồ lồi, rễ bàng nổi trên mặt đất, ngoằn ngoèo như những con rắn nhổm mình phóng tới. Thân cây bàng cao lên ba mét thì bất đầu phân nhánh, đâm cành. Hồi đầu năm học, cây bàng còn xanh um, chia thành từng tầng, giờ đây, từng đợt lá bàng vàng úa rơi xuống sân, nhìn lên cây bàng chỉ thấy trơ trọi cành, khó mà phân biệt được tầng lá. Mỗi nhánh của cây bàng chỉ còn lác đác dăm lá đang úa vàng, có lá chuyển sang màu đỏ nâu. Một cơn gió hơi mạnh thổi qua là có một cái lá bàng là là rơi xuống. Sân trường lúc nào cũng được giữ cho sạch nhưng cứ vài giờ dưới gốc bàng, lá úa đỏ như trải thảm. Trời se se lạnh, cái lạnh dễ chịu của tháng chín, tháng mười lẫn không khí ẩm nên chồi non nhú mầm nhanh. Trên cành cây khều khào đã lác đác vài chồi xanh. Mỗi chồi xanh nhọn, bé xíu như chóp tai thở, đem lại cho cây sức sống mãnh liệt. Nhìn lên trên nền trời, từng nhánh bàng in rõ nét như một bức tranh thư pháp, kí gửi bao nỗi niềm của lá già rơi xuống, để lớp chồi non mọc lên thay cho lá già đem lại sức sống mới cho cây bàng. Chim chóc hình như cũng rủ nhau đi trú ngụ nơi khác, chỉ thỉnh thoảng có một hai chú chim sẻ lẻ loi đậu trên cành bàng hót thảng thốt rồi vù bay đi. Mùa này, chúng em nhặt lá bàng xếp thành từng chồng chơi hàng xén. Lá bàng hơi vàng là bánh tráng, lá bàng đỏ là bánh rán… trí tưởng tượng của trẻ con làm cho lá bàng úa vàng trở thành muôn vàn thứ vật phong phú, tưởng như trò chơi không bao giờ dứt.
Cây bàng thay lá nhắc nhở cho em biết thời gian qua đi không bao giờ trở lại. Cây bàng nảy chồi theo chu kì thay lá của tự nhiên nhưng riêng con người không thể lớn lên rồi nhỏ lại được. Vì thế em phải biết quý thời gian, phải học tập thật giỏi để có tương lai tươi sáng mai sau.
>>> Đọc thêm: Những bài văn tả cây bàng hay nhất
Tả cây bàng vào mùa thu ngắn nhất – Mẫu 2:
Cây bàng là một loại cây rất quen thuộc đối với mỗi bạn học sinh. Bởi loài cây này hay được trồng ở trường học. Cây bàng không những cho bóng mát mà nó còn rất đẹp khi thay đổi màu lá khi mùa thu sang nên em rất thích cây bàng.
Cây bàng thuộc họ nhà cây gỗ to. Thân cây bàng có màu nâu thẫm hơi sần. Cách mặt đất chừng hai mét bắt đầu chia nhánh vươn mình lên cao đón ánh nắng mặt trời. Lá bàng to như cái quạt mo của bà nội em.
Lá bàng có màu xanh thẫm khi mùa thu đến lá bàng bắt đầu chuyển màu. Từ màu xanh lá đổi từ từ từng ngày sang màu vàng. Nhìn cây bàng đổi mùa em rất thích. Nó như thể báo hiệu với mọi người trong trường là mùa thu đang sang chúng em bắt đầu vào một năm học mới. Những chiếc lá xanh như thi đua nhau đổi sang màu vàng. Mới đầu chỉ có một vài lá vàng nhưng qua một vài ngày cả cây lá đã chuyển hết sang màu vàng. Tán lá rộng cành lá xum xuê như một cái ô màu vàng to đứng sừng sững ở cạnh sân trường cho chúng em bóng mát lớn để sau mỗi giờ học chúng em vui đùa cùng nhau. Trên cây bàng những chú chim thi nhau đậu hót níu lo như thể một bản nhạc cuộc sống vui tươi làm cho không khí sân trường náo nhiệt hẳn lên.
