Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sau khi đã biết được tại sao lại hắt xì hơi nhiều, hay hắt xì là dấu hiệu gì, cùng tìm hiểu cách chẩn đoán và cách chữa hắt xì liên tục.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hắt hơi (hắt xì)?
Để chẩn đoán hắt xì hơi, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và khám lâm sàng bằng cách quan sát mũi và cổ họng người bệnh. Người bệnh cần trả lời các câu hỏi về bệnh sử cũng như các triệu chứng khác nếu có. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm dị ứng để tìm ra nguyên nhân gây hắt hơi hoặc hắt xì liên tục.
Những phương pháp điều trị hắt hơi (hắt xì)
Tùy vào nguyên nhân gây hắt xì hơi mà bạn sẽ có nhiều biện pháp khắc phục để lựa chọn, chẳng hạn như:
Đối với trường hợp hắt xì hơi liên tục vì dị ứng, bạn nên:
- Tránh xa tác nhân gây dị ứng
- Sử dụng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng đi kèm với hắt hơi, điển hình là hắt xì hơi chảy nước mũi liên tục. Bạn cũng có thể cần đến loratadine và cetirizine trong một số trường hợp.
- Tiêm ngừa dị ứng (chủ yếu dành cho những trường hợp dị ứng nghiêm trọng)
Cách chữa hắt hơi liên tục do nhiễm trùng
Với trường hợp hắt xì hơi liên quan đến cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm, bạn có thể khắc phục bằng cách:
- Uống nhiều nước
- Chú trọng việc nghỉ ngơi
- Sử dụng thuốc xịt mũi để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo uống thuốc kháng sinh hoặc kháng virus theo đúng chỉ định của bác sĩ để kết quả điều trị tốt như mong đợi, đồng thời ngăn chặn rủi ro kháng kháng sinh xảy ra.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hắt xì hơi?
Những thắc mắc về hắt xì nhiều là bệnh gì, hắt xì là dấu hiệu gì, hay tại sao lại hắt xì hơi nhiều… đã được giải đáp. Vậy, cách phòng ngừa hắt xì hơi liên tục là gì?
Một trong những cách tốt nhất để tránh hắt hơi là tránh tiếp xúc với các tác nhân khiến bạn hắt hơi. Bạn cũng có thể thực hiện một số thay đổi đơn giản trong nhà để giảm kích ứng, chẳng hạn như:
- Thường xuyên lau dọn, vệ sinh nhà cửa, hút bụi. Nếu có nuôi thú cưng rụng lông nhiều, người nuôi nên chủ động chải lông cho thú cưng hoặc cắt tỉa bớt, sử dụng các dụng cụ giúp lấy lông bám khỏi quần áo, ghế đệm…
- Vệ sinh giường nệm, chăn ga định kỳ để tránh ve rận, bụi bám. Giặt khăn tắm, khăn mặt trong nước nóng (thường trên 55°C) để khử khuẩn. Bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để làm sạch không khí trong nhà.
- Nếu tình trạng hắt hơi nghiêm trọng hơn, cần phải kiểm tra môi trường sống và làm việc để tìm bào tử nấm mốc. Trong trường hợp nặng, nấm mốc có thể hủy hoại nhà cửa.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu thêm về hắt hơi, hắt xì nhiều, cũng như biết được vì sao bị hắt xì liên tục, từ đó biết cách chữa hắt hơi liên tục.