Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn, một nhà trí thức Nho học lỗi lạc của nước ta vào thế kỷ XVI. Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta nhớ đến phong cách thơ mang đậm chất triết lý giáo huấn, ngợi ca chí khí và thú thanh nhàn của kẻ sĩ; đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Một minh chứng tiêu biểu cho phong cách đó là bài thơ Nhàn. Nhàn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Trạng Trình về thơ đạo lý, được rút ra trong tập “Bạch vân quốc ngữ thi”, có thể được viết trong thời gian tác giả cáo quan ở ẩn. Bài thơ chính là lời tuyên ngôn cho một quan niệm sống giữa thời đại xã hội phong kiến khủng hoảng. Đó là lối sống nhàn, sống thanh cao, hòa hợp với thiên nhiên và vượt lên cái tầm thường, xấu xa của cuộc sống bon chen, danh lợi.Trong văn học trung đại nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, Nguyễn Bỉnh Khiêm có một vị trí rất đặc biệt. Ông sống gần như trọn vẹn trong một thế kỷ, chứng kiến những biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Ông học hành, thi đỗ làm quan nhưng thời gian làm quan lại vô cùng ngắn ngủi so với cuộc đời của ông. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm tới đời sống văn hóa, chính trị nước nhà vào khoảng thời gian đó lại không hề nhỏ. Cho đến tận ngày nay, vẫn có nhiều câu chuyện mang tính giai thoại, truyền thuyết về ông cho thấy sức ảnh hưởng của ông với cả triều đình lẫn nhân dân. Trạng Trình không những được nhân dân yêu mến, kính trọng mà còn được vua quan lúc bấy giờ vô cùng tín nhiệm, thường xuyên tham khảo ý kiến của ông. Thế kỷ XVI là thế kỷ bắt đầu những suy thoái của triều đình phong kiến, chính trị nước nhà có nhiều rối ren. Nguyễn Bỉnh Khiêm vì không muốn nhuốm màu danh lợi nên đã rút lui khỏi chốn quan trường, trở về với núi rừng, dựng am, lập quán để dạy học. Sự uyên thâm và thông tuệ của ông đã được truyền lại cho các thế hệ học trò, một lần nữa khẳng định vị trí của ông đối với đời sống văn hóa nước nhà lúc bấy giờ. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XVI với những bài thơ giàu tính triết lý, thể hiện nhân cách cao đẹp của ông. Nhàn như một lời tâm sự nhẹ nhàng mà sâu sắc về quan niệm sống của nhà Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mở đầu bài thơ là bức tranh phản ánh cuộc sống nhàn nhã, ung dung của tác giả:“Một mai, một cuốc, một cần câuThơ thẩn dầu ai vui thú nào”.Bằng cách sử dụng điệp từ “một” kết hợp với các hình ảnh: “mai”, “cuốc”, “cần câu” cùng với cách ngắt nhịp 2/2/3 đều, chậm vừa phải, câu thơ đầu diễn tả trạng thái ung dung, nhàn tản của kẻ sĩ khi trở về thôn quê. Hiện ra trước mắt người đọc là một lão nông tri điền với những công việc bình dị hằng ngày, làm bạn với những dụng cụ nhà nông. “Một” vẫn là số từ chỉ số ít nhưng được lặp lại kết hợp với phép liệt kê gửi ra sự đầy đủ, sẵn sàng. Những vật dụng này được bày ra gợi sự gần gũi, quen thuộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa được cái bình dị, dân dã vào thơ ca chứ không chỉ là những điển tích, điển cố đã cũ trở thành mẫu mực của thơ Đường. Cuộc sống lao động được miêu tả rõ nét là vậy nhưng lại không gợi cảm giác mệt mỏi, khổ cực mà lại gợi sự ung dung, là niềm vui của nhà thơ. Vui vì được lao động, được sống giản dị như bao người dân bình thường khác. Không chỉ có vậy, sau những giờ lao động, câu thơ còn diễn tả phút giây thư giãn thú vị của kẻ sĩ. Hình ảnh “cần câu” gợi đến một thú vui và những giây tĩnh lặng mà thảnh thơi. Cuộc sống của nhà thơ đâu chỉ là những chuỗi ngày làm việc, ngày này qua ngày khác mà ông còn được nghỉ ngơi, thư giãn với thú điền viên của mình. Câu thơ như gợi đến một lão nông tri điền chẳng để tâm cuộc sống xô bồ, tấp nập ngoài kia. Nhàn dần được gửi ra đầy đủ hơn ở câu thơ thứ hai “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. “Thơ thẩn” là từ láy tượng hình gợi tư thế, dáng điệu chậm rãi thảnh thơi. Trong dáng “thơ thẩn” như có cả trạng thái không tính toán, không bon chen, không nặng nề. Đó là một cuộc dạo chơi không có chủ đích song lại rất chủ động. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ đẩy từ “thơ thẩn” lên đầu câu như càng nhấn mạnh hơn phong thái ung dung, khác biệt của mình với thế giới xung quanh. Nhịp thơ 2/5 như tách câu thơ thành hai vế, một bên là trạng thái “thơ thẩn” của trạng Trình với một bên là “dầu ai vui thú nào” – chính là cuộc sống ngoài kia, là lựa chọn của số đông. Trong lời thơ không một chút băn khoăn, đắn đo mà là lời khẳng định chắc nịch lại nhẹ nhàng của một người đã thấu tỏ triết lý cuộc đời và thấu hiểu những mong muốn của bản thân mình. Câu thơ ẩn chủ ngữ nhưng vẫn gợi được sự đối lập của chủ thể trữ tình với “ai” kia. Nếu câu thơ đầu tiên nêu sự việc thì câu thơ thứ hai lại ngầm ẩn nhiều cảm xúc. Có thể thấy vẻ đẹp giản dị tự nhiên của bài thơ được thể hiện ngay từ cách lựa chọn từ ngữ, giọng điệu thơ. Các từ ngữ nôm na, dân dã được sử dụng kết hợp với cấu tạo câu thơ như một lời nói tự nhiên trong cuộc sống, tạo ra nét nghệ thuật độc đáo. Đúng như Phan Huy Chú từng nhận xét: “Văn chương ông tự nhiên nói ra là thành, không cần gọt giũa, giản dị mà linh hoạt, không màu mè mà có ý vị, đều có quan hệ đến việc dạy đời”. Như vậy hai câu thơ đầu trong bài thơ gợi đến cái nhàn trong công việc, trong cuộc sống và sâu hơn nữa đó chính là cái nhàn của một tâm thế.
Nếu như hai câu thơ đầu trong bài đưa đến cho người đọc tâm thế nhàn của một kẻ sĩ thì hai câu thơ sau lại dẫn người ta tới một khía cạnh khác của nhàn: đó là cái nhàn trong lựa chọn:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,Người khôn, người đến chốn lao xao”.Hai câu thơ này đã phá vỡ tính qui phạm của văn học trung đại. Hai câu thực lại thực hiện chức năng của hai câu luận, mở rộng bàn bạc về nhàn, về những lựa chọn của bản thân. Hai câu thơ đã khai thác triệt để phép đối. Một bên là “ta” với “dại” ở nơi “vắng vẻ”, một bên là “người”, là “khôn”, là “chốn lao xao”. Cặp câu thơ này không chỉ mang sự đối lập về từ loại mà còn là sự đối lập ý, về những lựa chọn, những lối sống. “Ta” muốn sống ở nơi vắng vẻ hay chính là tìm đến chốn thiên nhiên thuần khiết để sống tự do, an yên, để giữ cho tâm hồn thành thơi, nhân cách thanh tao. Đó không phải là lánh đời, là xuất thế mà là cách lựa chọn để làm những điều mình thích, để rũ sạch bụi trần. Còn “người”? “Người” thì tới “chốn lao xao” hay chính là nơi quan trường ồn á, xô bồ, nơi danh lợi bon chen. “Chốn lao xao” phải chăng chính là nơi quan trường, là nơi con người chạy đua, tranh giành về quyền lợi, vật chất, tiền tài. Vì những danh lợi đó mà ở chỗ lao xao con người sẵn sàng làm mọi hành động trái với luân thường đạo lý để đạt được mục đích của riêng mình. “Nơi vắng vẻ” gợi đến vùng quê dân dã, gắn liền với thiên nhiên, mang lại cho con người cái “an”; còn “chốn lao xao” lại là đua chen quan trường hay chính là ẩn chứa cái “nguy”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình là “dại” còn cho rằng người là “khôn” vì dại – khôn đối lập nhau mà những lựa chọn cũng trái ngược hẳn. Dại – khôn đã nhiều lần được Trạng Trình nói tới trong thơ của mình như một cách nói người đầy ẩn ý, sâu sắc lại pha chút mỉa mai. Đã có lần ông viết:
“Khôn mà hiểm độc là khôn dại Dại mà thật thà ấy dại khôn”.