Nhìn cảnh sắc cây bàng đổi màu lá lúc sang thu thật đẹp vào tuyệt diệu. Như thể nó có một vẻ đẹp riêng mà không một cây nào có được, khiến nhiều người phải thốt lên rằng: “Ôi sao cây bàng đổi mùa sang thu lại đẹp tuyệt vời đến vậy”.
Em rất thích ngắm nhìn lá bàng đổi màu lá lúc sang thu. Nó thật đẹp khiến tâm hồn con người phải dao động giữa khoảnh khắc quan trọng mùa thu tới, năm học mới. Làm cho sân trường em đẹp hơn mát hơn và nhiều tiếng cười cuộc sống hơn.
Tả cây bàng vào mùa thu ngắn nhất – Mẫu 3:
Trước sân nhà em, ông nội có trồng một cây bàng, cây bàng năm nay đã được 5 tuổi, mỗi năm bước sang một tuổi, cây bàng lại thay cho mình một chiếc áo mới, người ta gọi đó là mùa thay lá của của cây bàng.
Cây bàng thường thay lá vào mùa thu, khoảng thời gian gần cuối thu tháng 8, đây cũng là mùa tựu trường của học sinh. Cây bàng nhà em đã cao chừng 4 mét, những cành cây tỏa ra thành tán tròn từng tầng, lá bàng to bản rộng giống như một chiếc quạt nan. Nếu như các mùa khác lá bàng có màu xanh tươi mơn mởn thì bước sang thu lá bàng đã ngả sang màu vàng úa rồi theo thời gian cũng như dưới nắng gió heo may của mùa thu đến giữa mùa thu lá bàng đã chuyển sang màu đỏ, màu đỏ như là đỏ gạch. Những loài cây khác khi lá úa vàng ươm sẽ rụng xuống nhưng với cây bàng chỉ khi lá đã chuyển sang màu đỏ sẫm mới bắt đầu rụng. Cây bàng mùa đổi lá lại mang một vẻ đẹp riêng, tuy không tràn đầy sức sống như khi lá còn xanh nhưng lại gợi cho con người ta những hoài niệm, từng chiếc lá đỏ rơi xuống gốc, bay đi khắp sân, khô dần rồi teo tóp lại.
Cây bàng từng ngày rũ lá khỏi mình, đến khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì cây chỉ còn lại thân và cành khẳng khiu, xơ xác tưởng chừng như đã chết khô. Nhưng thực ra bên trong cây vẫn tràn đầy nhựa sống, chỉ cần mùa xuân sang chồi non sẽ đâm ra, lại bắt đầu một mùa sinh trưởng mới.
Bài văn dài tả cây bàng vào mùa thu – Mẫu 4:
Mùa hạ vừa đi qua thì mùa thu cũng đã kịp đến, mùa thu về mang theo tiết trời ấm áp, ánh nắng rất nhẹ, không gay gắt như cái nắng hè. Em thích tiết trời của mùa thu vì nó mang đến cho mọi người cảm giác rất dễ chịu, những cơn gió thổi nhẹ nhàng, khoan thai hơn. Tuy nhiên, mùa thu là mùa tàn úa, cây bắt đầu rụng lá, thay đi hết những chiếc lá già để chuẩn bị cho một mùa xuân bắt đầu đâm chồi, nảy lộc những chiếc lá tươi mới.
Trước sân trường em trồng rất nhiều những cây bàng, thân cây cao lớn, tán lá rộng, cành lá xum xuê, xanh tốt rợp bóng cả một góc sân trường.
Mùa thu đến, những chiếc lá bàng xanh bắt đầu vàng úa, rụng dần. Cây bàng không còn xanh tốt, xum xuê như trước nữa. Những chiếc lá cứ rụng dần, rụng dần đến khi cành cây trơ trọi, không còn chiếc lá nào. Những quả bàng cũng già dần, mất đi sắc xanh vốn có mà ngả sang màu nâu vàng, bàng rụng xuống sân trường tạo nên những âm thanh lộp độp.
