Du lịch là một ngành dịch vụ mang theo nhiều doanh thu và lợi ích rất lớn hiện nay, nhu cầu du lịch của con người ngày một tăng cao. Hiện nay, tại Việt Nam hoạt động du lịch tại các khu du lịch đặc biệt phát triển. Các khu du lịch như những điểm sáng trong hoạt động du lịch. Vậy khu du lịch là gì và những khu vực như thế nào được công nhận là khu du lịch.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Du lịch năm 2017;
– Nghị định số 168/2017/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
1. Khái niệm và đặc điểm của khu du lịch:
Tại Khoản 6 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 quy định như sau: “6. Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.”
Như vậy, khu du lịch là một khu vực địa lý có chứa tài nguyên du lịch nổi bật hơn so với các khu vực lân cận, đồng thời khu vực này được quy hoạch tập trung, có cơ cấu tổ chức cụ thể, khu vực này có khả năng thu hút khách du lịch đến du lịch. Hiện khu du lịch được phân chia thành khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia
Có thể nhận thấy đặc điểm đầu tiên của khu du lịch đó chính là chứa đựng những ưu thế về tài nguyên du lịch. Các tài nguyên du lịch tại các khu vực “ưu thế” hơn các khu vực khác hiểu đơn giản đó chính là sự nổi bật của các khu du lịch này với các vùng lân cận. Ví dụ như ở khu vực nào cũng có đền, chùa, tuy nhiên, ở một số địa phương có những đền, chùa mang đậm tính lịch sử, có giá trị to lớn đối với lịch sử nước nhà, có thể kể đến ở đây là Đền Hùng, Chùa Bái Đính, Chùa Yên Tử,…, những khu vực này chính là các tài nguyên du lịch “ưu thế”.
Bên cạnh đó, khu du lịch là những khu vực được quy hoạch cụ thể. Quy hoạch ở đây chính là việc xác định ranh giới của khu du lịch đó với khu vực bên ngoài và việc tổ chức cơ cấu trong khu du lịch. Mỗi khu du lịch đều được xác định cụ thể về vị trí địa lý, diện tích cụ thể. Đồng thời, trong khu du lịch cũng được tổ chức cụ thể, mỗi bộ phận trong khu du lịch đều đóng vai trò nhất định.
Khu du lịch là điểm sáng trong hoạt động du lịch, nên các khu du lịch đều nhận được sự đầu tư, chú trọng phát triển của Nhà nước. Việc đầu tư phát triển là một hoạt động vô cùng quan trọng, vừa nhằm mục đích bảo tồn khu du lịch, vừa phát triển hoạt động du lịch, thu hút du khách đến khu vực đó.
Xem thêm: Vùng du lịch là gì? Đặc điểm và vai trò của vùng du lịch?
2. Điều kiện công nhận khu du lịch:
Điều kiện công nhận khu du lịch hiện nay được quy định tại Điều 26 Luật Du lịch năm 2017 và quy định này được hướng dẫn trong Nghị định số 168/2017/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch tại Điều 12, Điều 13. Từ quy định trong các văn bản pháp luật này thì nhận thấy điều kiện để công nhận một khu vực là khu du lịch chia thành các nhóm điều kiện chính gồm: điều kiện về tài nguyên du lịch; điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
2.1. Điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh:
Điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh được quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Du lịch và hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định số 168/2017/NĐ- CP, cụ thể thì gồm các điều kiện sau:
– Điều kiện về tài nguyên du lịch: khu vực phải “có ít nhất 01 tài nguyên du lịch cấp tỉnh; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.”(khoản 1 Điều 12)
Có thể nhận thấy điều kiện về tài nguyên du lịch là tiêu chí bắt buộc và tiên quyết để hình thành khu du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng tài nguyên du lịch phải là tài nguyên du lịch cấp tỉnh, tức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đó là tài nguyên du lịch cấp tỉnh. Pháp luật quy định chỉ cần có 01 tài nguyên du lịch là có thể thành lập. Khu vực du lịch có tài nguyên du lịch cấp tỉnh phải được xác định ra giới, việc xác định ranh giới này được thể hiện trên bản đồ địa hình của địa phương đó.
– Điều kiện về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ: thì tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 168/2017/NĐ- CP quy định như sau”
“2. Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch, bao gồm:
a) Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch;
b) Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm;
Xem thêm: Điều kiện để được công nhận là khu du lịch
c) Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch; có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan;
d) Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.”
