Tài liệu soạn bài Nghĩa của câu tiếp theo lần này sẽ tiếp tục hướng dẫn các em các bài tập luyện tập trong SGK trang 20 về nghĩa của câu – nghĩa tình thái để rèn luyện kĩ năng phân tích, đặt câu thể hiện được các thành phần ý nghĩa một cách phù hợp nhất.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.
Cùng tham khảo…
Kiến thức cơ bản cần nắm vững
III. Nghĩa tình thái
– Nghĩa tình thái thể hiện thái độ, đánh giá của người nói đối với sự việc hoặc đối với người nghe.
– Nghĩa tình thái thường được biểu hiện rõ nhất qua loại từ ngữ xưng hô, từ cảm thán, từ tình thái.
– Trong mỗi câu, hai thành phần nghĩa sự việc và nghĩa tình thái hòa quyện với nhau và không thể có nghĩa sự việc mà không có nghĩa tình thái.
1. Sự nhìn nhận đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu
– Khẳng định tính chân thực của sự việc
– Phỏng đoán sự việc với độ tin cậy cao hoặc thấp
– Đánh giá về mức độ hay số lượng đối với một phương diện nào đó của sự việc
– Đánh giá sự việc có thực hay không có thực đã xảy ra hay chưa xảy ra.
Khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết hay khả năng của sự việc
2. Tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe: Thông qua các từ ngữ xưng hô, từ cảm thán,…
– Tình cảm chân thật, gần gũi
– Thái độ bực tức, hách dịch
– Thái độ kính cẩn.
Hướng dẫn soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo) ngắn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi phần Luyện tập soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo) ngắn nhất trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Câu 1 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Nghĩa sự việc và tình thái trong các câu:
a)
– Nghĩa sự việc: Tả lại thời tiết ở hai nơi khác nhau như thế nào qua hình ảnh “nắng”
– Nghĩa tình thái: (chắc) Phỏng đoán với độ tin cậy cao.
b)
– Nghĩa sự việc : Tấm ảnh là của mợ Du và thằng Dũng.
– Nghĩa tình thái : (rõ ràng) khẳng định sự việc ở mức cao
c)
– Nghĩa sự việc : Cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù.
– Nghĩa tình thái : (thật là) Khẳng định một cách mỉa mai
d)
– Nghĩa sự việc :
+ C1:Hắn sống bằng giật cướp, dọa nạt.
+ C2: Hắn mạnh vì liều
– Nghĩa tình thái :
+ C1: (Chỉ) đánh giá mức độ.
+ C2: (Đã đành) thái độ miễn cưỡng.
Câu 2 trang 20 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2
a, Cụm từ tình thái: nói của đáng tội.
b, Từ tình thái: có thể.
c, Từ tình thái: những.
d, Từ tình thái: kia mà.
Câu 3 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Từ ngữ tình thái thích hợp cột B điền vào cột A:
Câu a: “hình như”: Sự phỏng đoán độ tin cậy thấp, chưa chắc chắn
Câu b: “dễ”: Sự phỏng đoán độ tin cậy cao.
Câu c: “tận” : Đánh giá mức độ về khoảng cách là xa.
Câu 4 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
– “Chưa biết chừng”: Chưa biết chừng chính cái Đào mới là đứa ăn trộm đồ của mày đấy!
– “Là cùng”: Mày ăn nhiều đến thế là cùng!
– “It ra”: Ít ra đến cuối cùng bạn ý cũng nói lời xin lỗi với mày rồi.
– “Nghe nói”: Tớ nghe nói là cậu sắp đi du học à?
– “Chả lẽ”: Mới ba năm không gặp, chả lẽ cậu đã quên tờ rồi sao?
– “Sự thật là”: Sự thật là chiều hôm qua bọn tao trốn học đi chơi.
– “Đấy mà”: Tớ mới mua cái balo này đấy mà.
– “Đặc biệt là”: Nhìn cô ấy rất xinh, đặc biệt là đôi mắt ấy.
– “Cơ mà”: Tao đã bảo mày chờ tao rồi mới đi cơ mà.
Hướng dẫn soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo)chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi phần Luyện tập soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo) trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Bài 1 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Phân tích nghĩa sự việc và nghĩa tình thái trong các câu sau:
a)
Ngoài này nắng đỏ cành cam
Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa.
