Contents
Tả cây vải nhà em – Bài làm 1
Mời các bạn về thăm quê hương tôi. Quê hương tôi có một loài cây đặc sản nổi tiếng mà gần xa mọi người đều biết. Đó là cây vải thiều Bắc Giang.
Đất đai quê tôi không màu mỡ nhưng rất hợp với cây vải thiều. Cây vải thiều đầu tiên được trồng nhiều ở Lục Ngạn, đến nay nó đã có mặt ở khắp nơi nào có những quả đồi đất sỏi quê tôi. Nhìn từ xa, mỗi cây vải như một chiếc ô xanh, cả vườn vải như một đoàn quân đang nhảy dù từ trên máy bay xuống đất. Đến gần, nhìn vườn vải thật thích mắt. Cây vải khép tán, giao cành vào nhau, tán tròn, xoè nở lùm lùm như đĩa xôi.
Mùa xuân, vải thiều bắt đầu ra hoa. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Vải ra hoa hàng loạt. Cành nào cũng có hoa, cây nào cũng ra hoa, cả vườn vải ra hoa. Dưới nắng xuân, vườn hoa vải thiều phủ trắng cả một miền đồi. Ong mật tha hồ về đây lấy mật. Tiếng ong rù rì suốt ngày trong vườn vải. Người nào vào trong vườn vải, áo cũng bị mật hoa đọng vào lấm tấm. Những vườn vải quê tôi đã mười năm tuổi. Thân cây vải đã to bằng cái bắp chuối. Thân cây màu nâu đất, đầy những vết khứa ngang. Người trồng vải làm như vậy để cây vải ra hoa đúng thời vụ và cho thu hoạch cao. Những cành vải chắc, khỏe. Lá vải có hình thoi, màu xanh đậm, quanh năm không có mùa rụng lá.
Sau những cơn mưa xuân, nắng đã chói chang hơn, vải thiều kết quả. Mỗi chùm hoa hôm trước bây giờ lại là một chùm quả, màu trắng của hoa đã nhường chỗ cho một màu xanh nhạt lẫn vào màu lá. Quả vải mới tạo thành chỉ bằng hạt gạo, mươi ngày sau nó đã lớn bằng đầu đũa, không để ý vài ngày là đã thấy nó lớn bằng đầu ngón tay rồi. Khi những cây lúa ngoài đồng lên đòng, ta nhìn lên vườn vải đã thấy quả chuyển sang màu vàng nhạt. Và đúng mùa thu hoạch lúa chiêm là vào mùa quả vải chín. Những chùm quả vải chín cũng rất nhanh. Vườn vải cứ dần chuyển sang màu đỏ. Đi qua vườn vải đã ngửi thấy mùi mật ngọt, hương của vải chín. Mỗi chùm quả thường có khoảng vài chục quả vải. Vỏ quả vải sần sùi có những cái gai, khi chín, những cái gai đỡ nhọn hơn, những cái gai đó có màu đỏ sậm. Khi quả vải chín, những chùm quả trĩu xuống, cứ tưởng như cành vải không còn đủ sức để đỡ những quả vải nữa.
Trông vườn vải đầy quả chín mà thích mắt, thèm thuồng. Bóc quả vải ra, bên trong là một lớp cùi trắng đục mọng nước. Mới đưa miếng cùi vải vào đầu lưỡi, vị ngọt đã thấm vào cổ họng. Ăn một quả rồi lại muốn ăn quả nữa, ăn mười quả vẫn chưa thấy chán. Hột quả vải nhỏ tí chỉ bằng ngón tay đứa bé mới đẻ. Quả vải nào hạt càng bé, quả vải đó càng ngọt. Quả vải thiều vừa ngon lại vừa bổ. Tôi rất thích mùa thu hoạch vải để được ăn vải thoả thích. Quả vải thiều nay đã là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình quê tôi, góp phần nâng cao đời sống cho người nghèo quê tôi. Có nhiều nhà đã xây được nhà cao tầng bằng thu nhập từ cây vải thiều. Sau mỗi mùa thu hoạch vải, nhiều nhà sắm được Ti-vi, xe máy, tủ lạnh, … Quả vải thiều không những là món ăn được ưa chuộng của nhân dân ta mà còn được người nước ngoài cũng rất thích. Vì vậy, hàng năm vải thiều còn là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị cao của người dân quê tôi.
Giống cây này đã giúp đời sống của người dân quê tôi khá lên. Tôi rất tự hào về loài cây đặc sản này của quê tôi. Tôi mong muốn giống cây này được trồng nhiều hơn nữa không những để tăng thu nhập mà còn làm cho đất quê tôi trải dài màu xanh mướt mát, là một miền du lịch sinh thái.
Tả cây vải nhà em – Bài làm 2
Khu vườn nhà em trồng rất loại cây ăn quả, nhưng cây ăn quả mùa hè như vải, nhãn, ổi vẫn nhiều nhất. Nhà em có một cây vải được trồng từ rất lâu đời. Ba bảo rằng từ thời ông nội đã có rồi, cho đến hiện nay hằng năm nó vẫn sai trĩu quả.
Cây vải nhà em cao hơn mái nhà, tán cây xòe rộng lan tỏa bóng mát mỗi khi mùa hè về. Tuy nhiên tán và cành cây của nó không lớn, khẳng khiu nhưng có độ dẻo dai rất cao nên khi leo lên đó không bị gãy.
Thân cây vải xù xì, sờ vào cảm giác nham nhám và sần sùi. Chỉ cần một vòng tay của em là đã có thể ôm lấy thân cây vải một cách dễ dàng. Nó không có bộ rễ to đồ rộ và mọc tràn lan trên mặt đấy. Rễ của cây vải mọc rất khiêm tốn, chỉ có một vài rễ ngoi lên mặt đất mà thôi.
Lá của cây vải có màu xanh thẫm, có hơi hướng giống với lá của cây nhãn. Mỗi khi mùa thu về lá của cây vải bắt đầu ngả màu và sang màu đông thì nó khô héo và rụng xuống cội. Đến khi mùa xuân đến thì những chiếc lá lại bắt đầu nhú lên, đâm chồi nảy lộc non. Chờ đến khi mùa hạ đến thì cành lá sum sê và tỏa bóng mát rợp khắp.
Cây vải có hoa màu trắng bé xíu chen chúc nhau giấu sau từng tán lá xanh. Từng cụm từng cụm cứ khép kín vào nhau, khi có gió thổi qua thì những cánh hoa bé xíu mỏng manh lại rơi rụng xuống mặt đất. Chờ thời kì thụ phấn thì bắt đầu đơm quả bé tí xíu. Quả vải cứ thế lớn lên từng ngày. Vỏ của quả vải không trơn mịn mà sờ vào hơi nhám.
Vải là loại quả đặc trưng của mùa hè, khi ăn hơi nóng so với những loại quả khác. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người mê mẩn quả vải này. Vì hương vị thơm lừng, cùi vải dày và ngọt lịm khiến người ăn không thể cưỡng lại được.
Mùa vải năm nào của gia đình em cũng có rất nhiều quả, từng chụm từng chùm cứ cụm vào nhau trĩu cả cành. Có khi ba em phải buộc từng chùm vào lại với nhau vì sợ cành cây sẽ bị gãy.
Cả nhà em ai cũng thích ăn vải. Khi mùa vải chín, mẹ thường hái những chùm quả to và tròn nhất đặt lên bàn thờ ông để tưởng nhớ công lao trồng và chăm sóc vải của ông. Mỗi lần nhìn cây vải em lại thấy nhớ ông nhiều vô kể.