Áp dụng phần mềm ERP để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như vận hành doanh nghiệp vẫn đang là xu hướng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa biết đến phần mềm Odoo ERP mã nguồn mở.
Vậy Odoo ERP là gì? Odoo ERP có những ưu điểm gì và mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp? Hãy cùng Cloudify tìm hiểu tổng quan về phần mềm Odoo qua bài viết sau.
Odoo là gì?
Odoo (tên gọi cũ là OpenERP) là một trong những phần mềm ERP mã nguồn mở hàng đầu trên thế giới, tích hợp nhiều ứng dụng và module cơ bản như CRM, POS (quản lý bán hàng), HRM (quản lý nhân sự), WMS (quản lý hàng tồn kho), quản lý dự án…. vào một phần mềm duy nhất.
Một vài thông tin được chia sẻ rằng, Odoo là từ viết tắt của On-Demand Offer from OpenERP. Ý kiến khác cho rằng, Odoo là từ viết tắt của On-Demand Open Object.
Do Odoo là một phần mềm ERP mã nguồn mở nên ngoài những module được kể trên, Odoo còn cho phép bạn hoàn toàn chỉnh sửa hay thêm bớt những tính năng, phân hệ khác. Tính tùy biến của phần mềm Odoo rất cao với trên 4500 phân hệ liên kết chặt chẽ với nhau, nên tùy thuộc vào từng nhu cầu của doanh nghiệp mà sẽ cài đặt những phân hệ phù hợp.
Odoo là một hệ thống ERP rất linh hoạt với cộng đồng nhà phát triển khổng lồ. Hiện nay, hệ thống ERP này đã có hơn 7 triệu người dùng trên toàn thế giới, bao gồm các công ty khởi nghiệp đến các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Odoo hỗ trợ 23 ngôn ngữ và cho phép bạn chỉnh sửa nội dung của mình từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nó tích hợp với Amazon và eBay cũng như cung cấp một API cho các nhà phát triển.
Các phiên bản của Odoo ERP
Hiện tại, Odoo đang cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp với hai phiên bản: Odoo Community và Odoo Enterprise
Odoo Community Edition (Phiên bản miễn phí)
Odoo Community là phiên bản mã nguồn mở được Odoo phát hành theo giấy phép LGPLv3. Đây là phiên bản hoàn toàn miễn phí được Odoo cung cấp cho cộng đồng, có thể được cài đặt dễ dàng để hỗ trợ quản lý doanh nghiệp một cách toàn diện.
Bên trong phiên bản Odoo Community đã được tích hợp sẵn một số module như CRM, HRM, POS… và với mã nguồn mở, doanh nghiệp có thể tùy biến các module này phù hợp với hoạt động kinh doanh và khiến nó trở thành người bạn đồng hành tốt của mình.
Một vài điểm hạn chế của phiên bản Odoo miễn phí này chính là khó nâng cấp phiên bản, thiếu hỗ trợ lưu trữ và các tính năng nâng cao so với phiên bản Odoo Enterprise. Ngoài ra, phiên bản Odoo Community miễn phí cũng không hỗ trợ phiên bản điện thoại và mobile app, các tính năng của module cũng bị hạn chế hơn so với phiên bản trả phí.
Odoo Enterprise Edition (Phiên bản trả phí)
Khác với phiên bản miễn phí, phiên bản Odoo Enterprise là phiên bản trả phí được ra mắt vào năm 2015. Phiên bản này cung cấp một hệ thống ERP được hỗ trợ nhiều tính năng không giới hạn bên trong hệ thống, được nhà phát triển nâng cấp thường xuyên và hỗ trợ lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây từ Odoo SA.
Với phiên bản Odoo Enterprise, doanh nghiệp có thể sử dụng các tính năng nâng cao bên trong module kế toán, quản lý dự án, quản lý khách hàng, kho hàng & sản xuất mà phiên bản Odoo Community không thể đáp ứng được. Phiên bản Odoo Enterprise được tính phí dựa trên mỗi user trong một hệ thống.