(Tố Hữu – Tiếng hát sang xuân)
b) Tấm ảnh chụp hai mẹ con kia rõ ràng là mợ Du và thằng Dũng.
(Nguyên Hồng – Mợ Du)
c) Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù.
(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)
d) Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và doạ nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, doạ nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều.
(Nam Cao – Chí Phèo)
Trả lời:
a)
– Nghĩa sự việc: hiện tượng thời tiết (nắng) ở hai miền Nam/ Bắc có sắc thái khác nhau.
– Nghĩa tình thái: phỏng đoán với thái độ tin cậy cao (từ “chắc”).
b)
– Nghĩa sự việc: ảnh của mợ Du và thằng Dũng.
– Nghĩa tình thái: khẳng định sự việc ở mức độ cao (từ “rõ ràng là’).
c)
– Nghĩa sự việc: Cái gông (to nặng) tương xứng với tội án tử tù.
– Nghĩa tình thái: khẳng định một cách mỉa mai (từ “thật là”).
d)
– Nghĩa sự việc của câu thứ nhất nói về cái nghề của Chí Phèo (cướp giật và dọa nạt).
– Nghĩa tình thái: nhấn mạnh bằng từ chỉ.
– Ở câu 3: đã đành là từ tình thái, hàm ý công nhận một sự thực rằng hắn mạnh vì liều (nghĩa sự việc), nhưng cái mạnh vì liều ấy cũng không thể giúp hắn sống khi không còn sức cướp giật, doạ nạt nữa.
Bài 2 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Xác định những từ ngữ thể hiện nghĩa tình thái trong các câu sau:
a) Nói của đáng tội, thằng bé hay ăn chóng lớn lắm.
b) Cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù có thể còn gay go, quyết liệt hơn nữa.
c) Nó mua chiếc áo này những hai trăm ngàn đồng đấy.
d) Anh đã hẹn đến dự sinh nhật kia mà!
Trả lời:
a) Cụm từ tình thái: nói của đáng tội (thừa nhận việc khen này là không nên làm với đứa bé).
b) Từ tình thái: có thể (nêu khả năng).
c) Từ tình thái: những (đánh giá mức độ giá cả của chiếc áo là cao).
d) Từ tình thái: kia mà (nhắc nhở để trách móc).
Bài 3 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Chọn từ ngữ tình thái với mỗi câu để câu có nghĩa tình thái phù hợp với nghĩa sự việc. (SGK trang 20)
Trả lời:
a) Cần điền tình thái từ hình như vào vị trí còn trống trong câu văn: “Chí Phèo… đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.
Tình thái từ này thể hiện sự phỏng đoán chưa chắc chắn.
b) Cần điền tình thái từ dễ thể hiện sự phỏng đoán chưa chắc chắn bằng lời vào chỗ trống trong câu: “Hôm nay trong ông giáo cũng có tổ tôm… họ không phải đi gọi đâu”.
c) Cần điền tình thái từ tận (đánh giá khoảng cách là xa) vào chỗ trống trong câu: “Bóng bác mênh mông ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến… hàng rào hai bên ngõ”.
Bài 4 trang 20 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Đặt câu với mỗi từ ngữ tình thái sau đây: chưa biết chừng, là cùng, ít ra, nghe nói, chả lẽ, hoá ra, sự thật là, cơ mà, đặc biệt là, đấy là.
Trả lời:
Một số câu gợi ý:
– Nó không đến cũng chưa biết chừng. (cảnh báo dè dặt về sự việc)
– Sự thật là tôi đã không dám đến. (thừa nhận và khẳng định)
– Bài nói chuyện hay, đặc biệt là phần cuối. (khẳng định sự thành công và giá trị của bài nói chuyện)
– Nhưng anh là người có quyền quyết định cơ mà! (nhắc gợi cho người nghe về một sự thật)
Soạn bài Nghĩa của câu – tiếp theo nâng cao
Câu 1: Những từ ngữ in đậm trong các câu sau biểu thị nghĩa tình thái nào trong các loại nghĩa tình thái đã học?