“Dại” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cái “dại” của một bậc đại trí, với trí tuệ lớn, nhân cách đẹp. Ông thấu tỏ lẽ thịnh suy, vong tồn của một cuộc đời để chọn lối sống thanh thản tự nhiên. Vậy nhàn chính là một lựa chọn, một lối sống thể hiện sự mẫn tiệp và minh triết trong trí tuệ của bậc đại hiền triết Nguyễn Bỉnh khiêm.
Nhàn không chỉ là những thứ trừu tượng xa xôi, nhàn còn ở ngay trong những sinh hoạt đời thường, trong những cảm nhận về cuộc sống xung quanh tươi đẹp:
” Thu ăn măng trúc đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.
Khác với quy định về thể loại, hai câu luận bàn luận về vấn đề như chức năng vốn có mà lại tập trung kể về cuộc sống sinh hoạt giản dị của nhà ẩn sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm như muốn kể ra những sinh hoạt thường ngày mộc mạc tự nhiên. Bốn mùa Thu – Đông – Xuân – Hạ được nhắc tới không phải để chỉ bức tranh tứ bình hay tứ quý mà lại gợi thời gian quanh năm, bốn mùa với những sản vật đặc trưng. Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn một lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với sinh hoạt bốn mùa tràn đầy hương vị và màu sắc. Bằng điệp từ “ăn”, “tắm” được lặp lại kết hợp với các hình ảnh liệt kê “măng trúc”, “giá”, “hồ sen”, “ao” cùng với các từ chỉ thời gian, câu thơ đã khắc họa được nếp sinh hoạt lặp lại tuần hoàn của tác giả. Sự giản dị ở đây là những món ăn dân dã, đạm bạc có sẵn trong tự nhiên thuần khiết, thuận theo “mùa nào thức ấy”, chẳng phải nhọc công, vất vả tìm kiếm mà luôn có sẵn, gần gũi, quen thuộc. Không chỉ là những món ăn mà “trúc” và “sen” còn gợi tới phẩm chất, khí tiết thanh cao của người quân tử. Cuộc sống đã dân dã với những sinh hoạt hằng ngày như “ăn”, “tắm” nhưng lại gợi được niềm vui thú riêng của nhà thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa tới trước mắt người đọc một khía cạnh khác nữa của nhàn. Nhàn là sống thuận theo tự nhiên, là lôai sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Dường như triết lý sống ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm có nét gần gũi với triết lý “vô vi” của Đạo giáo hay sự thoát tục của Đạo Phật. Nhưng ẩn sâu trong đó chính là tinh thần sống thanh cao, khí tiết đạm bạc để giữ gìn nhân cách của bậc đại nho. Trong văn học trung đại các nhà nho thi sĩ thường sáng tác theo một mẫu, theo công thức có sẵn. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tuân thủ theo những công thức ấy trong việc miêu tả bức tranh sinh hoạt theo bốn mùa. Bằng phép đối tương đồng giữa hai dòng thơ và hai vế trong một dòng, tác giả đã diễn tả khoảng thời gian trọn vẹn xuyên suốt năm. Dù bốn mùa không được sắp xếp theo trật tự quy luật của tự nhiên nhưng vẫn nằm trong vòng tuần hoàn theo thời gian khép kín. Tuy nhiên ta nhận thấy sự khác biệt vì thời gian luôn lặp lại theo vòng tuần hoàn, không mất đi mà trở lại nguyên vẹn. Chính vì quan niệm ấy mà con người trong văn học trung đại sống rất ung dung, tự do, tự tại tận hưởng cuộc sống. Họ sống một cách nhàn tản, an yên không chút vướng bận với cõi nhân gian. Còn thời gian trong văn học hiện đại được quan niệm mất đi không trở lại nên con người luôn phải sống vội vàng, gấp gáp. Mọi thứ trôi đi nhanh chóng mà chẳng chờ đợi ai, cũng chính vì thế mà con người chẳng thể nhận ra được nhiều vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên cuộc sống. Như vậy, thời gian trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như muốn nhấn mạnh về đẹp cuộc sống nhàn tản, giữ gìn phẩm chất, xa rời công danh tầm thường. Như vậy có thể thấy, nhàn không chỉ trong công việc, trong lựa chọn mà nhàn còn hiện hữu trong chính những sinh hoạt thường ngày. Nguyễn Bỉnh Khiêm một lần nữa đã dựa vào hình ảnh dân dã của thơ Nôm trung đại tạo nên xu hướng bình dị hóa bên cạnh khuynh hướng trang nhã.
