Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu)
Bạch Đằng giang đâu chỉ là dòng sông của một vùng đồng bằng văn hoá mà còn là dòng sông của thơ ca, âm nhạc. Dòng chảy của sông Bạch Đằng là dòng chảy của thời gian, lịch sử hào hùng và những triều đại đã qua. Đối với sứ mệnh của dân tộc, sông Bạch Đằng tự hoa đời mình thành những chiến công. Con sông thiêng liêng ấy một lần nữa đi vào Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu và trở thành hình tượng thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Không dừng lại ở đó, “Bạch Đằng giang phú còn là tiếng nói về lòng yêu nước, niềm tự hào trước truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng là bản anh hùng ca bất khuất, đạo lý nhân nghĩa sáng ngời.
Với tầm nhìn của nhà chính trị, sự am hiểu thời cuộc của một nhà sử học và hơn hết là cái nhìn đa chiều của một nhà thơ, Trương Hán Siêu đã để lại một tác phẩm văn học xuất sắc, tiêu biểu cho thơ ca yêu nước thời Lý – Trần. Tiếng thơ là tiếng nói của một tác phẩm đỉnh cao trong thể phú.
Bạch Đằng giang phú được viết theo thể phú cổ. Thể phú này có trước thời Đường, có vần điệu, không phép đối, gần giống như bài văn xuôi dài cũng có khi như bài ca dài. Nguyên tác bài phú được viết bằng chữ Hán, lấy cảm hứng từ cuộc đối đáp của hai nhân vật chủ và khách. Khách là người yêu cảnh trí thiên nhiên nên du ngoạn đến sông Bạch Đằng để thưởng thức vẻ đẹp hào hùng lưu dấu những chiến công. Chủ là các vị bô lão, những người dân địa phương đã từng chứng kiến hoặc đã tham gia vào một giai đoạn lịch sử hào hùng ấy. Nhân vật chủ có thể là nhân vật có thật hoặc hư cấu mà tác giả xây dựng nên nhằm giãi bày cảm xúc, nỗi niềm.
Phú sông Bạch Đằng cũng như những bài phú khác, có bố cục bốn phần. Phần mở đầu đã tái hiện vẻ đẹp của sông Bạch Đằng qua cảm nhận của nhân vật khách. Thông qua lời giới thiệu, nhân vật khách xuất hiện là một người có tâm hồn phóng khoáng, thích vẻ đẹp thiên nhiên, chuộng ngao du bốn bể để thưởng ngoạn nước non, tìm hiểu danh thắng.
“Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.”
Giọng thơ sang sảng đúng với khí chất của khách, phép liệt kê theo lối định danh, miêu tả kết hợp với biện pháp ước lệ đã lần lượt trình bày cảm nhận của khách khi nhắc đến vẻ đẹp của một số địa danh nổi tiếng đất Trung Hoa “Nguyên Tương, Vũ huyệt, Cổ giang, Ngũ hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng…”Những cảnh vật ấy có phần xa xôi, mơ hồ theo công thức nhằm tạo không khí, tâm thế của vị khách đang thưởng ngoạn để từ không gian rộng, tác giả thu hẹp lại, cho người đọc hướng gần hơn, thực hơn đến sông Bạch Đằng. Cách liệt kê, bày trí những địa danh Trung Hoa trước khi dẫn vào sông Bạch Đằng nằm ngoài mục đích tạo cơ sở cho sự xuất hiện của chủ thể chính là sông Bạch Đằng. Cách sắp xếp này còn có một dụng ý nữa là tạo nên cái nhìn so sánh, đối chiếu giữa cảnh ở Trung Quốc và cảnh Việt Nam. Không cần dựa vào cảnh non nước xứ người mà ngay trên đất nước ta cũng có những dòng sông kiêu hãnh. Dù đi đến chốn nào vẫn không thể so sánh được với cảnh sắc quê nhà. Ngay đoạn đầu, khách đã tự vẽ chân dung là một kẻ sĩ có hiểu biết sâu rộng, có tình cảm tha thiết với thiên nhiên và chọn chữ nhàn để vui buồn cùng sông núi.
Một số địa danh gắn bó với sông Bạch Đằng, tiêu biểu cho thời khắc oai hùng của lịch sử nhẹ nhàng xuất hiện trong hành trình của khách.
