ĐẠI THẦN:
1. Công Tử Hoan Hỉ: Đệ nhất cổ phong
Văn phong hiếm có không chỉ với riêng làng đam mỹ, mà trên toàn bộ văn đàn. Lối tả cảnh ngụ tình đậm đặc phương Đông, chất thủy mặc thanh tao, tĩnh mà động, nhẹ mà thấm. Không ham hố, không ôm đồm, đến mô tả nỗi đau cũng lược hết những ồn ào khoe mẽ.
Cốt truyện của Hoan Hỉ không xuất sắc, thậm chí có những chỗ không đủ thuyết phục. Nhưng đó là Hoan Hỉ, chỉ riêng giọng văn đủ nâng đỡ cho hết thảy mọi sơ sài của tình tiết.
2. Phong Lộng: Đệ nhất xoắn não
Vướng vào 2 trong số những yếu tố hàng đầu để bị xu hướng hiện đại tẩy chay: cẩu huyết phi thực tế và buff nhân vật quá đà; nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có ai vượt được Thị Lộng về độ phong phú của đề tài và độ tinh tế của tư duy.
– Tịnh phi dương quang: Người ta yêu nhau là yêu một con người, hay những thành tố tạo ra giá trị của con người ấy? Khi giá trị trụ cột cho tình yêu của bên này với bên kia mất đi, mỗi bên sẽ phải đối diện thế nào?
– Chủ tử: Lần đầu tiên, một tác phẩm mô tả việc sủng hạnh phi tử của vua giống như một cave đực dùng thân xác để điều tiết các mối quan hệ triều đình, một con bò giống cung cấp tinh trùng phục vụ những ý đồ riêng của các gia tộc; đến cái tên cũng không được ai nhớ đến. Ba ngàn giai lệ hậu cung rốt cuộc là đặc quyền hay cuộc hành xác truyền kiếp trong vòng luẩn quẩn quyền lực?
– Trừng phạt quân phục hệ liệt: Con người nhân tạo có phải là con người không? Có chính đáng hay không khi tạo ra nhân bản vô tính từ chính mình và coi nó là vật sở hữu, dù như con người hay như một thân thể và nguồn tạng dự trữ? Nhân đạo là công bằng đối đãi, hay chấp nhận bản chất bất công của tính người?
Lật một tác phẩm bất kì của Phong Lộng, đều có thể tìm thấy những góc nhìn sắc sảo, những cú twist bất ngờ mà nếu được khai thác rốt ráo sẽ không chào thua bất cứ bộ phim Cannes nào.
Do định vị đặc thù H văn và cẩu huyết, hầu hết công chúng của Thị Lộng không bóc tách được hết các lớp tư duy cài cắm trong tác phẩm, nhưng dường như bản thân Thị Lộng cũng không đau buồn vì chuyện này cho lắm.
Điểm gây khó chịu nhất ở thị là quá sùng rape trước yêu sau, khiến nhiều lúc lựa chọn giữa công chính và boss phản diện chỉ giống như chọn giữa người đến sau và đến trước.
3. Mặc Hương Đồng Xú: Đệ nhất tự sự
Nếu Công Tử Hoan Hỉ sở trường lược việc để tả tình, thì Mặc Hương Đồng Xú chính là top về tiết chế tả tình để thuật chuyện. Trong cả 2 tác phẩm đã ra mắt, Mặc Hương Đồng Xú thể hiện cả bút lực và định lực đáng nể khi lược bỏ hầu hết các đoạn mô tả tâm lí nhân vật, hơn nữa trung thành tuyệt đối với lối kể chuyện đơn tuyến từ góc nhìn của một nhân vật duy nhất.
Chính góc nhìn đơn tuyến tưởng chừng rất lãng phí này đã giúp truyện tránh được sa lầy vào cẩu huyết giữa một cốt truyện vốn cẩu huyết vô cùng; hơn nữa còn lưu lại vô số không gian để tưởng tượng, suy ngẫm cho độc giả. Đây cũng là lí do mà fanfic đồng nhân Ma đạo lại mọc ra nhanh và nhiều đến thế.
So với Phong Lộng, thì triết lí của Mặc Hương Đồng Xú khá giản đơn đến mức truyền thống, xoay quanh chân ngụy, thiện ác, trả giá và giới hạn của sự cảm thông. Ngay cả triết lí về việc đối diện với nhân vật 2D trong Hệ thống tự cứu cũng chỉ ở mức đặt vấn đề.
4. Ngữ Tiếu Lan San: Đệ nhất bạo tiếu
Nhiều người viết hài nhảm, nhưng viết được đều tay đến thành phong cách và trường phái đặc thù, đến thời điểm hiện tại chỉ duy nhất có Ngữ Tiếu Lan San. Tiếu hiểu sự phù phiếm, xốc nổi, nông cạn của người đời và cường điệu hóa nó trong tác phẩm của mình. Những ai đang muốn học hỏi về nắm thóp dư luận, hãy cắp sách sang học Tiếu. Điểm tinh quái của Tiếu là cho những thằng rất tỉnh, rất quyết đoán như Thẩm Thiên Lăng nấp trong cái vỏ ngốc manh, khiến nhiều người tưởng nó nhược, nó bạch liên bánh bèo.
