Các buổi sinh hoạt sẽ trở nên thú vị hơn nhờ những trò chơi tập thể trong lớp học, qua đó, các thành viên trong lớp cùng thêm gắn kết và hiểu nhau hơn.
Những buổi sinh hoạt lớp cuối tuần sẽ bớt nhàm chán hơn rất nhiều nếu có một vài trò chơi tập thể xen kẽ các hoạt động bình xét, đánh giá, kế hoạch. Sau đây Quà Việt sẽ gợi ý một vài trò chơi tập thể trong lớp học mà bạn có thể tham khảo.
>> Trò chơi tập thể teambuilding cực hay và vui nhộn
Trò chơi tập thể trong lớp học – Trò chơi “Tìm động vật”
Quản trò chia làm ba vùng “Bầu trời, Mặt Đất, Dưới Biển”. Khi nhắc đến vùng nào thì các nhóm phải đọc ngay tên của một động vật sống tại vùng đó, khi đã đọc rồi không được đọc lại, tên động vật phải rõ ràng như chim gì? cá gì?
Thi tìm những con vật có từ láy
Cách chơi: Quản trò chia ra làm 3 – 4 nhóm, mỗi nhóm cử một bạn lên, quản trò sẽ ra mật hiệu cho các bạn là “Tìm những con vật có từ láy”
Ví dụ: chuồn chuồn, bươm bướm, …
Các đội viết tên những con vật này lên bảng. Trong vòng 5 phút đội nào viết được nhiều con vật có từ láy nhiều nhất thì đội đó thắng cuộc.
Trò chơi tập thể Đố nghề
Quản trò chia người chơi ra thành ba nhóm và mỗi nhóm cử một nhóm trưởng. Quản trò sẽ diễn tả hành động và nhóm trưởng có hai phút để bàn với nhóm sau đó trả lời xem là nghề gì. Quản trò phải diễn tả một hành động ít nhất ba lần, nhóm nào trả lời trước thì được thêm 1 điểm.
Trò chơi Múa hình tượng
Mỗi đội lần lượt cử một đại diện lên sân khấu (đứng trước đội mình) diễn tả hành động hay tạo dáng hình tượng một danh nhân, anh hùng dân tộc nào đó để cho đội mình đoán và nêu tên. Mỗi đội có năm lần ra lời đố, mỗi lượt trả lời quy định cho trả lời một lần, đội nào có nhiều câu trả lời đúng đội đó thắng.
Trò chơi tập thể trong lớp học Nếu thì
Nam, nữ ngồi riêng biệt, mỗi người trang bị một miếng giấy nhỏ. Quy định cho bên Nam ghi vào giấy bắt đầu bằng chữ “Nếu” – còn bên nữ bằt đầu bằng chữ “Thì”. Sau ba phút lần lượt mời một bạn Nam lên đọc câu của mình sau đó mời bạn Nữ tiếp tục đọc câu của mình … Trò chơi tiếp tục, hướng dẫn làm sao tất cả lần lượt tự giác đứng lên đọc câu của mình (như một trò chơi hát đối đáp), câu nào có ý nghĩa thì vỗ tay tán thưởng hoặc tặng quà lưu niệm.
Trò chơi tập thể Tôi bảo
– Quản trò hô: “Tôi bảo tôi bảo”
Người chơi hỏi: “Bảo gì bảo gì”
– Quản trò nói: “Tôi bảo các bạn vỗ tay hai cái”
Người chơi: vỗ tay hai lần
Khi quản trò hô “tôi bảo” thì người chơi phải làm theo. Nếu như quản trò không nói “tôi bảo” mà người chơi làm thì sẽ bị phạt
Trò chơi Mưa rơi
Người chơi trong phòng hoặc ngoài sân. Quản trò giơ tay lên cao thì nói “Mưa rơi mưa rơi” – quản trò đưa tay càng cao thì người chơi vỗ tay càng lớn – quản trò đưa tay thấp xuống thì người chơi vỗ tay càng nhỏ. Quản trò phải nhanh nhẹn đưa tay lên xuống liên tục – trò chơi không có phạt. Thích hợp tạo không khí sôi nổi với các lứa tuổi nhỏ.
Cùng nhau giải toán
Quản trò chia người chơi ra thành từng đội, mỗi đội cử một đại diện. Bắt đầu quản trò nói nhỏ với người đại diện đứng cuối ở mỗi đội một con số bất kỳ và bạn chạy về đội mình lấy số đó (VD: 18) cộng thêm 3 (là 21) dùng ngón tay viết kết quả lên lưng 1 người ngồi trước mình. Người thứ 2 nhận được số truyền từ dưới thì cũng phải cộng thêm 3 và viết lên người kế tiếp. Đến người cuối cùng đầu hàng, cũng nhận được con số mới rồi cộng thêm 3 và lấy kết quả lên báo vói người quản trò
Đội nào báo với quản trò đúng kết quả thì sẽ thắng, khi truyền số các bạn chỉ được viết lên lưng và không được nói.
Trò chơi tập thể trong lớp học – Nói và làm ngược
Người chơi xếp thành vòng tròn
– Quản trò hô: “Các bạn hãy cười thật to”
– Người chơi phải làm ngược lại là: “Khóc thật nhỏ”
– Quản trò hô: “Các bạn hãy nhảy lên”
– Người chơi phải làm ngược lại: “Ngồi xuống đất”
Quản trò sẽ chỉ người trong vòng tròn và nói một hành động nào đó, người chơi phải làm ngược lại. Quản trò có thể thể hiện bằng hành động không cần nói, nếu người chơi không làm ngược lại thì sẽ bị phạt.
Trên đây là một số trò chơi tập thể trong lớp học để buổi sinh hoạt thêm phần thú vị, giúp các em học sinh hào hứng hơn với mỗi giờ sinh hoạt cuối tuần và cũng là cơ hội để các thành viên trong lớp gắn kết với nhau hơn.