Mỗi khi có cơn gió, dù rất nhẹ thổi qua cũng làm những chiếc lá đỏ vàng rơi lả tả, những chiếc lá rụng rơi đầy một góc sân trường, bay xào xạc khắp nơi.
Nhặt những chiếc lá rụng, tung lên cho bay trong gió, hay nhặt những quả bàng khô để chơi chắt, chơi hòn là những trò chơi rất thú vị của đám học sinh.
Chúng em tụ tập thành từng nhóm ba đến bốn người, “đại bản doanh” là dưới gốc cây bàng, chúng em phân công nhau đi nhặt quả ở xung quanh bồn cây, sau đó tập hợp lại để cùng nhau chơi. Những quả bàng khô rất nhẹ và vừa tay nên khi chơi xóc hòn, chúng em sẽ không bị đau tay như khi dùng những viên đá. Trò chơi từ những quả bàng cũng rất đa dạng, có khi chúng em chơi xóc hòn, có khi chơi ô ăn quan, nhảy ô… trò nào cũng rất thú vị, chúng em chơi rất vui vẻ.
Một trò chơi nữa mà chúng em cũng rất hay chơi khi những chiếc lá rụng xuống, đó là trò chơi bắt lá. Chúng em sẽ đứng ở dưới gốc cây, khi lá rụng thì chúng em sẽ chạy theo, bắt lấy những chiếc lá, nếu lá rơi xuống đất rồi thì chiếc lá ấy sẽ không được tính điểm. Sau khi trò chơi kết thúc, nếu ai bắt được nhiều lá nhất thì người đó sẽ là người chiến thắng.
Lá bàng rụng nhiều cũng làm các cô lao công bận rộn, tất bật hơn với công việc của mình. Sân trường có khi vừa được các cô dọn sạch sẽ thì những cơn gió lại làm rơi xuống rất nhiều lá mới, sân trường luôn được bao phủ bởi lá rụng.
Những chiếc lá bàng đỏ phủ kín sân trường làm cho sân trường rất khác lạ, như mặc trên mình một chiếc áo mới đầy màu sắc. Khi có ánh nắng chiếu vào, những chiếc lá càng trở lên rực rỡ, bắt mắt đến lạ kì. Những chiếc lá bị thổi tung bay trong gió trông rất đẹp, như những bông tuyết rơi vậy. Nhưng những bông tuyết này lớn hơn, nhẹ hơn, không hề giá lạnh và màu sắc cũng rực rỡ hơn.
Khung cảnh sân trường được bao phủ bởi lá bàng tuy rất đẹp, có phần thơ mộng, lãng mạn nhưng mỗi khi ngước tầm mắt nhìn lên thân cây trơ trọi lá thì em lại cảm thấy rất buồn và có chút xót xa.
Mỗi lần có gió thổi làm rụng lá, những cành cây trơ trọi, xơ xác lại khe khẽ đung đưa như muốn nói lời li biệt với những chiếc lá. Những chiếc lá thì bay chầm chậm trong không trung trước khi đáp xuống mặt đất như tiếc nuối, lưu luyến nơi mà nó đã sinh ra, lớn lên, cũng là nơi nó rụng xuống, nói lời tạm biệt cuối cùng với cây. Khung cảnh mùa thu tuy đẹp nhưng sao thật buồn, những mất mát vẫn in dấu trên từng cảnh vật. Cây bàng không còn lá làm em thấy nó thật trống trải, như thiếu vắng gì đó rất quan trọng, cảm giác rất lạ lẫm, mất mát.
Những chiếc lá rụng hết, cây bàng xơ xác như vừa trải qua một trận bão lớn vậy, sự sống bị hút sạch, không còn tràn đầy sức sống khi mới vào mùa hạ nữa. Những cành cây đơn độc một mình chống chọi với những cơn gió và cơn mưa mùa thu.