Giải pháp ERP bên trong phiên bản Odoo Enterprise
Phiên bản Odoo Enterprise hiện nay được chia ra làm 3 phiên bản nhỏ, phù hợp cho nhiều doanh nghiệp có kích thước quy mô khác nhau mà vẫn đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Ba phiên bản bao gồm: Online Odoo, Odoo.sh và On-premise Odoo
Online Odoo
Online Odoo là một phải pháp ERP phù hợp dành cho các doanh nghiệp mới bắt đầu sử dụng. Đây là phần mềm ERP có sẵn, được Odoo quản lý và lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây. Tuy nhiên, tại phiên bản này, doanh nghiệp không thể chỉnh sửa hay thêm bớt bất kỳ module nào, tất cả đều sẽ được sử dụng dựa trên các module có sẵn.
Odoo.sh
Odoo.sh Enterprise là một phiên bản nâng cao của Odoo Online, bạn có thể tùy chỉnh các tính năng của các module bên trong hoặc sử dụng module riêng từ nhà cung cấp thứ 3. Tuy nhiên, bạn phải có các kỹ thuật liên quan để cài đặt phần mềm Odoo Enterprise để sử dụng.
On-premise Odoo
Với phiên bản On-Premise Odoo, bạn có thể dễ dàng sử dụng các tiện ích bổ sung của Odoo ERP và triển khai trên hệ thống máy chủ của mình thay vì dựa vào máy chủ của Odoo. Bạn cũng có thể xác định cấu hình hệ thống On-Premise Odoo theo nhu cầu kinh doanh doanh nghiệp.
> Xem thêm: Sự khác biệt giữa On-Premise ERP và Cloud ERP
Những đặc điểm nổi bật của phần mềm Odoo
Odoo ERP sở hữu cộng đồng người dùng cực lớn, điều này đã cho thấy được rằng Odoo ERP đáp ứng đầy đủ các nhu cầu kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Dưới đây là các ưu điểm lớn nhất của phần mềm Odoo ERP:
Tính toàn diện của phần mềm Odoo
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm để quản trị. Tuy nhiên, thường chỉ được tiến hành ở các bộ phận đặc thù như kho, kế toán, chăm sóc khách hàng… Hầu hết không có sự liên kết với nhau gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý dữ liệu.
Đối với phần mềm Odoo ERP, đã được tích hợp sẵn tất cả các tính năng và giải pháp cần thiết cho doanh nghiệp. Tất cả dữ liệu của mọi phân hệ trong phần mềm đều được liên kết với nhau, giúp doanh nghiệp tránh được sự sai sót trong quá trình nhập liệu và tiết kiệm được một khoảng thời gian đáng kể. Bên cạnh đó, Odoo còn cho phép nhà quản trị nắm bắt được tình hình kinh doanh, các hoạt động của doanh nghiệp ngay lập tức tại mọi thời điểm.
Dễ dàng mở rộng và kết nối
Odoo khác với các phần mềm truyền thống, thường không cho phép sự kết nối với các giải pháp khác vì lý do bảo mật hệ thống. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, việc bảo mật trên môi trường mạng trở nên chặt chẽ và khó xâm nhập hơn. Vì vậy, Odoo ERP cho phép các giải pháp có thể kết nối với phần mềm.
Nếu bạn cần một trang web thương mại điện tử, một ứng dụng di động để bán hàng hay cần kết nối xuất hóa đơn đỏ… Tất cả đều có thể được kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu của Odoo ERP.
Chi phí triển khai ban đầu hợp lý
Một trong những điểm nổi bật nhất của phần mềm Odoo ERP chính là giá thành khá hợp lý dành cho các doanh nghiệp từ SME đến doanh nghiệp lớn.