“Kết lại bài thơ,Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa đến căn cốt, cơ sở của thú nhàn. Rượu đến bóng cây ta hãy uống,Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.Ở đây tác giả đã sử dụng điện tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An được công danh, phú quý rất mực vinh hiển, sau bừng tỉnh dậy thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng, dưới cành hòe phía Nam chỉ có một cái tổ kiến mà thôi.
Sử dụng điển tích ấy, tác giả đã nói lên thái độ coi thường công danh phú quý. Phú quý tiền bạc đối với ông chỉ là cuộc sống của những kẻ xấu xa, tầm thường. Điều đó ông vẫn căm ghét và phê phán trong bài thơ “Thói đòi”:
“Ở thế mới hay người bạc ácGiàu thì tìm đến khó tìm lui”.Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người tài hoa, trí tuệ thì phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. Chính ông đã từng đỗ Trạng nguyên, làm quan lớn có tiếng và được trọng dụng. Tuy nhiên, tiền bạc của cải không phải là điều mà ông nghĩ đến và tham vọng. Đó không phải là mục đích, lẽ sống của ông. Với ông phú quý chỉ là chiêm bao, tỉnh dậy sẽ tan biến, không bao giờ là mãi mãi. Điều đó cho thấy một nhân cách lớn một trí tuệ lớn. Hai từ “đến”, “sẽ” được đặt nối tiếp như một sự chủ động đón nhận chứ đâu phải thẳng thốt tiếc nuối như Thuần Vu Phần khi tỉnh mộng năm xưa? Sự ung dung tự tại đó một lần nữa nâng tầm nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Nhìn xem” là cái nhìn của một người đứng ngoài, đứng cao hơn mà nhìn, mà đánh giá. Vì thế trong ánh mắt “nhìn xem” có cái thanh tao, xa lánh danh lợi, có cái nhìn, cái cười mỉa mai với những kẻ tham lam đua tranh.
Nguyễn Bỉnh khiêm đã thoát khỏi cái vòng quay đó để vui với thú vui của mình. Nhưng nhà thơ tìm đến rượu liệu có phải để say, để vui? Dường như đó là một tâm sự giấu kín. Là một nhà nho nhưng lại không thể cống hiến, sự lánh đời chỉ là một điều bất đắc dĩ, ông chọn ở ẩn là để giữ gìn nhân cách, xa lánh danh lợi chứ đâu phải là để quay lưng với cuộc đời, với đất nước, với nhân dân.
Như vậy, nhàn không chỉ là một trạng thái, một lối sống mà đó chính là một lựa chọn, một nhân cách, một tấm lòng. Nhàn cũng không phải là lánh đời mà chỉ là xa lánh danh lợi, thoát khỏi vòng “hiểm độc”. Nhàn không phải là thoát tục mà là để đề cao nhân cách sống thuận theo tự nhiên dựa trên những thông tuệ về lẽ đời, về nhân thế.
Bằng những sáng tạo và những sự phá vỡ tính qui phạm, vừa trang nhã lại vừa có xu hướng bình dị, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện một lối sống thanh cao, coi thường phú quý. Ông đề cao cuộc sống bình dị hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên. Đó là lối sống là lựa chọn của những con người có nhân cách thanh tao, khí chất của một nhà nho trong tâm thế của một đạo sĩ. Chính những đặc sắc đó đã khiến cho bài thơ vượt qua giới hạn của một bài thơ giáo huấn để trở nên hấp dẫn hơn. Nó không chỉ thể hiện được nhân cách của nhà thơ mà còn gửi gắm cả những xúc cảm chân thành sâu sắc. Bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ vì thế đã vượt qua thử thách thời gian để sống mãi trong lòng bạn đọc, vượt qua khoảng cách về thời đại, về văn hóa để trở nên hấp dẫn hơn.
Bài viết của Minh Thu – Học sinh lớp Văn cô Ngọc Anh.
Xem thêm:
Cảm nhận bài thơ “Nhàn” – Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tham khảo các bài văn mẫu cơ bản tại chuyên mục: https://thichvanhoc.com.vn/van-mau/co-ban/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học