Tuy nhiên, cây bàng rụng lá không phải tình trạng kiệt quệ, suy yếu của cây mà là một quy luật tất yếu của tự nhiên, của đất trời. Năm nào cũng vậy, cứ hễ thu về là cây bàng lại bắt đầu trút hết lá, tình trạng này sẽ kéo dài cho đến hết mùa đông lạnh giá, để khi bước vào mùa xuân, khi những hạt mưa xuân rơi xuống thì cây bàng lại bắt đầu sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc, những chiếc lá mới sẽ lại được mọc ra xanh tốt. Cây bàng một lần nữa khoác lên mình bộ quần áo mới rực rỡ hơn, tươi tốt hơn; sức sống được hồi sinh mạnh mẽ, nhựa sống lại căng tràn trong từng tán lá. Diện mạo của cây bàng lại trở lại hình ảnh xanh tốt, tán rộng, cành lá xanh mướt như ngày nào.
Mùa thu làm cho cây bàng rụng lá, nhưng khi mùa đông qua đi thì sức sống của nó lại được hồi sinh, cây bàng mang trong mình một sức sống tiềm tàng thật mạnh mẽ, sức sống ấy làm nó có thể chống chọi với cả một mùa đông lạnh lẽo để tiếp tục sinh sôi. Có lẽ, lá rụng là khi cây bàng ấp ủ trong nó những nguồn sống mới dạt dào, mạnh mẽ hơn. Khi những chiếc lá mới nảy mầm là khi nó chứng minh được sức sống mãnh liệt, kì diệu của mình.
Có thể bạn quan tâm: Tả cây có bóng mát lớp 5
Bài văn dài tả cây bàng vào mùa thu – Mẫu 5:
Có người nói với tôi rằng mùa thu chính là mùa của sự chia li của sự cách biệt của nỗi nhớ miên man. Nhưng dù có những lí do như thế cũng không làm tôi thôi thích mùa thu. Tôi thích mùa thu thích tất cả những thứ thuộc về nó thích những chiếc lá bàng đặc trưng của mùa thu Việt Nam đang thay lá.
Khi những cơn gió lạnh đang bắt đầu thổi là dấu hiệu kết thúc mùa hè sinh sôi nảy nở và nhường chỗ cho mùa thu lá đỏ. Theo quy luật tự nhiên của đất trời thì cây bàng trước của nhà tôi cũng bước sang mùa thay lá. Thế nhưng nó dường như không vội chuyển lá như những cây khác. Chẳng thế mà khi cây bằng lăng đã rụng những chiếc lá đầu tiên thì cây bàng dường như vẫn cố mình chống chọi với những cơn gió ngày càng mạnh, nó vẫn chưa rụng chiếc lá đỏ nào. Cây bàng trông như một cái ô lớn, thân nó sần sùi. Bố tôi nói là nó đã có từ lâu lắm rồi từ khi bố còn bé xíu. Hôm nay bố nói mai sẽ có đợt gió mùa lớn lắm, bố dặn mọi người phải chú ý mặc quần áo ấm. Tôi chợt nghĩ đến cây bàng gặp trận gió to như thế chắc nó sẽ rụng hết lá mất. Tôi ngó ra ngoài thấy mấy hôm nay nó đã rụng vài chiếc lá không thể giữ được nữa. Tôi chạy ra ngoài nhặt từng chiếc lá lên, những chiếc lá màu vàng úa đã hơi cong do gió thổi nhiều nên nó đã khô lại mà không còn được tươi nữa. Nhìn cây bàng lúc này chắc nó đang gắng mình để ngăn không cho những chiếc lá rơi. Cuối cùng cơn gió mùa đã đến. Vào buổi tối đó, những cơn gió gào thét bên cửa đập vào mái tôn nghe ù ù. Tôi lo lắng không biết cây bàng thế nào rồi. Sáng hôm sau khi mẹ vừa gọi tôi thức dậy tôi sực nhớ ra và chạy ngay ra ngoài xem cây bàng như thế nào rồi. Khi tôi ra đến nơi thì cây bàng đã rụng sạch lá, chỉ còn vài chiếc lá vẫn còn đang trên cây. Nhìn gốc bàng đầy những chiếc lá tôi thấy thương nó quá, tôi nói mẹ nhưng mẹ nói cây thay lá là một điều tự nhiên mà rồi khi lá bàng rụng hết thì cây sẽ lại mọc những chồi non để đón chào mùa xuân mới thôi con ạ. Tôi nghe mẹ nhưng vẫn thấy thương cây lắm không còn những chiếc lá bảo vệ thì sao nó có thể chống chọi được với mùa đông lạnh giá đây.