Nếu doanh nghiệp của bạn chỉ sử dụng một chức năng của Odoo thì sẽ được miễn phí hoàn toàn. Odoo chỉ tính phí khi doanh nghiệp bắt đầu sử dụng tính năng thứ 2 trở đi. Hiện tại Odoo cũng đang cho phép người dùng sử dụng thử các chức năng với thời gian 15 ngày.
Ngoài ra, Odoo cho phép bạn trả phí theo từng module khác nhau chứ không tính phí toàn bộ hệ thống. Ví dụ, bạn chỉ muốn doanh nghiệp sử dụng Odoo để quản lý hàng tồn kho thì bạn chỉ cần mua các module nhỏ lẻ này để phục vụ nhu cầu của mình.
Chi phí tiêu tốn nhiều nhất khi sử dụng Odoo chính là lúc doanh nghiệp bạn bắt đầu mở rộng, bạn muốn sửa đổi hay lập trình thêm các module riêng lẻ. Thông thường, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các đối tác của Odoo để hợp tác với họ. Bạn cũng có thể thiết lập một đội ngũ trong công ty chuyên về lập trình và phát triển các module Odoo, tuy nhiên cũng sẽ khá là tốn kém.
Là nền tảng hỗ trợ toàn cầu
Odoo có diễn đàn số để tất cả mọi người trên khắp thế giới có thể cùng nhau trao đổi, hỏi đáp và đưa ra các ý kiến đóng góp giúp cho giải pháp ngày càng được hoàn thiện hơn. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các cộng đồng Odoo lớn nhỏ dựa trên các từ khóa “Cộng đồng Odoo”, “Community Odoo”. Tuy nhiên, bạn cần phải trang bị tiếng Anh cho mình để dễ dàng giao tiếp với mọi người trên diễn đàn.
Nâng cấp công nghệ
Odoo có đội ngũ chuyên gia đẳng cấp và giàu kinh nghiệm để phát triển và nâng cấp phần mềm. Với tốc độ hiện tại, mỗi năm Odoo sẽ cho ra mắt một phiên bản mới với các tính năng mới được thêm vào và khắc phục những lỗi còn tồn tại ở phiên bản trước.
Tất nhiên là phiên bản mới sẽ có tính kế thừa dữ liệu để bạn dễ dàng nâng cấp mà không cần phải lo lắng về việc bị mất dữ liệu. Thông thường, từ 5 – 7 năm Odoo sẽ nâng cấp toàn diện để tăng tốc phần mềm và đưa các công nghệ mới nhất vào nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thiết kế UI/UX thân thiện với người dùng
Ngoài các điểm trên, Odoo ERP còn được mọi người đánh giá cao là một nền tảng thân thiện với người dùng. Thiết kế của Odoo đã được tối giản hóa, các module được sắp xếp một cách hợp lý để người dùng dễ dàng tìm kiếm & sử dụng.
Những hạn chế của phần mềm Odoo
Tuy sở hữu nhiều ưu điểm được kể trên, Odoo ERP vẫn có những điểm hạn chế nhất định. Dưới đây là những điểm hạn chế của phần mềm Odoo ERP được cộng đồng sử dụng đánh giá.
Quá trình cài đặt và thiết lập khá phức tạp
Một nhược điểm rõ ràng là Odoo đòi hỏi một quá trình cài đặt và thiết lập khá phức tạp. Điều này sẽ tạo nên áp lực lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Vấn đề này vô tình sẽ gây lãng phí thời gian, sức lực, tiền của. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp nhiều vấn đề hơn do lãng phí thời gian và nguồn lực khi giai đoạn lắp đặt bị lỗi.
Thiếu sự hỗ trợ từ nhà cung cấp
Mặc dù Odoo cung cấp một số tùy chọn hỗ trợ khách hàng nhưng có một số khách hàng vẫn không hoàn toàn hài lòng với việc cung cấp sự hỗ trợ này. Một vài doanh nghiệp đã báo cáo rằng việc sửa lỗi của Odoo thường mất nhiều thời gian để giải quyết, và một số người cũng đã đề cập rằng giá của các lớp đào tạo là quá cao.
