Quan hệ sản xuất là gì? Lực lượng sản xuất là gì? Chúng có mối quan hệ như thế nào trong sản xuất. Để giải đáp được hãy theo dõi bài viết sau đây.
Contents
1. Quan hệ sản xuất là gì?
Quan hệ sản xuất là khái niệm chỉ mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (sản xuất và tái sản xuất xã hội), là một trong những biểu hiện của quan hệ xã hội, giữ vai trò xuyên suốt trong quan hệ xã hội vì quan hệ sản xuất là quan hệ đầu tiên, quyết định những quan hệ khác.
Quan hệ sản xuất gồm 3 mặt:
- Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất
- Quan hệ tổ chức lao động sản xuất
- Quan hệ phân phối sản phẩm lao động
2. Lực lượng sản xuất là gì?
Lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Về mặt cấu trúc, lực lượng sản xuất xã hội bao gồm hệ thống những tư liệu sản xuất và sức lao động mà người ta dùng cho sản xuất, trong đó quan trọng nhất là sức lao động.
Tư liệu sản xuất bao gồm công cụ lao động và đối tượng lao động. Trong đó, trình độ phát triển của công cụ lao động là thước đo trình độ chinh phục tự nhiên của con người, là tiêu chuẩn phân biệt các thời đại kinh tế trong lịch sử.
Lực lượng để sản xuất ra của cải phải gồm có người lao động và tư liệu sản xuất. Do đó hai yếu tố này tạo thành lực lượng sản xuất.
Ngày nay khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Có thể nói, khoa học và công nghệ hiện đại là đặc trưng cho lực lượng sản xuất hiện đại.
Lực lượng sản xuất phản ánh mối quan hệ và tác động của con người với tự nhiên. Nó phản ánh năng lực hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất.
3. Kết cấu của quan hệ sản xuất
Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất
Là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc chiếm hữu, sử dụng các tư liệu sản xuất xã hội; là quan hệ xuất phát, cơ bản, trung tâm của quan hệ sản xuất, luôn có vai trò quyết định các quan hệ khác.
Bởi vì, lực lượng xã hội nào nắm phương tiện vật chất chủ yếu của quá trình sản xuất thì sẽ quyết định việc quản lý quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Xét về mặt lịch sử quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất đã được thể hiện dưới hai hình thức cơ bản, đó là sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất.
Quan hệ tổ chức quản lý sản xuất
Là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc tổ chức sản xuất và phân công lao động.
Quan hệ này có vai trò quyết định trực tiếp đến quy mô, tốc độ, hiệu quả của nền sản xuất; có khả năng đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất xã hội.
Quan hệ phân phối sản phẩm lao động
Là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc phân phối sản phẩm lao động xã hội, nói lên cách thức và quy mô của cải vật chất mà các tập đoàn người được hưởng.
Quan hệ này có vai trò đặc biệt quan trọng, kích thích trực tiếp lợi ích con người; là “chất xúc tác” kinh tế thúc đẩy tốc độ, nhịp điệu sản xuất, làm năng động hóa toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Hoặc ngược lại, nó có thể làm trì trệ, kìm hãm quá trình sản xuất.
Trong ba mặt quan hệ của quan hệ sản xuất đều có sự tác động qua lại lẫn nhau và quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ giữ vai trò quyết định trong quan hệ sản xuất. Đồng thời quan hệ sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội là sự khác nhau về bản chất và có tính chất đối lập.
4. Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ thống nhất biện chứng, trong đó lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất tác động trở lại lực lượng sản xuất.
Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt cơ bản, tất yếu của quá trình sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất là nội dung vật chất của quá trình sản xuất, còn quan hệ sản xuất là hình thức kinh tế của quá trình đó.
Ngược lại, cũng không có một quá trình sản xuất nào có thể diễn ra trong đời sống hiện thực chỉ với những quan hệ sản xuất không có nội dung vật chất của nó.
Như vậy, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tồn tại trong tính quy định lẫn nhau, thống nhất với nhau. Đây là yêu cầu tất yếu, phổ biến diễn ra trong mọi quá trình sản xuất hiện thực của xã hội.
Chúng phải tuân theo nguyên tắc khách quan: quan hệ sản xuất phải phụ thuộc vào thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất trong mỗi giai đoạn lịch sử xác định; bởi vì, quan hệ sản xuất chỉ là hình thức kinh tế của quá trình sản xuất còn lực lượng sản xuất là nội dung vật chất, kỹ thuật của quá trình đó.
>>> Xem thêm: Lean là gì? Lean trong hoạt động sản xuất