– Bằng chấp nên gánh vác Tề triều/ Niềm mẫu tử ắt là bị hại (chớ chẳng chơi). (1)
(Sơn Hậu)
– Ơ-gien móc túi và thấy không còn đồng nào, chàng buộc phải vay Cri-xtô-phơ hai mươi xu. (2)
(Ban-dắc – Lão Gô-ri-ô)
– Dễ họ không phải đi gọi đâu. (3)
– Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. (4)
(Thạch Lam – Hai đứa trẻ)
– Thôi đi, đừng nói đến ông Lung, ngứa cả ruột! (5)
(Nguyễn Kiên – Anh Keng)
– Một duyên hai nợ âu đành phận. (6)
(Trần Tế Xương – Thương vợ)
– Hỏi thời ta phải nói ra / Vì chưng hay ghét cũng là hay thương. (7)
(Nguyễn Đình Chiểu – Truyện Lục Vân Tiên)
– […] nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp […]. (8)
(Phạm Thái – Văn tế Trương Quỳnh Như)
– Đúng là Gia-ve đã túm lấy cổ áo Giăng Van-giăng. (9)
(Huy-gô – Những người khốn khổ)
– Tôi đã suýt kêu lên nhưng cổ họng nghẹn hẳn. (10)
(Nguyên Hồng – Mợ Du)
– Hắn vừa gặp được một đoạn hay lắm nên ngừng đọc, ngẫm nghĩ và để cho cái khoái cảm ngân ra trong lòng. (11)
(Nam Cao – Đời thừa)
– Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. (12)
(Nguyễn Minh Châu – Chiếc thuyền ngoài xa)
– Bây giờ mình ước giá mà chuyện này chỉ là một giấc mơ và mình chưa hề câu được con cá và hãy còn nằm ngủ một mình trên lớp giấy báo. (13)
(Hê-minh-uê – Ông già và biển cả)
– Ừ, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi lông mày khi thế nào nhỉ? (14)
(Sếch – xpia – Rô-mê-ô và Giu-li-ét)
– Người vẽ chắc không phải chỉ làm việc một buổi tối vì tất cả giáo viên ở hai trường nam nữ, giáo viên chủng viện, các viên chức đều nhận được mỗi người một bản. (15)
(Sê-khốp – Người trong bao)
Gợi ý:
(1) Ắt: Nghĩa tình thái chỉ sự việc chắc chắn xảy ra.
(2) Buộc: Nghĩa tình thái chỉ sự việc đang xảy ra.
(3) Dễ: Nghĩa tình thái chỉ sự việc có thể / không xảy ra.
(4) Hình như: Nghĩa tình thái chỉ sự việc có khả năng xảy ra.
(5) Thôi đi, đừng: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
(6) Âu: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
(7) Phải: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
(8) Nỡ: Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
(9) Đúng là: Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra.
(10) Suýt: Nghĩa tình thái chỉ sự chưa xảy ra.
(11) Nên: Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra trong quan hệ nhân – quả.
(12) Mong: Nghĩa tình thái chỉ sự mong đợi sự việc chưa xảy ra / có khả năng hoặc không xảy ra.
(13) Ứóc: Giả thiết chỉ sự việc có hoặc không có khả năng xảy ra.
(14) Nếu: Giả thiết chỉ sự việc có hoặc không có khả năng xảy ra.
(15) Chắc: Nghĩa tình thái chỉ sự việc có khả năng xảy ra.
Câu 2: Trong những câu sau câu nào chấp nhận được, câu nào thì không? Giải thích lí do.
– Anh bèn dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (1a)
– Anh bèn dùng búa đập vào bức tường nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (1b)
– Anh tiếp tục dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (2a)
– Anh tiếp tục dùng búa đập vào bức tường nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (2b)
– Anh vẫn dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (3a)
– Anh vẫn dùng búa đập vào bức tường nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (3b)
– Anh toan dùng búa phá cửa nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (4a)
– Anh toan dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (4b)
– Anh định dùng búa phá cửa nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (5a)
– Anh định dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (5b)
– Anh quyết dùng búa đập vào bức tường nhưng nghĩ thế nào lại thôi. (6a)
– Anh quyết dùng búa đập vào bức tường; vôi vữa bay tung tóe. (6b)
Gợi ý:
Những câu sau câu có thể chấp nhận được: 1a, 1b, 2a, 3a, 4a, 5a, 6a, 6b.
