So với người phụ nữ xưa, phụ nữ nay ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí cùng sự ảnh hưởng của mình trong gia đình và xã hội. Ở góc độ gia đình, người phụ nữ không chỉ đơn thuần giỏi nội trợ mà còn biết tận dụng những dịch vụ hỗ trợ để việc “tề gia nội trợ” thêm tinh tế và thăng hoa. Chính vì vậy, “nữ công gia chánh” thời hiện đại cũng dần có sự đổi khác so với những giá trị truyền thống trướ
Chung sống cùng ba thế hệ phụ nữ trong gia đình nên ông Trần Văn Thái (phường Quang Trung, TP. Phủ Lý) cảm nhận tường tận sự đổi thay về “nữ công gia chánh” ngày nay. Theo ông Thái, “nữ công gia chánh” của người con gái xưa khác thời nay rất nhiều. Với thế hệ phụ nữ mà năm nay khoảng sáu mươi tuổi trở lên việc “nữ công gia chánh” gắn liền với “công, dung, ngôn, hạnh”, “tam tòng tứ đức”. Phụ nữ thời đó “nữ công gia chánh” giỏi là “cơm dẻo, canh ngọt”, thạo chế biến từ các món thường ngày (cá kho tương, canh riêu cua đồng, làm tương, làm mắm…) đến những món truyền thống trong các dịp lễ, Tết (thịt đông, nem, chả…). Bên cạnh việc giỏi may vá quần áo cho bản thân và gia đình, người phụ nữ còn phải biết quán xuyến cho cửa nhà, sân vườn luôn sạch sẽ, gọn gàng.
Đặc biệt, biết dạy dỗ, giáo dục con cái, nhất là con gái về những đức tính đặc trưng của người phụ nữ Á Đông, biết hát ru, kể truyện cổ tích cho con, cho cháu. Ông Thái tâm sự: Hiện người phụ nữ đã khác xưa rất nhiều do được học hành tốt hơn, được tham gia vào các lĩnh vực đời sống xã hội, có điều kiện giao du hội nhập rộng rãi nên “nữ công gia chánh” cũng đã dần thay đổi. Họ biết tận dụng lợi thế, tiện ích từ những tiến bộ về công nghệ và các loại hình dịch vụ để công việc “tề gia nội trợ” thêm toàn diện, chu đáo. Vui vẻ chia sẻ về việc nhà, ông Thái đơn cử việc con dâu ông khi về nhà chồng chưa biết mổ gà hay làm cá. Những việc sơ chế đó con dâu ông thường nhờ những người buôn bán, giết mổ làm hộ luôn. Hoặc do bận công việc nên việc lau dọn nhà cửa con dâu ông không trực tiếp làm mà hằng tuần nhờ người tới lau dọn. Bù lại, con dâu ông rất chú ý đến việc sắp xếp nhà cửa, đồ dùng ngăn nắp, chăm sóc con cái chu đáo, biết làm đẹp ngôi nhà mình bằng những khóm hoa xinh xắn, tự tay thêu, vẽ những bức tranh đẹp, ý nghĩa treo trong nhà và tặng cho bạn bè, người thân.
Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, việc “nữ công gia chánh” đã và đang có có sự đổi khác rõ nét. Nguyên do chính là bởi trong cuộc sống hiện đại người phụ nữ không còn phụ thuộc, thụ động mà trực tiếp cùng kề vai, chung sức với nam giới lo toan kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Một phần việc nhà và chăm sóc con cái nhiều người đã thuê mượn người giúp việc. Chị Trần Thu Thủy (phường Trần Hưng Đạo, TP. Phủ Lý) cho biết: Công việc nhà, chăm sóc, đưa đón con phải nhờ người giúp việc nhưng không phải là ỷ lại tất cả, những khi thư thả, rảnh rang chị luôn tranh thủ về nhà và chủ động vào bếp nấu những món ăn mà chồng, con yêu thích. Bên cạnh đó, dù bận rộn nhưng chị rất chú ý chăm sóc và dạy dỗ con cái. Chị chủ động dành thời gian để rèn luyện thể thao và hướng dẫn con chơi một vài môn thể thao phù hợp.
Còn với chị Lê Thùy Trang (T.T Vĩnh Trụ, Lý Nhân): Dù thế nào thì “nữ công gia chánh” vẫn là đức tính để “hấp dẫn” nam giới, giúp họ thêm yêu mến, trân trọng mình, là nét đẹp mà mỗi người phụ nữ cần có. Thời hiện đại, phụ nữ phải tham gia nhiều công việc xã hội nên việc bếp núc, may vá có sự thay đổi là điều đương nhiên. Vấn đề là phụ nữ phải biết điều chỉnh sao cho phù hợp. Theo chị Trang, dù bận rộn nhưng ít nhất một tuần phụ nữ cũng phải có một vài buổi nấu ăn cho cả gia đình, làm một bữa tiệc nhỏ hoặc tự tay làm vài món bánh mà người thân yêu thích. Bản thân chị luôn tìm tòi học cách làm bánh, làm kem, cắt tỉa hoả, may áo váy cho con trên các trang mạng internet.
Có thể nói, dù cuộc sống bận rộn song phụ nữ hiện nay vẫn rất chú ý tới “nữ công gia chánh”, không những vậy họ còn biết “chuyên sâu” vào những lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Sự khéo léo trong việc bếp núc, nhà cửa, chăm sóc con cái của người phụ nữ chính là “ngọn lửa” tạo nên không khí đầm ấm hạnh phúc trong gia đình.
Nguyễn Hằng