Khó duy trì hệ thống
Một số khách hàng hiện tại đã làm cho chúng tôi nhận thức được rằng phiên bản Cộng đồng của Odoo – là giải pháp miễn phí – có thể khó duy trì và nó đòi hỏi kiến thức về IT khá cao để hoạt động đầy đủ. Nếu doanh nghiệp không có kiến thức về IT và đội ngũ CNTT nội bộ cần thiết, điều này sẽ là một trở ngại lớn khi doanh nghiệp sử dụng giải pháp của Odoo.
Khó khăn trong việc mở rộng và phát triển phần mềm
Để có thể dễ dàng tùy chỉnh theo mọi mô hình hoạt động thì phần mềm Odoo ERP đã được đóng gói sẵn. Việc này gây khó khăn không nhỏ cho công cuộc mở rộng và nâng cấp hệ thống quản trị theo dòng thời gian phát triển của các doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu không thể thay đổi, chỉnh sửa kịp thời thì công ty rất dễ bị sự biến động thị trường chèn ép và bị đối thủ bỏ lại phía sau. Thế nên, đa số những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn thường khai thác các phần mềm được lập trình theo yêu cầu đặc thù với mong muốn phát triển lâu dài, bền vững.
Không đáp ứng được hết các nhu cầu nâng cao
Ngày nay, thị trường biến động từng ngày, xuất hiện ngày càng nhiều những ngành nghề mới, thuật ngữ kinh doanh mới đi kèm với đó là những quy trình làm việc riêng biệt. Thế nên, những phần mềm được lập trình sẵn như phần mềm Odoo chắc chắn không thể thỏa mãn hết nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp. Bởi cơ sở dữ liệu nhân sự nếu lên đến cả nghìn người sẽ khiến phần mềm Odoo trở nên vô hiệu ngay lập tức.
Khả năng bảo mật thấp
Sau cùng, chính việc sử dụng mã nguồn mở là nhược điểm khiến những phần mềm quản trị giá rẻ như phần mềm Odoo vốn không thể nào đáp ứng được nhu cầu bảo mật thông tin tuyệt đối. Do vậy, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đang băn khoăn rất nhiều cho dù chi phí có thấp đến đâu. Thay vào đó, những nền tảng công nghệ có nhiều lớp bảo mật thông tin đang được nhiều người dùng quan tâm hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam có nên sử dụng phần mềm Odoo?
Mặc dù Odoo có ưu điểm về mặt tài chính nhưng lại có khá nhiều vấn đề cần khắc phục trong quy trình vận hành mà ở phần nhược điểm đã nói đến. Ngoài ra, khi phần mềm ERP bị lỗi thì nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp là rất cao. Tuy nhiên, với Odoo ERP, người dùng có lẽ sẽ phải chờ một thời gian khá lâu (nếu không liên kết với đối tác Odoo) mới có thể được hỗ trợ. Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của Odoo ERP so với các phần mềm khác.
Chính vì những điều trên mà nhiều người đã không lựa chọn Odoo làm hệ thống ERP dành cho doanh nghiệp của mình mà lựa chọn các đơn vị tại Việt Nam để nhận được sự hỗ trợ tối đa, nâng cấp kịp thời khi bị lỗi. Một số đơn vị cung cấp ERP tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến như Cloudify, Base, Bravo…
Kết luận
Phần mềm Odoo là một trong những phần mềm ERP được cải tiến về khả năng sử dụng và khả năng tùy biến, được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn. Đối với một phần mềm mã nguồn mở như Odoo thì việc tồn đọng những nhược điểm là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên Odoo vẫn có những ưu điểm riêng của mình mà không phần mềm nào có được.