Câu 3: Đọc các câu sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
– Mai sau dầu có bao giờ? Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
– […] một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ.
(Nguyễn Đình Chiểu – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
– Tuy rằng giang sơn biến cải, triều đại đổi thay có mấy mươi lần, cơn hiểm nguy biến loạn đã nhiều, mà chánh học một dòng vẫn không sa sút. […]
(Ngô Đức Kế – Luận về chánh học cùng tà thuyết Quốc văn – “Kim Vân Kiều” – Nguyễn Du)
– Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ, nhưng tình duyên từng nấy, cũng là một chứ cương thường! Dẫu rằng kẻ đấy người đây, song ân ái bấy lâu nay đã biết bao nhiêu tâm sự!
(Phạm Thái – Văn tế Trương Quỳnh Như)
– Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở / Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương.
(Nguyễn Khuyến – Khóc Dương Khuê)
– Song dầu táo bạo đến đâu, học cũng không một lần dám dùng chữ tôi, để nói với mình, hay – thì cũng thế – với tất cả mọi người.
(Hoài Thanh – Một thời đại trong thi ca)
– Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai dội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong!
(Phan Châu Trinh – Đạo đức và luân lí Đông Tây)
– Mặc dù bị tòa án Giáo hội kết tội nặng nề, câu cuối cùng của ông trước phiên tòa vẫn là: “Dầu sao trái đất vẫn quay”.
(Văn Như Cương – Hoài nghi lành mạnh)
a. Các từ in đậm diễn đạt loại nghĩa tình thái gì?
b. Trong các trường hợp đầu, nếu thay dầu bằng tuy, thì có chấp nhận được không? Tạo sao?
c. Ở các trường hợp còn lại, nếu thay dầu / dẫu bằng tuy và ngược lại, thì nghĩa của câu có khác biệt ra sao?
d. Thay dẫu trong các câu trên bằng dù / dầu, thì trường hợp nào nghĩa mạnh hơn?
đ. Nếu thay mặt dù trong câu cuối bằng tuy, thì nghĩa của câu sẽ thay đổi như thế nào?
Gợi ý:
a. Các từ in đậm diễn đạt loại nghĩa tình thái hướng về sự việc
b. Trong các trường hợp đầu, nếu thay dầu bằng tuy, thì không chấp nhận được.
c. Ở các trường hợp còn lại, nếu thay dầu / dẫu bằng tuy và ngược lại, thì nghĩa của câu vẫn không đổi.
d. Thay dẫu trong các câu trên bằng dù / dầu, thì trường hợp dùng từ dù / dầu mang nghĩa mạnh hơn
đ. Nếu thay mặt dù trong câu cuối bằng tuy, thì nghĩa của câu sẽ không còn mang sắc thái nhấn mạnh nữa.
Câu 4: Cho một sự việc gồm các yếu tố: (1) chủ thể là “ông Ba”, (2) trạng thái “vui”. Hãy viết những câu khác nhau để diễn đạt:
a. Nghĩa tình thái chỉ sự việc đã xảy ra.
b. Nghĩa tình thái chỉ sự việc chưa xảy ra.
c. Nghĩa tình thái chỉ khả năng xảy ra của sự việc.
d. Nghĩa tình thái chỉ sự việc được nhận thức như là một đạo lí.
Gợi ý:
a. Ông Ba đã rất vui khi gặp lại người cháu gái.
b. Ông Ba nghĩ ông sẽ vui khi gặp lại người cháu gái.
c. Ông Ba chắc chắn sẽ rất vui khi gặp lại người cháu gái.
d. Ông Ba phải rất vui khi gặp lại người cháu gái.
Tổng kết Nghĩa của câu tiếp theo
Nghĩa tình thái thể hiện thái độ, sự đánh giá của người nói đối với sự việc hoặc đối với người nghe. Nó có thể được bộc lộ riêng qua các từ ngữ tình thái trong câu.
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Nghĩa của câu (tiếp theo) do Đọc Tài Liệu biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Nghĩa của câu tiếp theo này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] – Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Nghĩa của câu (tiếp theo) một cách tốt nhất. “Trong cách học, phải lấy tự học làm cố” – Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.