“Qua cửa Đại than, ngược bến Đông triều,
Đến sông Bạch Đằng, bồng bềnh mái chèo”
Đại Than, Đông Triều nơi nào mà không tươi đẹp, nơi nào mà không tạo nên dải bờ cõi oai hùng. Cách liệt kê này đã bày ra trước mắt chúng ta cảnh sông núi hữu tình đổng thời soi vào đấy là gương mặt tự hào của khách. Sông Bạch Đằng hùng vĩ, tráng lệ đã ở ngay phía trước.
“Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời: một sắc
Phong cảnh ba thu”.
“Sóng kình” hay “kình ba” là những cơn sóng lớn có ở mặt sông rộng. Cảm giác “sóng kình” mang đến là sự choáng ngợp trước thiên nhiên bao la kết hợp với vẻ đẹp nhiều chiều của “đuôi trĩ” (diêu vỹ) liên tưởng đến bóng núi sừng sững phản chiếu trên mặt nước tạo thành một vệt dài xanh thâm thẩm. Màu sắc này vừa mở không gian rộng ra theo chiều dài vừa tạo độ sâu của nước. Màu trời, màu nước hòa vào nhau, nước trong xanh như tấm gương phản chiếu mây trời đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, sinh động.
Vừa mới đó không khí còn tạo cảm giác phấn khởi, hào hứng thì cái nhìn của khách đã đột ngột chuyển sang cảnh vật u hoài man mác.
“Bờ lau san sát.
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy
Gò đầy xương khô”
Giọng thơ đang dồn dập, vút cao cùng mây trời bỗng bất ngờ chùng xuống, lắng sâu, chậm rãi. Khi nhìn thấy phía kia là bờ bãi hoang vu, um tùm lau sậy và cũng chính là nơi ghi dấu nỗi đau thương, mất mát của người xưa thì tâm tư khách bỗng buồn thương, luyến tiếc. Một thời khốc liệt còn ám ảnh nơi này, dòng sông lạnh lẽo, xương cốt tàn khô trong gò đống rải rác ven bờ. Nỗi xót xa làm dấy lên niềm hoài cổ cùng với niềm buồn thương trải khắp lòng người.
“Buồn vì cảnh thảm
Đứng lặng giờ lâu
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.
Tiếc cho thời đã qua cũng là thương cho những anh hùng ngã xuống. Bao nhiêu tráng sĩ đã mãi mãi không về, họ không tiếc máu xương bảo vệ nền độc lập còn bản thân thì không còn cơ hội để ngắm dòng sông này trong lúc thanh bình. Dù đoạn thơ cuối phần đầu có ảm đạm, có hiu hắt nhưng không thể mất đi vẻ hùng vĩ của dòng sông lịch sử. Bạch Đằng giang qua cách miêu tả sinh động của Trương Hán Siêu nổi bật với những nét liên tục biến hoá như một con người. Sông chuyển mình, tâm trạng của khách cũng thay đổi. Có thể thấy tâm trạng này hòa chung dòng điếu cổ thương kim của lớp thi nhân trung đại cũng là cách dẫn dắt người đọc ngược dòng chảy thời gian trở về năm tháng bi hùng trong trận đánh Mông Nguyên.
Tiếp nối dòng cảm xúc đang ngưng đọng, u hoài, nhà thơ đã khéo léo khi dựng lại sự kiện lịch sử dân tộc mình trên sông Bạch Đằng thông qua lời kể của các bô lão. Trương Hán Siêu không lựa chọn một chủ thể đối đáp khác mà là các vị bô lão, đó là sự lựa chọn có chủ ý.
“Bên sông các bô lão hỏi ta sở cầu
Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau”
Nhớ đến giai đoạn chống Mông Nguyên không thể không kể về sự góp mặt của các vị bô lão được vua trần mời về điện Diên Hồng họp mặt. Hơn ai hết, họ là những người gắn bó với chiến công, và là nhân chứng sống còn của thời đại. Thế nên muốn phục dựng lại quá khứ chân thật thì các vị bô lão là lựa chọn hoàn hảo nhất. Các vị ấy như dấu gạch nối giữa hai thời đại, những chiến công bất tử theo năm tháng được kể lại qua giọng âm vang sử thi của bô lão thì mới có thể khơi gợi tâm thức người nghe. Lối trần thuật chuyển dịch thời gian từ hiện đại về quá khứ theo giọng kể trầm hùng.