Thực tế thì, đấy cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của Tiếu: thụ phải nhược, dù thụ có cường cũng phải tỏ ra nhược để công phấn đấu. Tất cả các anh công của Tiếu, ngay cả một anh thổ phỉ cũng phải giàu. Không cho vợ cuộc sống sung túc không xứng đáng làm công.
Tiếu là đại diện cho con gái Trung Quốc hiện đại, lãng mạn nhưng thực dụng, phóng khoáng nhưng khôn ngoan, đòi hỏi thứ tình yêu trên cơ sở thỏa mãn về cả vật chất và tinh thần. Tiếu viết ngày càng dài, không phải vì Tiếu không biết tiết chế đâu, mà vì… sau khi truyện nhập VIP, càng nhảm, càng dài thì Tiếu càng kiếm bộn.
Nhưng Tiếu à, vật cực tắc phản, vẫn là nên tém tém lại đi =_=
5. Mê Dương: Đệ nhất thú tính
Độc giả mới sẽ rất nhiều người khinh bỉ Mê Dương: cốt truyện lỏng lẻo sơ sài, chủ yếu toàn để đẩy nhân vật lên giường, mà H còn không kích thích, nóng bỏng bằng nhiều tác giả sau này.
Nhưng ngoài việc đi đầu tạo một dòng văn ăn khách, đôi lúc, Dê lại hé lộ ra bút lực tả tình tinh tế bất ngờ, khiến người ta muốn khinh bỉ cũng không thể yên tâm mà khinh cho rốt ráo. Nhân vật của Dê có chiều sâu riêng trong cái vỏ não tàn, cho người ta niềm tin là nếu muốn, Dê hoàn toàn có thể viết không tồi một câu chuyện bình thường tử tế. Đôi lúc có cảm giác như vào những lúc mệt mỏi với cuộc đời, thị sẽ giải tỏa bằng cách viết ra những câu chuyện đơn giản và ngớ ngẩn, nơi con người ta hành động bản năng nhất, thú tính nhất, ngu xuẩn nhất, có thể làm ra những việc và thốt ra những câu bẩn thỉu đến không thể tưởng tượng được theo tiêu chuẩn lúc tỉnh táo bình thường.
Trong mỗi người đều có một Mê Dương như thế.
CẬN ĐẠI THẦN (xếp theo alphabet)
- Bạch Vân: Một trong những tác giả hiện thực hướng đời đầu thành công nhất. Tả tình, kể chuyện và viết H đều chắc tay, nhưng cốt truyện và ý tưởng không có gì quá xuất sắc.
- Chung Hiểu Sinh: Kế thừa trường phái Phong Lộng trong việc ném nhân vật vào một bối cảnh siêu đặc thù để nghiên cứu phản ứng tâm lý của họ. Ý tưởng cốt truyện từ tốt đến xuất sắc. Đáng tiếc bút lực không đều, dẫn chuyện cũng không quá có duyên, nên đa số thường bị nhàm chán ở khúc giữa.
- Đại Phong Quát Quá: Plot rất hay, nhưng bút lực chưa tới tầm, đọc xong cứ có cảm giác còn có thể viết lại cho hay hơn, sướng hơn được nữa. Thực sự đáng tiếc.
- Dịch Nhân Bắc: Không phải style yêu thích của mình, nhưng phải thừa nhận Dịch Nhân Bắc viết rất chắc tay, khai thừa chuyển hợp trọn vẹn; đỉnh cao là Xú hoàng và Biên thành phiến mã. Điểm gây khó chịu lớn nhất là sự căm thù kinh niên với phụ nữ, thậm chí gượng ép biến họ từ nạn nhân thành hung thủ, điển hình như trong Mã Phu.
- Nguyệt Hạ Tang: Nếu không kể đến những tác phẩm đầu tiên còn non nớt, thì Nguyệt Hạ Tang xứng đáng được xếp lên hàng tân đại thần. Không có kiếp sau và Ma vương kết hợp nhuần nhuyễn một tổng thể hài moe với những khoảnh khắc rơi lệ và triết lí. Không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ, tương quan bản chất người – ma, người – robot đã vượt qua kiểu khẩu hiệu há mồm trợn mắt trong phim siêu anh hùng Hollywood, để biến thành sự đối sánh nhẹ nhàng giản dị thấm vào gan ruột.
- Nhan Lương Vũ: Viết rất chắc, rất hấp dẫn, rất nhân văn, nhưng còn thiếu một chút đặc thù để lên hàng đại thần.