Tôi cùng mẹ đi quét dọn những chiếc lá rụng dưới gốc. Nhiều lắm những chiếc lá rụng nhiều không sao đếm được. Còn bây giờ nhìn trên cây thì tôi có thể đếm được những chiếc lá chỉ còn trên đầu ngón tay mà thôi. Những chiếc lá còn lại như đang cố bám lại trên cây. Nó không muốn rơi xuống bề mặt đất cuối cùng nó vẫn muốn được sống được tồn tại trên cây dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi nhất. Cây bàng dường như cũng đang dang những cành to lớn của mình ra để che chở cho những chiếc lá không bị rụng. Nhưng dù có cố gắng bao nhiêu thì những chiếc lá cuối cùng cũng đã rụng, nhìn cây bây giờ xơ xác không một chiếc lá mà lòng tôi cảm thấy như cũng thiếu một cái gì đó. Giờ đây cây bàng đứng yên, lá đã rụng hết nó không còn gì để bảo vệ nữa. Dường như nó cũng đang rất buồn vì đã mất đi những đứa con mà nó thương yêu nhất nó muốn che chở cho nhất. Mẹ tôi nói bây giờ là thời điểm cây rất cần dự trữ chất dinh dưỡng để cây mọc chồi non và để chống trọi với mùa đông lạnh giá. Mùa này bàng không đẹp, đó là mùa bàng rụng lá bàng xơ xác nhưng tôi vẫn thích nó. Tôi vẫn thích những chiếc lá bàng đó và tôi vẫn thích cái sự sống, cái sự chống lại tất cả mọi cơn gió cơn bão táp của cuộc đời. Cuộc đời của cây bàng chẳng phải cũng như cuộc đời con người hay sao. Có lúc con người thuận buồm xuôi mái không gặp khó khăn gì ấy chính là mùa xuân là mùa hè của cây bàng đó là lúc cây đơm hoa kết trái là lúc mà cây đẹp nhất. Cũng có những lúc ta gặp những khó khăn vất vả những nỗi đau ấy chẳng phải là mùa thu đó sao. Khi ấy ta cố gắng để nó không xảy ra nhưng như một lẽ tự nhiên nó vẫn đến buộc ta phải trải qua. Còn mùa đông chính là khi mà cây đang trỗi dậy những sức sống để vươn lên mọc những mầm non tươi đẹp thì ấy cũng là khi mà con người cần mạnh mẽ để vượt qua được những khó khăn. Có thể ta không thể vượt qua được dẫn đến thất bại cũng tương tự như thế đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của cây nếu không vượt qua được có thể nó sẽ chết. Vì vậy ta cần phải quý trọng những thứ đã qua cũng như không nên chỉ thấy cái đẹp mà cây bàng mang lại cho chúng ta vào các mùa khác mà không thích cây bàng vào mùa rụng lá.
Cây bàng là một hình ảnh thân thương là một kỉ niệm đẹp và mỗi khi nhớ đến nó tôi nhớ đến gia đình tôi và đó sẽ là một biểu tượng trong tâm hồn tôi nhất là khi mà nó bước vào mùa thay lá.
Bên cạnh những bài tả cây bàng vào mùa hè thì mẫu văn tả cây bàng vào mùa thu cũng được khá nhiều học sinh tìm kiếm để tham khảo. Trên đây là một số bài văn tả cây bàng vào mùa thu thay lá hay nhất mà THPT Sóc Trăng muốn giới thiệu đến các em học sinh tham khảo để có được một bài văn hay cho mình. Chúc các em làm bài tốt và đạt điểm cao!
Đăng bởi: THPT Sóc Trăng
Chuyên mục: Giáo dục