“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa thuở trước, Ngô chúa phá Hoằng Thao”
Một không gian bến sông Bạch Đằng nhưng mở ra hai thời điểm khác nhau. Dòng sông trước mắt yên ả là vậy nhưng đâu biết được rằng xưa kia từng là chiến địa khốc liệt khi nhị thánh bắt tên thủ lĩnh quân Mông Nguyên là Ô Mã Nhi, cũng là nơi Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán. Lúc đó, sông đầy ắp thuyền bè, quân lính dàn hàng, cờ hiệu bay phấp phới. Không khí đâu yên bình đậm sắc xanh của thu ba như hôm nay mà ồn áo, chát chúa tiếng gươm khua, giáo gãy, cả âm thanh của ngựa hí dài, tiếng đau thương khi gươm gãy, đầu rơi. Không khí nặng nề ấy che phủ cả vầng nhật nguyệt, bầu trời trên đầu cũng nhuốm màu u ám.
“Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ
Bầu trời chừ sắp đổi”
Nhiều hình ảnh thiên nhiên ước lệ cùng với cách liệt kê ngắn gọn, đoạn phú đã tái hiện khung cảnh chiến địa dữ dội để từ đó dòng sông tạo nên một vẻ đẹp có tầm vóc của vị anh hùng lập nhiều công trạng. Bạch Đằng giang sục sôi, gầm thét theo gót tráng sĩ hoà vào trận thế của đoàn quân Sát Thát.
“Tất Liệt thế cường,
Lưu Cung chước dối.
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi.
Thế nhưng:
Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.”
Đến đoạn này, nhịp thơ nhanh, gấp rút, giọng thơ trầm hùng, chắc khỏe đã góp phần khắc họa tình thế cam go và sự đối đầu căng thẳng của cuộc chiến cũng là chuyển tải được cảm xúc của người kể khi nhắc đến trận đánh oanh liệt trên sông. Bạch Đằng giang dậy sóng khi đoàn quân của kẻ ngang ngược đem giọng điệu dối trá mà kéo sang đánh chiếm bờ cõi nước ta. “Tất Liệt thế cường”, “Lưu Cung chước dối, chúng đã từng kiêu căng, ngang tàng biết mấy khi nghĩ rằng gió ngựa quân Mông Nguyên có thể san bằng thành vách, chôn đi hào luỹ nước Nam. Chúng hả hê há mồm to để mong nuốt chửng Đại Việt nhỏ bé, thế mà chính chúng lại bị dòng sông Bạch Đằng cùng với hào khí của quân Trần làm cho tiêu tán. Nước sông Bạch Đằng cuồn cuộn chảy nhấn chìm tham vọng bá chủ của kẻ ngoại xâm, đập tan mưu đồ thôn tính của triều đại phương Bắc. Nếu tên tuổi của các vị anh hùng thời Trần như hai vị vua Trần, Trần Quốc Tuấn…lưu danh thiên cổ thì tên của những kẻ cậy thế cường Hốt Tất Liệt, Lưu Cung, Ô Mã trở thành mối nhục lớn. Tự hào làm sao với cái nhìn so sánh giữa những trận thuỷ chiến lớn của Trung Quốc và trận đánh trên sông Bạch Đằng. Lịch sử Trung Hoa đã từng hết lời ca ngợi khi Chu Du dìm hơn trăm vạn quân Tào Tháo trong biển lửa ở Trận Xích Bích. Trần Hợp Phì là mồ chôn trăm vạn quân Bồ Kiên nước Tần. So với những dấu ấn đấy, trận Bạch Đằng không hề thua kém về cả quy mô hoành tráng và tầm vóc lịch sử. Đến đây, tác giả không chỉ thành công trong việc phục dựng lại thời khắc quan trọng của đất nước mà còn khơi gợi lòng biết ơn của thế hệ sau đối với sự hy sinh quên mình của người đi trước đồng thời ngời sáng niềm tự hào về tên tuổi của những vị anh hùng hào kiệt không hề thua kém bất cứ nước lớn nào.