- Nhất Thế Hoa Thường: Cái gì cũng được, ai cũng phải nhớ đến tên, nhưng… cái gì cũng chưa đạt. Ví như hài nhảm, Ngữ Tiếu Lan San viết nhiều cùng lắm chỉ làm người ta thấy chán, còn Nhất Thế Hoa Thường khiến người ta đau cơ bụng cứng cơ miệng, mệt mỏi kiệt sức như vừa phải gồng mình qua một buổi cười nói xã giao.
- Priest: Ý tưởng hay, nhân vật hay, diễn biến hay, nhưng không hiểu sao lần nào cũng bị đuối về cuối, những triết lí tinh tế, sạch sẽ xuyên suốt truyện khi được tuyên ngôn ra ở thời điểm chốt lại trở nên khuôn sáo, rào trước đón sau.
- Từ Từ Đồ Chi: Tiêu biểu cho dòng văn được yêu thích hiện tại. Bút lực đủ dùng, nhưng chưa nhìn thấy điểm có thể đột phá. Khả năng cao là ở mãi cấp này.
- Tự Từ: Đa số cẩu huyết và buff không hạn độ, nhưng mô tả tâm lý nhân vật khá hay, logic và giàu cảm xúc.
- Wei Nora (Vi Nặc Lạp): Mới đọc một tác phẩm duy nhất Túy tử đương đồ, nhưng đã thấy được dáng dấp đại thần không cần bàn cãi. Cốt truyện và vấn đề đặt ra không mới, nhưng cách xây dựng nhân vật, xây dựng thoại và đặc biệt cách hành văn đủ để biến các tác phẩm cùng đề tài thành trẻ con tập viết.
PHẬP PHÙ, CHẤP CHỚI
- Thụy Giả: Quân túy trần hương đoạn đầu gây kì vọng bao nhiêu, đoạn sau lên gân và nhạt nhẽo bấy nhiêu. Các truyện khác cùng hệ liệt về cơ bản là không đứng được.
- Tiêu Đường Đông Qua: Chấp chới giữa kinh điển và đọc qua đường. Ưu điểm là văn phong vô cùng dễ chịu, khó gây ác cảm.
- Khốn Ỷ Nguy Lâu: Tác giả hiếm hoi viết được máu chó hay và thấm, nhưng viết không đều tay. Đa số cốt truyện thủng lỗ chỗ, nếu không phải nhờ tính cách nhân vật hay thì dứt khoát không đứng được.
- Lục Dã Thiên Hạc: Đã có thể xếp vào nhóm cận đại thần cho đến khi 2 tác phẩm siêu dông dài nhạt nhẽo là Hoàng thượng đừng nháo và Mất trí nhớ đừng nháo ra đời.
- Thanh Sắc Vũ Dực: List vào đây chỉ vì một tác phẩm duy nhất: Trẫm luôn cảm thấy có gì đó không đúng. Chính xác là một phần gần cuối của tác phẩm, khi nhân vật chính đối diện với việc bản thân và toàn bộ thế giới mình trân trọng bảo hộ hoá ra chỉ là một trò chơi trong mắt người khác. Mâu thuẫn và cách bóc tách khái niệm thực/ảo xuất sắc, điều mà ngay cả những tác phẩm xuyên thư xuất sắc như Hệ thống tự cứu của nhân vật phản diện cũng mới chỉ mon men chạm được bề ngoài. Tiếc là phần giải quyết cuối cùng lại quá đơn giản hoá.
- Phong Lưu Thư Ngai: Phong độ không phải phập phù, mà là lên xuống như thuyền thúng ngay trong từng chương.
DỄ ƯA
- Mạt Hồi
- Lữ Thiên Dật
- Vân Thượng Da Tử
OVERRATED/OUT OF DATE
- Lam Lâm: Cố để ngược trong lúc không có gì đáng ngược, gây ức chế và buồn cười. Cốt truyện vô lí yếu kém, chống đỡ bằng tâm lí nhân vật; nhưng tâm lí nhân vật lại không thuyết phục được ai. Một văn phong tốt chỉ để cho ra đời những thảm họa nghiêng bàn lệch ghế.
- Neleta: Dông dài nhạt nhẽo mà cứ tưởng đang nói điều to tát thú vị, một đại biểu nữa của chủ nghĩa không ốm mà rên.
- Nhĩ Nhã: Không có lỗi lầm gì, nhưng cũng không có gì đặc sắc đến mức không thể không đọc.
- Phong Duy: Văn viết không hề tệ, nhưng có một chút bệnh của Khuynh tẫn thiên hạ loạn thế phồn hoa, đem con ếch thổi thành con bò.
- Sài Kê Đản: Văn tục, nhân vật ATSM, chuyên nghề bẻ thẳng thành cong. Chuyển thể Sài Kê Đản là một sai lầm chiến lược khiến phim đam mỹ càng khó được chấp nhận ở thị trường đại lục.
- Tô Du Bính: Ngoài nhạt ra thì không có lỗi gì đáng kể.