Quy định này đã thể hiện chi tiết về điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật. Với ranh giới rõ ràng, các khu vực để trở thành khu du lịch phải có cơ sở hạ tầng có điều kiện để du khách đến thăm quan, lưu trú có thể thực hiện được các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, ngủ, nghỉ,…. Cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện tác động đến sức hút của khu du lịch, khi khu du lịch đáp ứng được các điều kiện về tiếp đón du lịch sẽ thu hút du khách hơn những khu vực có điều kiện không đáp ứng nhu cầu của du khách.
– Điều kiện về sự kết nối với khu vực lân cận: “Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.” (khoản 3 Điều 12 tại Nghị định 168/2017/NĐ- CP) Việc quy định về điều kiện này nhằm đảm bảo sự liên kết với các khu vực khác ngoài khu du lịch, đồng thời cũng tạo ra những mạch liên kết du lịch giữa các khu du lịch khác nhau, từ đó tạo nền tảng xây dựng trung tâm du lịch, vùng du lịch.
– Điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường được quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 168/2017/NĐ- CP như sau:
“a) Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn;
b) Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch;
c) Có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;
Xem thêm: Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch
d) Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;
đ) Có hệ thống thu gom và biện pháp xử lý rác thải; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hoặc hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;
e) Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.”
An ninh, trật tự an toàn xã hội là yếu tố tác động đến khả năng du lịch của địa phương. Việt Nam luôn là điểm đến du lịch thu hút nhiều khách du lịch quốc tế với lý do là nơi có chính trị ổn định, an toàn cao. Các địa phương muốn thu hút khách du lịch thì phải thể hiện được nếu khi đến du lịch tại các địa phương đó du khách sẽ không có nguy cơ hoặc ít nguy cơ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản. Để làm được điều này thì các khu vực đó phải đáp ứng được các tiêu chí như trên, luôn đặt tính mạng của du khách lên hàng đầu và đảm bảo các quyền lợi của du khách. Bên cạnh đó bảo vệ môi trường là yếu tố không thể thiếu, bảo vệ môi trường vừa nhằm bảo vệ môi trường của khu vực du lịch, bảo vệ mỹ quan của khu vực du lịch, đồng thời cũng giúp bảo vệ sức khỏe của du khách. Với lý do đó rất cần thiết phải có các hệ thống để bảo vệ môi trường.
2.2. Điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia:
Điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia được quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Du lịch và hướng dẫn tại Điều 13 Nghị định số 168/2017/NĐ- CP, về cơ bản thì các nhóm điều kiện để công nhận khu du lịch quốc gia cũng có những điểm tương đồng với điều kiện công nhận khu du lịch tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt như sau:
– Điều kiện về tài nguyên du lịch, thì khu vực phải có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia. Như vậy, tiêu chí tài nguyên du lịch ở đây phải có tối thiểu một tài nguyên du lịch cấp quốc gia và bên cạnh đó có ít nhất một tài nguyên du lịch khác. Khu du lịch quốc gia phải có quy mô lớn hơn quy mô của khu du lịch cấp tỉnh và phải chứa đựng tài nguyên du lịch cấp quốc gia, nên việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý.
– Điều kiện có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (Khoản 2 Điều 13 Nghị định 168/2017/NĐ- CP). Đây là điều kiện khác biệt so với các điều kiện để công nhận khu du lịch cấp tỉnh. Với quy mô mang tầm quốc gia, thì việc phê duyệt của chủ thể có thẩm quyền ở quy định này là hoàn toàn hợp lý.
– Điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thì điểm khác biệt là khu vực để trở thành khu du lịch quốc gia phải “Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên;” (Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 168/2017/NĐ- CP). Quy định này thể hiện được quy mô của khu du lịch quốc gia lớn hơn rất nhiều lần khu du lịch cấp tỉnh, do đó, cơ sở hạ tầng cũng phải đáp ứng các điều kiện đó. Còn các tiêu chí còn lại thì tương ứng như điều kiện công nhận đối với khu du lịch cấp tỉnh.
Xem thêm: Du lịch sinh thái là gì? Các khu du lịch sinh thái nổi tiếng?
– Điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường thì cũng tương ứng như điều kiện về công nhận đối với khu du lịch cấp tỉnh và có điểm khác biệt là khu vực đó phải “Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;” (điểm a, Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 168/2017/NĐ- CP).