Hình tượng dòng sông được lấy làm điểm xuất phát, từ đó quá khứ được dựng lại. Một lần nữa bắt đầu từ thời điểm quá khứ, tác giả đưa người đọc về hiện tại để có cái nhìn tổng quan về tiến trình lịch sử dân tộc. Phải chăng qua đó nhà thơ muốn nói rằng dấu ấn của quá khứ luôn song hành cùng với cuộc sống hiện tại. Thời gian có thể làm mây trôi, nước chảy nhưng đâu đó vẫn vang vọng thanh âm của tiếng gươm khua, tiếng ngựa hí dài và nỗi nhục chiến bại của kẻ thù mãi chưa rửa sạch.
“Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi”.
Vị vua Trần Minh Tông đã từng có cùng dòng suy nghĩ khi đứng trước bóng chiều rực rỡ xuống Bạch Đằng giang.
“Giang thuỷ đình hàm tàn nhật ảnh
Thác nghi chiến huyết vị tằng can”
(Nước sông chan chứa rọi bóng mặt trời chiều đỏ ối/ còn ngỡ là màu chiến trường thuở trước chưa từng khô)
Đoạn phú đã thực sự kết nối được cảnh xưa và đời nay để nhắc nhở chúng ta về kỳ tích oanh liệt muôn đời không gì có thể lãng quên được. Cũng là để tạo cho chúng ta, thế hệ sau này một niềm tin mạnh mẽ về nội lực của dân tộc, về tầm vóc của đất nước mình.
Sang phần phú thứ ba, tác giả đã kể lại lời bàn luận của các vị bô lão về nguyên nhân chiến thắng của trận đánh trên sông Bạch Đằng. Nguyên nhân này cũng dựa trên ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trước hết ta thấy yếu tố thiên thời dựa trên sự hiểu biết về thời thế, nắm lấy cơ hội để phất ngọn cờ chính nghĩa “Từ có vũ trụ, đã có giang san”. Yếu tố địa lợi thể hiện rõ ở vị thế hiểm trở, đặc thù địa lý và dòng chảy của sông Bạch Đằng. Hai yếu tố này có quan trọng nhưng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ nằm ở yếu tố con người “nhân tài giữ cuộc điện an”. Con người là yếu tố hàng đầu, chủ chốt quyết định sự thành bại của cuộc chiến. Hãy nhớ về những sự kiện lịch sử đã qua mà đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống quân Mông Nguyên. Nếu thiếu đi tài trí, sức mạnh, mưu lược của các vị anh hùng thì sẽ không thể chuyển bại thành thắng, lấy ít địch nhiều.
Phép so sánh quen thuộc giữa nhân tài Trung Quốc và nhân tài Việt Nam không phải lần đầu xuất hiện trong dòng văn chương yêu nước của các chí sĩ. Ở Trương Hán Siêu ta lại có cái nhìn khái quát về tầm vóc của vị anh hùng kiệt xuất Trần Quốc Tuấn.
“Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Duy Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn.
Khi trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.”
Những cái tên như Lã Vọng, Hàn Tín đều là người có năng lực, biết xoay vần thời thế. Hơn hết họ từng lập nên chiến công hiển hách. Lã Vọng bàn kế ở bến sông “Mạnh Tân” để cùng các chư hầu lật đổ vua Trụ. Hàn Tín dùng kế tháo nước sông Duy Thuỷ làm ngập thành đánh quân Tề. Tác giả nhắc đến họ không với mục đích ca ngợi họ mà nhằm tôn vinh vị đại thánh của dân tộc mình. Bến Mạnh Tân gợi nhớ bến Bình Than, sông Duy Thuỷ nhắc về sông Bạch Đằng. Thế nên Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn có khác nào Hàn Tín, Lã Vọng năm xưa.
Nghĩ về sông, tác giả lại nhớ đến vị danh tướng lẫy lừng. Tâm trạng bùi ngùi nhớ tiếc, thái độ trân trọng khắc ghi công ơn thể hiện qua giọt nước mắt và gương mặt ủ dột của các vị bô lão.
“Tiếng thơm còn mãi,
Bia miệng không mòn.
Đến chơi sông chừ ủ mặt,
Nhớ người xưa chừ lệ chan”.
Giọt lệ đã lột tả được giây phút trầm lắng, nghẹn ngào tưởng nhớ những người đã từng lưu dấu nơi đây, giờ chỉ còn là niềm luyến tiếc. Giọng thơ trang trọng như một phút tưởng nhớ trang nghiêm đến các vị anh hùng đã ngã xuống giữ yên bờ cõi. Tình cảm ấy sẽ mãi cuộn trào như nước sông Bạch Đằng như bia đá không mòn trước thời gian.
Phần cuối bài phú là khúc ca về những suy ngẫm của các bô lão nói đến sự hưng vong của đất nước qua hình ảnh sông Bạch Đằng mênh mông.
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”
Phần dịch thơ đã chuyển nguyên tác chữ Hán thành thơ lục bát để gần gũi với người đọc và mang dư âm của một khúc ca tráng lệ. Dù phần nào đã mất đi giọng điệu sảng khoái, trầm hùng nhưng hình ảnh thơ vẫn gợi được từng lớp sóng cuồn cuộn của sông Bạch Đằng như trôi mãi theo dòng thời gian bất tận. Dòng sông có linh hồn như một vị thần đất nước sẽ cuốn đi những kẻ bất nhân, gian tà và lưu danh tên tuổi các vị anh hùng. Trong tâm thức của nhân dân, đại diện là các bô lão, quan niệm về người anh hùng không chỉ là những người nổi tiếng, có tên tuổi mà còn là tất cả các vị tráng sĩ đã ngã xuống thầm lặng. Cách đánh giá này phù hợp với cái nhìn đời thường, chân thành mà lịch sử của một dân tộc cần phải có.
Trên nền chiến thắng, các bô lão đã nhắc đến hình tượng hai vị thánh có vai trò đặc biệt trong cuộc đối đầu với quân xâm lược.
“Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.”
Mấu chốt của sự thành bại nằm ở “đức cao”. Chúng ta có thể hiểu “đức” là lòng yêu dân như con của các vị vua anh minh. Đức còn là khát vọng đánh đuổi kẻ thù, tự lập tự cường để với mục đích bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Nhờ vua ta có đức lớn, chí cao nên mới có thể thu phục được toàn dân, toàn quân trên dưới một lòng để dựng nên ngọn cờ chính nghĩa.
Nhân vật khách cũng là Trương Hán Siêu, một vị đại quan dưới bốn triều đại nhà Trần, một con người chí khí ngút trời và trung dũng cũng vẹn tròn. Cái nhìn của ông về các vị vua là cái nhìn của lịch sử dân tộc ca ngợi công đức, tài chí của vua Trần. Cái nhìn này tuy đứng về một phía nhưng vẫn có sức khái quát, tổng thể và nhìn nhận khách quan về sự ảnh hưởng của nhà nước phong kiến và quyền lợi nhân dân.
Với dung lượng ngôn từ tương đối lớn, lời văn biền ngẫu giàu nhịp điệu, sử dụng nhiều hình ảnh hài hòa, tương xứng, Bạch Đằng giang hiện lên vừa sinh động vừa cụ thể xứng đáng là một dòng sông của lịch sử, của thời đại anh hùng. Từ một dòng sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu gợi cho người đọc về một dải non sông gấm vóc nhìn từ góc độ văn hoá. Để mỗi chúng ta có thêm sự hiểu biết về vẻ đẹp của giang sơn Đại Việt từ đó có thái độ đúng đắn đối với chiến công của thế hệ người đi trước.
Phú sông Bạch Đằng cho người đọc có cái nhìn toàn diện về hình tượng con sông sử thi. Từng dòng chữ là ngòi bút vượt qua trở ngại thời gian để bất tử hoá trang anh hùng ca thống thiết. Dù chưa một lần đặt chân đến cửa Đại Quan, bến Đông Triều và cũng không tượng tận mọi điều về thời khắc sống còn của con sông Bạch Đằng trước sức mạnh quân thù. Nhưng ngòi bút của Trương Hán Siêu đã gợi cho lòng bao thế hệ trẻ sau này niềm tự hào về truyền thống oai hùng “định vũ công, hưng văn trị” của cha ông.